Thế giới tuần qua

Thế giới bàng hoàng về vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris, Nga tuyên bố hoàn toàn chấm dứt hợp tác với NATO, nguy cơ xung đột lan rộng tại Libya, Hội nghị thượng đỉnh Nga - Triều Tiên có thể diễn ra trong tuần tới... Đó là một số tin tức quốc tế được dư luận quan tâm trong tuần qua.

Hỏa hoạn làm hư hại nặng Nhà thờ Đức Bà Paris

Chiều tối ngày 15/4 (giờ địa phương), một vụ hỏa hoạn đã bùng phát và lan nhanh trên phần mái và ngọn tháp của Nhà thờ Đức Bà Paris, nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Paris, công trình có tuổi đời hơn 8 thế kỷ, một nhà thờ Công giáo tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Gothic tại Pháp. Đây là một trong những công trình mang tính biểu tượng của nước Pháp, thu hút hàng chục triệu khách du lịch đến thăm mỗi năm. 

Vụ hỏa hoạn khiến Nhà thờ Đức Bà Paris bị hư hại nặng. (Ảnh: SBS News)

Lực lượng cứu hỏa cùng nhiều người có mặt đã nỗ lực tìm cách khống chế ngọn lửa, đồng thời di chuyển nhiều thánh tích và vật phẩm có giá trị lịch sử ra khỏi nhà thờ. Sau nhiều giờ, đám cháy được dập tắt hoàn toàn nhưng ngọn tháp cao 91m và một phần mái của nhà thờ đã bị thiêu rụi. 

Truyền thông Pháp dẫn lời lực lượng cứu hỏa cho rằng nguyên nhân vụ cháy có thể liên quan tới dự án tôn tạo trị giá 6,8 triệu USD đang được tiến hành tại phần tháp của nhà thờ. Nhà chức trách cho biết không có dấu hiệu cho thấy vụ việc có liên quan tới hành vi tội phạm và nhiều khả năng đây là một vụ tai nạn. Hiện vụ việc vẫn đang được điều tra. 

Vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris đã làm cả thế giới bàng hoàng. Lãnh đạo nhiều nước bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ với người dân Pháp về sự tổn thất đối với một di sản quý giá của thế giới. Ngay sau vụ hỏa hoạn, các nhà tài trợ đã hứa hẹn ủng hộ việc xây dựng lại công trình này với số tiền hiện đã lên tới hơn 1 tỷ euro.

Trong bài phát biểu được phát sóng trên truyền hình ngày 16/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà Paris trong vòng 5 năm.

Nga tuyên bố hoàn toàn chấm dứt hợp tác với NATO

Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti, ngày 15/4, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko tuyên bố Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã hoàn toàn chấm dứt hợp tác trong cả các lĩnh vực quân sự và dân sự.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko. (Ảnh: pravmir.com)

Ông Grushko – người từng đảm nhiệm vị trí đại diện thường trực Nga tại NATO giai đoạn 2012-2018 cho rằng, tình trạng bế tắc hiện nay trong quan hệ giữa hai bên đang gợi nhớ đến thời điểm dẫn tới sự thành lập của NATO trong năm 1947 của thời kỳ Chiến tranh Lạnh. “NATO đã từ bỏ một chương trình nghị sự tích cực trong các mối quan hệ với Nga.” – ông Grushko nói.

Qua đó, đại diện ngoại giao này cảnh báo NATO trước các kịch bản xung đột với Nga. Theo quan điểm của ông Grushko, đây là điều mà tất cả những ai có đầu óc xét đoán đều không mong muốn trở thành hiện thực. “Kịch bản này sẽ dẫn tới một thảm họa nhân đạo. Tôi chắc chắn rằng cả Washington và Brussels đều hiểu rõ điều này” – ông Grushko cảnh báo.

Theo nhận định của ông Grushko, Nga sẽ không bị lôi kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang với NATO để gia tăng ngân sách quân sự, mà đang hướng tới các biện pháp “tiết kiệm, chính xác và hiệu quả”. Quan chức ngoại giao này cho rằng, NATO có thể đổi mới thông qua con đường thiết lập quan hệ đối tác chiến lược đích thực với Nga cũng như mở ra các kênh đối thoại.

Nguy cơ xung đột lan rộng tại Libya

Ngày 18/4, Đặc phái viên Liên hợp quốc về Libya – ông Ghassan Salame cảnh báo về nguy cơ lan rộng xung đột tại Libya trong bối cảnh lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của tướng Khalifa Haftar đang tăng cường chiến dịch chiếm thủ đô Tripoli khỏi sự kiểm soát của Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được quốc tế công nhận.

Quang cảnh tại quận Abu Salim ở thủ đô Tripoli ngày 17/4, sau một đêm hứng chịu nhiều vụ nã pháo nhằm vào khu dân cư. (Ảnh: Reuters)

Theo ông Ghassan Salame, sự chia rẽ của cộng đồng quốc tế về tình hình Libya đã thôi thúc người đứng đầu LNA phát động chiến dịch nhằm lật đổ chính phủ tại Tripoli.

Quan chức ngoại giao của Liên hợp quốc nhận định, các cuộc giao tranh tại khu vực phía Nam thủ đô Tripoli giữa lực lượng của tướng Haftar và GNA đã bị đẩy vào tình thế “bế tắc về quân sự”.

Những thông tin trên được ông Salame đưa ra chỉ 1 ngày sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thất bại trong việc tìm kiếm tiếng nói chung để hạ nhiệt cuộc khủng hoảng Libya sau các vòng đàm phán mới về một bản dự thảo nghị quyết yêu cầu thiết lập một lệnh ngừng bắn tại Tripoli.

Các cuộc giao tranh giữa lực lượng quân đội của GNA và LNA đã leo thang căng thẳng sau khi phe đối lập phát động một chiến dịch tấn công quân sự nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli từ ngày 4/4. Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), giao tranh đã khiến hơn 220 người thiệt mạng, hơn 1.000 người bị thương và khoảng 25.000 người phải sơ tán.

Hội nghị thượng đỉnh Nga - Triều Tiên có thể diễn ra trong tuần tới

Ngày 18/4, Hãng tin RIA Novosti của Nga dẫn thông cáo báo chí từ điện Kremlin cho biết: Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ sang thăm Nga vào cuối tháng này để tiến hành Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin. Nguồn tin trên cho biết, chuyến thăm của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un được thực hiện theo lời mời của Tổng thống Putin, song không tiết lộ chi tiết (gồm thời gian và địa điểm) của Hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo.

Báo chí Nhật Bản đưa tin về kế hoạch tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Nga - Triều Tiên.
(Ảnh cắt từ bản tin NHK)

Tuy nhiên, một số phương tiện truyền thông nhận định về khả năng cuộc gặp được trông đợi giữa ông Kim Jong-un và ông Putin sẽ diễn ra tại thành phố Vladivostok thuộc vùng Viễn Đông của Nga vào tuần tới, trong khuôn khổ chặng dừng chân của nhà lãnh đạo Nga trên đường tham dự một hội thảo quốc tế diễn ra tại Trung Quốc.
 
Hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản dẫn một số nguồn tin cho biết, nhà lãnh đạo Kim Jong-un dự kiến sẽ thăm Nga trong 3 ngày, bắt đầu từ ngày 24/4 tới. Theo kế hoạch, ông Kim Jong-un sẽ tới Nga bằng tàu hỏa và cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa ông với Tổng thống Putin sẽ diễn ra trên đảo Russky, ngoài khơi thành phố Vladivostok.

Theo giới quan sát, Hội nghị thượng đỉnh Nga - Triều Tiên sắp tới sẽ mở ra cơ hội để Tổng thống Putin khẳng định vai trò của Moscow trong giải quyết vấn đề Triều Tiên, thông qua việc tô đậm vai trò của các hoạt động hợp tác giữa hai nước

Indonesia tiến hành cuộc bầu cử quy mô lớn và phức tạp

Ngày 17/4, cử tri Indonesia đã tham gia vào cuộc bầu cử được cho là một trong những cuộc bầu cử có quy mô lớn và phức tạp nhất thế giới diễn ra trong một ngày, để đồng loạt chọn ra Tổng thống, Phó Tổng thống, các vị trí trong Quốc hội và hội đồng địa phương.

Cử tri đi bỏ phiếu bầu cử tại Bali, Indonesia. (Ảnh: AP)

Theo số liệu thống kê, đã có khoảng 193 triệu cử tri Indonesia đăng ký thực hiện nghĩa vụ công dân tại 800.000 trạm bỏ phiếu đóng trên đất nước “vạn đảo”. Trong khi đó, việc tổ chức cuộc bầu cử trong vòng 1 ngày tại đất nước trải dài 4.800 km với hơn 17.000 hòn đảo lớn, nhỏ và số dân lên tới hơn 260 triệu người, gồm hàng trăm cộng đồng sắc tộc và ngôn ngữ khác nhau cũng đặt ra nhiều thách thức. Các nhân viên đã phải vận chuyển hòm phiếu bằng nhiều phương tiện như: Xe gắn máy, thuyền, máy bay hay thậm chí là cả bằng voi và ngựa để có thể tiếp cận với những cộng đồng người sinh sống trên núi cao hay sâu trong rừng.

Ngoài quy mô và tầm quan trọng của cuộc bầu cử ngày 17/4, sự kiện chính trị này còn thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận khi diễn ra “màn tái đấu” giữa đương kim Tổng thống Joko Widodo và cựu trung tướng Prabowo Subianto sau cuộc bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ trước diễn ra vào năm 2014.

Mặc dù phải đến tháng 5 tới mới có kết quả bầu cử chính thức, song kết quả thăm dò của các trung tâm nghiên cứu cho thấy Tổng thống Joko Widodo đang dẫn trước đối thủ. Trái lại, ông Prabowo Subianto tuyên bố dẫn đầu cuộc bầu cử, đồng thời cho rằng kết quả thăm dò mang tính "thiên vị". 

Triển khai chiến dịch toàn cầu về tiêm chủng

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đang triển khai một chiến dịch toàn cầu nhằm truyền tải thông điệp về tính hiệu quả và sự an toàn của việc tiêm phòng vắc-xin.

Một em bé được tiêm vắc-xin phòng bệnh tại trung tâm y tế ở Congo (Ảnh: UNICEF)

Chiến dịch mang tên Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới, sẽ kéo dài từ ngày 24 đến 30/4 nhằm lan tỏa thông điệp tới mọi người, trong đó có các bậc cha mẹ, về việc có thể bảo vệ sức khỏe mọi người thông qua vắc-xin. Mục tiêu của chiến dịch này là nhằm tiêm chủng cho khoảng 70 triệu người trên toàn cầu chống lại các dịch bệnh có thể phòng ngừa được.

Trong khi đó, một chiến dịch đồng thời trên mạng xã hội có tên là #VaccinesWork cũng được UNICEF và các đối tác như Quỹ Bill & Melinda Gates, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (Gavi) phối hợp thực hiện.

Theo kế hoạch, Quỹ Bill & Melinda Gates sẽ đóng góp 1 USD cho mỗi lượt “like” (thích) hoặc “share” (chia sẻ) trên mạng xã hội khi có sử dụng hashtag #VaccinesWork trong tháng 4 này, cho tới khi được 1 triệu USD. Toàn bộ số tiền này sẽ được chuyển cho UNICEF./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới