Thế giới tuần qua: Bất đồng cũ lại tiếp tục “tăng nhiệt”

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, thế giới tuần qua (15 – 21/6) đã liên tiếp chứng kiến những bất đồng vốn đã căng thẳng thì nay lại tiếp tục “tăng nhiệt” tại một số điểm nóng trên thế giới.

Đại dịch COVID-19: Thế giới sang giai đoạn “mới và nguy hiểm”

Trung Quốc trước nguy cơ tái bùng phát đại dịch COVID-19 thứ 2. (Ảnh: AFP) 

Ngày 19/6, tại cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: Thế giới sang giai đoạn “mới và nguy hiểm”.

Người đứng đầu WHO cho biết đại dịch chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, virus vẫn lây nhiễm nhanh, gây chết người trong bối cảnh nhiều nước mở cửa kinh tế, xã hội trở lại. Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo và cộng đồng thế giới cần nêu cao cảnh giác và tập trung vào các quy định về giãn cách, phòng ngừa lây lan dịch bệnh. 

Nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm và tử vong mới vì COVID-19 tiếp tục tăng nhanh. Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến 7 giờ sáng này 21/6, đại dịch COVID-19 đã lan sang 215 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến 8.906.542 người lây nhiễm, trong đó 466.253 ca tử vong.

Các nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia…hiện đang đối mặt với nguy cơ bùng phát đại dịch COVID-19 thứ 2 khi liên tiếp chứng kiến hàng loạt các ca nhiễm mới xuất hiện mỗi ngày. Trước nguy cơ đại dịch COVID-19 tái bùng phát sau khi Bắc Kinh liên tục ghi nhận hàng chục ca nhiễm mới mỗi ngày trong một tuần qua, nhà chức trách đang siết chặt các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Giới chức thủ đô Bắc Kinh đang tiến hành kiểm tra để truy dấu virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có thể có trên các nguồn thực phẩm và nhân viên giao hàng. Đây là nỗ lực mới nhất nhằm nhanh chóng kiểm soát tình hình trong bối cảnh đợt bùng phát dịch bệnh mới đang xuất hiện tại thành phố. Số ca mắc COVID-19 mới, được phát hiện lần đầu tiên tại Bắc Kinh sau nhiều tháng khống chế được dịch, hiện đã vượt con số được ghi nhận hồi đầu tháng 2 vừa qua, thời điểm Trung Quốc đang là tâm dịch của thế giới. Các chuyên gia cảnh báo, nếu Bắc Kinh không có biện pháp kịp thời để kiềm chế sự lây lan, thì sẽ lặp lại tình trạng dịch bệnh tại thành phố Vũ Hán. Sự bùng phát dịch bệnh ở Bắc Kinh đã được dự báo và có thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào. 

Trong một diễn biến khác, tại châu Âu, một số thành phố lại một lần nữa phải áp dụng các biện pháp phong tỏa sau khi tình trạng lây nhiễm COVID-19 có dấu hiệu tái phát trong những ngày qua như Đức, Hy Lạp, Slovenia…COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp với hàng nghìn ca nhiễm mới trong ngày được ghi nhận ở nhiều nước.

Quan hệ Liên Triều tiếp tục gia tăng căng thẳng

Khói bốc lên từ Kaesong. (Ảnh: CNN)  

Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên đã cho nổ văn phòng liên lạc chung với Hàn Quốc tại Kaesong vào khoảng 2 giờ 49 phút ngày 16/6 (tức 12 giờ 49 phút cùng ngày, theo giờ Hà Nội). Trước đó, một số nguồn tin quân sự khẳng định đã nhìn thấy khói bốc lên và nghe thấy tiếng nổ từ thị trấn biên giới Kaesong.

Động thái trên của Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai miền Triều Tiên đang trở nên căng thẳng cùng với việc Triều Tiên đã nhiều lần cảnh báo sẽ “trừng phạt” các hoạt động thả truyền đơn chống Triều Tiên từ phía Hàn Quốc. Triều Tiên đã cáo buộc Hàn Quốc không ngăn chặn hành động thả truyền đơn chống Bình Nhưỡng tại khu vực biên giới. Triều Tiên cảnh báo sẽ coi Hàn Quốc là “kẻ thù”, cắt đứt mọi đường dây liên lạc giữa hai miền cùng áp dụng một số biện pháp khác, gồm cả hành động quân sự.

Về phía Hàn Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Jeong Kyeong-doo ngày 18/6 tuyên bố nước này sẽ đáp trả mạnh nếu Triều Tiên có những hành động khiêu khích quân sự. Dù chưa nâng mức báo động, song quân đội Hàn Quốc đang tăng cường khả năng sẵn sàng cho bất kỳ tình huống xung đột nào phát sinh ở khu vực biên giới, gồm Khu phi quân sự và ranh giới quân sự liên Triều trên biển (NLL).

Văn phòng liên lạc chung tại Kaesong được khánh thành từ tháng 9/2018 nhằm thúc đẩy các hoạt động hợp tác, trao đổi giữa hai miền Triều Tiên sau khi các cuộc gặp gỡ thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai miền đã tạo dựng được bầu không khí “hòa giải” trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc thì từ ngày 30/1/2020 Văn phòng liên lạc chung này đã ngừng hoạt động do lo ngại sự lây lan của đại dịch COVID-19 và các nhân viên của Hàn Quốc cũng đã rút khỏi đây.

Ngoài ra, quân đội Triều Tiên cho biết đang cân nhắc các kế hoạch trở lại khu vực biên giới đã được giải giáp trước đó theo thỏa thuận liên Triều. Diễn biến này đánh dấu thêm một “bước thụt lùi” trong quan hệ liên Triều sau một loạt lời cảnh báo do Triều Tiên đưa ra. Trước đó, Triều Tiên đã thông báo về việc cắt đứt mọi đường dây liên hệ với Hàn Quốc, rút khỏi văn phòng liên lạc liên Triều, dỡ bỏ khu quân sự Kaesong đã bị đóng cửa từ năm 2016 và từ bỏ thỏa thuận giảm căng thẳng quân sự ký kết năm 2018 nhằm kêu gọi chấm dứt các mọi hành vi thù địch dọc khu vực biên giới liên Triều.

Căng thẳng leo thang tại khu vực biên giới Ấn Độ - Trung Quốc

 Binh lính Ấn Độ nghỉ ngơi cạnh khẩu pháo trước khi di chuyển tới Ladakh ngày 16/6.
(Ảnh: Reuters) 

Cuộc xung đột biên giới kéo dài gần nửa thế kỷ giữa Trung Quốc và Ấn Độ lần đầu tiên nhuốm màu chết chóc khi ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong "cuộc đối đầu đầy bạo lực" xảy ra vào tối 15/6 ở thung lũng Galwan thuộc phía Tây Ladakh. Trung Quốc cũng thông báo rằng quân đội nước này đã ghi nhận thương vong sau vụ đụng độ, song không tiết lộ cụ thể.

Truyền thông Ấn Độ đưa tin đây là lần đầu tiên binh sỹ nước này thiệt mạng trong một vụ đụng độ với Trung Quốc trong vòng 45 năm qua. Phong trào biểu tình đã bắt đầu xuất hiện tại một số khu vực tại Ấn Độ nhằm phản ứng trước sự việc này. Hiện cả Trung Quốc và Ấn Độ đang đổ lỗi và chỉ trích lẫn nhau về vụ đụng độ quân sự gây thương vong diễn ra hồi đầu tuần tại khu vực biên giới tranh chấp. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng phía Ấn Độ đã vi phạm cam kết giữa hai bên và đã vượt qua tại khu vực Ranh giới kiểm soát thực tế  (LAC) để thực hiện "các hoạt động bất hợp pháp và tấn công binh sĩ Trung Quốc”.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava lại cho rằng nguyên nhân vụ việc là do phía Trung Quốc không giữ cam kết tôn trọng LAC. Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng vừa ra tuyên bố cho rằng đụng độ xảy ra là bởi Trung Quốc có động thái đơn phương muốn thay đổi hiện trạng tại khu vực tranh chấp.

Ngày 16/6, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng đã thông qua phát ngôn viên của mình là bà Eri Kaneko nhằm bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những báo cáo về tình trạng bạo lực và thương vong tại khu vực LAC giữa Trung Quốc và Ấn Độ, đồng thời kêu gọi hai bên cần tỏ ra “kiềm chế tối đa”. Trong thông điệp phát đi cùng ngày, bà Kaneko cũng nhấn mạnh tới những thông tin tích cực về  việc hai nước láng giềng đã nhất trí phối hợp để hạ nhiệt căng thẳng ở khu vực biên giới.

Mỹ gia hạn trừng phạt Triều Tiên

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)  

Ngày 17/6, Tổng thống Mỹ D.Trump đã gia hạn các lệnh trừng phạt hiện nay với Triều Tiên thêm 1 năm, trước những hành động mà Washington xem là “mối đe dọa bất thường” từ Bình Nhưỡng.

Trong thông báo gửi lên Quốc hội, Tổng thống D.Trump cho biết, ông muốn tiếp tục duy trì tình trạng khẩn cấp quốc gia liên quan tới vấn đề Triều Tiên, lần đầu được tuyên bố vào ngày 26/6/2008, thông qua sắc lệnh 13466. Dưới thời ông D.Trump, sắc lệnh này đã được mở rộng hơn so với các chính quyền tiền nhiệm, kêu gọi trừng phạt Triều Tiên liên quan tới các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này.

Thông báo của ông D.Trump đã giải thích rõ lý do ông kéo dài thời hạn duy trì tình trạng khẩn cấp quốc gia sau ngày 26/6 là bởi “sự hiện hữu và nguy cơ phổ biến nhiên liệu phân hạch có thể sử dụng để chế tạo vũ khí trên bán đảo Triều Tiên, cùng các hành động và chính sách của chính phủ Triều Tiên đang tiếp tục đặt ra mối đe dọa bất thường đối với an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và nền kinh tế Mỹ”.

Trong bức thư gửi kèm tới Quốc hội, ông D.Trump cho rằng, những hành động và chính sách của Triều Tiên gây mất ổn định trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời gây nguy hiểm cho các lực lượng vũ trang Mỹ, các đồng minh và các đối tác thương mại trong khu vực. Bức thư từ người đứng đầu Nhà Trắng cũng cáo buộc Triều Tiên không chỉ theo đuổi chương trình tên lửa và hạt nhân mà còn có các hành động, chính sách khiêu khích, gây bất ổn khác.

Theo nhận định của các nhà quan sát, việc Mỹ gia hạn trừng phạt Triều Tiên không phải là điều mới mẻ vì cũng đã nhiều lần từng diễn ra trong quá khứ. Tuy nhiên, điều đáng nói là quyết định này lại được ông D.Trump đưa ra trong bối cảnh tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang trở nên căng thẳng sau những lời cảnh báo quân sự từ phía Triều Tiên nhằm vào Hàn Quốc.

Các bên ở Nam Sudan đạt được thỏa thuận chia sẻ quyền lực

Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir (bên phải) và Phó Tổng thống Riek Machar đạt được thỏa thuận chia sẻ quyền lực. (Ảnh: Aljazeera/AP) 

Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir và Phó Tổng thống Riek Machar đã đạt được thỏa thuận chia sẻ quyền lực tại 10 bang, chấm dứt hơn 3 tháng bế tắc chính trị kể từ khi một chính phủ chuyển tiếp được thành lập vào tháng 2/2020.

Trong tuyên bố đưa ra ngày 17/6, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Tổng thống Nam Sudan Nhial Deng Nhial cho biết, hai nhà lãnh đạo đã đạt được thỏa thuận trong cuộc họp thứ hai được tổ chức cùng ngày, sau cuộc họp thứ nhất được tổ chức vào ngày 14/6 nhằm giải quyết bế tắc.

Theo thỏa thuận đạt được, phe của Tổng thống Kiir sẽ nắm quyền lãnh đạo 6 tiểu bang, trong đó có bang Unity giàu dầu mỏ và bang Equatoria nơi đặt thủ đô Juba. Trong khi đó, phe của Phó Tổng thống Machar sẽ quản lý 3 bang, trong đó có Upper Nile - khu vực sản xuất dầu mỏ lớn nhất nước. Bang còn lại Jonglei sẽ do bên thứ 3 tham gia thỏa thuận là Liên minh đối lập Nam Sudan (SSOA) nhắm quyền kiểm soát. Thống đốc bang Jonglei sẽ do SSOA đề cử.

Ông Nhial cho rằng, đây là một bước tiến đáng kể, tạo động lực cho tiến trình hóa bình của đất nước. Đây vốn là một trong những vấn đề bất đồng chính ở Nam Sudan và là mối đe doạ lớn nhất đối với hoà bình của nước này kể từ khi Chính phủ đoàn kết được thành lập hồi tháng 2/2020.

Nam Sudan rơi vào nội chiến từ năm 2013, khi Tổng thống Salva Kiir cáo buộc cựu Phó Tổng thống Machar âm mưu đảo chính. Tháng 9/2018, các bên xung đột đã ký thoả thuận hoà bình để tiến tới thành lập chính phủ đoàn kết. Tuy nhiên, những bất đồng liên quan đến việc chia sẻ quyền lực đã cản trở việc thực thi thoả thuận này, buộc cộng đồng quốc tế phải nhiều lần gây áp lực cho các bên đối lập tại Nam Sudan./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới