Khai mạc Hội nghị Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN; Nỗ lực thành lập chính phủ liên minh ở Đức; Mỹ công bố chiến lược hạt nhân mới; Khủng hoảng chính trị ở Maldives; Thượng viện Mỹ thông qua dự luật chi tiêu ngân sách...là một số tin tức quốc tế nổi bật tuần qua.
Các trưởng đoàn tham dự hội nghị ADMM hẹp
Khai mạc Hội nghị Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN
Ngày 6/2, Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM hẹp) với sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng các quốc gia thành viên ASEAN đã diễn ra tại Singapore. Được sự ủy quyền của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu Đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Việt Nam dự hội nghị quan trọng này.
Phát biểu tại hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định Việt Nam nhất trí với 3 mục tiêu của năm ASEAN do Singapore đề xuất, trong đó nhấn mạnh đến hợp tác trong ứng phó với các loại vũ khí hoá học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân. Trưởng đoàn Việt Nam cho biết đối với Việt Nam và hai nước Lào và Campuchia anh em, thách thức về vũ khí hoá học không phải là mới mà là vấn đề từ quá khứ, vì từ 50 năm nay ba nước đã phải hứng chịu hậu quả của các loại vũ khí hoá học dùng trong chiến tranh. Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong ngăn chặn, phòng chống, tẩy rửa các loại chất độc. Về CUES, Việt Nam yêu cầu phải gắn liền với vấn đề Biển Đông, đặc biệt để chuẩn bị cho một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả.
Liên quan đến vấn đề Biển Đông, Trưởng đoàn Việt Nam đánh giá mặc dù thời gian vừa qua tương đối ổn định nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Do đó, trong giai đoạn này các nước ASEAN vẫn không thể bỏ qua vấn đề Biển Đông, mà cần phải tiếp tục tăng cường hợp tác, chia sẻ về tình hình Biển Đông, trong đó tiếp tục thúc đẩy việc tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý, duy trì an ninh, an toàn hàng hải, hàng không vì hoà bình, ổn định và phát triển. Trước mắt là nghiêm túc thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và cùng nhau hướng tới việc sớm có được một COC chất lượng, có tính ràng buộc về pháp lý trong thời gian tới vì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông
Nỗ lực thành lập chính phủ liên minh ở Đức
Ngày 7/2, liên đảng bảo thủ CDU/CSU của Thủ tướng Angela Merkel và đảng đối tác trung tả Dân chủ Xã hội (SPD) đã đạt được một thỏa thuận thành lập liên minh chính thức, mở ra hy vọng chấm dứt 4 tháng bế tắc chính trị nghiêm trọng nhất kể từ sau cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ II. Theo đó, hai bên đã nhất trí dẹp bỏ bất đồng và sẵn sàng ký kết một thỏa thuận thành lập liên minh để bà Merkel tiếp tục nắm quyền nhiệm kỳ thứ 4; nhất trí về nguyên tắc thỏa thuận liên minh, trong đó có các vị trí chủ chốt trong chính phủ.
Tuy nhiên, thỏa thuận trên sẽ phải trải qua cuộc bỏ phiếu lấy ý kiến của các thành viên trong đảng SPD, bắt đầu từ ngày 202 đến ngày 2-3 tới và ban lãnh đạo đảng SPD sẽ công bố kết quả vào ngày 4-3. Thỏa thuận liên minh cuối cùng phải được sự nhất trí thông qua của 464.000 thành viên của SPD trên toàn quốc. Hiện tại, một số nhóm trong SPD đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc tái lập chính phủ đại liên minh với CDU/CSU như nhiệm kỳ vừa qua.
Mặc dù vậy, triển vọng tăng chi tiêu của chính phủ, trong đó có nguồn đầu tư cho các dự án giáo dục và kỹ thuật số hóa, có thể làm dịu quan điểm của một số đảng viên cánh tả trong SPD.
Trước đó, để nhận được sự bảo đảm đồng ý tham gia các cuộc đàm phán liên minh chính thức với liên đảng bảo thủ CDU/CSU, Chủ tịch SPD đã đạt được thỏa thuận liên minh để thành lập chính phủ mới, chấm dứt bế tắc kéo dài hơn 4 tháng qua trên chính trường Đức.
Do đó, việc liên đảng bảo thủ CDU/ CSU và đảng đối tác trung tả SPD đạt được tiếng nói chung trong việc lập chính phủ mới ngày 7/2 vừa qua không chỉ mở ra triển vọng ổn định cho chính trường Đức, mà còn cho cả Liên minh châu Âu (EU), bởi Berlin luôn giữ vị trí là nền kinh tế “đầu tàu” của khối này.
Mỹ công bố chiến lược hạt nhân mới
Ngày 2/2/2018, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chính thức công bố Báo cáo đánh giá tình hình hạt nhân năm 2018 (NPR), trong đó vạch ra chính sách của Mỹ trong tương lai hướng đến mở rộng và phát triển năng lực hạt nhân.
Báo cáo nhấn mạnh mối quan ngại của chính quyền Mỹ đối với CHDCND Triều Tiên, Iran, Trung Quốc và Nga, bản báo cáo dù tái khẳng định cam kết đối với các hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân, song vẫn kêu gọi hiện đại hóa, đa dạng hóa vũ khí hạt nhân nhằm tăng khả năng răn đe.
Theo các nhà phân tích, chính sách hạt nhân mới này của Mỹ đã chấm dứt các nỗ lực của chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Barack Obama nhằm giảm bớt quy mô kho vũ khí của Mỹ cũng như tối thiểu hóa vai trò vũ khí hạt nhân trong kế hoạch quốc phòng, thay vào đó thể hiện tham vọng hạt nhân của Lầu Năm Góc dưới thời Tổng thống Donald Trump. Thực tế cho thấy, theo báo cáo công bố hồi tháng 10/2017 của Văn phòng ngân sách Quốc hội Mỹ, chương trình nâng cấp vũ khí hạt nhân giai đoạn năm 2017-2046 theo đề xuất của Tổng thống Trump sẽ tiêu tốn khoảng 1,2 nghìn tỷ USD.
Phản ứng lại với chính sách hạt nhân mới của Mỹ, Bộ Ngoại giao Nga đã lên án bản chất "hiếu chiến" và "chống Nga" trong chính sách hạt nhân mới của Mỹ, đồng thời cảnh báo sẽ có các biện pháp cần thiết để bảo đảm an ninh quốc gia của mình. Do vậy, các chuyên gia phân tích nhận định chính sách hạt nhân này của Mỹ có thể là ngòi nổ cho cuộc chạy đua hạt nhân mới.
Khủng hoảng chính trị ở Maldives
Maldives đang đối mặt với khủng hoảng chính trị sau khi Tòa án tối cao ngày 1/2 ra phán quyết về việc thả các thủ lĩnh chính trị đối lập, trong đó có cựu Tổng thống Mohamed Nasheed và cựu Phó Tổng thống Ahmed Adeeb. Tòa án này cho rằng các cựu quan chức trên cần phải được thả cho đến khi có thể tiến hành các phiên tòa xét xử công bằng. Ngoài ra, Tòa án Tối cao Maldives cũng ra phán quyết yêu cầu chính phủ phục chức cho 12 nghị sĩ bị bãi nhiệm do rời khỏi đảng của Tổng thống đương nhiệm Yameen.
Tuy nhiên, chính quyền của tổng thống đương nhiệm Abdulla Yameen từ chối tuân thủ các phán quyết của tòa án. Ngày 5/2, tổng thống Yameen còn ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 15 ngày, đồng thời ra lệnh các lực lượng an ninh bắt giữ cựu Tổng thống Maumoon Abdul Gayoom, Chánh án Tòa án Tối cao Abdulla Saeed và thẩm phán của tòa Ali Hameed.
Việc tổng thống Yameen ban bố tình trạng khẩn cấp đã vấp phải phản ứng từ dư luận quốc tế. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi Chính phủ Maldives dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp và đảm bảo an toàn cho công dân nước này, "kể cả các thành viên thuộc bộ máy tư pháp". Ngoài ra, ông Guterres cũng vô cùng quan ngại về tình trạng leo thang tại Maldives, đặc biệt là việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp cũng như lực lượng an ninh xông vào trụ sở Tòa án Tối cao.
Theo Hiến pháp Maldives, việc ban bố tình trạng khẩn cấp phải được trình lên Quốc hội thông qua. Trong trường hợp nảy sinh bất đồng, Tòa án Tối cao sẽ có quyền ra phán quyết. Tuy nhiên, với việc hoạt động của Tòa án đang bị tạm ngừng, hiện chưa rõ điều gì có thể xảy ra.
Thượng viện Mỹ thông qua dự luật chi tiêu ngân sách
Ngày 9/2, với 71 phiếu thuận và 28 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật chi tiêu ngân sách cho 2 năm tới sau khi trì hoãn nhiều giờ để buộc Quốc hội lỡ thời hạn chót phê chuẩn vào nửa đêm 8/2 và đẩy chính phủ rơi vào cảnh đóng cửa lần thứ hai trong vòng 3 tuần qua do hết kinh phí hoạt động.
