Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm Pháp và Cuba; Hội nghị thượng đỉnh GMS 6 và CLV 10; Đại hội đồng IPU-138; Gia tăng căng thẳng giữa Nga và các nước phương Tây; Bầu cử Tổng thống Ai Cập; Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền ở Nhật Bản cam kết thay đổi Hiến pháp…là một số sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Cộng hòa Pháp và Cộng hòa Cuba
Từ ngày 25 đến ngày 27 tháng 3 năm 2018, nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã tiến hành chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng đã hội đàm với Tổng thống Phap E. Maccron, hội kiến với Thủ tướng Pháp Édouard Philippe và Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher, thăm các thành phố Montreuil và thành phố Choisy Le Roi, gặp gỡ những người bạn Pháp, tiếp Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp Pierre Laurent, gặp gỡ thân mật đại diện trí thức trẻ Việt Nam tại Pháp, dự khai trương trụ sở mới Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp, chứng kiến Lễ bàn giao máy bay A350 cho Vietnamairlines…. Tại các cuộc trao đổi cấp cao, hai bên đã đề cập những vấn đề lớn của quốc tế và khu vực, cũng như những tiến triển trong quan hệ hai nước với dấu ấn trong năm 2018 kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm quan hệ đối tác chiến lược. Kết thúc chuyến thăm, hai bên đã ra Tuyên bố chúng Việt Nam – Pháp gồm 29 điểm, đề cập sâu, rộng nhiều vấn đề quan trọng trong quan hệ hai nước và những vấn đề quốc tế hai bên cùng quan tâm.
Tuyên bố chung có đoạn viết: “Hai bên tái khẳng định vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong việc gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế cũng như thúc đẩy thịnh vượng và phát triển bền vững. Hai bên tái khẳng định coi trọng Hiến chương Liên hợp quốc và cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau. Hai bên nhất trí theo đuổi nỗ lực chung nhằm thúc đẩy sự phát triển của một thế giới đa cực và chủ nghĩa đa phương dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, công bằng và hợp tác trên tinh thần cùng có lợi. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản phù hợp với mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và phù hợp với những cam kết quốc tế mà hai bên cùng tham gia ký kết, vì sự phát triển của mỗi nước. Việt Nam và Pháp nhắc lại sự coi trọng các mục tiêu và nguyên tắc mà các cơ quan của Liên hợp quốc theo đuổi, trong đó có tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc”.
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp, từ ngày 28 đến ngày 30/3/2018, nhận lời mời của Chủ tịch Raul Castro Ruz Ruz, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba (PCC), Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Cuba, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Cuba.
Chuyến thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Cuba của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Ðoàn đại biểu cấp cao Đảng ĐCSVN thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị trước sau như một của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam với Đảng, Nhà nước và nhân dân Cuba trong bối cảnh Cuba chuyển giao thế hệ thế hệ lãnh đạo lịch sử và tiếp tục triển khai sâu rộng quá trình cập nhật hóa mô hình kinh tế, xã hội; củng cố sự tin cậy chính trị, thúc đẩy đưa hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư…giữa hai nước có bước phát triển thực chất tương xứng hơn với quan hệ chính trị; thể hiện sự coi trọng quan hệ đối với khu vực Mỹ Latinh, góp phần triển khai thực hiện đường lối đối ngoại Đại hội XII của Đảng, củng cố nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với Bí thư thứ nhất, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Raul Castro Ruz Ruz; có các cuộc gặp, trao đổi với Bí thư thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Jose Ramon Machado Ventura; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Esteban Lazo Hernandez; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Miguel Diaz Canel Bermudez. Tất cả các hoạt động đã diễn ra trong bầu không khí anh em và tin cậy lẫn nhau.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt vòng hoa tại Đài Tưởng niệm Anh hùng dân tộc Cuba Jose Marti và tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh; thăm thành phố Santiago de Cuba; thăm Lăng mộ Jose Marti và viếng mộ Tổng Tư lệnh Cách mạng Cuba Fidel Castro Ruz; thăm một số di tích lịch sử của Thành phố Anh hùng Santiago de Cuba; thăm Trường Tiểu học Võ Thị Thắng; gặp và phát biểu với đại diện thế hệ trẻ hai nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận bằng Tiến sĩ Danh dự chuyên ngành khoa học chính trị của Trường Đại học Tổng hợp La Habana, do quá trình cống hiến cho khoa học và những đóng góp xứng đáng cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; sự quan tâm chia sẻ với Cuba những kinh nghiệm lý luận và thực tiễn về mô hình phát triển của Việt Nam.
