Thế giới tuần qua tiếp tục chứng kiến một loạt sự kiện đáng chú ý từ: Tổng thống Bolivia Evo Morales tuyên bố cuộc đấu tranh vẫn tiếp diễn; Lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza có hiệu lực; Mỹ hy vọng sớm ký thỏa thuận thương mại với Trung Quốc; Liên minh châu Âu gia hạn trừng phạt Venezuela thêm một năm, đến Chính phủ Chile thông báo sửa đổi Hiến pháp…
Tổng thống Bolivia Evo Morales vừa công bố quyết định từ chức
sau 14 năm cầm quyền. (Ảnh: AP)
Nhiều chính phủ cánh tả và các nhà chính trị có tầm ảnh hưởng tại Mỹ Latinh đã lên án việc phe đối lập cầm đầu một “vụ đảo chính” nhằm vào Tổng thống Bolivia Evo Morales, sau khi ông này buộc phải ra thông báo từ chức do phải đối mặt với sức ép từ quân đội trong bối cảnh làn sóng biểu tình sau bầu cử đã leo thang thành bạo lực.
Trước đó, ông Morales đã tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Bolivia ngày 20/10, trở thành vị Tổng thống tại nhiệm lâu nhất tại quốc gia Mỹ Latinh này sau 14 năm cầm quyền. Tuy nhiên, phe đối lập đã bác bỏ kết quả trên vì cho rằng, đã xảy ra tình trạng “gian lận” trong quá trình bầu cử. Diễn biến này đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình bạo lực diễn ra nhiều nơi trên khắp đất nước Bolivia, khiến 3 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương – trong một vụ việc được chính phủ của ông Morales xem là “một cuộc đảo chính”.
Dưới sức ép của quân đội và chính phủ, ngày 10/11, ông Morales đã thông báo quyết định từ chức nhằm đảm bảo rằng những người anh chị em và những người trung thành với ông không trở thành mục tiêu của những vụ tấn công hay những lời đe dọa. Tuy nhiên, nhà cựu lãnh đạo này cũng tuyên bố rằng, cuộc đấu tranh của ông vì hòa bình và sự bình đẳng vẫn chưa kết thúc.
Tổng thống Evo Morales khẳng định không chạy trốn và sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh cùng với nhân dân Bolivia để giữ lại những thành quả mà chính phủ của ông đã tạo dựng được trong hơn 1 thập kỷ qua. Tổng thống Morales cũng kêu gọi phe đối lập không nên phá hoại những thành quả mà đất nước đang có được về công bằng xã hội, tăng trưởng kinh tế và giảm thiểu đói nghèo, đồng thời bày tỏ hy vọng mô hình tự do mới không quay lại thống trị tại Bolivia.
Trong khi đó, Phó Tổng thống Alvaro Garcia Linera, người cũng đã tuyên bố từ chức, tố cáo phe đối lập đã "đánh cắp những lá phiếu ủng hộ Tổng thống Morales" với cuộc đảo chính vừa diễn ra, song cam kết sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh để quay trở lại vì một tương lại tốt đẹp của đất nước.
Lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza có hiệu lực
Phố Rimal ở trung tâm Gaza. Khói bốc lên sau các cuộc tấn công
ở phía Đông của thành phố. (Ảnh: UN)
Nguồn tin từ Ai Cập và nhóm Hồi giáo Jihad của Palestine cho hay các bên đã nhất trí về một thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza và thỏa thuận này có hiệu lực từ 5h30 ngày 14/11 theo giờ địa phương (10h30 theo giờ Việt Nam).
Theo một quan chức cấp cao của Ai Cập, thỏa thuận ngừng bắn trên là kết quả từ những nỗ lực của Ai Cập và thỏa thuận này đã được các phe phái Palestine, trong đó có nhóm Hồi giáo Jihad đồng ý.
Quan chức này cho biết thỏa thuận quy định các phe phái Palestine phải đảm bảo tình hình Gaza yên bình trở lại và giữ hòa bình trong các cuộc biểu tình, trong khi Israel phải ngừng các hành động thù địch và đảm bảo ngừng bắn trong thời gian diễn ra các cuộc biểu tình của người Palestine. Một người phát ngôn của nhóm Jihad cũng đã xác nhận thỏa thuận trên.
Làn sóng bạo lực mới bùng phát từ ngày 12/11 vừa qua sau khi Israel không kích nhà riêng của một thủ lĩnh nhóm Hồi giáo Jihad Baha Abu al-Atta, làm ông này và vợ thiệt mạng. Các tay súng ở Gaza đáp trả bằng hàng loạt vụ tấn công rocket. Trong tuyên bố được đưa ra, Bộ Y tế Gaza cho biết số người thiệt mạng đã tăng lên 23 người.
Trước tình hình trên, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc tại Trung Đông Nickolay Mladenov cho biết bạo lực tiếp tục leo thang "rất nguy hiểm". Đây là một diễn biến nhằm làm suy yếu các nỗ lực cải thiện điều kiện kinh tế xã hội vốn đã rất tồi tệ ở Gaza. Liên hợp quốc đang nỗ lực để xoa dịu tình hình khẩn cấp.
