Thế giới tuần qua: Brazil trở thành tâm dịch COVID-19 mới của thế giới

Ngoài những diễn biến mới về tình hình đại dịch COVID-19, thế giới tuần qua cũng có một số sự kiện đáng chú ý như: vụ tai nạn máy bay nghiêm trọng ở Pakistan, Mỹ thông báo ý định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, Israel có chính phủ mới sau hơn 1 năm khủng hoảng,...

Brazil trở thành tâm dịch mới của thế giới

Số liệu cập nhật mới nhất tính đến ngày 24/5 cho thấy, Brazil đã ghi nhận 342.410 ca nhiễm COVID-19, đứng thứ hai thế giới sau Mỹ. Chỉ riêng trong 24 giờ qua, quốc gia Nam Mỹ này đã có thêm 11.520 ca nhiễm mới và thêm 886 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca tử vong được ghi nhận tại nước này là 21.934 ca. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế tin rằng các con số này có thể còn nhiều hơn báo cáo chính thức do Brazil không tiến hành xét nghiệm hàng loạt.

 Cho đến ngày 24/5, Brazil đã ghi nhận 21.934 ca tử vong vì COVID-19 (Ảnh: Reuters)

Chính phủ của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã gia hạn lệnh đóng cửa biên giới thêm 30 ngày. Biện pháp này sẽ áp dụng cho cả các biên giới đường bộ và hàng không, chỉ trừ giao thông thương mại. Ngoài ra, lệnh cấm nhập cảnh còn được miễn trừ đối với các công dân Brazil và người nước ngoài tạm trú hay thường trú tại nước này theo các cơ quan đại diện ngoại giao.

Bên cạnh đó, Tổng thống Brazil Bolsonaro dành sự quan tâm nhiều hơn đến những thiệt hại có thể gây ra do việc cách ly và ngừng các hoạt động kinh tế. Sự lây lan mạnh của virus SARS-Cov-2 tại Brazil và một số nước trong khu vực cũng là nguyên nhân chính đưa đến việc Tổ chức y tế thế giới (WHO) tuyên bố Nam Mỹ chính là tâm dịch COVID-19 mới của thế giới.

Tính đến sáng 24/5, thế giới ghi nhận tổng số 5.388.300 ca nhiễm COVID-19 sau khi có thêm 90.093 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Đến nay, trên thế giới đã có 343.445 ca tử vong. Châu Âu và Bắc Mỹ là hai khu vực có số ca nhiễm nhiều nhất trên thế giới với lần lượt là 1.885.857 và 1.849.675 ca. Trong khi đó, châu Á ghi nhận tổng số 936.333 ca, Nam Mỹ là 598.133 ca, châu Phi là 108.862 ca và châu Đại Dương là 8.719 ca.

Rơi máy bay ở Pakistan: 97 người thiệt mạng, 2 người sống sót

Ngày 23/5, giới chức y tế Pakistan xác nhận 97 người thiệt mạng và 2 người sống sót trong vụ một chiếc máy bay chở khách đâm vào khu nhà ở thành phố Karachi, miền Nam nước này ngày 22/5.

Bộ Y tế Pakistan cho biết đã tìm thấy thi thể của các hành khách và phi hành đoàn xấu số tại hiện trường vụ rơi máy bay gần sân bay thành phố Karachi. Trong số 97 thi thể được tìm thấy có 19 thi thể đã xác định được danh tính.

Chiếc máy bay Airbus của Hãng hàng không quốc tế Pakistan (PIA) chở 99 người đã vài lần cố gắng hạ cánh xuống sân bay Karachi nhưng cuối cùng đâm xuống một khu dân cư gần đó, khiến nhiều nhà cửa hư hỏng.

PIA cho biết máy bay mất liên lạc với cơ quan kiểm soát không lưu khi chuẩn bị hoàn thành hành trình từ Lahore tới Karachi. Các lực lượng cứu hộ và người dân địa phương đã nỗ lực xuyên đêm để tìm kiếm các nạn nhân trong khi một số máy bay trực thăng cũng được huy động tới hiện trường để dập tắt đám cháy trong vụ tai nạn.

Về nguyên nhân tai nạn, một quan chức hàng không dân dụng Paksitan cho biết có thể là do máy bay gặp sự cố kỹ thuật. Tuy nhiên, quan chức này khẳng định hiện còn quá sớm để đưa ra kết luận chính xác về nguyên nhân tai nạn. Theo một đoạn ghi âm đăng tải trên trang điện tử liveatc.net, phi công máy bay gặp nạn đã thông báo với đài kiểm soát không lưu về việc các động cơ bị mất nguồn điện và phát đi tín hiệu cấp cứu trước khi máy bay rơi.

Thảm kịch xảy ra vào thời điểm chuẩn bị kết thúc tháng lễ Ramadan và bắt đầu kỳ nghỉ Eid al-Fitr khi nhu cầu đi lại của người dân Pakistan ở mức cao.