Để ghi nhận những đóng góp quý báu của Chủ tịch Raul Castro Ruz Ruz trong việc củng cố, tăng cường quan hệ giữa hai Đảng, hai nước và cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã quyết định trao tặng đồng chí Huân chương Sao Vàng, phần thưởng cao quý nhất của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thay mặt nhân dân Cuba, Chủ tịch Raul Castro Ruz bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc về quyết định này của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Kết thúc chuyến thăm, hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam – Cuba, đề cập nhiều vấn đề quan trọng về quan hệ giữa hai bên và các vấn đề quốc tế hai bên cùng quan tâm.
Tuyên bố chung có đoạn viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Raul Castro Ruz nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế; đánh giá cao việc hai bên kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại mới trong khuôn khổ chuyến thăm, coi đây là cơ sở để tiếp tục mở rộng quan hệ trong lĩnh vực kinh tế, thương mại. Cuba ủng hộ việc tăng cường đầu tư của Việt Nam vào Cuba, thông qua việc ký kết các dự án đầu tư quan trọng và sẽ tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho mục đích này. Hai bên sẽ xem xét tiềm năng của mỗi nước để mở rộng hợp tác trong các ngành và lĩnh vực ưu tiên như năng lượng, viễn thông, du lịch, xây dựng, dịch vụ y tế, công/nông nghiệp và công nghiệp lương thực, thực phẩm, dược phẩm, công nghệ sinh học, giao thông vận tải và các lĩnh vực khác. Hai bên đánh giá cao tầm quan trọng của các văn kiện hợp tác đã ký kết trong chuyến thăm về các lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng, thông tin và truyền thông, nguồn nhân lực và an sinh xã hội, khoa học và công nghệ”.
Hội nghị thượng đỉnh GMS 6 và CLV 10
Từ ngày 29/31/3/2018, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 (GMS 6) và Hội nghị Cấp cao hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào- Việt Nam lần thứ 10 (CLV 10)
Trong khuôn khổ Hội nghị, lãnh đạo các nước đã diễn ra Phiên họp kín Hội nghị Thựợng đỉnh GMS 6. Phiên họp toàn thể Hội nghị Thượng đỉnh GMS 6 với sự tham dự của Lãnh đạo cấp cao các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam; Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); đại diện Ngân hàng thế giới (WB); các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển và các doanh nghiệp trong và ngoài khu vực. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự và có phát biểu khai mạc.
Ngay sau khi kết thúc Phiên toàn thể Hội nghị GMS 6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á Takehiko Nakao đã chủ trì họp báo quốc tế, thông báo về kết quả Hội nghị quan trọng này và trả lời phỏng vấn của các cơ quan báo chí.
Hội nghị Cấp cao khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV) lần thứ 10 do Thủ tướng ba nước Campuchia, Lào, Việt Nam đồng chủ trì. Các lãnh đạo dự Hội nghị đã rà soát về tình hình triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội Khu vực Tam giác phát triển CLV đến năm 2020 và việc thực thi các quyết định của Hội nghị Cấp cao CLV; thảo luận về hướng đi của hợp tác CLV trong giai đoạn tới. Ngay sau khi kết thúc Hội nghị, Thủ tướng ba nước CLV đã ký Tuyên bố chung Hội nghị Cấp cao khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào- Việt Nam lần thứ 10 và đồng chủ trì họp báo thông báo về kết quả Hội nghị.
Đại hội đồng lần thứ 138 Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-138) tại Geneva, Thụy Sĩ
Ngày 25/3/2018, với chủ đề chung “Giải pháp chính sách nhằm tăng cường cơ chế toàn cầu về người di cư và tị nạn”, tại Geneva, Thụy Sĩ, Đại hội đồng lần thứ 138 Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU-138) đã tiến hành Phiên họp toàn thể.
Đây là phiên họp đầu tiên của Đại hội đồng IPU-138. Tham dự phiên họp có hơn 700 nghị sĩ, đại biểu Quốc hội trên thế giới, trong đó có hơn 60 người đứng đầu Quốc hội, Nghị viện các nước, hơn 200 nữ nghị sĩ.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, khu vực nắm giữ 60% GDP của thế giới, Chủ tịch IPU, bà G.Cuevas Barron cho rằng với sự phát triển của công nghệ, khu vực này nắm giữ tiềm năng sáng tạo và các phương tiện để giải quyết các thách thức lớn như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, vấn đề di cư và tị nạn, bất bình đẳng và khủng bố… Từ đó, bà Barron chỉ ra sự cần thiết của hợp tác khu vực nhằm giải quyết các thách thức đối với cộng đồng thế giới.
Tiếp đó, Tổng Thư ký IPU Martin Chungong đã báo cáo kết quả hoạt động của IPU trong năm 2017, trong đó tập trung vào các mặt hoạt động như: Tăng cường sức mạnh và phát huy dân chủ của các nghị viện thành viên; thúc đẩy bình đẳng giới; nhân quyền; đóng góp vào các nỗ lực củng cố hòa bình, phòng ngừa xung đột và đảm bảo an ninh; thúc đẩy đối thoại và hợp tác liên nghị viện; tăng cường sự tham dự của giới trẻ vào đời sống chính trị và quá trình hoạch định chính sách; huy động các nghị viện tham gia vào quá trình phát triển toàn cầu; nhấn mạnh việc nâng cao nhận thức của các nghị viện đối với sự phát triển bền vững, phương thức hành động hiệu quả, việc lồng ghép các SDG vào công tác của các Nghị viện, Quốc hội thành viên…
Kéo dài đến ngày 28/3, Phiên họp Ban Chấp hành Đại hội đồng IPU-138 tiếp tục thảo luận các vấn đề liên quan đến thành viên IPU, các vấn đề tài chính, chiến lược IPU 2017-2021, hợp tác với LHQ, Đại hội đồng IPU 139 tại Geneva tháng 10/2018…
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự phiên họp.Tại IPU-138, vị trí, vai trò của Việt Nam được nghị viện các nước rất quan tâm. Đoàn Việt Nam có cuộc gặp gỡ và làm việc với Chủ tịch IPU và Tổng Thư ký IPU.
Kết thúc chuyên công tác, tham dự IPU-138, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiến hành chuyến thăm chính thức Hà Lan theo lời mời của Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Hà Lan Khadija Arib. Chuyến thăm diễn ra từ ngày 26 đến 28/3/2018.
Đây là lần đầu tiên, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Hà Lan. Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, nhằm tiếp tục củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với Hà Lan trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1973- 2018). Chuyến thăm ghi dấu mốc mới trong quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Hà Lan.
Gia tăng căng thẳng giữa Nga và các nước phương Tây
Tiếp nối việc Anh trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga sau những căng thẳng giữa Nga và Anh xung quanh vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal, trong tuần qua, Mỹ và nhiều nước phương Tây cũng đã đồng loạt trục xuất các nhà ngoại giao Nga ở nước mình. Hầu hết các lãnh đạo phương Tây đều đồng thuận với những biện pháp mà Anh đã thực hiện nhằm vào Nga. Tính đến thời điểm ngày 30/3, đã có hơn 150 nhà ngoại giao Nga tại 28 nước bị trục xuất. Riêng Mỹ ngày 26/3 đã ra lệnh trục xuất 60 nhân viên ngoại giao Nga và đóng cửa lãnh sự quán Nga tại Seatle vì những liên quan đến vụ tấn công bằng chất độc thần kinh cựu điệp viên Skripal. Đặc biệt trong số 60 nhân viên ngoại giao Nga bị Mỹ trục xuất còn có 12 nhà ngoại giao Nga làm việc tại Cơ quan đại diện thường trực Nga tại Liên hợp quốc.
Ngay lập tức, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 26/3 khẳng định Moskva lấy làm tiếc về quyết định của các chính phủ phương Tây đồng thời khẳng định Nga sẽ có các biện pháp đáp trả dựa trên nguyên tắc "có đi có lại". Ngày 29/3, Nga quyết định trục xuất 60 nhà ngoại giao Mỹ và đóng cửa Tổng lãnh sự quán Mỹ tại St.Petersburg.
Theo Ngoại trưởng Nga Lavrov, để có thể "đối thoại bình thường" và tìm ra nguyên nhân hai bố con cựu điệp viên người Nga bị đầu độc tại Anh, Nga cũng đã chính thức yêu cầu triệu tập cuộc họp khẩn của Hội đồng chấp hành Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) vào ngày 4/4 tới. Tại cuộc họp này, Nga sẽ nêu ra các vấn đề cụ thể mà Moskva đã nhiều lần đề cập đến. Ông Lavrov bày tỏ hy vọng rằng các đối tác phương Tây sẽ không né tránh cuộc đối thoại cởi mở này. Ngược lại, đó sẽ là một lời khẳng định rằng tất cả những gì diễn ra nhằm vào Nga là hành động khiêu khích.
Hiện một nhóm các chuyên gia thuộc OPCW đang có mặt ở Anh để thu thập các mẫu xét nghiệm mà London cho là chất độc thần kinh Novichok do Liên Xô trước đây sáng chế và được sử dụng trong vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Skripal và con gái Yulia.
Trước cuộc “tổng tấn công” về ngoại giao của Bắc Mỹ và châu Âu nhằm vào Nga trong vụ điệp viên Skripal, nhiều người xem đây như là một chiến thắng quan trọng của nữ Thủ tướng Anh Theresa May, song điều này cũng buộc chính quyền Anh phải có trách nhiệm làm rõ trắng đen vụ việc trên đến cùng để khẳng định niềm tin với các nước đồng minh. Ngược lại, nếu không làm được điều này thì đây lại có thể trở thành thảm họa đối với London.
Trong một động thái khác, ngày 29/3, Nga đã tuyên bố trục xuất 150 nhà ngoại giao phương Tây, trong đó có 60 nhân viên ngoại giao Mỹ, và đóng cửa Tổng lãnh sự quán Mỹ tại thành phố St. Petersburg. Tuyên bố trên được Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đưa ra tại cuộc họp báo cùng ngày tại Moskva. Ông Lavrov xác nhận Moskva sẽ trục xuất 90 nhân viên ngoại giao của các quốc gia châu Âu và phương Tây, đúng bằng số lượng nhà ngoại giao Nga bị các nước này trục xuất, và 60 nhân viên ngoại giao Mỹ. Đây được coi là hành động đáp trả đanh thép và tương xứng của Moskva sau khi hàng chục nước đồng loạt trục xuất hơn 150 nhà ngoại giao Nga liên quan vụ cựu điệp viên Nga Sergey Skripal và con gái ông này bị đầu độc cách đây 3 tuần bằng chất độc thần kinh tại Anh.
Bầu cử Tổng thống Ai Cập
Từ 26 đến 28/3, cử tri Ai Cập đã đi bỏ phiếu để bầu ra người đứng đầu nhà nước cho nhiệm kỳ 4 năm tới. Có khoảng 23 triệu cử tri trong số 60 triệu cử tri đăng kí đã tham gia bỏ phiếu. Mặc dù kết quả chính thức của cuộc bầu cử sẽ được công bố vào ngày 2/4, song theo kết quả sơ bộ công bố ngày 29/3, đương kim Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đã giành chiến thắng áp đảo với 92% số phiếu bầu, trước đối thủ duy nhất là Chủ tịch đảng al-Ghad, ông Moussa Mostafa Moussa, một chính trị gia ít tên tuổi.
Trước khi cuộc bầu cử diễn ra, phần lớn các dự đoán đều cho rằng, đương kim Tổng thống El-Sisi gần như giành chiến thắng áp đảo. Đây là những dự đoán có cơ sở bởi trong gần 4 năm cầm quyền vừa qua, ông El-Sisi đã đưa đất nước Kim tự tháp thoát khỏi vòng xoáy bạo lực và tránh xung đột dai dẳng như ở Syria, Yemen hay Libya, cũng như dần vực dậy nền kinh tế vốn suy yếu do bất ổn chính trị và an ninh, đồng thời khôi phục vai trò và vị thế của Ai Cập trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, dù đã giành chiến thắng song trước tình hình trong nước và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, các nhà phân tích cũng dự báo phía trước tổng thống Ai Cập sẽ có một nhiệm kỳ với nhiều thách thức lớn.
Đó là những thách thức về an ninh giữa lúc làn sóng tấn công của các nhóm khủng bố ngày một gia tăng, gây thương vong lớn cho lực lượng an ninh và dân thường. Kể từ tháng 4/2017, Chính phủ Ai Cập đã phải 3 lần gia hạn lệnh tình trạng khẩn cấp trong nước. Ngoài tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng thường xuyên nhận gây ra các vụ tấn công đẫm máu với đe dọa "trả đũa các hoạt động trấn áp của chính quyền", Ai Cập cũng đứng trước mối đe dọa khủng bố từ một số tổ chức cực đoan khác, trong đó nổi bật có nhóm Hasm có quan hệ với tổ chức "Anh em Hồi giáo".
Đó còn là những thách thức trong điều hành nền kinh tế. Trong gần 4 năm qua, tuy ông El-Sisi đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong việc đưa kinh tế Ai Cập thoát khỏi giai đoạn dài ảm đạm do tác động của làn sóng "Mùa Xuân Arab", song các chính sách cải cách kinh tế, trong đó có việc lần đầu tiên áp thuế VAT, tăng mạnh giá điện, và cắt giảm các chương trình trợ cấp xã hội, đã và đang tác động tiêu cực đến đời sống của không chỉ người thu nhập thấp mà cả tầng lớp trung lưu. Ngoài ra, chính phủ Ai Cập cũng đang chìm trong "bong bóng" nợ nước ngoài hiện đã lên tới 79 tỷ USD và đang ngày càng phình to.
Với những thách thức đó, đòi hỏi Tổng thống El Sisi sẽ phải tiến hành một cuộc cải cách đáng kể trong các chính sách điều hành, đưa đất nước thoát hẳn khỏi thời kỳ bất ổn, hướng tới giai đoạn thịnh vượng, phát triển với vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao.
Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền ở Nhật Bản cam kết thay đổi Hiến pháp
Ngày 25/3, tại hội nghị thường niên của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ở Nhật Bản, LDP trong bản kế hoạch hành động năm 2018 đã cam kết thúc đẩy việc sửa đổi lần đầu tiên Hiến pháp theo chủ nghĩa hòa bình. Động thái này cho thấy những quyết tâm mạnh mẽ về sửa đổi hiến pháp mà Thủ tướng Shinzo Abe đã cam kết.
Đồng thời, LDP còn cam kết tìm kiếm các biện pháp để đưa nền kinh tế Nhật Bản thoát khỏi tình trạng giảm phát và giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử quan trọng. Trong kế hoạch hành động của mình, LDP sẽ đi đầu trong việc mở rộng các cuộc thảo luận với quần chúng, theo đó tập trung vào việc xem xét lại điều 9 phản đối chiến tranh và một số vấn đề khác liên quan đến hệ thống bầu cử, giáo dục và các tình huống khẩn cấp quốc gia.
Theo kế hoạch hành động, LDP cũng làm việc để giải quyết tình trạng giảm phát và tạo môi trường lao động linh động, đồng thời tăng cường nỗ lực để công khai lập trường của Chính phủ Nhật Bản trong các vấn đề lãnh thổ và lịch sử.
Trước đó vào ngày 16/2, đảng LDP đã đạt được nhất trí về nội dung dự thảo sửa đổi điều khoản hiện nay về các hệ thống bầu cử. Liên quan đến sử đổi hiến pháp, hiện LDP đang thảo luận về 4 chủ đề bao gồm: các vấn đề bổ sung một nội dung đặc biệt về quy chế của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF); miễn một số điều trong Hiến pháp trong trường hợp đất nước lâm vào tình trạng khẩn cấp; đảm bảo giáo dục miễn phí; và tái sáp nhập một số khu vực bầu cử trong Hội đồng địa phương cũng như cho phép mọi tỉnh đều có ít nhất một đại diện tại các cơ quan lập pháp.
Bê bối rò rỉ thông tin của mạng xã hội Facebook
Trong tuần qua, mạng xã hội Facebook lớn nhất toàn cầu do CEO Mark Zuckerberg sáng lập liên tục phải đối mặt với khó khăn liên quan tới vụ Cambridge Analytica, hãng phân tích dữ liệu của Anh được êkíp tranh cử của Tổng thống Donald Trump thuê trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, đã thu thập và sử dụng thông tin của 50 triệu tài khoản Facebook. Có thông tin cho rằng doanh nghiệp này đã thu thập thông tin trên nhằm phục vụ cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump vào năm 2016. Vụ việc này đã gây chấn động dư luận, khiến các nước phải vào cuộc điều tra.
Mặc dù sau đó, ông chủ của Facebook đã có lời xin lỗi công khai và cam kết tăng cường bảo mật thông tin nhưng điều này vẫn không thể dập tắt làn sóng chỉ trích của dư luận cũng như giải tỏa sức ép chính trị từ các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu.
Tại Mỹ, các nhà lãnh đạo của Ủy ban Thương mại và Năng lượng Mỹ yêu cầu ông Zuckerberg phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ. Trong khi Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ cũng mở cuộc điều tra vụ bê bối gây chấn động dư luận này. Các nhà lãnh đạo EU cũng hối thúc hối thúc nhà sáng lập Facebook sớm chấp nhận yêu cầu ra điều trần trước cơ quan này.
Biểu tình đòi kiểm soát súng đạn lan rộng tại Mỹ
Ngày 24/3, hơn 1 triệu học sinh và những người ủng hộ đã đổ ra các đường phố ở Washington D.C. và nhiều thành phố khác tại Mỹ cũng như trên thế giới để tham gia các cuộc tuần hành nhằm phản đối bạo lực súng đạn và kêu gọi các nhà lập pháp thông qua luật kiểm soát súng đạn chặt chẽ hơn.
Cuộc biểu tình mang tên “Tuần hành vì mạng sống của chúng ta” được cho là quy mô nhất trên phạm vi toàn nước Mỹ từ trước đến nay liên quan đến việc kiểm soát súng đạn tại Mỹ. Cuộc biểu tình được khởi xướng từ những học sinh ở trường cấp 3 Marjory Stoneman Douglas ở Parkland, bang Florida, Mỹ, nơi xảy ra vụ xả súng đẫm máu vào hồi tháng 2/2018 vừa qua khiến 17 người thiệt mạng.
Các nhà tổ chức cho biết, có hơn 800 cuộc tuần hành lớn nhỏ được tổ chức tại các thành phố của Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới như London (Anh), Paris (Pháp) và Berlin (Đức)... Nhiều ca sỹ, diễn viên có tên tuổi cũng xuất hiện trong các cuộc tuần hành hoặc tổ chức biểu diễn kêu gọi người dân ủng hộ việc siết chặt kiểm soát súng.
Có thể thấy, tình trạng bạo lực súng đạn đã trở thành một vấn nạn nhức nhối trong xã hội Mỹ nhiều năm nay. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy càng ngày càng có nhiều người Mỹ ủng hộ luật kiểm soát súng nghiêm ngặt và thắt chặt các biện pháp kiểm tra lý lịch người mua súng. Tuy nhiên, người ta vẫn ít tin tưởng rằng giới lập pháp Mỹ sẽ có hành động cụ thể để giải quyết vấn đề trên do sự xung đột giữa các nhóm lợi ích.
Cháy trung tâm thương mại ở Nga làm ít nhất 64 người thiệt mạng
Ngày 25/3, một vụ cháy tại trung tâm thương mại "Zimnjaja vishnja" (Anh đào mùa Đông) ở thành phố công nghiệp Kemerovo, miền Trung Siberia (Nga) đã xảy ra khiến ít nhất 64 người thiệt mạng, trong đó có tới 41 trẻ em. Đây được xem là 1 trong 4 vụ cháy lớn nhất trong vòng 100 năm qua ở Nga.
Theo Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga, đám cháy bùng phát từ tầng trên cùng của tòa nhà 4 tầng, nơi có một số phòng chiếu phim và khu vui chơi trẻ em, sau đó lan rộng gần 1.500 m2 và mái nhà bị sập trên diện tích khoảng 500 m2.
Vụ cháy gây hậu quả đau lòng này đã làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ trong công chúng về tình trạng kém an toàn của khu trung tâm thương mại này. Ủy ban Điều tra của Nga, cơ quan chuyên trách các vụ án trọng điểm, cho biết hệ thống báo cháy của khu trung tâm thương mại này đã bị hỏng từ ngày 19/3. Khi xảy ra hỏa hoạn, nhóm bảo vệ đã không bật hệ thống báo động công cộng để yêu cầu người dân sơ tán khỏi tòa nhà. Ủy ban này cũng cho rằng việc xây dựng và điều hành tòa nhà có dấu hiệu vi phạm luật nghiêm trọng. Khi xảy ra hỏa hoạn các lối thoát hiểm đều bị khóa. Hiện Ủy ban đang tiến hành các thủ tục thẩm vấn chủ sở hữu khu trung tâm thương mại này sau khi tạm giam 4 người trong đó có 2 nhân viên của công ty cung cấp dịch vụ báo cháy cho tòa nhà.
Cơ quan chức năng Nga đã khởi tố vụ án hình sự liên quan vụ hỏa hoạn trên, thiết lập đường dây nóng và điều động đội ngũ bác sĩ tâm lý hỗ trợ nạn nhân sống sót cùng thân nhân các nạn nhân thiệt mạng.
Ngay sau khi vụ cháy trên xảy ra, Tổng thống Putin đã tới đặt hoa tại bia tạm dựng tại hiện trường để tưởng niệm các nạn nhân của vụ cháy. Ông Putin đã phê bình gay gắt "sự cẩu thả mang tính tội phạm" đã gây tổn thất quá nhiều sinh mạng./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!