Thế giới chung tay đẩy lùi đại dịch Covid-19

Vào thời điểm bóng đen của đại dịch Covid-19 đang lan rộng và đã bao phủ hầu hết các châu lục trên thế giới (trừ châu Nam Cực), nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục phát đi thông điệp nhằm kêu gọi mọi người cùng chung tay hành động nhiều hơn nữa trong việc đẩy lùi cũng như giảm thiểu tác động của dịch bệnh.

WHO: “Dịch bệnh sẽ không thể bị ngăn chặn nếu chúng ta không xác định được những ca nhiễm bệnh”

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. (Nguồn: Reuters) 

Phát biểu trước phóng viên tại Geneva (Thụy Sĩ), ngày 16/3, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 ghi nhận được từ phần còn lại của thế giới đã cao hơn của Trung Quốc. Bên cạnh đó, người đứng đầu WHO cũng bày tỏ quan ngại trước sự “gia tăng nhanh chóng” của số các trường hợp bị nhiễm Covid-19 trong tuần qua.

Ông Tedros cho rằng, hiện vẫn còn nhiều nước chưa hành động đủ trong việc “xét nghiệm, cách ly và lần theo các manh mối tiếp xúc”, ngay cả khi đây là những công đoạn cấu thành nên “nền tảng của cách thức ứng phó”. Nhấn mạnh tính cần thiết của việc tiến hành xét nghiệm đối với mỗi trường hợp nghi nhiễm Covid-19, người đứng đầu WHO nêu rõ “dịch bệnh sẽ không thể bị ngăn chặn nếu như chúng ta không xác định được những ca nhiễm bệnh”.

Theo quan điểm của ông Tedros thì cách thức hiệu quả nhất để ngăn chặn dịch bệnh và bảo vệ được tính mạng con người là bẻ gãy chuỗi lây nhiễm của virus. Từ đó, người đứng đầu WHO đã nhấn mạnh đến tính cần thiết của việc xét nghiệm, cách ly những ca lây nhiễm trong nỗ lực ứng phó với đại dịch.

Trong cuộc họp báo cùng ngày, ông Tedros cũng nhắc lại khuyến cáo của WHO rằng, tất cả các trường hợp bị nhiễm Covid-19, dù là ở thể nhẹ, vẫn cần được cách ly trong các cơ sở y tế để ngăn ngừa lây bệnh cho những người khác. Trong khi đó, tại những quốc gia và vùng lãnh thổ không có đủ khả năng chăm sóc các trường hợp nhiễm Covid-19 ở thể nhẹ tại các cơ sở y tế chuyên dụng, thì cần ưu tiên cho những bệnh nhân cao tuổi và những người mắc bệnh tiềm ẩn.

IMF kêu gọi tăng cường phối hợp để bảo vệ nền kinh tế toàn cầu trước đại dịch

Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva. (Ảnh: The Sofia Globe )

Trước sự lây lan chưa có dấu hiệu chững lại của dịch bệnh, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva khẳng định, việc phối hợp gia tăng trong hành động sẽ là “chìa khóa” để thúc đẩy niềm tin và mang lại sự ổn định cho nền kinh tế toàn cầu.

“Mặc dù cách ly xã hội là phương thức phù hợp để chống lại ảnh hưởng của Covid-19 đối với sức khỏe cộng đồng, nhưng điều hoàn toàn ngược lại cũng là cần thiết để bảo vệ nền kinh tế toàn cầu” – thông điệp trên trang cá nhân của bà Georgieva viết.

“Việc cách ly tiếp xúc và phối hợp chặt chẽ là những phương thức hiệu quả nhất để bảo đảm rằng, những vết thương kinh tế do Covid-19 gây ra sẽ nhanh chóng được hàn gắn” – bà Georgieva nêu rõ. Dù thừa nhận rằng, cho tới nay, chính phủ nhiều nước trên thế giới đã thực hiện những bước đi quan trọng, gồm cả những động thái phối hợp táo bạo trong chính sách tiền tệ, tuy nhiên, người đứng đầu IMF vẫn hối thúc các nước cần hành động nhiều hơn nữa.

Bà Georgieva chỉ ra 3 lĩnh vực hành động cho nền kinh tế toàn cầu, bao gồm: Kích thích tài khóa, chính sách tiền tệ và phản ứng điều tiết. Tất cả những công việc này sẽ phát huy tính hiệu quả tối ưu khi được thực hiện cùng lúc.

Đề cập tới lĩnh vực chính sách tiền tệ, người đứng đầu IMF lưu ý các ngân hàng trung ương lớn cần đưa ra hành động phối hợp quyết đoán để giám bớt căng thẳng trên thị trường tài chính toán cầu. Trong khi đó, vào thời điểm khủng hoảng như hiện nay, các biện pháp can thiệp ngoại hối và quản lý dòng vốn có thể bổ sung hữu ích cho lãi suất và các hành động chính sách tiền tệ khác.

Theo quan điểm của bà Georgieva thì việc công bố các rủi ro và truyền thông rõ ràng về các kỳ vọng giám sát cũng sẽ đóng vai trò cần thiết để thị trường vận hành tốt trong thời gian tới. Người đứng đầu IMF khẳng định, tổ chức cho vay đa phương này sẵn sàng trợ giúp các nước thành viên và có thể huy động khả năng cho vay ở mức 1 nghìn tỷ USD để đưa ra các khoản hỗ trợ khi cần thiết.

“Câu trả lời của chúng tôi cho cuộc khủng hoảng này sẽ không đến từ một phương thức, một khu vực và một quốc gia riêng rẽ… Chỉ bằng việc chia sẻ, phối hợp và hợp tác mới có thể ổn định và đưa nền kinh tế toàn cầu về trạng thái khỏe mạnh” – người đứng đầu IMF nói.

Liên hợp quốc kêu gọi các nước hành động để giảm thiểu tác động của “gián đoạn giáo dục” vì Covid-19

 Nhiều trường học trên thế giới vắng bóng học sinh vì Covid-19. (Ảnh: NHK)

Phát biểu trước các phóng viên, ngày 16/3, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric đã chỉ ra một thực tế đáng quan ngại rằng, hiện đã đó hơn 500 triệu học sinh, sinh viên không thể đến trường do sự bùng phát của Covid-19.

Dẫn số liệu thống kê của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc, ông Dujarric cho biết, hiện đã có 56 nước trên thế giới áp dụng biện pháp đóng cửa trường học và 17 nước khác đóng cửa các trường học địa phương. Các biện pháp ứng phó với dịch bệnh này đã tác động đến khoảng 516 học sinh, sinh viên trên toàn thế giới.

Theo quan điểm của người phát ngôn Tổng thư ký Liên hợp quốc thì không phải mỗi học sinh, sinh viên khi nghỉ học đều được tiếp cận với những phương pháp giáo dục từ xa. Thực trạng này sẽ làm dấy lên những mối quan ngại về sự gia tăng bất bình đẳng. Qua đó, ông Dujarric kêu gọi chính phủ các nước cần hành động để giảm thiểu tác động của việc “gián đoạn” giáo dục do đại dịch Covid-19 bùng phát.

Sự lây lan của Covid-19 trên toàn cầu chưa có dấu hiệu chững lại

Dịch Covid-19 tiếp tục lan nhanh ra nhiều nước, trong đó tình hình nghiêm trọng nhất đang diễn ra ở châu Âu. (Ảnh: Reuters )

Theo số liệu thống kê mới nhất tính đến sáng 17/3, thế giới ghi nhận 182.330 ca mắc Covid-19, với 6.665 người tử vong vì bệnh dịch này. Châu Âu tiếp tục được WHO đánh giá là tâm dịch mới của Covid-19, với Italy là "ổ dịch" lớn nhất. 

Tại Italy, rạng sáng 16/3 thông báo ghi nhận thêm 349 ca tử vong do bệnh Covid-19, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 2.158 người trong tổng số 27.980 ca nhiễm bệnh. Italy hiện là nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do dịch Covid-19 ngoài Trung Quốc.

Tại Tây Ban Nha, số ca nhiễm SARS-CoV-2 cũng đang tăng rất nhanh, lên 8.744 người so với con số 7.753 người một ngày trước đó, trong khi số người tử vong tăng lên 297 người so với 288 người hôm 15/3. Theo Chính phủ Tây Ban Nha, chỉ trong vòng một ngày qua, tại nước này đã có gần 1.000 ca mới mắc Covid-19. Xứ Basque của Tây Ban Nha đã quyết định hoãn các cuộc bầu cử địa phương dự kiến diễn ra ngày 5/4 do lo ngại dịch bệnh. 

Tại Pháp, tính đến tối 16/3, quốc gia này xác nhận 1.210 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới được phát hiện trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số bệnh nhân mắc Covid-19 lên 6.633 trường hợp, trong đó có 148 người tử vong.

Tại Trung Quốc, ngày 17/3, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo trong ngày 16/3 đã ghi nhận 21 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 tại Trung Quốc, cao hơn so với 16 trường hợp ghi nhận trong ngày 15/3. Theo đó, tổng số ca mắc Covid-19 được xác nhận ở Trung Quốc tính đến nay là 80.881 người. 

Tại Hàn Quốc, Cơ quan phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) sáng 17/3 cho biết đã có thêm 84 người nhiễm mới virus SARS-CoV-2 ở nước này, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc lên 8.320 người. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc tăng 2 con số. Số ca tử vong tăng 6 ca lên 81 người, trong khi số ca hồi phục là 1.401 người.

Tại Mỹ, ngày 16/3, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) xác nhận 3.487 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 68 ca tử vong. Hiện dịch bệnh Covid-19 đã lan rộng trên 49 bang, Quận Columbia và các vùng lãnh thổ Mỹ là Puerto Rico, Guam, Virgin. Trước bối cảnh trên, Tổng thống D.Trump đã thúc giục người dân Mỹ tạm ngừng hầu hết các hoạt động xã hội trong vòng 15 ngày và không tụ tập ở các nhóm hơn 10 người trong nỗ lực mạnh mẽ nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 tại Mỹ. Theo nhận định của Tổng thống D.Trump thì đại dịch Covid-19 – vốn được ông coi là một “kẻ thù vô hình”, có thể kéo dài tới tháng 7 hoặc tháng 8  và cũng có thể muộn hơn trong năm nay. /.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới