Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua

Hội nghị lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương; Hạ viện Anh thông qua dự luật rời khỏi Liên minh châu Âu; Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thăm Anh; Tiến trình hòa bình tại Syria gặp trở ngại mới; Đội tuyển U23 Việt Nam cùng Hàn Quốc, Qatar, Uzbekistan lọt vào vòng bán kết U23 châu Á... là những tin tức nổi bật tuần qua.

Họp báo kết thúc Hội nghị APPF lần thứ 26, tổ chức tại Việt Nam.

Hội nghị lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương

Trong các ngày, từ 18 đến 21/1/2018, tại Hà Nội, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-26). Với chủ đề “Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo và phát triển bền vững”, APPF-26 đã thu hút sự tham dự của các đoàn đại biểu Nghị viện đến hơn 20 quốc gia trong khu vực, trong đó có 7 Chủ tịch Quốc hội, 10 Phó Chủ tịch Quốc hội; đại diện Hội đồng Lập pháp Brunei Darussalam, quan sát viên của APPF; bà Gabriela Cuevas Barron, Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU); ông Martin Chungong, Tổng thư ký IPU; ông Saber Chowdhury, nguyên Chủ tịch IPU và Phó Chủ tịch Nghị viện Maroc tham dự với tư cách là khách mời của chủ nhà Việt Nam.  

Đây là lần thứ hai Việt Nam vinh dự được chọn là nước chủ nhà đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương, thể hiện sự tín nhiệm và đánh giá cao của các nghị viện thành viên APPF đối với Quốc hội và nhân dân Việt Nam.

Hội nghị đã hoàn thành 4 phiên họp toàn thể, cùng với Hội nghị Nữ Nghị sỹ, các cuộc họp của Ủy ban Chấp hành, Ủy ban Soạn thảo văn kiện; các đại biểu thảo luận, trao đổi ý kiến thẳng thắn, bổ ích về những vấn đề quan tâm chung của khu vực và thế giới.

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố APPF Hà Nội “Tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác nghị viện châu Á-Thái Bình Dương”, Thông cáo chung APPF-26, thông qua nghị quyết về nhiều vấn đề quan trọng.

Tuyên bố Hà Nội đã điểm lại những thành tựu nổi bật và xác định một tầm nhìn mới của APPF sau một phần tư thế kỷ hình thành, phát triển; khẳng định kiên trì thực hiện mục tiêu chung, góp phần thúc đẩy hợp tác, đối thoại vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Qua đó, APPF tích cực đóng góp vào các nỗ lực chung của các cơ chế khu vực và toàn cầu như: Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Hội đồng liên nghị viện ASEAN (AIPA), Liên hợp quốc, Diễn đàn APEC, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)…

Hội nghị APPF-26 diễn ra trong bối cảnh APPF tròn 25 năm hình thành và phát triển, là một dấu ấn mới trong lịch sử APPF, đồng thời đặt ra yêu cầu phải đổi mới chương trình nghị sự, xác định tầm nhìn mới cho APPF trong giai đoạn phát triển tiếp theo. Hội nghị APPF-26 thúc đẩy vai trò của các nghị viện đối với hoạt động hợp tác của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), phát huy những kết quả của Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng (Việt Nam) trên kênh nghị viện.

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương nhiệm kỳ 2017-2018 nhấn mạnh rằng, chủ đề của Hội nghị APPF-26 “Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo và phát triển bền vững” phản ánh xu hướng phát triển của quan hệ quốc tế, ngoại giao nghị viện, định hướng cho các phiên thảo luận toàn thể của Hội nghị, hướng tới có Tuyên bố chung khẳng định cam kết của nghị viện các nước thành viên trong hợp tác kinh tế, văn hóa và phát triển khu vực, vì hòa bình, an ninh, thịnh vượng, phát triển bền vững và bao trùm.

Hội nghị APPF-26 đã thông qua 14 Nghị quyết, sửa đổi Quy chế Hội nghị nữ nghị sỹ APPF, Thông cáo chung và Tuyên bố Hà Nội, với sự đồng thuận cao của các đại biểu.

Hạ viện Anh thông qua dự luật rời khỏi Liên minh châu Âu

Ngày 17/1, các nghị sĩ tại Hạ viện Anh đã phê chuẩn Dự luật Brexit về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu với 324 phiếu thuận và 295 phiếu phản đối. Đây được coi là dấu mốc quan trọng trong tiến trình dài hơi hướng đến việc xây dựng các nền tảng pháp lý cho Brexit.

Dự luật Brexit bãi bỏ Đạo luật năm 1972 về các Cộng đồng của châu Âu (ECA), bộ luật có vai trò nền móng đối với tư cách thành viên Liên minh châu Âu của Anh, đồng thời chuyển đổi các đạo luật của Liên minh châu Âu thành đạo luật của Anh. Vấn đề này đã trở thành tiêu điểm tranh luận xung quanh cách thức mà Anh tìm kiếm trong quá trình "ly hôn", đồng thời là phép thử đối với khả năng đưa ra một chiến lược Brexit của Thủ tướng Anh Theresa May trong bối cảnh đảng Bảo thủ không chiếm đa số ghế trong Quốc hội.

Để được Hạ viện thông qua dự luật trên, các nghị sỹ đã phải thảo luận hơn 500 sửa đổi và mất hơn 80 giờ tranh luận về văn kiện này. Hiện văn kiện này đã được chuyển lên Thượng viện xem xét.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thăm Anh

Ngày 18/1, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có chuyến thăm Anh. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Tổng thống Pháp Macron tới Anh từ khi trở thành Tổng thống Pháp vào tháng 5-2017. Tại đây, ông Macron đã cùng với Thủ tướng Anh Theresa May tham dự hội nghị Thượng đỉnh Anh-Pháp lần thứ 35 nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh biên giới, đồng thời thúc đẩy thiện chí cho các cuộc đàm phán Brexit.

Hai nhà lãnh đạo đều nhất trí về tầm quan trọng của quan hệ Anh-Pháp có ý nghĩa không chỉ với an ninh hai nước mà còn với cả khu vực châu Âu. Hai nước cũng khẳng định duy trì cam kết đối với các nguyên tắc của thỏa thuận Le Touquet, theo đó Anh có thể thực hiện hoạt động kiểm tra biên giới trên đất Pháp. Hai bên đã kí một thỏa thuận mới trị giá 62 triệu USD về việc Anh cấp ngân sách cho các biện pháp an ninh mới, như lắp đặt thêm camera an ninh, rào chắn và máy quét nhiệt, tại cảng Calais và nhiều địa điểm khác ở Pháp.

Trong chuyến thăm này, Tổng thống Macron cũng cho rằng quyết định rời Liên minh châu Âu của Anh sẽ dẫn đến "nhiều bất ổn trong ngắn hạn". Bên cạnh đó, Anh có thể không "được tiếp cận riêng với các dịch vụ tài chính" của châu Âu nếu lựa chọn rời khỏi thị trường chung của khối. Do đó, ông Macron khẳng định London vẫn sẽ phải đóng ngân sách cho Liên minh châu Âu. Rõ ràng, Brexit đang làm thay đổi "nhận thức chung tại Pháp", tạo ra bối cảnh chính trị mới và sự đoàn kết, hợp tác giữa Anh và Pháp đang trở nên khó khăn hơn.

Tiến trình hòa bình tại Syria gặp trở ngại mới

Việc Mỹ tuyên bố thành lập lực lượng an ninh biên giới tại Syria (hay đang huấn luyện một lực lượng mới - trong một tuyên bố mới nhất vào ngày 17-1) đã khiến Liên hợp quốc cũng như một loạt các nước liên quan như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran kịch liệt phản đối. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, Mỹ đang “đùa với lửa” khi hậu thuẫn một lực lượng bị Ankara coi là khủng bố. Chính những điều này đã làm rạn nứt mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ thời gian qua. Trong khi đó, chính phủ Syria cũng cáo buộc Mỹ xâm phạm chủ quyền nước này khi có ý định thành lập một lực lượng quân sự riêng ngay trên lãnh thổ Syria mà không được phép của Syria… Những phản ứng mạnh mẽ này được đưa ra giữa lúc xuất hiện những lo ngại rằng kế hoạch đầy tham vọng này của Washington thực chất là việc thành lập một "vùng cát cứ" chống lại chính quyền trung ương Syria, đã khiến Mỹ can dự sâu hơn vào cuộc chiến tại quốc gia Trung Đông này, và kéo theo đó là những hệ lụy do căng thẳng leo thang và bùng phát xung đột.

Hơn nữa, việc Mỹ thành lập lực lượng an ninh biên giới tại Syria còn được cho là ảnh hưởng đến những nỗ lực tìm giải pháp hòa bình cho Syria khi cuộc đối thoại dân tộc Syria đang được Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ thúc đẩy để có thể diễn ra vào cuối tháng 1 này. Vì vậy, các nhà phân tích cho rằng, những động thái mới của Mỹ ở Syria có thể châm ngòi cho một giai đoạn khủng hoảng mới ở khu vực, kéo theo những hậu quả tiêu cực đối với hòa bình, an ninh quốc tế, mà trước mắt là cản trở các giải pháp chấm dứt xung đột, tìm kiếm hòa bình cho Syria.

Đánh bom khủng bố đẫm máu tại Nigeria

Ngày 17/1, tại thành phố Maiduguri ở Đông Bắc Nigeria này đã xảy ra hai vụ đánh bom đẫm máu, làm 10 người thiệt mạng và 65 người khác bị thương. Cảnh sát cho hay, 2 đối tượng tình nghi là thành viên của nhóm phiến quân Boko Haram đã kích hoạt các thiết bị nổ của chúng tại một khu chợ địa phương ở khu vực Muna Garage nằm tại ngoại ô Maiduguri, thủ phủ của bang Borno. Muna Garage là khu vực dựng trại của những người phải đi sơ tán và cũng là mục tiêu thường xuyên của các vụ tấn công do Boko Haram tiến hành.

Trước đó, ngày 15/1, 9 dân thường cũng đã thiệt mạng trong 2 vụ tấn công của phiến quân Boko Haram ở vùng Đông Bắc nước này.

Những tuần gần đây, quân đội Nigeria bắt đầu tấn công nhằm vào lực lượng nổi dậy ở bang Borno, trung tâm của cuộc giao tranh bùng phát từ năm 2009. Tuy nhiên, chiến dịch này vẫn chưa thực sự ngăn chặn được các vụ tấn công của các nhóm phiến quân Boko Haram có mục tiêu là dân thường và lực lượng quân đội nước này. Boko Haram là nhóm phiến quân Hồi giáo, xuất hiện tại vùng Đông Bắc Nigeria vào năm 2002 và đến nay đã bị liệt vào diện một trong những nhóm khủng bố nguy hiểm nhất trên thế giới. Hiện Boko Haram vẫn là mối đe dọa an ninh lớn đối với chính quyền Nigeria, quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất châu Phi.

Hết ngân sách, chính phủ Mỹ ngừng hoạt động

Tối 19/1 (trưa 20/1 theo giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ đã không có đủ số phiếu cần thiết để thông qua dự luật chi tiêu tạm thời của Chính phủ Mỹ. Điều đó đồng nghĩa với việc Chính phủ Mỹ sẽ phải đóng cửa vì ngân sách liên bang hết hiệu lực.

Mặc dù các biện pháp giúp Chính phủ Mỹ tránh được nguy cơ phải đóng cửa vì hết kinh phí hoạt động được Hạ viện thông qua, nhưng dự luật này không vượt qua được “cửa ải” tại Thượng viện với tỷ lệ phiếu sít sao, 50 phiếu ủng hộ và 48 phiếu phản đối trong khi cần tối thiểu 60 phiếu ủng hộ. Diễn biến này đồng nghĩa với việc Tổng thống Donald Trump sẽ kỷ niệm năm cầm quyền đầu tiên trong bối cảnh chính phủ cạn kiệt ngân sách.

Trước đó, với những nỗ lực cuối cùng nhằm cứu vãn dự luật này, Tổng thống Trump đã gặp lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Mỹ, ông Charles Schume, để thảo luận những bất đồng về vấn đề nhập cư. Tuy nhiên, hai bên không đạt được một thỏa thuận chung. Phát biểu với các phóng viên bên ngoài Đồi Capital sau cuộc gặp đột xuất với Tổng thống Trump tại Nhà Trắng, Thượng nghị sĩ Schumer, đại diện bang New York, nêu rõ: "Chúng tôi đã đạt được một số tiến triển nhưng vẫn có một số bất đồng và hai bên vẫn chưa đi đến một thỏa thuận".

Việc chính phủ liên bang bị đóng cửa sẽ có ảnh hưởng nhiều mặt tới nền kinh kế Mỹ. Hàng trăm nghìn nhân viên liên bang sẽ phải nghỉ việc tạm thời và hơn 1,3 triệu quân nhân sẽ vẫn phải thực hiện nhiệm vụ nhưng sẽ không được trả lương. Các nhân viên làm các nhiệm vụ thiết yếu như đảm bảo an ninh quốc gia và an ninh công cộng sẽ tiếp tục làm việc. Theo một nhà phân tích, nền kinh tế Mỹ ước tính sẽ bị thiệt hại khoảng 6,5 tỷ USD nếu chính phủ bị đóng cửa chỉ trong một tuần.

Nguy cơ chính phủ phải đóng cửa đã trở thành nỗi ám ảnh trong các cuộc thương lượng về ngân sách tại Quốc hội Mỹ. Lịch sử Mỹ từng ghi nhận chính phủ đã phải đóng cửa vài lần. Gần đây nhất, vào năm 2013, chính phủ nước này đã buộc phải đóng cửa trong 16 ngày do Nhà Trắng và Quốc hội không tìm được tiếng nói chung và không đạt được thỏa hiệp về ngân sách cho những cải cách chăm sóc y tế của Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Barack Obama. Trước đó, trong hai năm 1995-1996, chính phủ Mỹ cũng từng phải ngừng hoạt động 21 ngày.

Tổ chức Thương mại Thế giới đặt hạn chót cho Mỹ điều chỉnh biện pháp chống bán phá giá

Ngày 20/1, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã gia hạn chót để Mỹ điều chỉnh các biện pháp chống bán phá giá áp đặt với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc theo phán quyết của WTO đưa ra hồi năm ngoái.

Tháng 5 vừa qua, Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO đã ra phán quyết cho rằng một số biện pháp chống bán phá giá mà giới chức Mỹ áp đặt với các sản phẩm của Trung Quốc không phù hợp với các quy định thương mại quốc tế. Vì vậy, Mỹ cần điều chỉnh những sai phạm này trong vòng 15 tháng kể từ sau phán quyết của WTO tức là tới ngày 22/8/2018.

Theo luật thương mại quốc tế, các quốc gia có quyền áp thuế chống bán phá giá nhưng phải tuân thủ những điều kiện đi kèm khá nghiêm ngặt. Do đó, mâu thuẫn xung quanh việc áp loại thuế này thường xuyên xảy ra và đều được đưa lên Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO. Với phương pháp chống bán phá giá của mình, Mỹ cũng là quốc gia thường thua trong các vụ tranh chấp kiểu này.

Vụ việc lần này đã được Trung Quốc đưa ra WTO từ tháng 12/2013 vì bất đồng với Mỹ về cách thức đánh giá biên độ phá giá. Cụ thể, Trung Quốc cáo buộc Mỹ vi phạm các quy định của WTO khi sử dụng phương pháp Zeroing (mọi biên độ phá giá có giá trị nhỏ hơn 0 đều được quy về 0) để tính biên độ phá giá trung bình của các sản phẩm nhập khẩu vào thị trường nhờ đó có kết quả cao hơn và có thể áp thuế chống phá giá cao hơn thực tế. Đây là phương pháp chủ yếu mà các quốc gia phát triển thường hay áp dụng để bảo vệ các ngành sản xuất nội địa trước làn sóng sản phẩm nhập khẩu từ các quốc gia đang phát triển.

Hồi tháng 10/2016, phần lớn các các chuyên gia WTO đã đưa ra kết luận ủng hộ lập luận của Trung Quốc. Tới tháng 6/2017, Mỹ đã tuyên bố sẽ thực hiện các điều chỉnh theo khuyến cáo của WTO trong một khoảng thời gian "thích hợp" mà không nêu rõ thời điểm cụ thể. Vì vậy, Trung Quốc đã yêu cầu WTO chỉ định một thời hạn cụ thể.

Đội tuyển Việt Nam cùng Hàn Quốc, Qatar, Uzbekistan lọt vào vòng bán kết U23 châu Á

Tối ngày 20/1giải vô địch bóng đá U23 châu Á đang được tổ chức tại Trung Quốc đã xác định đội cuối cùng vào bán kết. Xuất sắc vượt qua Iraq sau loạt đá luân lưu 11m, đội tuyển U23 Việt Nam đã làm lên lịch sử khi lần đầu tiên có mặt tại bán kết và cũng là lần đầu tiên đưa bóng đá khu vực Đông Nam Á vào vòng bán kết một giải bóng đá tầm cỡ khu vực. Dù bị đánh giá thấp hơn nhưng U23 Việt Nam nhập cuộc đầy tự tin, thậm chí đoàn quân của HLV Park Hang Seo còn sớm dội "gáo nước lạnh" cho U23 Iraq. Phút 13, từ pha ngả người bắt vô lê của Văn Đức, Công Phượng dứt điểm một chạm tung lưới đối phương.

Sự vượt trội về thể hình và thể lực giúp U23 Iraq chơi lấn lướt ở những phút sau đó, để rồi Aymen Hussein gỡ hòa 1-1 cho đội nhà với quả phạt đền penalty gây tranh cãi ở phút 29. Những phút sau đó, tinh thần thi đấu quả cảm của các cầu thủ U23 Việt Nam đã được đền đáp bằng việc bảo toàn tỷ số 1-1 đến hết thời gian thi đấu chính thức. Hòa 1-1 sau 90 phút, hai đội buộc phải thi đấu thêm 2 hiệp phụ. Ngay sau khi hiệp phụ bắt đầu được ít phút, vẫn là Aymen Hussein với chiều cao 1,9m đánh đầu tung lưới thủ thành Tiến Dũng lần thứ 2. Không chịu khuất phục, các cầu thủ áo đỏ đã thi đấu quật cường và được tiếp tục được đền đáp với bàn gỡ hòa 2-2 do công của Văn Đức ở phút 108. Thừa thắng xông lên, cầu thủ vào thay người Đức Chinh với pha đánh đầu hiểm hóc ở phút 112 đưa U23 Việt Nam vượt lên dẫn trước 3-2 khó tin trong hiệp phụ thứ hai. Khi thời gian của hiệp phụ chỉ còn 4 phút là kết thúc, Alaa Mhawi băng xuống lạnh lùng dứt điểm đánh bại Tiến Dũng, quân bình tỷ số 3-3 và đưa trận đấu vào loạt luân lưu cân não.

Trên chấm 11m định mệnh, Văn Thanh thành công với cú sút đầu tiên và sau đó thủ thành Tiến Dũng đã vô hiệu hóa quả đá đầu tiên của U23 Iraq, mở ra chiến thắng nghẹt thở 5-3 trên chấm phạt đền luân lưu.

Với chiến thắng này, U23 Việt Nam trở thành đội bóng Đông Nam Á đầu tiên lọt vào tới vòng bán kết giải vô địch U23 châu Á. Trước đó, U23 Uzbekistan, Qatar và Hàn Quốc cũng đã lần lượt đánh bại các đối thủ ở vòng tứ kết, đoạt vé vào bán kết.

Trận bán kết thứ nhất giữa U23 Hàn Quốc và U23 Uzbekistan diễn ra lúc 15h ngày 23/1. Trận bán kết thứ hai giữa U23 Việt Nam và U23 Qatar sẽ diễn ra vào lúc 18h30 cùng ngày./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới