Căng thẳng Mỹ - Trung xung quanh cuộc chiến Huawei, cảnh báo những rủi ro về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, Iran thông báo tăng sản lượng urani làm giàu ở cấp độ thấp, Thủ tướng Anh Theresa May sẽ từ chức vào ngày 7/6... Đó là một số tin tức quốc tế được dư luận quan tâm trong tuần qua.
Căng thẳng Mỹ - Trung xung quanh cuộc chiến Huawei
Ngày 20/5, Chính phủ Mỹ đã tạm hoãn thực thi lệnh cấm vận thương mại được đưa ra từ tuần trước nhằm vào tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc. Động thái này được cho là nhằm hạn chế những rắc rối gây ra cho khách hàng của Huawei trên toàn thế giới.
Lệnh tạm hoãn trên sẽ có hiệu lực tới ngày 19/8/2019, đồng nghĩa với việc Huawei sẽ có thêm khoảng 90 ngày nữa để mua các hàng hóa do Mỹ sản xuất nhằm duy trì các mạng hiện có và cung cấp cập nhật phần mềm cho các thiết bị cầm tay Huawei hiện có.
Phản ứng trước động thái trên của Chính phủ Mỹ, ngày 21/5, trả lời phỏng vấn đài truyền hình CCTV, ông Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập Huawei khẳng định các hạn chế của Mỹ không gây tác động lớn vì Huawei đã có sự chuẩn bị trước. Ông cũng cho rằng Chính phủ Mỹ đang "đánh giá quá thấp các năng lực của Huawei".
Ngày 22/5, trong một tuyên bố đăng trên trang mạng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho rằng sức ép của Mỹ đối với các doanh nghiệp Trung Quốc như Huawei là hành động "bắt nạt" về kinh tế và nhằm ngăn cản quá trình phát triển của nước này. Ông cũng cho biết Bắc Kinh sẽ luôn để ngỏ cánh cửa đàm phán thương mại với Washington, song sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận bất bình đẳng nào.
Ngày 23/5, Bộ Thương mại Trung Quốc xác nhận đã gửi kháng nghị chính thức đến Mỹ về việc cấm vận thương mại đối với Huawei. Người phát ngôn bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong tuyên bố Mỹ đã làm leo thang đáng kể bất đồng thương mại và làm gia tăng nguy cơ nổ ra một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu.
Cùng ngày, phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng những quan ngại của Washington về các sản phẩm của Huawei có thể được giải quyết trong khuôn khổ cơ chế của thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Theo giới quan sát, động thái nhằm của Mỹ nhằm vào Huawei có thể coi là để gây sức ép với Trung Quốc trong bối cảnh đàm phán thương mại Mỹ - Trung đang lâm vào bế tắc.
Cảnh báo những rủi ro về tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Báo cáo về triển vọng và tình hình kinh tế thế giới (WESP) giai đoạn nửa năm 2019 do Liên hợp quốc công bố ngày 21/5 đã cho thấy thực trạng đáng lo ngại của nền kinh tế thế giới trong bối cảnh căng thẳng thương mại vẫn đang tiếp diễn, sự bất ổn về chính sách quốc tế và sụt giảm niềm tin kinh doanh.
Bản báo cáo của Liên hợp quốc cho thấy, tăng trưởng tổng thể của tất cả các nền kinh tế phát triển hàng đầu và các khu vực phát triển nhất trên thế giới đã bị suy yếu do sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố tác động từ cả bên trong lẫn bên ngoài.
Theo WESP, sau khi ghi nhận tốc độ tăng trưởng 3,0% trong năm 2018, tăng trưởng tổng sản phẩm thế giới dự báo sẽ giảm xuống còn 2,7% trong năm 2019 và cải thiện lên mức 2,9% trong năm 2020.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cảnh báo cuộc chiến thương mại đang leo thang giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc sẽ đe dọa tốc độ tăng trưởng toàn cầu trong năm 2019, xói mòn niềm tin và tăng giá cả tiêu dùng.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 23/5, nhà kinh tế trưởng của IMF – bà Gita Gopinath đã chỉ ra một thực tế rằng người tiêu dùng tại Mỹ và Trung Quốc đều phải gánh chịu hậu quả từ tình trạng căng thẳng về thương mại.
Nhà kinh tế trưởng của IMF nhận định, tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đối với tốc độ tăng trưởng toàn cầu chưa mạnh ở thời điểm hiện tại, song những căng thẳng mới phát sinh có nguy cơ tác động nghiêm trọng đến tâm lý thị trường tài chính và kinh doanh, phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu và đe dọa sự phục hồi dự báo tốc độ tăng trưởng toàn cầu trong năm 2019.
Iran thông báo tăng sản lượng urani làm giàu ở cấp độ thấp
Tuần qua, căng thẳng giữa Mỹ và Iran có nguy cơ bị đẩy lên một nấc thang mới khi Tehran thông báo tăng gấp 4 lần sản lượng urani làm giàu ở cấp độ thấp 3,67%, chỉ ít lâu sau khi nước này chính thức tuyên bố ngừng thực hiện một số cam kết trong bản thỏa thuận hạt nhân được ký kết năm 2015 – hay còn được biết đến với tên gọi Bản kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).
Thông tin trên đã được người phát ngôn Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) Behrouz Kamalvandi đưa ra trong cuộc gặp gỡ báo chí tại cơ sở hạt nhân Natanz, ngày 20/5.
Thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký năm 2015 quy định Iran chỉ được phép làm giàu urani ở tỷ lệ 3,67%, tức là thấp hơn nhiều so với mức 90% để chế tạo vũ khí hạt nhân và cũng thấp hơn mức 20% mà Iran đã thực hiện trước khi thỏa thuận hạt nhân được ký kết. Tehran được phép sản xuất urani có tỷ lệ làm giàu thấp với khối lượng tối đa 300 kg và lượng urani dư thừa có thể được bán ra nước ngoài để nhập lại urani tự nhiên. Iran có nghĩa vụ tuân thủ quy định này trong giai đoạn 15 năm.
Tuy nhiên, mức giới hạn này không còn được Tehran áp dụng sau khi Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố ngừng thực hiện một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân vào đầu tháng 5/2019. Đây được xem là một biện pháp trả đũa của Iran trước việc Mỹ đơn phương rút khỏi JCPOA vào năm ngoái và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Hiện Iran đang kêu gọi các nước châu Âu đưa ra những biện pháp cụ thể nhằm bảo vệ lợi ích của Iran trước các lệnh trừng phạt của Mỹ vào thời hạn 7/7 tới, nếu không thì Iran sẽ khởi động làm giàu urani ở gần cấp độ có thể chế tạo vũ khí.
Ngày 19/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa hủy diệt Iran, qua đó làm gia tăng quan ngại về khả năng xảy ra xung đột giữa 2 nước trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Tehran ngày càng leo thang.
Thủ tướng Anh Theresa May sẽ từ chức vào ngày 7/6
Ngày 24/5, Thủ tướng Anh Theresa May thông báo bà sẽ từ chức Chủ tịch đảng Bảo thủ vào ngày 7/6 tới sau khi không thể thuyết phục các nghị sỹ ủng hộ thỏa thuận Brexit (Anh rút khỏi Liên minh châu Âu - EU) mà bà đạt được với EU hồi cuối năm ngoái.
Trong một tuyên bố bên ngoài Văn phòng Thủ tướng Anh ở Phố Downing, bà Theresa May nhấn mạnh: "Việc tôi không thể thực hiện thỏa thuận Brexit sẽ luôn là điều hối tiếc sâu sắc đối với tôi. Tôi sẽ từ chức Chủ tịch đảng Bảo thủ và đảng Hợp nhất vào ngày 7/6 để một người kế nhiệm có thể được lựa chọn".
Trong tuyên bố, nhà lãnh đạo Anh cũng thừa nhận bà đã cố gắng 3 lần để thuyết phục Quốc hội Anh thông qua thỏa thuận Brexit, nhưng đều không thành công.
Quyết định của bà Theresa May sẽ mở đường cho đảng Bảo thủ bầu lãnh đạo mới và nước Anh sẽ có một Thủ tướng mới. Người kế nhiệm Thủ tướng May sẽ được lựa chọn theo tiến trình gồm hai giai đoạn, theo đó hai ứng cử viên cuối cùng sẽ đối mặt với một cuộc bỏ phiếu kín của 125.000 thành viên đảng Bảo thủ. Bà May sẽ là Thủ tướng tạm quyền của Anh trong suốt cuộc bầu cử lãnh đạo đảng Bảo thủ kéo dài khoảng 6 tuần.
Sau thông báo từ chức của Thủ tướng May, nội bộ Anh đã có những phản ứng trái chiều, trong khi đó, từ phía các nước EU đã có ý kiến lo ngại khả năng nước Anh rời EU mà không có thỏa thuận.
Cuộc đua giành ghế Thủ tướng Anh thay thế bà May hiện đang nóng lên với 7 ứng cử viên đến nay đã tuyên bố tham gia tranh cử với cam kết đưa nước Anh rời EU.
Mỹ bày tỏ lập trường cứng rắn trong vấn đề trừng phạt Triều Tiên
Ngày 21/5, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh các nước thành viên Liên hợp quốc cần tôn trọng các lệnh trừng phạt chống lại Triều Tiên, ngay sau khi đại diện thường trực Triều Tiên tại Liên hợp quốc nhắc lại lời kêu gọi trao trả một tàu hàng của nước này bị bắt giữ với cáo buộc vi phạm các lệnh cấm vận quốc tế.
Phía Triều Tiên cho rằng việc Mỹ bắt giữ tàu hàng Wise Honest là trở ngại lớn nhất trong việc nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân giữa hai nước. (Ảnh: MarineTraffic.com/Sergei Skriabin)
Tuy nhiên, phát ngôn viên này cũng tuyên bố Mỹ vẫn để ngỏ cánh cửa đàm phán với Triều Tiên, ngay cả khi tiến trình này đang lâm vào đình trệ sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 kết thúc mà không đạt được thỏa thuận.
Trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Tổng thống Mỹ D.Trump đã từng bày tỏ tin tưởng rằng Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sẽ thực hiện cam kết về phi hạt nhân hóa, đồng thời để ngỏ cánh cửa đàm phán ngoại giao với Triều Tiên để đạt được những tiến bộ tiếp theo trong mục tiêu này. Bên cạnh đó, phát ngôn viên này cũng bày tỏ quan điểm rằng, các lệnh trừng phạt quốc tế đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đưa ra vẫn tiếp tục được duy trì và phải được tuân thủ bởi tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc.
Thông điệp trên được phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra ngay sau khi tại một cuộc họp báo diễn ra cùng ngày ở trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), đại diện thường trực của Triều Tiên tại tổ chức này - ông Kim Song đã nhắc lại lời đề nghị Mỹ nhanh chóng trả tàu hàng Wise Honest mà nước này đã bắt giữ vào tuần trước với cáo buộc vi phạm các lệnh cấm vận của Mỹ và Liên hợp quốc. Đại diện ngoại giao Triều Tiên xem hành động trên của Mỹ là “phi pháp và vô nhân đạo”.
Indonesia: Biểu tình biến thành bạo loạn, nhiều người chết và bị thương
Đụng độ đã nổ ra giữa lực lượng an ninh và người biểu tình phản đối kết quả bầu cử ở Indonesia. Hơi cay, đạn cao su, đá, pháo… xuất hiện trên nhiều tuyến phố tại thủ đô Jakarta.
Thống kê mới nhất cho thấy ít nhất đã có 8 người thiệt mạng và hơn 900 người khác bị thương trong các cuộc đụng độ giữa đám đông và cảnh sát trong các cuộc biểu tình vào ngày 21 - 22/5 ở Indonesia, sau khi kết quả kiểm phiếu bầu cử được công bố.
Ngày 21/5, Ủy ban Bầu cử quốc gia Indonesia (KPU) đã công bố kết quả bầu cử, theo đó, cặp ứng cử viên gồm Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo và người liên danh tranh cử Ma'ruf Amin đã giành được 85 triệu phiếu bầu (chiếm 55,5%), trong khi đó cặp ứng cử viên Prabowo Subianto - Sandiaga giành được 68 triệu phiếu bầu (chiếm 44,5%).
Cặp ứng cử viên Prabowo Subianto- Sandiaga Uno đã từ chối kết quả kiểm phiếu cuối cùng mà KPU đưa ra và quyết định nộp đơn kiện lên Tòa án Hiến pháp trong ngày 24/5./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!