Dự luật này sẽ được chuyển tới Hạ viện Mỹ, nơi số phận của dự luật vẫn chưa chắc chắn. Tại Hạ viện, các nghị sĩ theo đường lối bảo thủ cố kiềm chế mức chi tiêu quá mức theo như dự thảo ngân sách cho phép, trong khi các nghị sĩ theo đường lối tự do cho rằng dự luật này chẳng làm gì để bảo vệ nhiều người nhập cư bất hợp pháp không bị trục xuất khỏi Mỹ - một ưu tiên lâu nay của đảng Dân chủ.
Dự kiến, Hạ viện Mỹ sẽ bỏ phiếu trong ít giờ nữa trong bối cảnh các lãnh đạo hai đảng Dân chủ và Cộng hòa nỗ lực hạn chế việc phải đóng cửa chính phủ lần thứ hai.
Theo dự luật trên, chi tiêu quốc phòng sẽ tăng lên 80 tỷ USD trong tài khóa 2018 và 85 tỷ USD trong tài khóa tiếp theo, bắt đầu từ ngày 1/10. Những khoản chi cho các chương trình trong nước cũng sẽ tăng lên 63 tỷ USD trong năm nay và 68 tỷ USD vào năm tới. Dự luật này cũng sẽ trì hoãn mức trần nợ liên bang trong một khoảng thời gian đang tiến hành xem xét. Tuy nhiên, trước khi chính thức được công bố, dự luật này sẽ cần phải được thông qua tại Hạ viện.
Trước đó, Chính phủ Mỹ đã phải ngừng hoạt động trong 3 ngày do ngân sách liên bang hết hiệu lực từ nửa đêm 19/1 (theo giờ địa phương).
Động đất ở Đài Loan (Trung Quốc)
Đêm ngày 6/2, một trận động đất mạnh 6,4 độ richter đã làm rung chuyển khu vực ngoài khơi bờ biển phía Đông Đài Loan (Trung Quốc), khiến ít nhất 6 người thiệt mạng và 258 người bị thương. Trong số những người bị thương có nhiều người nước ngoài, gồm công dân các nước Séc, Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc. Động đất còn gây thiệt hại đối với nhiều tuyến đường bộ, đường ống dẫn khí đốt và nhiều cơ sở hạ tầng khác. Hơn 560 ngôi nhà rơi vào cảnh mất điện, 35.000 hộ bị cắt nước sinh hoạt. 2 khách sạn ở trung tâm thành phố đã bị sập một phần.
Theo Cơ quan khí tượng Đài Loan, trận động đất này ở độ sâu khoảng 10 km, cách thành phố Hoa Liên (Hualien) khoảng 18 km. Đây là trận động đất mạnh nhất ở thành phố Hualien (Hoa Liên) của Đài Loan trong vòng 5 thập kỷ qua. Sau trận động đất đã xảy ra 26 dư chấn, thậm chí mạnh tới 5 độ Richter.
Các chuyên gia cho biết, kể từ ngày 4/2, đã có hơn 100 rung chấn làm rung chuyển thành phố Hoa Liên và có thể sẽ có nhiều cơn rung chấn xảy ra trong những tuần tới.
Hiện, các lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm người mất tích đang mắc kẹt trong các tòa nhà. Con số mất tích đến nay đã được điều chỉnh giảm xuống từ 150 người đưa ra trước đó.
Khai mạc Olympic mùa Đông PyeongChang 2018
Tối ngày 9/2, Thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018 đã chính thức khai mạc. Điểm nổi bật của buổi lễ là việc vận động viên của hai miền Triều Tiên cùng diễu hành chung dưới lá cờ mang hình một bán đảo Triều Tiên thống nhất và đây là đoàn diễu hành cuối cùng trong lễ khai mạc.
Với khẩu hiệu “Đam mê, Kết nối”, Thế vận hội PyeongChang sẽ diễn ra từ nay đến ngày 25/2, là kỳ Olympic mùa Đông lớn nhất từ trước tới nay, với sự góp mặt của gần 3.000 VĐV đến từ 92 nước và vùng lãnh thổ, tranh 102 bộ huy chương. Để tổ chức Olympic mùa Đông năm nay, Hàn Quốc đã chi tới 18 tỷ USD – nhiều gấp 5 lần so với chi phí tổ chức Olympic mùa Đông Sochi 2014, trong đó sân vận động Olympic PyeongChang được xây mới để phục vụ lễ khai mạc và bế mạc sự kiện trọng đại này.
Tại cuộc tranh tài lần này, Hàn Quốc có 144 vận động viên và đây là con số lớn nhất tại một kỳ Olympic mùa Đông, trong khi Triều Tiên cử 22 vận động viên và cũng là con số lớn nhất. Lần này, Hàn Quốc đặt mục tiêu giành ít nhất 8 huy chương vàng, một con số kỷ lục đối với Hàn Quốc, và lần đầu tiên lọt vào nhóm 4 nước hàng đầu. Olympic PyeongChang 2018 sẽ bế mạc ngày 25/2./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!