Mỹ hy vọng sớm ký kết thỏa thuận thương mại với Trung Quốc
Tổng thống Donald Trump phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế New York hôm 12/11. (Ảnh: AP)
Ngày 12/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump tin tưởng nước này đang “gần” tiến tới một thỏa thuận bước đầu với Trung Quốc và hai bên sẽ sớm ký kết thỏa thuận thương mại. Tuy nhiên, người đứng đầu Nhà Trắng cũng không quên nhắc lại lời cảnh báo sẽ áp thuế bổ sung lên hàng hóa Trung Quốc nếu như mọi việc diễn ra không suôn sẻ.
Thông điệp được ông Donald Trump đưa ra nhân dịp tham dự một sự kiện tại Câu lạc bộ Kinh tế ở New York (Mỹ) được cho là vẫn lường trước khả năng cuộc thương chiến kéo dài 19 tháng qua giữa hai nền kinh tế thế giới sẽ không thể giải quyết nhanh chóng.
Tổng thống Donald Trump cảnh báo, nếu Trung Quốc không chấp thuận các điều khoản thương mại mà Mỹ đưa ra, thì Mỹ sẽ tiếp tục tăng đáng kể mức thuế áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Ông Donald Trump đồng thời để ngỏ khả năng sẽ tiếp tục nâng thuế lên hàng hóa Trung Quốc nếu hai bên không đạt được thỏa thuận.
Tuyên bố trên được Tổng thống Donald Trump đưa ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang nỗ lực tiến tới bản thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1”, với hy vọng có thể bước đầu cởi bỏ được những quan ngại từ phía Mỹ liên quan tới các hoạt động kinh tế của Trung Quốc cùng một số yếu tố rào cản đang khiến nền kinh tế toàn cầu bị chững lại. Thông điệp trên cũng ngầm phát đi tín hiệu về việc nhà lãnh đạo Mỹ đang “tỏ ra không sẵn lòng” thỏa hiệp với Trung Quốc về hai vấn đề bao gồm: Thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản sang Trung Quốc và điều chỉnh các hoạt động vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của các công ty Trung Quốc.
Liên minh châu Âu gia hạn trừng phạt Venezuela thêm một năm
Ảnh minh họa. (Nguồn: taas.news)
Tuyên bố của Hội đồng châu Âu nêu rõ: "Trước cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế, xã hội và nhân đạo đang diễn ra tại Venezuela, với các hành động không ngừng làm suy yếu nền dân chủ, pháp quyền và sự tôn trọng nhân quyền, hôm nay, Hội đồng châu Âu gia hạn các biện pháp hạn chế đối với Venezuela thêm một năm, tới ngày 14/11/2020."
Các biện pháp trừng phạt trên bao gồm cấm vận vũ khí, cấm đi lại và "đóng băng" tài sản của 25 quan chức Venezuela.
Hội đồng châu Âu nhấn mạnh: "Các biện pháp này nhằm giúp ủng hộ các giải pháp dân chủ để mang lại sự ổn định chính trị cho quốc gia và cho phép Venezuela giải quyết nhu cầu cấp bách của người dân.
Các biện pháp này linh hoạt, có thể đảo ngược và không được tạo ra để gây tổn hại cho người dân Venezuela."
EU đã áp đặt trừng phạt đối với Caracas vào tháng 11/2017 "nhằm khuyến khích một tiến trình có ý nghĩa và đáng tin cậy, có thể dẫn tới một giải pháp hòa bình được thương lượng" và kể từ đó vẫn gia hạn các biện pháp hạn chế này.
Chính phủ Chile thông báo sửa đổi Hiến pháp
Biểu tình ở Santiago, Chile vào ngày 8/11/2019. (Ảnh: AFP)
Chính phủ Chile đã chấp nhận một trong những đòi hỏi của người biểu tình trong suốt 3 tuần qua khi ngày 10/11 thông báo chấp thuận “mở đường cho một bản Hiến pháp mới” thông qua một hội đồng soạn thảo.
Bộ trưởng Nội vụ Chile Gonzalo Blumel cho biết Hiến pháp mới sẽ do một hội đồng lập hiến soạn thảo và sau đó sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý.
Thông báo trên được ông Blumel đưa ra sau cuộc gặp với Tổng thống Sebastian Pinera và các nhà lãnh đạo của các đảng cánh hữu và trung hữu vốn không ủng hộ thay đổi Hiến pháp thi hành từ thời chính quyền nhà lãnh đạo Pinochet giai đoạn 1973 – 1990.
Theo kết quả một cuộc khảo sát do tổ chức Cadem công bố hồi đầu tháng 11 này, có tới 87% người dân Chile ủng hộ cải cách Hiến pháp.
Chile rơi vào tình trạng rối ren xã hội từ giữa tháng 10 vừa qua, ban đầu là các cuộc biểu tình phản đối việc chính phủ tăng giá vé tàu điện ngầm sau đó phát triển thành làn sóng phản đối những bất bình đẳng kinh tế và bất công xã hội.
Các hành vi quá khích của người biểu tình đốt phá, cướp bóc và đụng độ với cảnh sát xảy ra hằng ngày. Các vụ đụng độ trong 3 tuần qua đã khiến ít nhất 20 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương và gần 10.000 người bị bắt giữ./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!