Tuần qua (30/1 – 5/2), trong khi đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục được đánh giá là đáng lo ngại trên phạm vi toàn cầu, thì thế giới lại phải chứng kiến căng thẳng leo thang trong mối quan hệ Mỹ – Trung vốn đã tồn tại nhiều bất đồng, những tuyên bố cứng rắn cho thấy tình hình bán đảo Triều Tiên sẽ còn diễn biến phức tạp, cùng với đó là bất đồng giữa người lao động và chính phủ Pháp hay vụ nổ khiến hàng trăm người thiệt mạng tại Pakistan…
WHO tiếp tục duy trì mức cảnh báo cao nhất về đại dịch COVID-19
Một người dân ở Tirana, Albania được tiêm vắc-xin COVID-19 mũi thứ ba. (Ảnh: WHO) |
Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến ngày 5/2, đã có 648.549.388 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 20.816.578 ca bệnh đang điều trị, có 20.774.864 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,8%) và 41.714 ca (chiếm 0,2%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện hoành hành tại 231 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
3 năm kể từ ngày tuyên bố COVID-19 là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên phạm vi quốc tế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 30/1 vẫn quyết định duy trì mức cảnh báo tối đa đối với đại dịch này. Quyết định này được đưa ra hai ngày sau cuộc họp lần thứ 14 của Ủy ban khẩn cấp về quy định y tế quốc tế của WHO, diễn ra vào chiều 27/1 trước đó và Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đồng tình rằng nên tiếp tục tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế về dịch bệnh này. Tiến sĩ Tedros cho biết rằng ông coi việc dỡ bỏ mức cảnh báo cao nhất là quá sớm.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hành tinh phải duy trì đà tiêm chủng "để đạt được mức độ bao phủ 100% cho các nhóm ưu tiên cao", lấy cảm hứng từ các khuyến nghị của nhóm tư vấn chính của WHO về vắc-xin và tiêm chủng (SAGE) về việc sử dụng vắc-xin và tiêm chủng liều tăng cường. WHO nhấn mạnh: “Các quốc gia thành viên nên lập kế hoạch tích hợp tiêm chủng ngừa COVID-19 vào các chương trình tiêm chủng suốt đời, đồng thời kêu gọi các quốc gia cải thiện việc báo cáo dữ liệu giám sát SARS-CoV-2 tại WHO. Đối với cơ quan của Liên hợp quốc, cũng cần có dữ liệu tốt hơn để phát hiện, đánh giá và giám sát các biến thể mới nổi; xác định những thay đổi đáng kể trong dịch tễ học của virus Corona; và hiểu được gánh nặng bệnh tật ở tất cả các vùng.
Khinh khí cầu làm căng thẳng Mỹ – Trung tiếp tục leo thang
Khinh khí cầu Trung Quốc được phát hiện trên bầu trời Mỹ. (Ảnh: AP) |
Những diễn biến xung quanh sự việc khinh khí cầu Trung Quốc nghi làm nhiệm vụ do thám trên bầu trời Mỹ không chỉ làm hỏng chuyến thăm Bắc Kinh đã được lên kế hoạch trước của Ngoại trưởng Mỹ, mà còn đe dọa làm đảo lộn những nỗ lực của cả hai nước nhằm ổn định mối quan hệ vốn đang ngày càng căng thẳng.
Theo Bloomberg, “khí cầu Trung Quốc” lần đầu được phát hiện hồi đầu tuần này, khi đang di chuyển phía trên bầu trời Montana – nơi đặt các hầm tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman III của Mỹ. Tuy nhiên, theo một quan chức Bộ quốc phòng Mỹ, khí cầu này chưa gây ra đe dọa về vật chất hay thông tin nào. Các quan chức cũng "không đánh giá cao" vật thể về khả năng tình báo. Theo Independent, khí cầu có kích cỡ ước tính bằng 3 chiếc xe buýt. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã thông báo với Tổng thống Mỹ Biden về sự việc, nhưng khuyến nghị không bắn hạ khí cầu để tránh các mảnh vỡ làm ảnh hưởng đến các khu vực dân cư. Ông Biden đã đồng ý với đề xuất đó.
Về phần mình, theo Tân Hoa xã, ngày 3/2, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo khinh khí cầu dân sự Trung Quốc xuất hiện ngoài ý muốn trong không phận Mỹ là bất khả kháng. Trong một tuyên bố, người phát ngôn trên cho biết đây là khí cầu dân sự được sử dụng cho mục đích nghiên cứu, chủ yếu là nghiên cứu khí tượng. Tuyên bố nêu rõ, do ảnh hưởng của gió Tây ôn đới và khả năng tự điều khiển hạn chế, khinh khí cầu này đã đi chệch hướng quá xa so với lộ trình dự kiến. Người phát ngôn cho biết Trung Quốc lấy làm tiếc về việc khinh khí cầu bay vào không phận của Mỹ vì lý do bất khả kháng, đồng thời khẳng định Bắc Kinh sẽ tiếp tục liên lạc với Washington và xử lý thỏa đáng tình huống bất ngờ này.
Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Blinken tối 3/2, ông Vương Nghị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã thảo luận về cách thức xử lý các sự cố theo hướng chuyên nghiệp và bình tĩnh. Ông Vương Nghị cho rằng Trung Quốc và Mỹ cần tập trung, liên lạc kịp thời, tránh đánh giá sai lầm và quản lý sự khác biệt khi đối mặt với các tình huống bất ngờ.
Song đến ngày 4/2, Lầu Năm Góc cho biết đã cử một máy bay chiến đấu bắn hạ khinh khí cầu do thám của Trung Quốc ở ngoài khơi bờ biển Nam Carolina. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chúc mừng các phi công hoàn thành nhiệm vụ. "Họ đã bắn hạ nó thành công. Tôi muốn khen ngợi những phi công của chúng ta" – ông Biden nói.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin gọi việc bắn hạ khinh khí cầu là "hành động có chủ ý và hợp pháp" nhằm đáp trả việc "vi phạm chủ quyền" của Trung Quốc đối với Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin xác nhận các máy bay chiến đấu của quân đội Mỹ đã bắn hạ khinh khí cầu nghi là do thám nghi của Trung Quốc trên Đại Tây Dương, ngoài khơi bờ biển phía Đông của Mỹ vào lúc 14 giờ 39 phút ngày 4/2.
Ngày 5/2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ sự không hài lòng và phản đối mạnh mẽ việc Mỹ sử dụng vũ lực bắn hạ khí cầu của họ.
Theo giới phân tích, lệnh bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc của Tổng thống Joe Biden hôm 4/2 vừa qua là một động thái gây trở ngại nghiêm trọng tới mối quan hệ Mỹ – Trung vốn đang đi xuống trong thời gian qua.
Gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên
Máy bay của Lực lượng Không quân Hàn Quốc và Mỹ tham gia cuộc tập trận không quân chung trên biển Hoàng Hải, ngày 1/2/2023. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Hàn Quốc) |
Ngày 2/2, trong một tuyên bố được Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải, Bộ Ngoại giao Triều Tiên cáo buộc Mỹ đã có những động thái nhằm đẩy tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên tới “một lằn ranh đỏ cực đoan” và đang làm căng thẳng leo thang thông qua việc mở rộng các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc về cả phạm vi và quy mô. Bộ Ngoại giao Triều Tiên cảnh báo đây là minh chứng rõ ràng cho thấy kịch bản nguy hiểm mà Mỹ đang theo đuổi sẽ biến bán đảo Triều Tiên thành một kho vũ khí chiến tranh khổng lồ và trở thành một khu vực xung đột nghiêm trọng.
Tuyên bố nêu rõ: “Triều Tiên sẽ có phản ứng cứng rắn nhất đối với bất kỳ nỗ lực quân sự nào của Mỹ theo nguyên tắc "vũ khí hạt nhân đấu vũ khí hạt nhân và đối đầu toàn diện đáp lại đối đầu toàn diện". Nếu Mỹ tiếp tục đưa các khí tài chiến lược tới bán đảo Triều Tiên và khu vực xung quanh, Triều Tiên sẽ thể hiện rõ ràng hơn các hoạt động ngăn chặn của mình tùy theo các loại khí tài này". Tuyên bố cũng cho biết thêm: "Triều Tiên không quan tâm đến bất kỳ sự liên hệ hay đối thoại nào với Mỹ chừng nào nước này còn theo đuổi chính sách thù địch và đường lối đối đầu của mình".
Tuyên bố được đưa ra vài giờ sau khi Hàn Quốc và Mỹ khởi động cuộc tập trận không quân chung đầu tiên trong năm 2023 trên Hoàng Hải. Cuộc tập trận được huy động sự tham gia của máy bay ném bom chiến lược B-1B và các máy bay chiến đấu tàng hình F-22, F-35B của Không quân Mỹ cùng máy bay chiến đấu F-35A của Không quân Hàn Quốc. Ngoài ra, hai đồng minh cũng lên kế hoạch tổ chức các cuộc tập trận mô phỏng trong tháng này để tăng cường khả năng răn đe mở rộng. Khái niệm “răn đe mở rộng” đề cập tới cam kết của Mỹ nhằm sử dụng toàn bộ khả năng quân sự của mình, bao gồm cả hạt nhân, để bảo vệ đồng minh trước các mối đe dọa.
Những diễn biến này đã phát đi tín hiệu cho thấy tình hình bán đảo Triều Tiên sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp sau khi trải qua một năm 2022 đầy biến động. Phản ứng trước thông điệp cảnh báo mới nhất của Triều Tiên, Bộ Thống nhất Hàn Quốc một lần nữa nhắc lại lời kêu gọi Triều Tiên kiềm chế trước các hành vi làm gia tăng căng thẳng và quay trở lại bàn đàm phán.
Hàng triệu người Pháp đình công phản đối cải cách hưu trí
Người biểu tình xuống đường ở Paris, Pháp, ngày 31/1/2023. (Ảnh: Reuters) |
Ngày 31/1, cuộc đình công lần thứ hai trên toàn nước Pháp nhằm phản đối kế hoạch cải cách lương hưu của Tổng thống Emmanuel Macron đã gây ra tình trạng gián đoạn hoạt động giao thông công cộng, trường học cũng như giao hàng của nhà máy lọc dầu ở nước này.
Theo nghiệp đoàn CGT cho hay, khoảng 2,8 triệu người đã tham gia biểu tình trên toàn nước Pháp trong ngày 31/1. Số liệu này cao hơn so với ước tính do CGT công bố về số người tham gia biểu tình trên toàn nước Pháp hôm 19/1, với khoảng 2 triệu người tham gia, mặc dù nhà chức trách Pháp chỉ đưa ra con số khoảng 1 triệu người biểu tình.
Hệ quả của cuộc biểu tình đã làm một nửa số giáo viên tiểu học và 55% công nhân của hãng TotalEnergies đã nghỉ việc để tham gia đình công. Thách thức hiện nay đối với các nghiệp đoàn sẽ là duy trì phong trào đình công vào thời điểm lạm phát cao đang làm giảm tiền lương.
Các cuộc đình công và biểu tình trên toàn nước Pháp là phép thử quan trọng đối với cả Chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron và các đối thủ chính trị.
Chính phủ Pháp cho biết, họ quyết tâm thúc đẩy cam kết bầu cử của Tổng thống Macron để cải cách hệ thống hưu trí của Pháp. Các liên đoàn lao động và nhà lập pháp cánh tả đấu tranh trong Quốc hội Pháp nhằm chống lại các kế hoạch của Tổng thống Macron liên quan đến dự luật nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 tuổi.
Hôm 30/1, ông Macron mô tả cuộc cải cách hưu trí là "cần thiết". Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne đã nhấn mạnh vào cuối tuần trước rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu lên 64 tuổi là "không thể thương lượng được nữa".
Trong khi đó, những người đình công và người biểu tình có ý định đảo ngược dự luật này.
Hơn 100 người thiệt mạng trong vụ nổ lớn tại Pakistan
Lực lượng an ninh Pakistan điều tra tại hiện trường vụ nổ khu đền thờ ở Peshawar, ngày 30/1/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Một vụ nổ lớn đã xảy ra tại một nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Peshawar, phía Tây Bắc Pakistan, ngày 30/1, khiến ít nhất 101 người thiệt mạng và 150 người bị thương.
Cảnh sát trưởng thành phố Peshawar cho biết đền thờ trên nằm trong khu tổ hợp có trụ sở cơ quan cảnh sát tỉnh và một phòng cảnh sát chống khủng bố của thành phố. Thời điểm vụ nổ xảy ra, có khoảng 260 người đang cầu nguyện tại đền thờ.
Pakistan được đặt trong tình trạng báo động cao sau vụ nổ, tăng cường các trạm kiểm soát và bổ sung lực lượng an ninh. Trong khi đó, ở thủ đô Islamabad, các tay súng bắn tỉa được triển khai trên các tòa nhà và các lối vào thành phố.
Thủ tướng Pakistan Shebaz Sharif gọi vụ nổ ở nhà thờ Hồi giáo tại thành phố Peshawar, Tây Bắc Pakistan, là một vụ tấn công liều chết. "Những kẻ khủng bố muốn tạo ra nỗi sợ hãi bằng cách nhắm vào những người thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Pakistan. Những kẻ chống lại Pakistan sẽ bị xóa sổ khỏi mặt đất" – Thủ tướng Shehbaz Sharif tuyên bố./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!