Vụ phóng hỏa kinh hoàng tại xưởng phim ở Nhật Bản, quan hệ giữa Mỹ và Iran tiếp tục căng thẳng, Mỹ tuyên bố sẽ không bán máy bay F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ, nội các mới của Thái Lan tuyên thệ nhậm chức… là một số sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.
Vụ giết người hàng loạt nghiêm trọng nhất "đất nước Mặt trời mọc"
Ngày 20/7, Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã xử lý vụ cháy kinh hoàng tại xưởng phim Kyoto Animation vừa qua theo hướng đây là một vụ việc cố ý gây hỏa hoạn và giết người.
Xưởng phim Kyoto Animation bị thiêu rụi sau khi bị phóng hỏa. (Ảnh: NHK)
Vụ phóng hỏa xảy ra vào sáng 18/7, thủ phạm đã xông vào tầng 1 của xưởng phim Kyoto Animation và đổ xăng rồi châm lửa khiến xưởng phim này bị thiêu rụi. Thời điểm xảy ra vụ hỏa hoạn trong xưởng phim có 74 nhân viên đang làm việc. Số liệu cập nhật mới nhất cho thấy, 34 người được xác nhận đã thiệt mạng, trong khi 34 người bị thương đang được điều trị tại bệnh viện.
Cảnh sát Nhật Bản cho biết, người đàn ông bị nghi ngờ là thủ phạm gây ra vụ hỏa hoạn nghiêm trọng nói trên được xác định là Shinji Aoba, 41 tuổi, một cư dân của thành phố Saitama, gần Tokyo. Theo cảnh sát, nghi can trên khai nhận đã dùng xăng phóng hỏa xưởng phim vì y cho rằng, xưởng phim đã ăn cắp ý tưởng cuốn tiểu thuyết của mình. Aoba hiện đang được điều trị tại bệnh viện do bỏng nặng. Các nhà điều tra có kế hoạch thẩm vấn Aoba khi sức khỏe của anh ta cải thiện.
Đây là vụ giết người hàng loạt nghiêm trọng nhất "đất nước Mặt trời mọc" trong gần 2 thập kỷ qua, kể từ sau vụ nghi tấn công bằng hỏa hoạn tại một tòa nhà ở thủ đô Tokyo năm 2001.
Giới chuyên gia nhận định vụ việc trên sẽ giáng đòn mạnh vào ngành công nghiệp phim hoạt hình nổi tiếng của "đất nước Mặt trời mọc", bởi xưởng phim này có ảnh hưởng lớn trong ngành công nghiệp hoạt hình nổi tiếng của Nhật Bản, với một danh sách lớn các sản phẩm mà họ đã sản xuất, như loạt phim hoạt hình dài kỳ "Sound! Euphonium".
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và các nhà lãnh đạo nhiều nước trên thế giới đã gửi lời chia buồn tới người dân Nhật Bản vì sự việc đau lòng này.
Quan hệ giữa Mỹ và Iran tiếp tục căng thẳng
Ngày 18/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo tàu tấn công đổ bộ USS Boxer của nước này đã bắn hạ một máy bay không người lái của Iran tại Eo biển Hormuz, trong một diễn biến được cảnh báo sẽ “tiếp thêm lửa” cho mối quan hệ vốn đang căng thẳng giữa Washington và Tehran trong những ngày tới.Tàu tấn công đổ bộ USS Boxer của Mỹ hành trình trên Thái Bình Dương, ngày 29/5/2019.
(Ảnh: Hải quân Mỹ/thedefensepost.com)
Theo thông tin do nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra thì chiếc máy bay không người lái của Iran đã ngay lập tức bị tiêu diệt.
Tuy nhiên, trái với những tuyên bố trên của giới chức Mỹ, trong một thông điệp phát đi cùng ngày, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif nhấn mạnh, ông không nắm được thông tin về bất cứ một chiếc máy bay không người lái nào của Iran bị bắn hạ.
Những thông tin về vụ tàu Mỹ bắn hạ máy bay không người lái của Iran được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cho biết đã bắt giữ được một tàu chở dầu nước ngoài với cáo buộc buôn lậu dầu ở ngoài khơi vịnh Persian, gần eo biển Hormuz. Chi tiết về vụ bắt giữ đã được đăng tải trên cổng thông tin của một cơ quan chỉ huy hải quân IRGC, ngày 18/7.
Trước đó, trong một tuyên bố đưa ra ngày 17/7, ông Zarif đã bày tỏ quan điểm cứng rắn trước các hành động của Mỹ trong khu vực cũng như trạng thái căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Iran khi nêu rõ: “Bất cứ ai khơi mào chiến tranh với Iran thì cũng sẽ không trở thành người kết thúc cuộc chiến”.
Quan hệ giữa Mỹ và Iran trở nên căng thẳng từ tháng 5/2018 khi Tổng thống D.Trump tuyên bố đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 và tái áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo này. Vào tháng 5/2019, mối quan hệ Mỹ - Iran tiếp tục ghi nhận một “nấc thang đi xuống” khác sau khi Mỹ điều động binh sỹ và các khí tài nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực Trung Đông trong một động thái được phía Washington cho là nhằm bảo đảm năng lực “phản ứng trước các mối đe dọa tiềm tàng từ Iran và các mục tiêu phòng thủ”.
Mỹ tuyên bố sẽ không bán máy bay F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ
Phát biểu trong một phiên họp Nội các tại Nhà Trắng, ngày 16/7, Tổng thống Mỹ D.Trump tuyên bố nước này sẽ không bán máy bay chiến đấu tối tân F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Ankara quyết định mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 do Nga sản xuất.
Trong khi đó, phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, ngày 16/7, ứng cử viên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ do Nhà Trắng đề xuất – ông Mark Esper cũng chỉ trích việc Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mua S-400 của Nga là hành động “gây thất vọng”. Ông Esper ca ngợi Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên lâu đời và có năng lực của NATO, tuy nhiên, việc nước này quyết định mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga là điều “sai lầm”.
Ông Esper khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ phải lựa chọn giữa S-400 và máy bay chiến đấu F-35 chứ không thể sở hữu cả hai.
Thông điệp trên được các nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan xác nhận Ankara đã nhận được gói thiết bị S-400 đầu tiên do Nga bàn giao. Ông Erdogan tuyên bố, tất cả các hệ thống S-400 sẽ được triển khai đầy đủ tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 4/2020, đồng thời tiết lộ thêm rằng Ankara đang tìm kiếm cơ hội được cùng hợp tác với Moscow sản xuất các hệ thống phòng thủ tên lửa này.
Hiện Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đang theo đuổi các mục tiêu nhằm tăng cường năng lực phòng không của nước này, nhất là sau khi Mỹ quyết định rút tên lửa đất đối không Patriot khỏi lãnh thổ quốc gia thành viên NATO này vào năm 2015.
Cho tới nay, Mỹ đã ngừng chương trình đào tạo phi công Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng F-35 tại Mỹ. Trước sức ép của một số thành viên Quốc hội Mỹ, có khả năng trong những ngày tới, chính quyền Tổng thống D.Trump sẽ tiếp tục gia tăng sức ép lên Thổ Nhĩ Kỳ dựa trên Đạo luật trừng phạt chống lại các đối thủ của Mỹ thông qua lệnh trừng phạt (CAATSA) 2017.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, kịch bản này sẽ không trở thành sự thật bởi ông D.Trump đang lưu tâm nhiều hơn tới việc tạo thêm công ăn việc làm thông qua các hoạt động xuất khẩu vũ khí để giành được sự ủng hộ của các cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra vào năm tới.
Mỹ - Trung nỗ lực tìm giải pháp chấm dứt cuộc chiến thương mại
Ngày 18/7, các đại diện cấp cao Mỹ và Trung Quốc đã tiến hành điện đàm trong một nỗ lực nhằm tìm kiếm giải pháp chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài hàng năm qua giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Từ trái qua phải: Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer,
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin
tham gia đàm phán cấp cao tại Bắc Kinh (Trung Quốc), tháng 2/2019. (Ảnh: Xinhua)
Nội dung của cuộc điện đàm chưa được tiết lộ cụ thể, tuy nhiên, mọi việc dường như đã diễn ra suôn sẻ khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đề cập tới khả năng các quan chức Mỹ và Trung Quốc sẽ nối lại các vòng đối thoại trực tiếp sau sự kiện này.
Đây cũng là cuộc điện đàm thứ 2 giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh của lãnh đạo hai nước vào cuối tháng 6/2019 với kết quả đạt được một thỏa thuận “tạm ngừng cuộc xung đột thương mại đang tiếp diễn giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới”.
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 18/7, Văn phòng của Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer xác nhận ông Mnuchin và ông Lighthizer đã điện đàm với các đối tác Trung Quốc.
Mỹ và Trung Quốc đã bị đẩy vào một cuộc chiến thuế quan không khoan nhượng từ tháng 7/2018, trong bối cảnh Washington gây sức ép buộc Bắc Kinh thay đổi lối hành xử được cho là “không công bằng và phi pháp trong thương mại”. Mối quan hệ “không cơm lành canh ngọt” về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã tác động nghiêm trọng tới chuỗi cung ứng toàn cầu và thị trường tài chính thế giới. Tuy nhiên, cho tới nay, một giải pháp toàn diện cho vấn đề này vẫn còn là điều xa vời khi hai bên vẫn chưa có dấu hiệu thỏa hiệp và xích lại về lập trường để cùng tiến tới thỏa thuận.
Các vòng đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã bị đổ vỡ vào tháng 5/2019 do những bất đồng chưa thể thu hẹp. Tại cuộc gặp gỡ thượng đỉnh diễn ra ở Nhật Bản vào cuối tháng 6/2019, Tổng thống Mỹ D.Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí về một thỏa thuận ngừng các biện pháp gây sức ép về thuế, song diễn biến này cũng chưa đủ để khiến hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đạt được những tiến triển quan trọng trong giải quyết xung đột thương mại.
Trong một tuyên bố mới đây, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đã cảnh báo rằng tiến trình đàm phán thương mại giữa nước này với Trung Quốc sẽ kéo dài và phức tạp.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ D.Trump cũng vừa nhắc lại lời cảnh báo sẽ đánh thuế bổ sung lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và phàn nàn rằng cho tới giờ, Trung Quốc vẫn chưa tăng cường nhập khẩu hàng nông sản từ Mỹ theo như cam kết mà ông Tập Cận Bình đã đưa ra.
Nội các mới của Thái Lan tuyên thệ nhậm chức
Ngày 16/7, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha và các thành viên trong nội các của ông đã tuyên thệ nhậm chức trước Nhà Vua Maha Vajiralongkorn.
Nội các mới của Thái Lan gồm 39 ghế với 36 thành viên, trong đó có 3 vị trí kiêm nhiệm là Thủ tướng Prayut kiêm Bộ trưởng Quốc phòng, Phó Thủ tướng Jurin Laksanavisit thuộc đảng Dân chủ kiêm Bộ trưởng Thương mại và Phó Thủ tướng Anutin Charnveerakul thuộc đảng Tự hào nước Thái kiêm Bộ trưởng Y tế.
Trong cuộc họp đầu tiên sau buổi lễ, các thành viên nội các đến từ 19 đảng liên minh đã thảo luận về các nguyên tắc làm việc cùng nhau. Bên cạnh đó, một số vấn đề khác cũng được đưa ra thảo luận, đó là việc chuẩn bị cho một bản dự thảo chính sách và dự thảo ngân sách của chính phủ để trình bày trước Quốc hội trong vòng 15 ngày tới.
Các bộ trưởng trong nội các mới sẽ bắt đầu làm việc chính thức từ ngày 18/7.
Việc nội các mới của Thái Lan được thành lập, đánh dấu sự chấm dứt hoạt động của Hội đồng Quốc gia vì Hòa bình và Trật tự (NCPO) kể từ sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014. Đây cũng là bước hoàn tất quá trình thành lập chính phủ dân sự sau cuộc tổng tuyển cử ngày 24/3.
Ngày 24/3/2019, hơn 50 triệu cử tri Thái Lan đã đi bỏ phiếu để chọn ra nhà lãnh đạo mới của đất nước. Đây cũng là cuộc bầu cử đầu tiên theo Hiến pháp mới năm 2017, đánh dấu một bước quá độ sang thiết lập lại một chính phủ dân bầu.
Kể từ sau cuộc đảo chính quân sự vào tháng 5/2014, Tư lệnh quân đội Prayut Chan-o-cha lên nắm quyền điều hành đất nước với cương vị Thủ tướng Thái Lan.
WHO tuyên bố dịch Ebola tái phát là tình hình y tế khẩn cấp
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 17/7 nêu rõ sự bùng phát của dịch Ebola tại Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) đang là một tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng và được quốc tế đặc biệt quan tâm.
WHO định nghĩa tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng là "một sự kiện bất thường" cấu thành "nguy cơ sức khỏe cộng đồng đối với các quốc gia khác thông qua sự lây lan rộng rãi của căn bệnh" và "cần phải có phản ứng của quốc tế phối hợp".
Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được WHO tuyên bố sau khi Ủy ban khẩn cấp của Cơ quan y tế quốc tế về bệnh cúm Ebola ở CHDC Congo tổ chức một cuộc họp ở Geneva để thảo luận về việc liệu dịch có gây ra mối lo ngại quốc tế hay không. Cuộc họp là lần thứ tư ủy ban triệu tập để xem xét ổ dịch.
Ủy ban đã chỉ rõ sự phát triển gần đây của dịch Ebola ở CHDC Congo, trong đó trường hợp được xác nhận đầu tiên ở Goma, một thị trấn có gần 2 triệu người ở biên giới với Rwanda và đó là một điểm nhập cảnh lớn nhất giữa quốc gia ở châu Phi hạ Sahara và thế giới.
Trong khi đó, Bộ Y tế CHDC Congo cho biết dịch Ebola ở Congo hiện là dịch bệnh gây chết người lớn thứ hai trên thế giới với hơn 1.670 người đã nhiễm virus kể từ ngày 1/8/2018, trong khi hơn 2.500 người đã đổ bệnh. Trước đó, từ năm 2014 – 2016, dịch Ebola ở Tây Phi đã cướp đi sinh mạng của 11.300 người.
Đây là lần thứ 5 WHO phải công bố sự lan rộng của một căn bệnh ở cấp độ "tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu", tức nguy cơ bệnh có thể lan ra khắp thế giới, và việc công bố như vậy nhằm mục đích có được sự ủng hộ cả về chính sách và tài chính của nhiều nước để đối phó với dịch bệnh./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!