Hiệp ước Bầu trời mở trước nguy cơ đổ vỡ

Ngày 21/5, Tổng thống Mỹ D.Trump thông báo ý định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở. Đây là hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng thứ ba mà Tổng thống Mỹ D.Trump xóa bỏ vai trò tham gia của Mỹ kể từ khi nhậm chức, sau thỏa thuận hạt nhân Iran và Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).

Tuyên bố này của Tổng thống D.Trump không chỉ gây ra những phản ứng trái chiều từ cộng đồng quốc tế mà còn khiến ông phải đương đầu với những “búa rìu” dư luận trong nước. Việc Mỹ đóng lại một Hiệp ước có ý nghĩa then chốt để đảm bảo niềm tin lẫn nhau ở châu Âu cũng được cảnh báo là sẽ mở ra một “tình huống thách thức” về an ninh khu vực.

Hiệp ước Bầu trời mở được ký năm 1992 sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh và bắt đầu có hiệu lực vào năm 2002. Thỏa thuận cho phép các quốc gia tham gia thực hiện các chuyến bay trinh sát không vũ trang trên toàn bộ lãnh thổ các nước thành viên khác để thu thập dữ liệu về các hoạt động và lực lượng quân sự, theo các hạn ngạch bay đã được thống nhất từ trước.

Hiện đang có 35 quốc gia đã ký kết vào Hiệp ước Bầu trời mở, gồm: Nga, Mỹ và một số nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Kyrgyzstan là nước đã ký vào văn kiện này, song việc phê chuẩn vẫn chưa được thực hiện. Hiệp ước được coi là một trong những trụ cột đảm bảo an ninh ở cựu lục địa. Mục đích chính của văn kiện này là để theo dõi thực trạng các quốc gia thực thi những thỏa thuận giải trừ quân bị (mà hàng đầu là Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu), và bằng cách đó hoá giải những mối lo ngại mới phát sinh, xây dựng niềm tin lẫn nhau. Theo thống kê do truyền thông đưa ra, kể từ khi Hiệp ước Bầu trời mở có hiệu lực vào năm 2002, đã có hơn 1.500 chuyến bay được thực hiện theo tinh thần của Hiệp ước này.

Việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở đã trở thành diễn biến làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ Nga - Mỹ khi hai bên bị đẩy vào một cuộc tranh cãi mới và đổ lỗi cho nhau vì không tuân thủ hiệp ước.

Israel có chính phủ mới sau hơn 1 năm khủng hoảng

Chính phủ mới của Israel đã tuyên thệ nhậm chức ngày 17/5, chấm dứt hơn một năm bế tắc chính trị tại quốc gia này.

Quốc hội Israel đã bỏ phiếu để thông qua việc thành lập chính phủ liên minh giữa đảng Likud của Thủ tướng Benjamin Netanyahu và đảng Xanh-Trắng của ông Benny Gantz. Theo đó, ông Benjamin Netanyahu đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng và sẽ lãnh đạo chính phủ cho nhiệm kỳ thứ 5 trong sự nghiệp chính trị của mình.

 Ông Benny Gantz (trái) và ông  Benjamin Netanyahu tại phiên họp toàn thể của Quốc hội Israel  ngày 17/5/2020 (Ảnh: The Times of Israel)

Người đứng đầu đảng Xanh – Trắng, ông Benny Gantz cũng đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng kế tiếp và Thủ tướng tương lai. Theo kế hoạch, ông  Netanyahu sẽ trao quyền Thủ tướng cho ông Gantz vào ngày 17/11/2021. Trong thời gian ông Netanyahu làm Thủ tướng, ông Gantz sẽ giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng.

Chính phủ mới của Israel sẽ có 32 bộ trưởng trong 6 tháng đầu tiên, chia đều cho hai đảng của ông Netanyahu và ông Gantz. Tuy nhiên, sau 6 tháng, số bộ trưởng sẽ tăng lên thành 36 người, trở thành chính phủ có nhiều bộ trưởng nhất trong lịch sử Nhà nước Israel.

Trước động thái mới này, Israel phải tiến hành đến 3 cuộc bầu cử trong hơn 1 năm mà vẫn không thể thành lập được chính phủ. Những diễn biến mới về chính trị của Israel diễn ra trong bối cảnh Thủ tướng Netanyahu sắp bị đưa ra tòa xét xử vào ngày 24/5 tới với các cáo buộc tham nhũng, gian lận và lạm dụng lòng tin. Đến nay, vị thủ tướng 70 tuổi này vẫn kiên quyết phủ nhận các cáo buộc trên.

Triều Tiên kêu gọi gỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế

Trong văn bản trình lên Hội đồng Y tế Thế giới, ngày 20/5, Triều Tiên đã kêu gọi cộng đồng quốc tế sớm dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế trong bối cảnh hiện nay, khi mà sự hợp tác toàn cầu để chống lại đại dịch COVID-19 là điều cần thiết.

Trong văn bản trên, Triều Tiên kêu gọi các quốc gia khác bãi bỏ các biện pháp hạn chế kinh tế, tài chính và thương mại đơn phương cũng như các biện pháp trừng phạt vô nhân đạo, đồng thời yêu cầu các nước này không chính trị hóa các chương trình viện trợ.

Trong thông báo đưa ra mới đây, một quan chức không tiết lộ tên thuộc Bộ Thống nhất Hàn Quốc nhận định về khả năng Triều Tiên sẽ thiếu khoảng 860.000 tấn ngũ cốc trong năm 2020, trong bối cảnh sự bùng phát của đại dịch COVID-19 có thể khiến tình hình trở nên nghiêm trọng. Kết quả dự báo này được đưa ra dựa trên số liệu do một viện nghiên cứu địa phương cho rằng, Triều Tiên đã sản xuất 4,64 triệu tấn ngũ cốc vào năm ngoái, thấp hơn mức cần thiết tối thiểu là 5,5 triệu tấn để đáp ứng nhu cầu của 25 triệu dân.

Năm ngoái, Triều Tiên thông báo nước này đã có một vụ mùa bội thu. Tuy nhiên, Triều Tiên cũng thường xuyên phải đối mặt với tình cảnh thiếu thốn lương thực do thời tiết không thuận lợi và sức ép từ các lệnh trừng phạt quốc tế, hạn chế quyền tiếp cận của nước này đối với các sản phẩm như phân bón và các vật liệu canh tác quan trọng khác. Trong khi đó, việc Triều Tiên quyết định đóng cửa biên giới với Trung Quốc vào cuối tháng 1/2020 để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 cũng được cho là một diễn biến khiến các hoạt động giao thương với Trung Quốc và việc nhập khẩu ngũ cốc bị chững lại.

Trong báo cáo ngày 20/5, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc cho biết, Triều Tiên nằm trong số 47 nước trên thế giới, hiện có 183 triệu người đang phải đối mặt với nguy cơ bất ổn an ninh lương thực nghiêm trọng, do các biện pháp đóng cửa biên giới và sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu đã cản trở các nước này tiếp cận với các sản phẩm nông nghiệp. Và để đưa ra hỗ trợ cần thiết cho các nước này sẽ cần đến một khoản tiền trị giá khoảng 350 triệu USD. 

Hiện Triều Tiên đang tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế đối với các nhà ngoại giao nước ngoài, trong đó có việc không cho phép di chuyển tới những địa điểm bên ngoài quận sinh sống. Từ đầu tháng 2/2020, Triều Tiên đã bắt đầu thực hiện những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, gồm cả việc cách ly đối với các nhân viên ngoại giao nước ngoài và các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, các biện pháp này đã được gỡ bỏ từng phần kể từ tháng 3/2020.

Hơn 11,5 triệu lao động Mỹ Latinh thất nghiệp vì COVID-19

Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế khu vực Mỹ Latinh và Caribe của Liên hợp quốc (ECLAC) cùng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố ngày 21/5 cho biết, cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 đã khiến hơn 11,5 triệu lao động tại Mỹ Latinh rơi vào cảnh thất nghiệp.

Số liệu báo cáo cho hay, hiện có khoảng 37,7 triệu người tại khu vực này đang thất nghiệp. Cũng theo báo cáo, nền kinh tế Mỹ Latinh được dự đoán sẽ giảm 5,3%, mức giảm tồi tệ nhất kể từ 1930, dẫn tới “những tác động tiêu cực” và khiến tình trạng thất nghiệp được dự báo sẽ tăng từ 8,1% trong năm 2019 lên 11,5% trong năm nay.

ILO và ECLAC cũng dự báo sự suy giảm về chất lượng việc làm, chủ yếu ảnh hưởng đến những người dễ bị tổn thương nhất trong khu vực, nơi có tới hơn nửa lao động đang làm việc trong khu vực phi chính thức. ILO dự báo số giờ làm đã giảm tới 10,3%, ảnh hưởng tới 32 triệu người.

Tỷ lệ nghèo đói cũng được dự báo tăng 4,4% và tỷ lệ đói nghèo cùng cực sẽ tăng 2,6% so với năm 2019 tại khu vực có khoảng 650 triệu dân này.

Các nhóm quốc gia chia theo mức thu nhập đều chịu tổn thất nặng nề, nhưng trong đó, các nước thu nhập trung bình cao bị tác động mạnh nhất (mất 7% tổng số giờ làm việc, tương đương 100 triệu người lao động toàn thời gian). Những con số này cho thấy sức tàn phá của đại dịch COVID-19 vượt xa tác động của cuộc khủng khoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009.

Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, Brazil hiện là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất khu vực Mỹ Latinh với 342.410 ca nhiễm và 21.934 ca tử vong vì COVID-19.

Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador ngày 20/5 đã đề nghị tiến hành một cuộc điều tra liên quan đến cáo buộc cựu Tổng thống Enrique Pena Nieto đã trao các hợp đồng trị giá hàng trăm triệu USD cho một công ty do gia đình ông thành lập./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới