Thế giới tuần qua: Ấn Độ, Trung Quốc nhất trí sớm rút quân ở biên giới

Cùng với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, thế giới tuần qua cũng chứng kiến nhiều sự kiện đáng chú ý: Đòn "ăn miếng trả miếng" trong quan hệ ngoại giao Trung, Mỹ ; Ấn Độ, Trung Quốc nhất trí sớm rút quân ở biên giới; Nguy cơ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập xung đột tại Libya’ Anh thừa nhận không thể đạt thỏa thuận sơ bộ với EU trong tháng 7; EU đạt thỏa thuận về kế hoạch kích thích kinh tế.

Dịch COVID-19 không ngừng lây lan

Tính đến 5h ngày 26/7 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 16.161.370 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 646.994  ca tử vong. Số bệnh nhân bình phục là 9.862.642 người.

 Học  sinh đeo  khẩu trang và tấm che giọt bắn trong suốt giờ học ở Tokyo, Nhật Bản tháng 6/2020  để phòng chống COVID-19. (Ảnh: NHK news)

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch COVID-19 với 4.305.719  ca nhiễm và 149.271 ca tử vong. Ổ dịch lớn thứ hai thế giới là Brazil với 2.355.920 ca nhiễm, 85.562 ca tử vong. Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro ngày 25/7 thông báo đã có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2, qua đó cho thấy ông đã bình phục sau hơn 2 tuần được chẩn đoán mắc COVID-19.

Số liệu mới nhất cho thấy, châu Âu đã ghi nhận tổng số 2.765.040 ca nhiễm COVID-19 và 201.262 ca tử vong. Các con số này tại Bắc Mỹ là 5.042.168  ca nhiễm, 206.781 ca tử vong; tại  châu Á là 3.824.485 ca nhiễm, 88.611 ca tử vong; tại Nam Mỹ là 3.637.600 ca nhiễm, 131.517 ca tử vong; tại châu Phi là 830.857 ca nhiễm, 17.549 ca tử vong; tại châu Đại Dương là 15.654 ca nhiễm, 167 ca tử vong.

Liên quan đến việc nghiên cứu sản xuất vaccine để phòng ngừa COVID-9, cho đến nay, hơn 150 vaccine sử dụng các công nghệ khác nhau đang được phát triển trên toàn cầu, trong đó khoảng 12 loại đã được thử nghiệm lâm sàng. Nhiều chính phủ đã ký thỏa thuận với các hãng dược phẩm nhằm đảm bảo nguồn cung các loại vaccine tiềm năng.

Đòn "ăn miếng trả miếng" trong quan hệ ngoại giao Trung, Mỹ

Ngày 25/7, an ninh được siết chặt bên ngoài Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Thành Đô của Trung Quốc vào thời điểm các nhân viên ngoại giao Mỹ chuẩn bị rời khỏi đây. Trước đó một ngày, Trung Quốc đã yêu cầu đóng cửa phái bộ ngoại giao này để đáp trả việc Mỹ yêu cầu Bắc Kinh đóng cửa Tổng Lãnh sự quán tại Houston. Động thái đáp trả lẫn nhau giữa hai nước khiến quan hệ song phương xấu đi nghiêm trọng.

 Tổng lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Thành Đô. (Ảnh: Global Times)

Tại Trung Quốc đại lục, Mỹ có 5 Tổng lãnh sự quán tại Quảng Châu, Thượng Hải, Thâm Quyến, Thành Đô, Vũ Hán và Tổng lãnh sự quán ở Hong Kong và Macau (Trung Quốc). Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô phụ trách Khu tự trị Tây Tạng, Trùng Khánh, Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu.

Theo các chuyên gia, việc đóng cửa Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô có tầm chiến lược gây nhiều khó khăn cho Mỹ, nhất là Tổng lãnh sự quán này phụ trách cả địa bàn Khu Tự trị Tây Tạng.

Trong một diễn biến liên quan, trong thông báo ngày 24/7, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Trung Quốc đã chính thức đóng cửa Tổng Lãnh sự quán nước này tại Houston. Ngày 24/7, nhân viên ngoại giao Trung Quốc cuối cùng tại cơ sở này đã rời đi trước thời hạn chót 72 giờ.

Trung Quốc và Mỹ đang bất đồng về một số vấn đề quan trọng, trong đó có hoạt động thương mại, Khu đặc hành chính Hong Kong và Biển Đông cũng như nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Ấn Độ, Trung Quốc nhất trí sớm rút quân ở biên giới

Ấn Độ và Trung Quốc ngày 24/7 đã nhất trí sớm rút lui hoàn toàn các lực lượng khỏi khu vực Đông Ladakh, đồng thời khẳng định việc khôi phục đầy đủ hòa bình và ổn định ở biên giới đóng vai trò thiết yếu đối với sự phát triển tổng thể của mối quan hệ song phương.

 Binh sỹ Ấn Độ tại khu vực biên giới với Trung Quốc. (Ảnh: AFP/Getty)

Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ấn Độ, các phái đoàn hai nước tham dự cuộc họp lần lượt do Vụ trưởng Đông Á Bộ Ngoại giao Ấn Độ và Vụ trưởng Vụ Biên giới & Đại dương Bộ Ngoại giao Trung Quốc đứng đầu. Tại cuộc họp, hai bên đã đánh giá tình hình ở khu vực biên giới Ấn Độ - Trung Quốc cũng như quá trình rút quân dọc Đường kiểm soát thực tế (LAC) ở khu vực phía Tây; nhất trí rằng việc rút quân sớm và hoàn toàn dọc LAC và giảm căng thẳng ở khu vực biên giới giữa hai nước theo các thỏa thuận và nghị định song phương cũng như khôi phục đầy đủ hòa bình và yên tĩnh là điều thiết yếu đối với việc phát triển tổng thể quan hệ song phương.

Hai bên cũng lưu ý điều này phù hợp với thỏa thuận đạt được giữa hai đại diện đặc biệt trong cuộc điện đàm hôm 5/7, đồng thời nhất trí cả hai bên cần phải thực hiện chân thành những nhận thức chung đạt được giữa các chỉ huy cấp cao hai nước trong các cuộc họp cho đến nay.

Khu vực biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc căng thẳng sau một loạt cuộc đụng độ đầu tháng 6 vừa qua giữa binh lính hai bên ở Đông Ladakh, thuộc vùng lãnh thổ Kashmir. Đến cuối tháng, Trung Quốc đã triển khai một lực lượng binh sĩ đáng kể đến khu vực biên giới này. Đáp lại, Ấn Độ cũng điều thêm 5.000 binh sĩ đến Ladakh để tăng viện cho lực lượng đang trấn giữ vùng đất dọc LAC.

Đến nay, các tư lệnh quân đoàn của quân đội hai nước đã tổ chức 4 vòng đàm phán vào các ngày 6/6, 22/6, 30/6 và 14/7 để giảm leo thang căng thẳng tại khu vực biên giới trên.

Nguy cơ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập xung đột tại Libya

Theo trang mạng Alarabiya, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã chuẩn bị kế hoạch quân sự để chuẩn bị cho khả năng Ai Cập can thiệp vào tình hình ở Libya, sau khi Quốc hội Ai Cập “bật đèn xanh” cho việc triển khai quân ở bên ngoài lãnh thổ, cho phép Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi hành động như những gì nhà lãnh đạo này từng tuyên bố về vấn đề Libya.

 Binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trước đó, cố vấn an ninh cấp cao của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalin tuyên bố rằng Ankara không muốn leo thang căng thẳng ở Libya hay đối đầu với Ai Cập ở quốc gia Bắc Phi này. Tuy nhiên, theo ông Kalin, Ankara sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) ở Libya.

Theo giới quan sát, hiện tình hình ở Libya ngày càng trở nên rối ren khi có nhiều thế lực bên ngoài can thiệp và hậu thuẫn cho các bên đối địch với nhiều mức độ khác nhau. Đáng chú ý là Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ GNA trong khi Ai Cập hậu thuẫn cho lực lượng tự xưng là Quân đội Quốc gia Libya (LNA) ở miền Đông.

Hiện Libya đang tồn tại hai chính quyền song song với sự hậu thuẫn của các lực lượng vũ trang riêng. Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) được Liên hợp quốc (LHQ) ủng hộ và các nhóm vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, đang hoạt động ở thủ đô Tripoli. Trong khi đó, lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông và được Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Nga và Ai Cập ủng hộ. Số liệu thống kê mới nhất của Phái bộ Gìn giữ hòa bình LHQ tại Libya (UNSMIL) cho thấy hơn 16.000 người Libya đã phải rời bỏ nhà cửa trong các cuộc đụng độ giữa GNA và LNA.

Anh thừa nhận không thể đạt thỏa thuận sơ bộ với EU trong tháng 7

 Ngày 23/7, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Anh David Frost thừa nhận London sẽ không thể đạt được thỏa thuận sơ bộ về mối quan hệ tương lai với Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 7.

 Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Anh David Frost (trái) trong cuộc đàm phán về thỏa thuận hậu Brexit với đại diện Liên minh châu Âu ở Brussels, Bỉ ngày 29/6/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ông Frost khẳng định dù không đạt thỏa thuận sơ bộ trong tháng 7 nhưng London sẽ tiếp tục nỗ lực để tìm kiếm thỏa thuận với EU, với mục tiêu tiếp theo là vào tháng 9 tới. Tuy nhiên, ông này cũng không lại trừ khả năng hai bên không đạt thỏa thuận, đồng thời lưu ý việc chuẩn bị cho mọi kịch bản có thể xảy ra vào cuối năm 2020 là điều cần phải làm.

Về phần mình, Trưởng đoàn đàm phán của EU Michel Barnier đánh giá ở thời điểm hiện tại, khả năng Anh và EU có thể đạt thỏa thuận về mối quan hệ hậu Brexit đang rất thấp. Nhà đàm phán của EU cho rằng hiện Anh vẫn từ chối những điều kiện về cạnh tranh "mở và công bằng" và từ chối đề xuất về một thỏa thuận "cân đối" trong lĩnh vực đánh bắt cá, điều này khiến khả năng hai bên tiến tới thỏa thuận là gần như không thể.

Chính thức rời EU từ ngày 31/1, nhưng nước Anh vẫn tiếp tục tuân thủ các quy định của khối cho tới ngày 31/12/2020 để hai bên đàm phán về mối quan hệ song phương hậu Brexit. Để tránh những tổn hại của một cuộc “ly hôn” không thỏa thuận, hai bên có thể sẽ thay đổi lập trường và nhượng bộ nhất định vào phút chót.

EU đạt thỏa thuận về kế hoạch kích thích kinh tế

Ngày 21/7, các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận về kế hoạch kích thích kinh tế lớn cho nền kinh tế của khối, vốn bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

 EU đã đạt được thỏa thuận về kế hoạch kích thích kinh tế. (Ảnh: AFP)

Gói kích thích trị giá 750 tỷ euro của EU  sẽ được tài trợ bởi một khoản vay do Ủy ban châu Âu thay mặt cho khối thực hiện, một thỏa thuận mới. Khoản vay này "giới hạn về quy mô và thời gian". Việc hoàn trả phải được thực hiện muộn nhất là vào năm 2058.

Trong đó,70% các khoản trợ cấp được lên kế hoạch cho các chương trình kích thích quốc gia sẽ được phân bổ vào năm 2021 – 2022, theo tiêu chí "khả năng phục hồi" (dân số, tỷ lệ thất nghiệp trong 5 năm qua). 30% còn lại sẽ được phân bổ vào năm 2023, có tính đến việc sụt giảm GDP trong giai đoạn 2020 – 2021, hậu quả trực tiếp của cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19.

Được các quốc gia tôn vinh như một chiến thắng đối với châu Âu, thỏa thuận phục hồi kinh tế vừa đạt được tại Brussels liệu có đủ để tái tạo một mô hình cạnh tranh cho Liên minh châu Âu hay không còn tùy thuộc vào nỗ lực và thiện chí của các quốc gia thành viên trong khối./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới