Tuần qua (2 – 8/11), thế giới trải qua những ngày hồi hộp, căng thẳng theo diễn biến sít sao của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lần thứ 46, cùng với đó là một số quyết sách quan trọng trong chính trường Nga hay những hệ quả của đại dịch COVID-19 cùng hiện tượng biến đổi khí hậu.
Bầu cử Mỹ: Cuộc đua căng thẳng, bám đuổi sít sao
Chiều 4/11, tất cả các điểm bỏ phiếu trên toàn nước Mỹ đã chính thức đóng cửa, khép lại mùa bầu cử sôi động và căng thẳng của cử tri Mỹ để lựa chọn vị Tổng thống thứ 46 cũng như hai viện của Quốc hội và thống đốc các bang.
Ông Joe Biden tuyên bố chiến thắng trong cuộc Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020. (Ảnh: Getty Images) |
Trong cuộc tổng tuyển cử năm nay, cử tri Mỹ bầu Tổng thống và Phó Tổng thống, toàn bộ 435 ghế tại Hạ viện, 35/100 ghế tại Thượng viện, 11 vị trí Thống đốc bang cùng khoảng 5.000 ghế trong các cơ quan lập pháp cấp bang trên toàn nước Mỹ.
Đến đêm 7/11 (giờ Việt Nam), CNN chính thức thông báo ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ thứ 46 với tỉ lệ phiếu 273 - 213, bất chấp nhiều khiếu nại về gian lận phiếu bầu và cuộc chiến pháp lý mà nhóm tranh cử của ông Trump đưa ra. Nhiều hãng tin lớn cũng đồng loạt thông tin ông Joe Biden đã được bầu làm tổng thống mới của Mỹ.
Theo đó, chưa cần tính 11 phiếu bị rút lại ở Arizona, ông Biden cũng đã có 273 phiếu đại cử tri, còn ông Trump chỉ có 213 phiếu.
Đương kim Tổng thống Donald Trump đã bác bỏ thông tin trên và không chịu thừa nhận thất bại. Tổng thống Trump cho rằng mọi chuyện "vẫn chưa kết thúc" và ông Biden đang vội vã khi tuyên bố giành chiến thắng. Ông Trump khẳng định ông cùng đội ngũ tranh cử sẽ có những hành động pháp lý cần thiết.
Trước đó, các hãng truyền thông cũng đưa ra những số liệu không thống nhất về kết quả của các bang đã kiểm xong phiếu. Cả hai ứng cử viên thì đưa ra những tuyên bố cho thấy dấu hiệu báo trước về nguy cơ nảy sinh những vấn đề phức tạp và căng thẳng dẫn tới một cuộc chiến pháp lý giữa hai bên. Tổng thống Donald Trump cho biết sẽ khiếu nại lên Tòa án Tối cao về hoạt động kiểm phiếu, cáo buộc "một nhóm người" đang tìm cách tước quyền của hàng triệu người đã bầu chọn ông và "có đống phiếu rác bất ngờ" tại những bang nơi ông đã dẫn trước đối thủ Biden, mặc dù không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào. Trong khi đó, đội ngũ tranh cử của ứng cử viên Biden bày tỏ tự tin về chiến thắng, cảnh báo sẽ ngăn chặn hành động của Tổng thống Trump tại Tòa án Tối cao Mỹ, đồng thời khẳng định sẽ không "nghỉ ngơi cho đến khi từng phiếu được kiểm" trong cuộc bầu cử.
Ông Joe Biden tên đầy đủ là Joseph Robinette Biden Jnr, sinh ngày 20/11/1942 tại thị trấn Scranton, Pennsylvania trong một gia đình công giáo gốc Ireland.
Ngay sau khi có kết quả ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ, lãnh đạo nhiều nước trên thế giới như Đức, Anh, Pháp, Ireland, Canada.... đã gửi lời chúc mừng và mong muốn hợp tác với Mỹ.
Tổng thống Nga V. Putin ký ban hành luật thành lập chính phủ
Ngày 6/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành một đạo luật mới, quy định một số thủ tục thành lập chính phủ, phù hợp với các sửa đổi của Hiến pháp. Văn bản này đã được công bố trên Cổng thông tin pháp luật chính thức của Nga. Và luật này có hiệu lực ngay trong ngày được công bố chính thức.
Tổng thống V. Putin ký ban hành luật thành lập chính phủ. (Ảnh: TASS) |
Theo đạo luật mới, quyền hành pháp sẽ do chính phủ và các cơ quan liên bang khác thực hiện, dưới sự chỉ đạo chung của Tổng thống. Luật mới cũng thay đổi thủ tục bổ nhiệm Thủ tướng, theo đó Tổng thống chỉ có thể bổ nhiệm vị trí Thủ tướng, sau khi ứng cử viên cho vị trí này được Đuma Quốc gia (Hạ viện) chấp thuận. Tuy nhiên, nếu ứng cử viên Thủ tướng không nhận được sự ủng hộ của các hạ nghị sĩ sau ba lần biểu quyết, Tổng thống sẽ có quyền tự mình bổ nhiệm Thủ tướng.
Luật mới cũng cho phép Tổng thống bổ nhiệm vị trí Bộ trưởng các bộ sức mạnh (gồm các Bộ Quốc phòng, Ngoại giao và Nội vụ), sau khi đã tham khảo ý kiến Hội đồng Liên bang (Thượng viện). Các thành viên còn lại trong nội các sẽ do Đuma Quốc gia phê chuẩn, theo đề nghị của Thủ tướng.
Ngoài ra, luật mới có một thay đổi quan trọng, đó là “sự ra đi” của Thủ tướng sẽ không kéo theo việc toàn bộ nội các phải từ chức theo. Cụ thể, Tổng thống có thể bổ nhiệm Thủ tướng mới, nhưng vẫn giữ lại các thành viên nội các cũ.
Cơ cấu nội các vẫn như trước đây, sẽ do Tổng thống tự quyết định. Bên cạnh đó, luật mới quy định tăng gấp 5 lần ngưỡng hỗ trợ tài chính, từ mức 100 lên 500 triệu Rúp.
Kinh tế châu Âu đối mặt với nguy cơ suy thoái vì COVID-19
Mặc dù được dự báo không ảnh hưởng nghiêm trọng như trong làn sóng dịch COVID-19 hồi đầu năm, song giới chuyên gia nhận định các biện pháp phong tỏa đang được nhiều nước châu Âu áp đặt trở lại vẫn tác động mạnh tới sự phục hồi kinh tế vốn đang rất mong manh của châu lục này.
Nhiều cửa hàng phải đóng cửa do đại dịch COVID-19 (Ảnh: AFP) |
Số liệu chính thức được công bố hồi tuần trước cho thấy do tác động của đại dịch COVID-19, kinh tế Eurozone đã sụt giảm 12,7% trong 9 tháng đầu năm nay, trong đó riêng quý 2 đã sụt giảm 11,8%, mức sụt giảm chưa từng có.
Các nước châu Âu đang phải vật lộn với làn sóng lây nhiễm thứ hai, có nguy cơ nặng nề hơn làn sóng đầu tiên hồi đầu năm nay.
Theo ông Paolo Gentiloni, ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của Liên minh châu Âu (EU), việc thắt chặt biện pháp để kiểm soát dịch bệnh chắc chắn sẽ tác động tới các hoạt động kinh tế.
Trong khi đó, ông Klaus Regling, Chủ tịch Cơ chế Bình ổn châu Âu (một quỹ cứu trợ tài chính của Khu vực đồng tiền chung châu Âu - Eurozone), cho rằng tình trạng xuống cấp của hệ thống y tế đang làm gia tăng những rủi ro về một đợt suy thoái kép tại 19 quốc gia Eurozone.
Hội đồng châu Âu đã thông báo các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến vào ngày 19/11 để thảo luận về cách ứng phó với COVID-19 và ảnh hưởng của nó tới sức khỏe công dân và nền kinh tế các quốc gia của khối.
Tranh chấp Biển Đông cần được giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế
Ngày 6/11, tại trung tâm báo chí hãng thông tấn Ukraine (UNIAN) đã diễn ra hội thảo bàn tròn mang tên "Quyền tài phán trên biển tại các khu vực tranh chấp, xung đột và cạnh tranh ở Biển Đen, Biển Azov và Biển Đông", với sự tham gia của hơn 20 nhà khoa học, chuyên gia và luật sư Ukraine.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Asia Times) |
Dưới sự chủ trì của Giám đốc Viện Chính trị Ukraine Ruslan Bortnik, các đại biểu tham gia hội thảo đã thảo luận các vấn đề pháp lý, chính trị, quân sự… liên quan một số khu vực tranh chấp và xung đột trên các vùng biển thế giới.
Trong đó, các đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Nhiều học giả cho rằng vấn đề hiện nay ở Biển Đông không chỉ mang tính khu vực mà còn là vấn đề quốc tế mang tính toàn cầu, liên quan đến sự ổn định, an ninh và tự do hàng hải cho tất cả các nước có lợi ích ở khu vực. Do đó, sự quan tâm của toàn thể cộng đồng thế giới đối với vấn đề Biển Đông là cần thiết.
Tại hội thảo, nhà phân tích Peter Potopakhin tại Trung tâm Nghiên cứu Chính trị và Xã hội Ukraine cho rằng: "Cần phải giải quyết tất cả các tranh chấp hiện có ở Biển Đông trên cơ sở các chuẩn mực chung của luật pháp quốc tế, thông qua quá trình đàm phán bình đẳng và sử dụng các công cụ đáng tin cậy của các tổ chức pháp lý quốc tế."
Về phần mình, nhà khoa học chính trị và chuyên gia các vấn đề quốc tế Volodymyr Volya nhấn mạnh từ trước đến nay, quan điểm của Việt Nam đối với các vấn đề tranh chấp lãnh thổ luôn nhất quán và mang tính kiềm chế, tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình.
Mỹ chính thức rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu
Mỹ đã chính thức rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào ngày 4/11, theo đúng tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc đưa quốc gia phát thải khí nhà kính nhiều thứ hai thế giới ra khỏi hiệp định này.
Quyết định của Mỹ về rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đã gây nhiều tranh luận. (Ảnh: Al Jazeera) |
Trước đó, hồi tháng 6/2017, Tổng thống Trump lần đầu tiên công bố ý định rút khỏi Hiệp định Paris với lập luận rằng hiệp định này gây hại cho nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, cho tới nay Mỹ mới có thể chính thức rút khỏi hiệp định này do những quy định ràng buộc của hiệp định.
Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) Patricia Espinosa cho rằng việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận này sẽ để lại khoảng trống trong cơ chế hợp tác cũng như những nỗ lực toàn cầu để đạt được các mục tiêu và tham vọng của Thỏa thuận Paris.
Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu ký năm 2015 yêu cầu các quốc gia trên thế giới hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 - 2 độ C./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!