Thế giới tuần qua: Bất đồng chưa thể thu hẹp

Tuần qua (10-16/1/2022), bên cạnh những diễn biến đáng quan ngại về tình hình dịch bệnh COVID-19, thế giới tiếp tục chứng kiến những bất ổn xung quanh vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên; căng thẳng Nga – NATO hay "cơ hội" cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran…

WHO phê chuẩn hai phương pháp mới điều trị COVID-19

Thuốc Sotrovimab điều trị bệnh nhân COVID-19 do Công ty dược GlaxoSmithKline phối hợp với Công ty công nghệ sinh học Vir Biotechnology của Mỹ nghiên cứu và phát triển.
(Ảnh: The National/TTXVN)

Ngày 14/1, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phê chuẩn hai phương pháp mới điều trị COVID-19, qua đó bổ sung thêm công cụ mũi nhọn cùng các loại vaccine hiện có để ngăn ngừa nguy cơ trở nặng và tử vong cho bệnh nhân COVID-19.

Hai phương pháp điều trị này gồm sử dụng thuốc điều trị viêm khớp có thành phần baricitinib và sử dụng kháng thể tổng hợp Sotrovimab. Các chuyên gia của WHO nêu rõ thành phần baricitinib được sử dụng cùng với corticosteroid có khả năng làm tăng tỷ lệ sống và giảm nguy cơ phải sử dụng máy thở ở bệnh nhân COVID-19 thể nặng hoặc nguy kịch. WHO khuyến nghị sử dụng kháng thể tổng hợp Sotrovimab cho những người mắc COVID-19 không nghiêm trọng song có nguy cơ nhập viện cao nhất, chẳng hạn như người già, người bị suy giảm miễn dịch hoặc mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường.

Trước đó, hồi tháng 7, WHO đã phê chuẩn thuốc điều trị khớp có hai thành phần tocilizumab và sarilumab dùng kết hợp corticosteroid nhằm ngăn chặn nguy cơ hệ miễn dịch của bệnh nhân COVID-19 phản ứng qua mức trước virus SARS-CoV-2. Hồi tháng 9/2021, WHO phê chuẩn phương pháp điều trị bệnh nhân COVID-19 bằng kháng thể tổng hợp Regeneron. Các khuyến nghị điều trị COVID-19 của WHO được cập nhật thường xuyên dựa trên dữ liệu mới từ các thử nghiệm lâm sàng.

Quyết định của WHO được công bố trong bối cảnh số ca nhập viện do nhiễm biến thể Omicron gia tăng trên toàn thế giới. Tổ chức này cũng dự báo khoảng một nửa dân số châu Âu có thể sẽ nhiễm biến thế này vào tháng 3 tới.

Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa đạn đạo

Báo chí Hàn Quốc đưa tin về vụ phóng vật thể của Triều Tiên, chiều 14/1.
(Ảnh cắt từ bản tin Yonhap)  
Ngày 14/1, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) thông báo Triều Tiên cùng ngày đã phóng một vật thể bay không xác định ra vùng biển phía Đông. Vụ phóng thứ 3 Triều Tiên trong năm 2022 được thực hiện ngay sau khi nước này cảnh báo sẽ phản ứng “quyết đoán và mạnh mẽ hơn” trước các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ.

Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản cho biết đã phát hiện Triều Tiên phóng vật thể, nghi là tên lửa hoặc tên lửa đạn đạo vào khoảng 14 giờ 55 phút chiều 14/1. Một phát ngôn viên của Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản cho biết, lực lượng này đang phân tích về điểm rơi của vật thể cũng như số lượng vật thể mà Triều Tiên đã phóng đi. Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã chỉ thị các nhà chức trách nhanh chóng điều tra về vụ phóng của Triều Tiên.

Động thái mới nhất này của Triều Tiên diễn ra ngay sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, ngày 13/1 áp đặt trừng phạt đối với 6 người Triều Tiên mà Washington cáo buộc là có liên quan đến các chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt (MWD) và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.

Trước đó, Triều Tiên tuyên bố đã thực hiện thành công 2 vụ phóng tên lửa siêu thanh vào các ngày 5/1 và 11/1 vừa qua. Đây được cho là các động thái rõ ràng nhằm phát triển hệ thống vũ khí hiện đại mới trong bối cảnh đàm phán hạt nhân với Mỹ lâm vào bế tắc.

Quan hệ Nga - NATO: Bất đồng chưa thể thu hẹp

Đại diện các bên tham dự cuộc họp Hội đồng Nga - NATO, ngày 12/1. (Ảnh: EPA-EFE/TASS)  
Ngày 12/1, cuộc gặp kéo dài 4 tiếng đồng hồ giữa các đại diện Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nga đã kết thúc mà không mang lại kết quả cụ thể, với những bất đồng tồn tại được mô tả là “nghiêm trọng và không dễ thu hẹp”.

Phát biểu trước báo giới sau cuộc, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đánh giá đây là một cuộc gặp khó khăn, song cũng chính vì lẽ đó mà sự kiện này trở nên quan trọng.

“Chúng tôi đã trao đổi trực tiếp và nghiêm túc về tình hình Ukraine và những tác động đối với an ninh châu Âu. Đã tồn tại sự khác biệt đáng kể giữa các đồng minh NATO và Nga về những vấn đề này. Và sự khác biệt là không dễ dàng thu hẹp" – người đứng đầu liên minh quân sự lớn nhất hành tinh nói. Tuy nhiên, ông Stoltenberg cho rằng, tín hiệu khích lệ cũng đã hé lộ khi các đồng minh NATO và Nga cùng ngồi vào bàn đàm phán và thảo luận về những chủ đề thiết thực.

Giải đáp câu hỏi của phóng viên về khả năng Ukraine gia nhập NATO, ông Stoltenberg cho biết, tất các các đồng minh đã đi tới lập trường chung đó là chỉ có Ukraine và 30 nước đồng minh mới có thể quyết định khi nào Ukraine sẵn sàng trở thành thành viên NATO. Không ai khác có thể đưa ra những lời tuyên bố và Nga không có quyền can dự vào vấn đề này.

Các chuyên gia đánh giá, trước những bất đồng dai dẳng, triển vọng tìm kiếm giải pháp hòa giải toàn diện cho quan hệ Nga - phương Tây trong tương lai gần là khó thực hiện. Tuy nhiên, sau 2 năm gián đoạn, Hội đồng Nga-NATO nhóm họp trở lại thời điểm diễn ra cuộc đàm phán quan trọng về Ukraine đã cho thấy thiện chí của các bên để hiểu rõ nhau hơn, tránh kịch bản đẩy an ninh châu Âu đi chệch hướng.

“Chỉ còn vài tuần” để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran

Nhiều vấn đề vẫn chưa được giải quyết trong các cuộc đàm phán hạt nhân gián tiếp giữa Iran và Mỹ về khôi phục JCPOA. (Nguồn: Shafaqna) 

Ngày 13/1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh "chỉ còn vài tuần” để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran và Washington sẵn sàng xem xét “các phương án khác” nếu đàm phán thất bại.

Trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh NPR của Mỹ, Ngoại trưởng Blinken cho biết: “Tôi cho rằng chỉ còn vài tuần nữa để xem liệu các bên có thể cùng trở lại tuân thủ (thỏa thuận hạt nhân) hay không”. Ông cho rằng hiện chỉ còn "rất ít thời gian" vì Tehran đã đạt được những tiến bộ hạt nhân "ngày càng khó đảo ngược", theo đó Iran đang tiến ngày càng gần đến giai đoạn có thể nhanh chóng sản xuất đủ vật liệu phân hạch cho vũ khí hạt nhân theo đơn đặt hàng. Ông Blinken nhấn mạnh khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ là điều tốt nhất đối với an ninh của Mỹ, nhưng nếu không đạt được kết quả này, Mỹ sẽ xem xét “các bước đi khác, các phương án khác cùng với các đồng minh ở châu Âu và Trung Đông”.

Thỏa thuận hạt nhân Iran, còn gọi là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA), được ký năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức). Theo thỏa thuận, các biện pháp trừng phạt Iran được dỡ bỏ để đổi lấy việc Tehran hạn chế chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này, sau đó Iran bắt đầu thu hẹp các cam kết của nước này trong thỏa thuận.

Các bên đã tiến hành đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận. Các cuộc đàm phán mới đây nhất được tiến hành vào cuối tháng 11/2021. Mỹ chỉ tham gia gián tiếp vào các cuộc đàm phán  này. Ngày 9/1 vừa qua, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian nhận định các cuộc đàm phán đang tiến gần tới một “thỏa thuận tốt”, nhưng việc sớm đạt được thỏa thuận phụ thuộc vào các bên còn lại.

Kazakhstan dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp tại 3 khu vực

Binh sỹ gìn giữ hòa bình thuộc Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) tại buổi lễ
kết thúc nhiệm vụ ở Almaty, Kazakhstan. (Ảnh: THX/TTXVN) 

Theo hãng tin TASS của Nga ngày 12/1, Văn phòng tổng thống Kazakhstan thông báo tình trạng khẩn cấp sẽ được dỡ bỏ tại 3 khu vực của nước này từ ngày 13/1 là vùng Tây Kazakhstan, vùng Pavlodar và Bắc Kazakhstan. 

Trước đó, ngày 5/1, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại nhiều tỉnh, thành của nước này sau khi làn sóng biểu tình phản đối tình trạng tăng giá nhiên liệu đã nhanh chóng leo thang thành bạo loạn cùng với việc lục soát và tấn công vào các văn phòng của chính phủ, cảnh sát và quân đội ở nhiều thành phố. 

Trước tình hình bạo lực leo thang tại Kazakhstan, theo đề nghị của Tổng thống Tokayev, Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) đã cử lực lượng gìn giữ hòa bình đến nước này. Tình hình bất ổn hiện đã được kiểm soát. Tổng thống Tokayev ngày 11/1 cho biết CSTO đã hoàn tất nhiệm vụ thành công, bắt đầu rút quân khỏi Kazakhstan và tiến trình này không kéo dài quá 10 ngày.

Chính quyền Taliban phê duyệt ngân sách đầu tiên cho Afghanistan

Công nhân nhặt trứng tại một trang trại gia cầm ở ngoại ô Jalalabad, miền Đông Afghanistan (Ảnh: AFP).  

Ngày 13/1, chính quyền Taliban thông báo đã phê duyệt ngân sách đầu tiên kể từ khi lực lượng Hồi giáo này trở lại nắm quyền Afghanistan vào tháng 8 năm ngoái. Tuy nhiên, ngân sách không đề cập đến các khoản viện trợ nước ngoài.

Người phát ngôn Bộ Tài chính của chính quyền Taliban - ông Ahmad Wali Haqmal, nêu rõ: “Lần đầu tiên trong hai thập kỷ qua chúng tôi có một ngân sách không phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài và đó là một thành tựu rất lớn đối với chúng tôi”.

Thông báo nêu rõ khoản ngân sách 53,9 tỷ afghanis (508 triệu USD) được phê duyệt ngày 12/1 vừa qua sẽ dành cho các khoản chi tiêu trong quý đầu tiên của năm 2022 và bao quát toàn bộ hoạt động của các cơ quan chính phủ. Ông Haqmal cam kết, nhiều công chức không được trả lương trong nhiều tháng qua sẽ bắt đầu được nhận lương vào cuối tháng 1/2022.

Ngoài ra, khoảng 4,7 tỷ afghanis sẽ được chi cho các dự án phát triển, bao gồm cơ sở hạ tầng giao thông. Ông Haqmal đánh giá, dù đây chỉ là một khoản ngân sách nhỏ nhưng là tất cả những gì mà chính quyền Taliban có thể làm trong thời điểm hiện tại. Khoản ngân sách này được huy động từ các nguồn lực của chính Afghanistan như nguồn thu từ thuế, thương mại và khai khoáng.  

Kể từ sau khi Taliban lên nắm quyền, các nước phương Tây đã gặp nhiều khó khăn trong việc làm thế nào để viện trợ cho Afghanistan mà không cung cấp tài chính cho chính quyền mới do Taliban đứng đầu. Thực tế đó đã tô đậm thêm bức tranh nhân đạo ảm đạm tại Afghanistan trong khi  khủng hoảng tiền mặt, nhiên liệu, lương thực vẫn đang hoành hành còn hàng triệu người dân nơi đây đang phải chịu nạn đói trong mùa đông giá rét./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Chủ động phòng cháy, chữa cháy từ cơ sở

    Chủ động phòng cháy, chữa cháy từ cơ sở

    Alo 114 -
    Mộc Châu là huyện trọng điểm về phát triển du lịch, công tác bảo đảm phòng chống cháy nổ trên địa bàn luôn được Công an huyện quan tâm, triển khai nhiều biện pháp, gắn với tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và nhân dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy.
  • 'Nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ

    Nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ

    Khoa Giáo -
    Với phương châm “Lấy trẻ làm trung tâm” giúp trẻ em phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, thẩm mỹ, Trường Mầm non Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ.
  • 'Hiệu quả các hoạt động cứu trợ nhân đạo

    Hiệu quả các hoạt động cứu trợ nhân đạo

    Xã hội -
    Bằng nhiều hoạt động thiết thực, những năm qua, các cấp hội chữ thập đỏ trên địa bàn huyện Thuận Châu đã phát huy vai trò nòng cốt, là “cầu nối” trong các hoạt động cứu trợ nhân đạo, khơi dậy lòng nhân ái trong cộng đồng, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội tại địa phương.
  • 'Ghi ở Trạm Y tế xã Yên Sơn

    Ghi ở Trạm Y tế xã Yên Sơn

    Sức khỏe -
    Đến với Trạm Y tế xã Yên Sơn, huyện Yên Châu, chúng tôi ấn tượng với cơ sở vật chất được đầu tư khang trang sạch đẹp, khuôn viên rộng rãi; phòng khám, điều trị được bố trí thuận tiện, có biển chỉ dẫn rõ ràng; y, bác sĩ tận tình thăm khám cho nhân dân.
  • 'Tăng “chỉ số minh bạch” của nền hành chính nhà nước

    Tăng “chỉ số minh bạch” của nền hành chính nhà nước

    Cải cách hành chính -
    Thực hiện phương châm tăng cường công khai giải quyết thủ tục hành chính trên cả 3 phương diện: Thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết, phí và lệ phí, tỉnh Sơn La đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, nhiều thủ tục hành chính được rút gọn, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
  • 'Phù Yên mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

    Phù Yên mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

    Huyện Phù Yên có dân số trên 121 nghìn người, chủ yếu sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Việc thu hút, mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện được Bảo hiểm xã hội huyện phối hợp với các cơ quan, tổ chức đoàn thể tuyên truyền để người dân hiểu rõ mục đích, quyền lợi và lựa chọn mức đóng phù hợp với điều kiện kinh tế của bản thân, gia đình.