Hình ảnh cờ ASEAN rực rỡ trên các trang báo, căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan về vấn đề Kashmir, đồng Nhân dân tệ lao dốc – Trung Quốc ngừng mua nông sản Mỹ, Triều Tiên tiếp tục thử nghiệm vũ khí mới,… là một số sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần qua (5- 11/8).
Cùng nhau đưa ASEAN ngày càng đoàn kết, gắn bó
Ngày 8/8/2019 là ngày kỷ niệm 52 năm ngày thành lập Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 24 năm ngày Việt Nam chính thức gia nhập tổ chức này.
Lễ thượng cờ ASEAN được tổ chức tại Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 8/8 (Ảnh: Mạnh Hùng)
Đây là dịp để các nước ASEAN nhìn lại những thành công đã đạt được của Hiệp hội trong hơn 50 năm qua, khẳng định ASEAN ngày càng nâng cao hình ảnh và vị thế cũng như lan toả vai trò và tiếng nói ở cả tầm khu vực và quốc tế. Có được điều này là nhờ cách tiếp cận cân bằng, phương cách ASEAN độc đáo và nhất là sự đoàn kết nhất trí, ứng phó hiệu quả với mọi khó khăn, thách thức của thời đại. Vai trò trung tâm của ASEAN cũng ngày càng được khẳng định nhờ thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, nỗ lực kiến tạo cấu trúc khu vực mở, minh bạch và dựa trên luật lệ, hướng tới môi trường hoà bình, ổn đinh, phát triển.
Lễ Thượng cờ ASEAN đã được cử hành nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập ASEAN tại các quốc gia thành viên, đây là một thông lệ đáng tự hào. Lá cờ ASEAN là biểu tượng cho tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác của ASEAN và khát vọng hoà bình, ổn định, phát triển thịnh vượng của toàn thể Hiệp hội dưới mái nhà chung là Cộng đồng ASEAN.
Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan về vấn đề Kashmir
Kashmir là vùng lãnh thổ có đa số người theo đạo Hồi sinh sống. Hiện Kashmir được chia thành hai phần do Ấn Độ và Pakistan quản lý, song hai nước đều nhận chủ quyền đối với toàn bộ vùng lãnh thổ này. Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2003 về tuân thủ lệnh ngừng bắn, giao tranh vẫn xảy ra giữa binh sĩ hai bên tại ranh giới phân chia Kashmir.
Ngày 5/8, chính phủ Ấn Độ tuyên bố bãi bỏ Điều 370 trong Hiến pháp về việc trao quyền tự trị đặc biệt cho Kashmir. Trước khi thực hiện công việc này, chính quyền New Delhi đã triển khai bổ sung hàng nghìn binh sỹ tới khu vực tranh chấp, áp đặt lệnh giới nghiêm, cắt mạng lưới liên lạc viễn thông và internet, đồng thời bắt giữ một số nhà lãnh đạo chính trị. Thậm chí cách đây ít lâu, chính phủ Ấn Độ đã bác bỏ đề xuất của Tổng thống Mỹ D.Trump nhằm đóng vai trò trung gian giải quyết tranh chấp ở Kashmir.
Những động thái trên của Ấn Độ, ngay lập tức đã vấp phải những phản ứng mạnh mẽ từ Pakistan và làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ gia tăng căng thẳng tại khu vực tranh chấp Kashmir – vốn từ lâu đã trở thành “điểm nóng” trong quan hệ hai nước.
Ngày 7/8, Chính phủ Pakistan đã quyết định hạ cấp quan hệ ngoại giao và đình chỉ các hoạt động giao thương với nước láng giềng. Ngày 8/8, trong cuộc họp báo tại thủ đô Islamabad, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mehmood Qureshi tuyên bố nước này không tìm kiếm giải pháp quân sự để giải quyết tranh chấp ở Kashmir, song sẽ bảo lưu quyền phản ứng trước mọi hành vi gây hấn từ Ấn Độ.
Cùng ngày, Bộ trưởng Đường sắt Pakistan Sheikh Rasheed cũng tuyên bố nước này đã quyết định đóng cửa tuyến đường sắt Samjhauta Express nối liền thủ đô New Delhi của Ấn Độ với thành phố Lahore thuộc miền Đông Pakistan.
Hiện Pakistan đang yêu cầu triệu tập một phiên họp khẩn của các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm thảo luận về tình hình Kashmir.
Đồng Nhân dân tệ lao dốc, Trung Quốc ngừng mua nông sản Mỹ
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục với những diễn biến mới khi đồng Nhân dân tệ (CNY) tiếp tục lao dốc, rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 11. Theo đó, sáng ngày 7/8, đồng CNY lại tiếp tục hạ giá xuống mức 7.0488 CNY đổi được 1 USD, thấp hơn khoảng 0,4% so với tỉ giá được ghi nhận vào cuối ngày 6/8.
Quyết định hạ giá đồng CNY của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã khiến Bộ Tài chính Mỹ chính thức liệt Trung Quốc vào danh sách quốc gia thao túng tiền tệ. PBOC ngày 6/8 tuyên bố Bắc Kinh kiên quyết phản đối quyết định này của Mỹ, cho rằng Bắc Kinh chưa và sẽ không sử dụng đồng Nhân dân tệ để đối phó với những bất đồng về thương mại với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo tuyên bố của PBOC, việc coi Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ gây tổn hại nghiêm trọng tới các quy tắc quốc tế.
Trong một động thái có liên quan, ngày 6/8, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo nước này đã ngừng mua nông sản Mỹ nhằm phản ứng trước việc Tổng thống Mỹ D.Trump mới đây đã thông báo tăng thuế 10% lên lượng hàng hóa nhập khẩu trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc.
Cũng trong ngày 6/8, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh kêu gọi Mỹ tôn trọng lời hứa và thực thi nghiêm túc những đồng thuận mà lãnh đạo hai nước đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh ở Osaka (Nhật Bản) để tạo ra điều kiện cần thiết giúp thúc đẩy hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp giữa Mỹ và Trung Quốc.
Những diễn biến này đã tiếp tục đẩy cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới lên một nấc thang căng thẳng mới. Những diễn biến này, đã ngay lập tức tác động tiêu cực đến thị trường tài chính thế giới khi đẩy chỉ số chứng khoán phố Wall tới mức thấp nhất trong năm.
Triều Tiên tiếp tục thử nghiệm vũ khí mới
Ngày 11/8, hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) thông báo trong ngày 10/8, nước này đã tiến hành thử nghiệm một loại vũ khí mới dưới sự giám sát của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. KCNA không nêu cụ thể tên gọi của loại vũ khí mới song cho biết mẫu vũ khí mới được chế tạo phù hợp với điều kiện của Triều Tiên, có tính năng kỹ chiến thuật vượt trội so với các mẫu vũ khí cũ.
Trước đó, sáng 10/8, quân đội Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã bắn hai vật thể chưa xác định ra Biển Nhật Bản. Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc thông báo các vật thể này được bắn từ vị trí gần thành phố Hamhung, miền Đông Bắc Triều Tiên. Theo thông báo, hai vật thể được cho là tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên đã bay xa khoảng 400 km, độ cao tối đa 38 km và rơi xuống vùng biển phía Đông Bán đảo Triều Tiên, tức Biển Nhật Bản. Đây là vụ phóng thứ 5 của Triều Tiên trong hai tuần qua. Phủ tổng thống Hàn Quốc cho rằng vụ phóng là nhằm thử nghiệm năng lực của loại tên lửa tầm ngắn mới mà Bình Nhưỡng tự phát triển, cũng như để phản đối cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn trong tháng này.
Cũng trong ngày 10/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nói với ông rằng Bình Nhưỡng sẽ ngừng các vụ phóng tên lửa khi các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn kết thúc, đồng thời gửi lời xin lỗi về các vụ thử tên lửa gần đây. Trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump nêu rõ trong lá thư gửi ông, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đánh giá các cuộc tập trung chung Mỹ-Hàn là "lố bịch và tốn kém". Trong thư, nhà lãnh đạo Kim Jong-un bày tỏ mong muốn nối lại đàm phán về phi hạt nhân hóa chừng nào các cuộc tập trận của Mỹ và Hàn Quốc kết thúc. Đáp lại, Tổng thống Trump cũng cho biết ông "mong chờ gặp lại nhà lãnh đạo Triều Tiên trong tương lại không xa".
Indonesia sẽ dời thủ đô tới đảo Borneo
Ngày 8/8, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tái khẳng định việc sẽ dời thủ đô của nước này tới đảo Borneo (hay Kalimantan – theo tiếng Indonesia) trong bối cảnh một khu vực rộng lớn của Thủ đô Jakarta hiện tại đang ở dưới mực nước biển và tình trạng giao thông đông đúc. Theo đó, thành phố Palangkaraya và khu vực gần Balikpapan giàu dầu mỏ đang được xem xét để trở thành địa điểm của thủ đô mới.
giao thông đông đúc và gần một nửa diện tích Jakarta đang nằm dưới mực nước biển. (Ảnh minh họa: AAP)
Các chuyên gia cho biết, không giống như nhiều khu vực khác của Indonesia, phần lớn đảo Borneo không dễ bị động đất và núi lửa phun trào. Trong khi đó, tại Thủ đô Jakarta hiện nay, tình trạng tắc nghẽn giao thông, lũ lụt thường xuyên và hiện tượng sụt lún nhanh chóng – là những nguyên nhân chính đưa đến quyết định di chuyển thủ đô tới nơi khác. Khoảng 40% diện tích Jakarta (đô thị với 10 triệu dân) hiện đang ở dưới mực nước biển và sẽ tiếp tục chìm. Chính phủ Indonesia cho biết, những thiệt hại về kinh tế do tắc nghẽn giao thông ở thành phố này ước tính 100 nghìn tỷ rupiah mỗi năm.
Chính phủ Indonesia mong muốn có thể bắt đầu quá trình di chuyển tới thủ đô mới vào năm 2024, thời điểm kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Joko Widodo. Trước đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Phát triển Quốc gia Indonesia Bambang Brodjonegoro cho biết hồi đầu năm nay rằng, quá trình di chuyển này có thể tốn chi phí khoảng 33 tỷ USD.
Đối thoại lãnh đạo cấp cao về an ninh lương thực ở châu Phi
Trong hai ngày 5-6/8, Đối thoại lãnh đạo cấp cao về an ninh lương thực ở châu Phi đã được tổ chức tại Kigali (Rwanda). Các đại biểu đã thống nhất cho rằng, đối mặt với vấn đề biến đổi khí hậu và để cải thiện an ninh lương thực tại châu lục này đòi hỏi phải tăng cường khả năng hồi phục, từ đó góp phần cải thiện an ninh lương thực.
Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc, tại châu Phi, thực phẩm và nông nghiệp là một trong những lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Những người nông dân nhỏ, doanh nhân và gia đình của họ có sinh kế phụ thuộc vào nông nghiệp mưa nắng có nguy cơ bị đe dọa cao nhất từ biến đổi khí hậu.
Chính vì vậy, tăng cường khả năng phục hồi là một trong những ưu tiên để phát triển của FAO trên lục địa này. Làm cho mọi người dân kiên cường trước nhiều mối đe dọa trong đó có biến đổi khí hậu là điều kiện thiết yếu để thúc đẩy sự phát triển bền vững, đặc biệt là khi dân số châu Phi dự kiến sẽ tăng mạnh vào năm 2050, vượt quá 2 tỷ người.
Theo dữ liệu mới nhất của FAO, nạn đói đang gia tăng ở hầu hết các quốc gia tại khu vực châu Phi cận Sahara, khiến châu Phi trở thành khu vực có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao nhất (gần 20%). Tình trạng này chủ yếu là do xung đột và biến đổi khí hậu và đặc biệt đáng lo ngại ở Đông Phi nơi 30,8% dân số (133 triệu người) đang phải vật lộn để nuôi sống bản thân. Trong bối cảnh đó, cần có những hành động cụ thể càng sớm càng tốt và tập trung vào khả năng phục hồi của người dân trước diễn biến ngày càng phức tạp của hiện tượng biến đổi khí hậu./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!