Trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường khi nhiều quốc gia đã ghi nhận những ca tử vong đầu tiên vì dịch bệnh, thế giới tuần qua (27/7 - 02/8) tiếp tục chứng kiến những căng thẳng tiếp tục “tăng nhiệt” từ một số điểm nóng trên thế giới.
WHO xác nhận COVID-19 là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu tồi tệ nhất
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (Ảnh: UN) |
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus vừa tuyên bố cho biết đại dịch đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do chủng mới của virus Corona, lây nhiễm cho gần 18 triệu người trên thế giới, được cho là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu tồi tệ nhất mà WHO phải đối mặt. Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng cảnh báo đại dịch COVID-19 là cuộc khủng hoảng y tế mà một thế kỷ mới xảy ra một lần, để lại những hệquả nghiêm trọng trong nhiều thập niên tới.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định: Ngày 30/7 đánh dấu tháng thứ 6 kể từ khi WHO tuyên bố COVID-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đang được quốc tế quan tâm. Đây là lần thứ 6 một tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu được tuyên bố theo Điều lệ y tế quốc tế, nhưng nó được cho là nghiêm trọng nhất.
“Khi tôi tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng ở quy mô quốc tế vào ngày 30/1 - mức báo động cao nhất trong luật pháp quốc tế - có chưa đầy 100 trường hợp bên ngoài Trung Quốc, và không có trường hợp tử vong nào”, ông cho hay.
Tuy nhiên, tốc độ lây lan của đại dịch COVID-19 đã tiếp tục tăng nhanh trên toàn thế giới. Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 02/8 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng số 17.998.940 ca mắc COVID-19 và có 687.786 ca tử vong vì dịch bệnh.
"COVID-19 đã thay đổi thế giới của chúng ta. Nó mang mọi người, cộng đồng, quốc gia xích lại với nhau; nhưng cũng đẩy họ ra xa nhau", ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nhắc nhở.
Tại cuộc họp giao ban ngày 27/7 tại Geneva, Thụy Sĩ, WHO cũng cho biết việc hạn chế đi lại không thể là biện pháp đối phó dài hạn với dịch bệnh, mà các quốc gia phải làm nhiều hơn để ngăn chặn sự lây lan bằng cách áp dụng các chiến lược đã được chứng minh hiệu quả như: giãn cách xã hội và đeo khẩu trang.
Ngày 31/7, WHO cũng đưa ra cảnh báo, mặc dù các nỗ lực phát triển vắc-xin đang diễn ra với tốc độ kỷ lục, nhưng thế giới phải học cách sống chung với COVID-19 và chiến đấu với nó bằng các công cụ mà chúng ta có.
Mỹ chính thức đóng cửa Tổng Lãnh sự quán tại Thành Đô (Trung Quốc)
Nhân viên an ninh Trung Quốc đứng gác trước khu nhà từng là Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô. Nơi đặt bảng tên Tổng lãnh sự quán đã được tháo gỡ và lấp lại. (Ảnh: Reuters) |
Giới chức Trung Quốc ngày 27/7 đã tiếp quản tòa nhà nơi từng là Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam nước này. Thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ: "Vào lúc 10h sáng 27/7, theo yêu cầu của phía Trung Quốc, Tổng Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô đã đóng cửa. Sau đó, nhà chức trách Trung Quốc đã tiếp quản tòa nhà này".
Trước đó, Bắc Kinh yêu cầu Mỹ đóng cửa Tổng Lãnh sự quán nước này tại Trung Quốc, nhằm đáp trả việc Washington đưa ra yêu cầu tương tự với Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Houston. Bắc Kinh nhấn mạnh việc đóng cửa Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô là "phản ứng chính đáng và cần thiết đối với các biện pháp vô lý của Mỹ", đồng thời cáo buộc rằng các nhân viên tại cơ quan ngoại giao này hành xử không đúng mực.
