Thế giới tuần qua: Căng thẳng đan xen

Thế giới tuần qua (7 – 13/12) tiếp tục chứng kiến nhiều căng thẳng tái diễn giữa các quốc gia trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, các nước tăng tốc phát triển và thử nghiệm vaccine

Theo số liệu trên trang web thống kê worldometers.info, tính đến sáng ngày 13/12, thế giới đã có tới 72.103.223 ca mắc COVID-19 và 1.611.492 người đã tử vong do dịch bệnh này.

  Số lượng người mắc và tử vong do COVID-19 vẫn tiếp tục tăng cao. (Ảnh: AFP)

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngày 11/12, tuyên bố gần 1 tỷ liều vaccine tiềm năng phòng COVID-19 đã được bảo đảm theo chương trình COVAX nhằm cung cấp vaccine cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết 189 quốc gia đã tham gia chương trình COVAX.

Với 16.549.366 ca nhiễm và 305.082 ca tử vong, Mỹ tiếp tục là quốc gia có số ca nhiễm bệnh và tử vong nhiều nhất thế giới do đại dịch này. Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) tối 11/12 đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 do hai công ty Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) nghiên cứu bào chế. Vaccine của Pfizer và BioNTech đã chứng tỏ đạt hiệu quả đến 95% trong đợt thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối do các công ty này thực hiện. Mỹ trở thành quốc gia thứ sáu – sau Anh, Bahrain, Canada, Saudi Arabia và Mexico – cấp quyền sử dụng vaccine ngừa COVID-19. Bên cạnh vaccine của Pfizer, Mỹ cũng sẽ mua thêm 100 triệu liều vaccine của công ty Moderna, nâng tổng số hàng đặt vaccine này lên tới 200 triệu liều.

Trong khi đó, tại châu Âu, tổng số ca nhiễm COVID-19 vẫn tiếp tục gia tăng rất nhanh, khiến châu lục này vẫn là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới, với tổng số 19.659.959 ca, trong đó có 454.355 ca tử vong. Trong bối cảnh đó, Anh đã xúc tiến kế hoạch chủng ngừa quy mô lớn chưa đầy một tuần sau khi phê duyệt đưa vaccine Pfizer vào sử dụng theo cơ chế khẩn cấp. Các trung tâm ở Anh sẽ tiêm cho người trên 80 tuổi và một số nhân viên y tế. Nga cũng triển khai đợt tiêm chủng đại trà đầu tiên ở nước này từ ngày 5/12. Vaccine Sputnik V sẽ được ưu tiên tiêm cho các bác sĩ và nhân viên y tế, giáo viên và nhân viên làm công tác xã hội, là những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất.

Tuy nhiên, WHO cũng cảnh báo chỉ riêng việc tiêm phòng vaccine sẽ không thể đẩy lùi được đại dịch COVID-19, việc có vaccine và tiến hành chủng ngừa sẽ chỉ là bổ sung một công cụ quan trọng và sắc bén cho hệ thống các công cụ cần thiết để đối phó với đại dịch này. Điều đó có nghĩa thế giới không thể trông cậy quá nhiều vào vaccine mà vẫn phải triển khai quyết liệt tất cả các biện pháp phòng, chống dịch.

EU – Anh đối mặt với kịch bản không thỏa thuận hậu Brexit

Ngay trước thời hạn chót 31/12 tới, cả Anh và Liên minh châu Âu đều đang chuẩn bị những biện pháp để tránh tình trạng lộn xộn xảy ra, khi hai bên kết thúc thời kỳ chuyển tiếp mà không có thỏa thuận hậu Brexit.

 Ảnh minh họa. (Nguồn: Europa)

Trong cuộc gặp tại Brussels, Bỉ, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã nhất trí đặt thời hạn là ngày 13/12 để đưa ra quyết định chắc chắn về tương lai của cuộc đàm phán. Dù vậy, khoảng cách giữa hai bên vẫn còn rất lớn và không biết khi nào có thể được thu hẹp.

Sau nhiều ngày đàm phán với các cuộc điện đàm khẩn và cả cuộc gặp trực tiếp, Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 10/12 phải thừa nhận "nhiều khả năng" nước Anh sẽ giao dịch với EU theo “giải pháp Australia” – cách ông gọi một Brexit không thỏa thuận thương mại.

Trong ngày 11/12, các nhà đàm phán EU và Anh tiếp tục đàm phán tại Brussels, Bỉ, về việc có thể mở ra một lộ trình để đạt được thỏa thuận trong cuộc thảo luận mang tính quyết định vào cuối tuần này hay không. Hiện hai bên vẫn bất đồng về 3 nội dung cốt lõi cũng là những rào cản lớn trong các cuộc đàm phán thương mại song phương bấy lâu nay. Không chỉ là các lợi ích, những vấn đề được đề cập đều khá nhạy cảm, mang tính biểu tượng. Ví dụ như vấn đề đánh bắt cá, theo cách như Thủ tướng Anh tuyên bố thì yêu cầu của EU sẽ khiến “Anh là quốc gia duy nhất trên thế giới không có quyền kiểm soát chủ quyền đối với các vùng biển đánh bắt cá của mình”. Vấn đề đánh bắt cá theo chính sách của EU cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy cử tri Anh lựa chọn "dứt áo ra đi" vào năm 2016.

EU gia hạn trừng phạt kinh tế đối với Nga

Ngày 10/12, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định gia hạn thêm 6 tháng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.

Ảnh minh họa. (Nguồn: tellerreport)

Theo người phát ngôn của EU Barend Leyts, các biện pháp trừng phạt này sẽ kéo dài đến giữa năm 2021 và nhằm vào toàn bộ các lĩnh vực của nền kinh tế Nga như dầu mỏ, quốc phòng và ngân hàng.

Các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga bắt đầu từ sau khi máy bay MH17 của hãng Malaysian Airlines bị bắn rơi trên bầu trời Ukraine vào tháng 7/2014, khiến 298 người trên khoang thiệt mạng và định kỳ xem xét việc gia hạn trừng phạt 6 tháng/lần. EU khẳng định chỉ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt khi nào Thỏa thuận Minsk được thực thi đầy đủ. Đây là thỏa thuận được Nga và Ukraine ký năm 2015 với mục tiêu chấm dứt xung đột và tìm kiếm một giải pháp chính trị cho lực lượng nổi dậy ở hai vùng Donetsk và Lugansk ở Ukraine.

Theo thống kê, kể từ khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, các cuộc xung đột giữa lực lượng phiến quân với quân đội Ukraine đã cướp đi sinh mạng của hơn 13.000 người, đồng thời đẩy quan hệ giữa Nga và phương Tây vào tình trạng căng thẳng kéo dài.

Theo người phát ngôn của EU Barend Leyts, các biện pháp trừng phạt này sẽ kéo dài đến giữa năm 2021 và nhằm vào toàn bộ các lĩnh vực của nền kinh tế Nga như dầu mỏ, quốc phòng và ngân hàng.

Mỹ – Trung Quốc tiếp tục căng thẳng

Ngày 7/12, Mỹ thông báo trừng phạt tài chính và cấm đi lại với 14 quan chức Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc vì các hoạt động của họ liên quan đặc khu hành chính Hồng Kông, gồm vai trò trong vụ bãi nhiệm các nghị sĩ đối lập Hồng Kông vào tháng trước.

 Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh. (Ảnh: EPA)

Trung Quốc hôm 10/12 thông báo sẽ trừng phạt các quan chức Mỹ đã "cư xử tệ" về vấn đề Hồng Kông. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết nước này sẽ áp lệnh trừng phạt với "quan chức hành pháp, nghị sĩ quốc hội và nhân viên tổ chức phi chính phủ Mỹ có hoạt động không tốt trong các vấn đề liên quan đến Hồng Kông". Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đây là động thái đáp trả rõ ràng nhất của Trung Quốc nhằm đáp trả việc Mỹ sử dụng các vấn đề liên quan Hồng Kông để can thiệp nghiêm trọng tới công việc nội bộ của nước này. Bà Hoa cũng kêu gọi Washington "ngừng lấn sâu vào con đường sai lầm và nguy hiểm".

Tiếp sau đó, trong cuộc bỏ phiếu ngày 10/12, tất cả các thành viên của Ủy ban Truyền thông Mỹ (FCC) đã nhất trí thông qua việc yêu cầu các nhà mạng trong nước loại bỏ thiết bị viễn thông do Huawei sản xuất đồng thời cân nhắc việc rút giấy phép hoạt động của China Telecom Corp. tại Mỹ.

Trung Quốc – Australia căng thẳng về thương mại

Một loạt căng thẳng về thương mại và chính sách đối ngoại đã đẩy quan hệ Trung Quốc  Australia đến điểm thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

 Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Quốc hội Australia, ngày 8/12, đã chính thức thông qua đạo luật mới về quan hệ đối ngoại, theo đó chính phủ liên bang được quyền phủ quyết các thỏa thuận do chính quyền địa phương và các trường đại học ký kết với các tổ chức và chính phủ nước ngoài. Về nguyên tắc, luật này không loại trừ một quốc gia nào nên vì thế, không chỉ Trung Quốc mà bất kỳ quốc gia nào có thỏa thuận với chính quyền các cấp của Australia đều có thể trở thành đối tượng điều chỉnh của đạo luật này. Khi chính quyền liên bang Australia thấy thỏa thuận nào đe dọa tới lợi ích của họ thì sẽ can thiệp bằng cách ngăn cản hoặc hủy bỏ, chứ không chỉ riêng thỏa thuận với Trung Quốc. Tuy vậy, vào thời điểm hiện nay, khi quan hệ giữa Australia và Trung Quốc đang xấu đi sau giai đoạn gắn bó chặt chẽ, đặc biệt trên khía cạnh kinh tế và giao lưu nhân dân, thì Trung Quốc lại bị cho là đối tượng của luật này.

Ngoài ra, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia. Do vậy, sau khi Australia cấm Huawei tham gia xây dựng mạng 5G vào năm 2018 và đòi điều tra độc lập nguồn gốc đại dịch COVID-19 hồi tháng 4 năm nay, Bắc Kinh đã liên tiếp đưa ra các quyết định hạn chế nhập khẩu nhiều mặt hàng chủ lực của Canberra như: thịt bò, lúa mạch, than đá, gỗ, rượu vang...  và gần đây nhất là thịt cừu.

Trong hai ngày 7/12 và 8/12, Trung Quốc đã ban hành lần lượt lệnh cấm nhập khẩu thịt bò từ công ty chế biến thịt bò Meramist và lệnh cấm nhập khẩu thịt cừu từ hai nhà chế biến thịt cừu lớn nhất của Australia là Australia Lamb và JBS Brooklyn.

Chính phủ Australia để ngỏ phương án khiếu nại Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sau lệnh cấm nhập khẩu thịt cừu mới đây./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới