Hội nghị Diễn đàn châu Á được tổ chức thường niên tại Bác Ngao (Trung Quốc), Pakistan đối mặt với nỗi lo khủng bố; Quốc hội Nhật Bản đã thông qua gói ngân sách kỷ lục 96.720 tỷ yen cho năm tài khoá 2016.; Cuộc chuyển giao quyền lực lịch sử tại Myanmar; Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ 4 tại Mỹ;… là những tin tức quốc tế nổi bật tuần qua.
Tổng thống Mỹ Barack Obama.
1 - Hội nghị Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) 2016
Ngày 27-4, sau 4 ngày làm việc, Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) 2016, với chủ đề "Tương lai mới của châu Á: Sức sống mới và tầm nhìn mới", đã bế mạc tại Bác Ngao (Boao), tỉnh Hải Nam (Hainan), Trung Quốc. Đoàn Việt Nam do đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao dẫn đầu tham dự hội nghị.
BFA 2016 đã tổ chức 83 cuộc thảo luận, bao gồm: 51 diễn đàn, 14 hội nghị bàn tròn, 6 cuộc thảo luận chủ đề và 12 cuộc đối thoại với các nhà khởi nghiệp, tập trung vào các đề tài “nóng” như kinh tế vĩ mô, khởi nghiệp và sáng tạo, khoa học công nghệ, internet…
Hội nghị đã kết thúc với nhiều đề xuất, ý tưởng mới nhằm thúc đẩy hợp tác khu vực trong một số lĩnh vực như: thương mại, đầu tư, tài chính-ngân hàng, khoa học công nghệ; tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế toàn cầu; những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay; thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp trong kỷ nguyên “thế giới không biên giới”.
Một số nhà phân tích cho rằng, mặc dù đóng vai trò đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của kinh tế thế giới, nhưng châu Á là một tập hợp hết sức đa dạng của nhiều nền kinh tế với các giai đoạn phát triển, quy mô và phương thức phát triển tồn tại rất nhiều khác biệt. Do đó, các quốc gia trong khu vực vẫn cần phải có sự phối hợp về chính sách để những sáng kiến, đề xuất này thực sự mang lại sức sống mới và mở ra tầm nhìn mới cho tương lai của châu lục.
2 - Pakistan trước nỗi lo khủng bố
Ngày 27-3, một vụ đánh bom khủng bố liều chết nhằm vào công viên Gulshan-i-Iqbal thuộc khu vực Iqbal Town, thành phố Lahore, tỉnh Punjab của Pakistan, làm ít nhất 72 người thiệt mạng và 315 người khác bị thương. Số người thương vong chủ yếu là phụ nữ và trẻ em khiến Pakistan và các nước trên thế giới không khỏi bàng hoàng và lên án mạnh mẽ những kẻ khủng bố đã gây ra vụ tấn công trên. Tỉnh trưởng tỉnh Punjab Shahbaz Sharif đã tuyên bố để tang ba ngày tại tỉnh này nhằm tưởng niệm các nạn nhân.
Ngay lập tức, lực lượng chức năng Pakistan đã mở chiến dịch truy lùng các phiến quân đứng đằng sau vụ đánh bom liều chết. Cảnh sát đã tìm thấy chiếc thẻ căn cước tại hiện trường và xác định chính là của kẻ đánh bom liều chết. Kẻ khủng bố mang tên Muhammad Yousaf Farid, sinh năm 1988. Tên này thuộc nhóm Jamaat-ul-Ahrar, một nhánh phiến quân của Taliban ở Pakistan. Đại diện nhóm Jamaat-ul-Ahrar cũng đã lên tiếng nhận tiến hành vụ tấn công trên, mục tiêu nhằm vào các tín đồ Cơ Đốc giáo. Đại diện nhóm này tuyên bố vụ tấn công nhằm gửi thông điệp đến Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif rằng chúng đã xâm nhập Lahore.
Giới phân tích cho rằng, vụ đánh bom này một lần nữa cảnh tỉnh thế giới trước sự nguy hiểm ngày càng lớn của chủ nghĩa khủng bố toàn cầu.
3 - Nhật Bản thông qua ngân sách kỷ lục
Ngày 29-3, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua gói ngân sách kỷ lục 96.720 tỷ yen (tương đương 852 tỷ USD) cho năm tài khoá 2016. Một loạt quyết định quan trọng cũng được thông qua trong bối cảnh nền kinh tế “đất nước Mặt Trời mọc” chuẩn bị bước vào năm tài khóa mới (bắt đầu từ ngày 1-4 tới) cho thấy quyết tâm lớn của chính phủ Nhật Bản nhằm phục hồi nền kinh tế đồng thời cũng để theo đuổi mục tiêu phục hồi nền tài chính của nước này.
Trong tổng số 96.720 tỷ yen, trừ các khoản chi trả nợ, Chính phủ Nhật Bản sẽ dành ngân sách kỷ lục 73.110 tỷ yen cho các hoạt động và chương trình, trong đó 31.970 tỷ yen dành cho các chi phí an sinh xã hội bao gồm chi trả lương hưu, tăng hỗ trợ cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, mở rộng các dịch vụ chăm sóc trẻ em và hỗ trợ các chương trình chăm sóc y tế khác. Chính phủ Nhật Bản cũng tăng gấp đôi ngân sách cho Cơ quan Du lịch Nhật Bản lên tới 20 tỷ yen nhằm đạt được mục tiêu thu hút 30 triệu lượt du khách nước ngoài tới “Xứ hoa anh đào” hàng năm…
Trong bối cảnh, tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn thứ hai châu Á trong quý IV năm 2015 đã giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2014 và cả năm 2015 chỉ đạt 1,2%, việc Quốc hội Nhật Bản quyết định thông qua gói ngân sách kỷ lục cho năm tài khóa 2016 được kỳ vọng sẽ giúp nền kinh tế “Xứ hoa anh đào” sớm lấy lại đà tăng trưởng.
4 - Argentina khẳng định chủ quyền đối với quần đảo tranh chấp Malvinas/Falkland
Ngày 29-3, Argentina đã chính thức khẳng định chủ quyền và mở rộng ranh giới ngoài thềm lục địa bao trùm khu vực biển quanh quần đảo tranh chấp Malvinas (Man-vi-nát) mà Anh gọi là Falklands (Phoóc-len), sau khi Ủy ban phân định thềm lục địa của Liên hợp quốc ra phán quyết cho phép Argentina mở rộng 35% lãnh hải, bao gồm cả khu vùng biển quanh khu vực tranh chấp này.
Trước đó một ngày, Ủy ban phân định thềm lục địa của Liên hợp quốc (CLCS) đã công nhận yêu cầu của Argentina về giới hạn thềm lục địa của nước này trên Đại Tây Dương được đệ trình từ năm 2009. Theo phán quyết mới của CLCS, Argentina có thêm tới 1,7 triệu km2 thềm lục địa và bao gồm cả quần đảo Malvinas/Falklands.
Tổng thống Argentina Mauricio Macri (Mau-ri-xi-ô Ma-cri) đã hoan nghênh quyết định trên của Liên hợp quốc và cho đây là một tin vui đối với chủ quyền quốc gia của Argentina, cũng như nỗ lực của nước này giành chủ quyền quần đảo Malvinas đang tranh chấp với Anh. Trong khi dư luận Argentina đặc biệt hoan nghênh phán quyết này thì các công dân đang sinh sống trên quần đảo Malvinas/Falklands, lại lên án quyết định của Liên hợp quốc. Chính quyền tại quần đảo này đã hối thúc London yêu cầu Liên hợp quốc đưa ra giải thích về quyết định trên.
Tại Anh, Phát ngôn viên đảng Độc lập Vương quốc Anh (UKIP) Mike Hookem đã chỉ trích quyết định của CLCS, yêu cầu chính phủ Anh “sát cánh với những người dân Falklands”, và tuyên bố không chấp nhận phán quyết của Liên hợp quốc về vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Argentina. Ông Hookem cho rằng, quần đảo Falklands không thuộc vùng biển của Argentina và Liên hợp quốc không nên thay đổi luật pháp quốc tế truyền thống chỉ vì lợi ích của một bên nào đó, nhất là khi nước đó đã có hành động làm hơn 1.000 thiệt mạng hồi năm 1982.
5 - Hội nghị Thượng đỉnh EU-Ấn Độ
Ngày 31-3, hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU)-Ấn Độ lần thứ 13 đã diễn ra tại thủ đô Brussels của Bỉ. Hội nghị được coi là cơ hội tái khởi động mối quan hệ song phương cũng như tạo động lực thúc đẩy các cuộc đàm phán thương mại.
Tại hội nghị, hai bên đã đề ra Chương trình Hành động năm 2020 như một lộ trình chung để cùng nhau hướng tới tăng cường quan hệ đối tác chiến lược trong những năm năm tiếp theo, bao gồm một loạt các lĩnh vực hợp tác như chính sách đối ngoại và an ninh, thương mại và đầu tư, kinh tế, các vấn đề toàn cầu… Hai bên quyết định tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác kinh tế EU-Ấn Độ, tập trung vào việc làm, tăng trưởng, công bằng, dân chủ. EU và Ấn Độ cũng thảo luận về việc tiếp tục các cuộc đàm phán Hiệp định Thương mại và Đầu tư song phương (BTIA). EU hiện là đối tác thương mại lớn nhất, chiếm 13% tổng giá trị sản phẩm thương mại (năm 2015, tổng giá trị thương mại hai bên đạt 77,5 tỷ euro) và nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu của Ấn Độ. EU hoan nghênh sự sẵn sàng của Ấn Độ để thành lập một cơ chế tạo điều kiện cho các nhà đầu tư của tất cả các nước thành viên EU tại Ấn Độ…
Hội nghị thượng đỉnh EU-Ấn Độ lần này được cho là diễn đàn để Ấn Độ thể hiện hơn nữa và cũng mở ra những cơ hội để cạnh tranh với Trung Quốc khi quốc gia Nam Á này đang nuôi mộng sẽ soán ngôi Trung Quốc trở thành “công xưởng mới của thế giới”.
6 - Cuộc chuyển giao lịch sử tại Myanmar
Ngày 1-4, đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) và tân Tổng thống Htin Kyaw sẽ chính thức nắm quyền điều hành đất nước Myanmar. Đây là vị tổng thống dân cử đầu tiên của Myanmar kể từ năm 1962, đánh dấu một bước tiến lớn của tiến trình dân chủ hóa từ một chính thể do giới quân sự cầm quyền sang lãnh đạo dân sự. Điều này cũng mang nhiều ý nghĩa lớn, góp phần làm tăng thêm uy tín và vị thế của nước này trên trường quốc tế.
Trong bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội Liên bang Myanmar sau khi nội các mới tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Htin Kyaw đã cam kết thực thi 4 chính sách dựa trên những chính sách của đảng NLD cầm quyền. Theo đó, chính phủ mới sẽ nỗ lực vì hòa bình trên toàn quốc, hòa giải dân tộc và nâng cao mức sống của người dân, đồng thời bày tỏ sẽ kiên trì thực thi các mục tiêu chính trị. Tân Tổng thống cũng nhấn mạnh nội các Myanmar có trách nhiệm đáp ứng những nguyện vọng của người dân để soạn ra một bản hiến pháp phù hợp với chế độ dân chủ của nước này.
Giới phân tích cho rằng, với nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào cộng với vị trí địa chiến lược thuận lợi, Myanmar đang đứng trước những vận hội chưa từng có để phát triển đất nước và hòa nhập cộng đồng quốc tế sau những cải cách vượt bậc. Có những dự đoán về một "con hổ Châu Á" sẽ được đánh thức tại vùng đất đầy tiềm năng này, góp phần hình thành một cộng đồng ASEAN ổn định và thịnh vượng.
7 - Hội nghị Thương đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ 4 tại Mỹ.
Chiều 31/3 theo giờ địa phương (sáng 1/4 theo giờ Việt Nam), tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chủ trì bữa ăn tối làm việc với chủ đề "Quan niệm về đe dọa an ninh hạt nhân," với sự tham dự của các nhà lãnh đạo đến từ 50 quốc gia, đánh dấu khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ tư tại thủ đô Washington.
Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân năm nay, diễn ra trong hai ngày từ 31/3-1/4, có mục đích thúc đẩy cộng đồng quốc tế xích lại gần nhau để cùng đối phó với mối đe dọa từ nguy cơ khủng bố hạt nhân trên toàn cầu.
Đây cũng là diễn đàn để các nhà lãnh đạo thế giới tái khẳng định các cam kết ở mức cao nhất về tăng cường an ninh hạt nhân, vật liệu phóng xạ và chống chủ nghĩa khủng bố hạt nhân.
Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu tham dự hội nghị để khẳng định và đề cao chính sách nhất quán của Việt Nam về không phổ biến, tiến tới giải trừ quân bị hoàn toàn và triệt để vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong đó có vũ khí hạt nhân; sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình, bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân; lên án mạnh mẽ việc sử dụng năng lượng hạt nhân nhằm đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực cũng như trên thế giới.
Đây là hội nghị thứ tư về an ninh hạt nhân kể từ khi Tổng thống Obama lên nắm quyền. Các hội nghị trước đó lần lượt diễn ra tại thủ đô Washington năm 2010, Seoul (Hàn Quốc) năm 2012 và La Hay (Hà Lan) năm 2014. Đây cũng là hội nghị hạt nhân cuối cùng trước khi ông Obama rời Nhà Trắng./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!