Khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Thụy Sĩ, khai trương Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á... và một số sự kiện khác là tin tức nổi bật, thu hút dư luận quốc tế tuần qua.
Khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam
1- Khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam
Sáng ngày 21/1/2016, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chính thức khai mạc tại Thủ đô Hà Hội. Hơn 1.500 đại biểu đã về dự Đại hội. Các đại biểu sẽ tham gia thảo luận các văn kiện trình Đại hội, bầu Ban Chấp hành khóa XII ... Sự kiện này không chỉ là sự kiện quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam mà còn thu hút sự chú ý của cộng đồng và dư luận quốc tế. Nhiều hãng thông tấn, tờ báo lớn trên thế giới đều nhận định Đại hội XII mang ý nghĩa đánh dấu bước tiến mới trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước của nhân dân Việt Nam.
“Đại hội Đảng được giao nhiệm vụ lựa chọn các vị lãnh đạo cao nhất của đất nước và thiết lập chính sách cho 5 năm tiếp theo. Đại hội được kỳ vọng sẽ mở ra một kỷ nguyên phát triển mới cho Việt Nam”, tờ Nikkei Asian Review viết. Trong khi đó, tờ The Washington Post cho rằng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng có ý nghĩa mang tính chuyển giai đoạn và vì thế mang tầm quan trọng tương tự như kỳ bầu cử tổng thống cuối năm nay ở Mỹ. “Đây có lẽ là Đại hội Đảng quan trọng nhất trong 2 thập niên qua. Sẽ có rất nhiều thông tin được mọi người lắng nghe và đón nhận”, tờ South China Morning Post (Hồng Kông) dẫn lời chuyên gia David Brown của Mỹ nhận định, đồng thời viết thêm rằng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ “định hình tương lai của Việt Nam”.
Theo AFP, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra vào thời điểm nhìn lại, đánh giá và tiếp tục tiến lên của Việt Nam sau 30 năm đổi mới. “Kể từ năm 1975, Việt Nam đã phát triển nhanh chóng từ một đất nước nghèo khó, thiếu thốn lương thực thành quốc gia có thu nhập trung bình, trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới”, hãng thông tấn Pháp viết. Tương tự, trong bài phân tích ngày 20/1, Tân Hoa xã đánh giá Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong 30 năm đổi mới, và dựa trên nền tảng vững chắc này, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam chắc chắn sẽ tạo thêm đà cho sự phát triển của đất nước.
Trong các lĩnh vực cụ thể, tờ The New York Times nhận định Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ có tác động lớn đến đường lối đối ngoại trong tương lai của Việt Nam trong bối cảnh nước ta đang đứng trước nhiều cơ hội lẫn thách thức như hội nhập sâu rộng với tiếng nói ngày càng có trọng lượng trên trường quốc tế, mở rộng hợp tác trên cơ sở bình đẳng, đa phương hóa, đa dạng hóa, đồng thời phải đấu tranh giữ vững chủ quyền khi tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp. Về kinh tế, Bloomberg dẫn lời giới chuyên gia cho rằng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam tập trung vào phương hướng phát triển kinh tế và chọn lựa con đường tăng trưởng phù hợp cho Việt Nam thời gian tới với những trọng tâm như tái cơ cấu kinh tế, cải tổ doanh nghiệp nhà nước, triển khai các hiệp định thương mại mới...
2 - Quan hệ Iran - phương Tây còn diễn biến phức tạp
Ngày 16/1, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã dỡ bỏ các lệnh cấm vận trừng phạt kéo dài suốt 10 năm qua đối với Iran. Động thái này cũng chính thức xác nhận thỏa thuận lịch sử giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) mang tên Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) chính thức có hiệu lực sau 6 tháng ký kết. Cộng đồng quốc tế đã bày tỏ hoan nghênh và coi đây là một thành công lịch sử sau nhiều nỗ lực của các bên.
Theo các nhà phân tích, dù lệnh cấm vận do Mỹ và EU áp đặt Iran sẽ được dỡ bỏ từ từ trong 10 năm tới, song ngay trong năm đầu tiên, kinh tế quốc gia Hồi giáo có thể tăng trưởng ít nhất 4%. Chưa kể, số tiền 100 tỷ USD của Iran bị phong tỏa ở nước ngoài, trong đó 40-60 tỷ USD là các nguồn thu từ dầu mỏ sẽ sớm được trao trả. Dự kiến, Iran cũng sẽ thu được 20 tỷ USD tiền xuất khẩu dầu mỏ trong thời gian tới. Đây là tiền đề để Tehran thúc đẩy nền kinh tế vốn trì trệ trong thập kỷ cấm vận vừa qua.
Song ngay sau đó một ngày, ngày 17/1, Mỹ công bố lệnh trừng phạt mới nhằm vào 11 cá nhân và tổ chức do bị cáo buộc có liên quan tới việc Iran thử tên lửa đạn đạo vào tháng 10/2015, đe dọa an ninh khu vực và toàn cầu. Theo đó, Mỹ cấm các định chế tài chính và doanh nghiệp Mỹ làm ăn với các cá nhân và tổ chức này. 5 công dân Iran cùng mạng lưới các công ty có trụ sở tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Trung Quốc sẽ bị cấm sử dụng hệ thống ngân hàng của Mỹ.
Những diễn biến trái chiều hiện nay cho thấy mối quan hệ giữa Iran và phương Tây, cụ thể là Mỹ sẽ còn diễn biến phức tạp do lợi ích chi phối cả hai bên.
3 - Khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Thụy Sĩ
Hơn 250 phiên họp xung quanh các chủ đề nóng của kinh tế thế giới diễn ra từ ngày 20 đến 23/1 ở Davos (Thụy Sĩ). Diễn đàn năm nay có sự tham gia của hơn 2.500 đại biểu từ hơn 100 quốc gia. Trong đó có hơn 40 chính trị gia và 1.500 giám đốc doanh nghiệp tại hơn 25 lĩnh vực. Bên cạnh đó là đại diện các học viện và tổ chức xã hội.
Góp mặt trong sự kiện là quan chức nhiều nền kinh tế lớn, như Phó tổng thống Mỹ - Joe Biden, Thủ tướng Anh - David Cameron. Những nhân vật nổi tiếng, như Bill Gates, CEO General Motors - Mary Barra, CEO Microsoft - Satya Nadella, Chủ tịch Alibaba - Jack Ma hay Chủ tịch Alphabet - Eric Schmidt cũng sẽ tham dự. Ngoài ra, Leonardo di Caprio, Kevin Spacey và Bono cũng là các khách mời của diễn đàn năm nay.
Chủ đề của năm nay là "Nắm vững Cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4". Các đại biểu thảo luận để tìm ra cách giải quyết cho 10 vấn đề được coi là các thách thức toàn cầu, trong đó có An ninh lương thực và nông nghiệp, Tăng trưởng kinh tế hướng tới xã hội, Nhân lực và trình độ lao động, Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên hay Tương lai của Internet.
4 - Khai trương Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á
Ngày 16/1, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB), định chế quốc tế chính thức đầu tiên do Trung Quốc dẫn đầu, đã khai trương tại Nhà khách Quốc gia Điếu Ngư Đài ở thủ đô Bắc Kinh, với sự tham dự của 57 đại diện các quốc gia thành viên. Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ được bầu chọn làm Chủ tịch thứ nhất của Hội đồng quản trị AIIB và ông Kim Lập Quần, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc, được bầu làm Chủ tịch đầu tiên của AIIB. AIIB dự kiến sẽ cho vay 10-15 tỷ USD/năm trong những năm đầu, hứa hẹn một cơ cấu “linh hoạt, trong sạch và thân thiện với môi trường”.
Theo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, với nỗ lực chung của tất cả các thành viên, AIIB sẽ trở thành “một ngân hàng phát triển chuyên nghiệp, hiệu quả và trong sạch của thế kỷ 21”. Ngoài khoản vốn cam kết đầu tư theo kế hoạch, Trung Quốc còn tuyên bố sẽ đóng góp 50 triệu USD vào dự án chuẩn bị quỹ đặc biệt sắp được thành lập, để hỗ trợ công tác chuẩn bị cho các dự án phát triển ở các quốc gia thành viên kém phát triển hơn.
Giới phân tích cho rằng, sự ra đời của AIIB được cho là một dấu mốc lịch sử, đánh dấu sự thay đổi trong hệ thống quản trị kinh tế toàn cầu, đồng thời đe dọa phá vỡ Hệ thống Bretton Woods - với hai định chế tài chính WB và IMF do Mỹ thiết lập - đã hoạt động được 70 năm. Hiện AIIB có chức năng hoạt động tương tự như WB nhưng các điều kiện mở rộng hơn. Bên cạnh đó, do không có những chính sách "thắt lưng buộc bụng" như IMF, AIIB có thể nhanh chóng “đánh chiếm” nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế ngoài châu Á cũng như châu Âu, đặc biệt là ở khu vực Đông Âu.
5 - Giá dầu thế giới tiếp tục “lao dốc” kỷ lục
Ngày 18/1, giá dầu thô Brent trên thị trường châu Á đã "chọc thủng đáy" 30USD/thùng, rơi xuống dưới 28 USD/thùng. Đây là mức thấp kỷ lục trong vòng 12 năm qua, đánh dấu tuần thứ 7 lao dốc liên tiếp của giá dầu, do xuất hiện nhiều lo ngại về tình trạng dư thừa nguồn cung “vàng đen” ngày càng trầm trọng. Sự kiện này đã khiến giới đầu cơ không khỏi choáng váng, đồng thời đẩy nhiều quốc gia sản xuất dầu mỏ vào tình thế nguy cấp.
Trước tình hình trên, nhiều chuyên gia dự báo giá dầu thế giới đang ngày càng có dấu hiệu sẽ tụt xuống mốc 20 USD/thùng, thậm chí có thể rơi xuống ngưỡng kỷ lục là 10 USD/thùng trong tương lai không xa. Để đối phó với kịch bản trên, nhiều quốc gia xuất khẩu mặt hàng này đang phải thực hiện những bước đi cấp bách nhằm tránh rơi vào tình trạng khủng hoảng sâu về ngân sách theo giá dầu.
Một số chuyên gia kinh tế nhận định rằng, nếu không có sự thay đổi chính sách của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) hay một sự gián đoạn nguồn cung bất ngờ nào đó, thì sự tồn kho dầu của thế giới sẽ tiếp tục tăng cho tới năm 2017. Đây sẽ là thách thức khó khăn nhất từ trước đến nay đối với các quốc gia có ngân sách phụ thuộc vào tiền bán dầu trong nhiều năm qua.
6 - Hiệp ước Schengen trước nguy cơ sụp đổ
Ngày 19/1, trong bài phát biểu tại Nghị viện châu Âu, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk (Đô-nan Tu-xcơ) đã cảnh báo châu Âu còn chưa đầy hai tháng để kiểm soát cuộc khủng hoảng người di cư hiện nay, nếu không Hiệp ước Schengen sẽ sụp đổ. Ngoài ra, ông Tusk cũng cho rằng nếu không thể kiểm soát phù hợp các đường biên giới ngoài của mình, Liên minh châu Âu (EU) cũng sẽ thất bại với tư cách là một thực thể chính trị.
EU hiện đang đối mặt với cuộc khủng hoảng người di cư lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, với hơn 1 triệu người tị nạn và di cư đến liên minh này chỉ trong năm 2015. Dù đã nhiều lần họp bàn và đề ra các biện pháp nhưng theo Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), chỉ trong 2 tuần đầu tiên của năm 2016 đã có tới 23.600 người di cư từ các nước Trung Đông tới châu Âu, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Để chặn dòng người di cư đang ngày càng mất kiểm soát, Thủ tướng Áo Werner Faymann (Vê-nơ Phây-man) đã tuyên bố tạm dừng thực thi Hiệp ước Schengen về tự do đi lại giữa các nước trong liên minh. Từ nay, bất kỳ ai muốn nhập cảnh vào Áo đều phải xuất trình thẻ căn cước hợp lệ tại các trạm kiểm soát biên giới. Điều này đi ngược với quy định của Hiệp ước Schengen, cho phép công dân có thể đi lại tự do giữa các nước trong khối.
Việc Áo tạm ngừng thực thi Hiệp ước Schengen cho thấy dự án hội nhập 20 năm tuổi bị đe dọa nghiêm trọng bởi sức ép chính trị từ "dòng thác" hơn 1 triệu người di cư đổ vào EU. Quan trọng hơn, nó sẽ đặt ra một tiền lệ cho những quốc gia tiếp theo trong liên minh có động thái tương tự nhằm đối phó với làn sóng người nhập cư chưa có hồi kết. Và như vậy, cuộc khủng hoảng di cư đang chạm tới những giá trị cốt lõi của châu Âu là "tự do, bình đẳng và bác ái", đồng thời đặt ra những thách thức không nhỏ đối với Hiệp ước Schengen./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!