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, một số nhân viên Mỹ tại Thành Đô "đã tham gia các hoạt động ngoài thẩm quyền, can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, gây nguy hiểm cho an ninh và lợi ích của Trung Quốc". Trong khi đó, giới chức Washington lại cho rằng nhân viên ngoại giao Trung Quốc tại Houston đã tìm cách "đánh cắp những bí mật, nghiên cứu khoa học và y tế độc quyền" của công ty Mỹ.
Trung Quốc và Mỹ đang bất đồng về một số vấn đề quan trọng, trong đó có hoạt động thương mại, tình hình tại Khu đặc hành chính đặc biệt Hong Kong, vấn đề Biển Đông và nguồn gốc của virus SARS-CoV-2. Những đòn trả đũa lẫn nhau giữa hai nước trong thời gian gần đây đã khiến quan hệ song phương xấu đi nghiêm trọng.
Mỹ mở rộng quy mô trừng phạt Iran
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. (Ảnh: Reuters) |
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 30/7 cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ đã mở rộng quy mô các lệnh trừng phạt Iran liên quan đến kim loại, nhằm vào 22 vật liệu đặc biệt, trong đó có nhiều dạng vật liệu bằng thép, nhôm..., mà ông cho là đã được sử dụng trong các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo và quân sự.
Các lệnh trừng phạt của Bộ Ngoại giao sẽ cho phép Washington đưa vào danh sách đen bất cứ ai cố tình chuyển từ hoặc tới Iran các vật liệu, như than chì, hoặc các kim loại thô hoặc đã qua sơ luyện. Ngoại trưởng Mỹ lập luận rằng các chương trình hạt nhân, tên lửa đạn đạo và quân sự của Iran "đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế".
Trước đó, Mỹ đã trừng phạt lĩnh vực kim loại của Iran trong một động thái được cho là nhằm chặn nguồn thu nhập của nước này. Căng thẳng giữa Washington và Tehran gia tăng kể từ khi Tổng thống Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) mà các cường quốc và Iran đã ký, đồng thời bắt đầu tái áp đặt các trừng phạt từng được nới lỏng theo thỏa thuận này. Ngoài quyết định trừng phạt trên, Mỹ cũng đang tìm cách để duy trì các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc (LHQ) đối với Iran nếu lệnh cấm vận vũ khí hiện nay hết hiệu lực.
Vế phía Iran, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi tuyên bố, Tehran sẽ tiếp tục thực hiện chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình theo đúng các quy định của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei cũng bác khả năng đàm phán với Mỹ về các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Bên cạnh đó, ngày 28/7, Iran đã sử dụng mô hình tàu sân bay của Mỹ làm mục tiêu trong các cuộc tập trận ở vùng Vịnh.
Mỹ sẽ rút gần 12.000 binh sĩ khỏi Đức
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper. (Ảnh: AFP) |
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper ngày 29/7 thông báo nước này sẽ rút gần 12.000 binh sĩ đồn trú tại Đức và điều này là cần thiết về mặt chiến lược.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết trong số 34.500 binh sĩ hiện đang được triển khai ở Đức, khoảng 6.400 binh sĩ sẽ được hồi hương về Mỹ trong khi 5.600 người khác sẽ được tái định vị ở các nước NATO khác, đặc biệt là Bỉ và Italy. Bộ trưởng Mark Esper cũng cho hay việc thực hiện kế hoạch này sẽ mất tới nhiều tỷ USD và sẽ mất nhiều năm để tái triển khai số lượng binh sỹ này.
Ông Esper bảo đảm rằng mục tiêu này mang tính chiến lược, đặc biệt là sự răn đe chống lại Nga. Tuy nhiên, chỉ vài phút sau cuộc họp báo của ông tại Lầu Năm góc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã giải thích rằng việc rút quân này là do Đức từ chối "trả nhiều hơn". "Chúng tôi mệt mỏi vì là bồ câu" - Tổng thống Donald Trump phát biểu từ Nhà Trắng. "Chúng tôi đang giảm lực lượng vì họ không trả tiền. Điều đó rất đơn giản". Ông Donald Trump cũng cho rằng Đức đang tận dụng Mỹ trong thương mại và quân sự, trong khi Mỹ đang chi trả rất nhiều tiền cho nước này; đồng thời cũng ám chỉ rằng kế hoạch này có thể được sửa đổi nếu Đức chấp nhận tăng cường khoản đóng góp tài chính cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tuy nhiên, trước động thái này, tuyên bố chung của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Đức cho biết: “Chính phủ liên bang Đức lưu ý đến quyết định này và sẽ phối hợp chặt chẽ việc thực hiện với các quốc gia trong khu vực, chính phủ Mỹ và trong NATO". Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Đức Norbert Röttgen ngày 29/7 lên tiếng chỉ trích kế hoạch cắt giảm quân số của Mỹ ở Đức, cho rằng động thái này sẽ chỉ làm suy yếu NATO.
Nhật Bản - Trung Quốc hội đàm về quần đảo tranh chấp ở Biển Hoa Đông
Quần đảo Senkaku/Điếu ngư. (Ảnh: AP ) |
Dự kiến, các nhà ngoại giao hai bên cũng có thể sẽ đề cập tới hoạt động khoan thăm dò khí đốt của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông, một vấn đề tranh cãi lâu nay giữa hai nước.
Các nguồn tin ngoại giao ngày 30/7 cho biết các nhà ngoại giao cấp cao từ Nhật Bản và Trung Quốc có kế hoạch tổ chức hội đàm trực tuyến vào ngày 31/7 để giảm bớt căng thẳng liên quan tới quần đảo đang tranh chấp ở Biển Hoa Đông. Quần đảo Senkaku hiện do Nhật Bản kiểm soát, song Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.
Theo các nguồn tin trên, Vụ trưởng Vụ các vấn đề châu Á và Đại dương của Bộ Ngoại giao Nhật Bản Shigeki Takizaki dự kiến sẽ tổ chức họp trực tuyến để thảo luận về vấn đề này với Vụ trưởng Vụ các vấn đề biên giới và đại dương Hồng Lương của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Nguồn tin trên cho hay, cuộc hội đàm sắp tới được tổ chức theo đề xuất của Trung Quốc, dự kiến các nhà ngoại giao hai bên cũng có thể sẽ đề cập tới hoạt động khoan thăm dò khí đốt của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông, một vấn đề tranh cãi lâu nay giữa hai nước.
FED thông báo giữ nguyên lãi suất
Ông Jerome Powell - Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) (Ảnh: CNBC) |
Theo thông báo được đưa ra sau cuộc họp diễn ra 2 ngày (28 - 29/7) của Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), mức lãi suất cơ bản sẽ tiếp tục được duy trì ở mức thấp 0% đến 0,25%. Đây là quyết định đã được giới quan sát dự báo từ trước, theo đó lãi suất vẫn được duy trì kể từ ngày 15/3 khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát.
FOMC cho biết mức tăng trưởng hiện nay đã tốt hơn so với thời điểm tồi tệ nhất trước đó, tuy nhiên vẫn chưa thể đạt được như mức trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Các quan chức thuộc FOMC đánh giá, mức tăng trưởng kinh tế Mỹ hiện nay đã tốt hơn so với vài tháng trước tuy nhiên vẫn chưa thể đạt được như mức trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra.
Cùng với quyết định trên, FED cam kết sẽ đưa ra các hành động mạnh mẽ để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, như tiếp tục duy trì mức lãi suất cho tới khi có thể tin tưởng rằng nền kinh tế Mỹ đã vượt qua được tác động của các sự kiện gần đây và trên đà đạt được mục tiêu ổn định việc làm và giá cả tối đa, cũng như duy trì giao dịch mua trái phiếu và các chương trình cho vay và thanh khoản nhằm đối phó với tác động của đại dịch./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!