Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 và các hội nghị liên quan tại TP. Hội An (Việt Nam); Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX; Chính phủ Tây Ban Nha có thể chấm dứt quyền tự trị của vùng Catalunya; Mỹ từ chối xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân; Philippines giải phóng thành phố Marawi …là một số sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.

Họp báo kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC
và các hội nghị liên quan.

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 và các hội nghị liên quan tại TP. Hội An (Việt Nam)

Tại TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam, Việt Nam, trong khuôn khổ Năm APEC Việt Nam 2017, từ ngày 19 - 21/10  đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 và các hội nghị liên quan. Chiều ngày 21/10, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 đã ra Tuyên bố chung của các Bộ trưởng. Trước đó, vào sáng 21/10, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và có bài phát biểu chào mừng Hội nghị.

Tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC và các Hội nghị liên quan có khoảng 300 đại biểu quốc tế và trong nước, trong đó bao gồm các Bộ trưởng Tài chính, lãnh đạo cơ quan tài chính và lãnh đạo Ngân hàng Trung ương của 21 nền kinh tế thành viên trong khu vực; lãnh đạo cấp cao của các tổ chức tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).

Kết quả của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC sẽ được báo cáo lên Ủy ban quốc gia APEC 2017 để chuẩn bị nội dung cho Hội nghị Cấp cao APEC vào tháng 11/2017. Thành công của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC đóng góp thiết thực vào kết quả của Hội nghị Cấp cao APEC năm 2017 cũng như thành công chung của Việt Nam trong Năm APEC 2017.

Kết thúc Hội nghị, các Bộ trưởng đã nhất trí ra Tuyên bố chung với các nội dung cơ bản về: Kinh tế toàn cầu và khu vực; Kế hoạch hành động Cebu; Tài chính và Bảo hiểm rủi ro thiên tai; Tài chính bao trùm.

Nhận định về kinh tế toàn cầu và khu vực, Tuyên bố chung có đoạn viết: “Viễn cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong ngắn hạn khá lạc quan, với sự phục hồi trên diện rộng cả ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế phát triển. Trong trung hạn, rủi ro về thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu vẫn tồn tại. Tăng trưởng năng suất lao động chậm lại sẽ tiếp tục cản trở tăng trưởng bền vững. Các bộ trưởng tài chính cam kết sẽ tiếp tục tập trung vào những hoạt động ưu tiên, hợp tác về kinh tế, tài chính để thúc đẩy tăng trưởng, hướng tới mục tiêu cùng vun đắp tương lai chung.”

Về Kế hoạch hành động Cebu, Bộ trưởng Tài chính các nền kinh tế của khu vực hoan nghênh nỗ lực của các nền kinh tế thành viên trong việc đăng ký, triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Kế hoạch hành động Cebu (CAP). Tuyên bố chung nhấn mạnh: “Các Bộ trưởng Tài chính khuyến khích các nền kinh tế thành viên, trên nguyên tắc tự nguyện và không ràng buộc, tiếp tục gửi đăng ký các hoạt động và sáng kiến tương ứng với CAP để triển khai phù hợp với hoàn cảnh trong nước. Các Bộ trưởng Tài chính hoan nghênh sự tham gia tích cực của các tổ chức quốc tế, các diễn đàn phù hợp trong APEC, khuyến khích các tổ chức này tiếp tục cung cấp hỗ trợ để giúp các nền kinh tế thành viên đạt được các mục tiêu của CAP….”. “Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 đã thể hiện rõ nhận thức tầm quan trọng của việc huy động các nguồn đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng và của cơ sở hạ tầng chất lượng tốt đối với tăng trưởng kinh tế bền vững” – Tuyên bố chung nhấn mạnh.

Nhận thức tầm quan trọng của việc xây dựng các cơ chế chia sẻ rủi ro và áp dụng các công cụ giảm thiểu rủi ro phù hợp là yếu tố quan trọng của một dự án thành công, các bộ trưởng tài chính hoan nghênh báo cáo Các kinh nghiệm tốt về chia sẻ, giảm rủi ro trong các dự án cơ sở hạ tầng tại các nền kinh tế APEC do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế phối hợp với Trung tâm Cơ sở hạ tầng Toàn cầu, Ngân hàng Phát triển châu Á thực hiện. Đây là tài liệu tham khảo hữu ích giúp các nền kinh tế thành viên APEC xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng PPP khả thi về tài chính; khuyến khích các nền kinh tế tiếp tục tăng cường hợp tác khu vực, tìm kiếm, phát triển các giải pháp tài chính hiệu quả cho đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào các dự án cơ sở hạ tầng trong khu vực.

Đối với vấn đề Xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận, Tuyên bố chung nhận thức tác động quan trọng của các vấn đề xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) đến các nền kinh tế thành viên APEC; sự cần thiết tăng cường hợp tác trong khu vực nhằm chia sẻ kinh nghiệm, cách tiếp cận, các thông lệ tốt nhất trong việc xây dựng chính sách, pháp luật, quản lý thuế nhằm giải quyết những thách thức về BEPS trong khu vực; nâng cao tính chắc chắn, minh bạch, công bằng của hệ thống thuế.

Về Tài chính và Bảo hiểm rủi ro thiên tai, Tuyên bố chung chỉ rõ tầm quan trọng của việc hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính về bảo hiểm rủi ro thiên tai trước những tác động ngày càng tăng của thiên tai và những nghĩa vụ dự phòng của các nền kinh tế trong khu vực. Các chiến lược tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai hiệu quả, bao gồm cả giải pháp quản lý rủi ro tài chính đối với tài sản công sẽ giảm thiểu, chuyển giao rủi ro, qua đó hỗ trợ tốt, kịp thời hơn cho công tác phục hồi và tái thiết khi xảy ra thiên tai trong bối cảnh các thách thức về thông tin, dữ liệu rủi ro ở nhiều nền kinh tế APEC.

Trong việc đánh giá các nghĩa vụ dự phòng tài chính liên quan đến thiên tai, các tác động đối với tài sản công, các Bộ trưởng Tài chính hoan nghênh các kết quả hợp tác về tài chính, bảo hiểm rủi ro thiên tai trong năm 2017. Đặc biệt là báo cáo về Phương pháp phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu tài sản công và cơ sở dữ liệu bảo hiểm; báo cáo Quản lý tài chính tài sản công ứng phó với thiên tai trong khu vực APEC do Ngân hàng thế giới phối hợp với các nền kinh tế APEC thực hiện.

Về vấn đề Tài chính bao trùm, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017  ghi nhận tầm quan trọng của tài chính bao trùm, đánh giá cao những nỗ lực phối hợp của các nền kinh tế thành viên và các đối tác quốc tế đối với sự phát triển bền vững, sáng tạo, bao trùm của dịch vụ tài chính trong khu vực. Theo đó, các Bộ trưởng Tài chính hoan nghênh báo cáo tiến độ của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế và Mạng lưới quốc tế về Giáo dục tài chính, nâng cao nhận thức về tài chính và bảo vệ người tiêu dùng trong các nền kinh tế APEC. Tài chính nông nghiệp là một trong những nội dung quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển bền vững khu vực nông nghiệp nông thôn; thu hẹp chệnh lệch thu nhập thông qua việc nâng cao năng lực cho người dân, hỗ trợ kinh doanh hộ gia đình, các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, các chuỗi giá trị, hoạt động sản xuất nông nghiệp dựa trên ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến.

Các Bộ trưởng Tài chính khuyến khích các nền kinh tế thành viên trên nguyên tắc tự nguyện, không ràng buộc, cân nhắc những khuyến nghị này để có thể góp phần thực hiện thành công quá trình tái cơ cấu, phát triển một nền nông nghiệp có chất lượng, bền vững; ghi nhận tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng tài chính, đặc biệt là hệ thống thông tin tín dụng, giao dịch bảo đảm, hệ thống quy định về phá sản cũng như tài chính hỗ trợ thương mại và chuỗi cung ứng.

Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX

Ngày 18/10, Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX đã khai mạc tại Đại lễ đường nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh và kéo dài đến ngày 24/10. Đây được xem là kỳ đại hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Trung Quốc đang đứng trước giai đoạn then chốt để hoàn thành mục tiêu xây dựng xã hội khá giả toàn diện, đẩy mạnh phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.

Trong nhiệm kỳ qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nỗ lực đảm bảo kinh tế phát triển ổn định, dân chủ được cải thiện, văn hóa thịnh vượng, xã hội ổn định, vị thế trên trường quốc tế không ngừng được nâng lên. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang dựa trên những thành quả hiện hữu của Đại hội XVIII để định hướng cho Đại hội XIX và xa hơn nữa. Ghi nhận những khó khăn, tồn tại và thách thức, thế hệ lãnh đạo tương lai của Trung Quốc sẽ đề ra các mục tiêu cụ thể nhằm đảm bảo nền kinh tế tăng trưởng bền vững, tạo ra nhiều việc làm, đồng thời thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, tiến tới xây dựng thành công xã hội khá giả toàn diện vào năm 2020.

Với tinh thần đó, người dân Trung Quốc đang rất kỳ vọng vào thành công của Đại hội XIX sẽ giúp đẩy nhanh hơn tiến trình cải cách chính trị sâu rộng và từng bước cải thiện cuộc sống dân sinh vì một xã hội ổn định, công bằng và thịnh vượng hơn.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc (Đại hội XIX) đã trở thành một "sự kiện toàn cầu" thu hút hơn 3.000 phóng viên đến Bắc Kinh để đưa tin, tăng 6,9% so với kỳ đại hội trước, trong đó 1.818 phóng viên đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ bên ngoài đại lục.

Chính phủ Tây Ban Nha có thể chấm dứt quyền tự trị của vùng Catalunya

Cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất ở Tây Ban Nha trong nhiều thập kỷ qua đã trở nên căng thẳng hơn khi ngày 17/10, Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha tuyên bố Luật trưng cầu ý dân về độc lập của Catalunya là vô giá trị. Sau đó 2 ngày, Văn phòng Thủ tướng Tây Ban Nha đã đưa ra thông báo cho biết vào ngày 21/10, chính phủ nước này sẽ kích hoạt điều 155 của Hiến pháp, cho phép Madrid đình chỉ quyền tự trị về mặt chính trị của vùng Catalunya. Đồng thời, chính phủ Tây Ban Nha kêu gọi một cuộc bầu cử mới.

Các nhà phân tích cho rằng, những diễn biến mới này là một sự leo thang căng thẳng nguy hiểm bởi nếu chính phủ Tây Ban Nha kích hoạt điều 155 của Hiến pháp, cho phép Madrid đình chỉ quyền tự trị của vùng Catalunya thì đây sẽ trở thành sự kiện chính trị nghiêm trọng nhất tại Tây Ban Nha trong 4 thập kỷ qua, và sẽ gây ra hậu quả khôn lường cho đất nước này.

Có thể thấy ngay từ khi chính quyền khu tự trị Catalunya yêu cầu tổ chức cuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập khỏi Tây Ban Nha thì chính quyền vùng Catalunya đã luôn ở thế yếu hơn, do thiếu đi tính chính danh cần thiết, cũng như không có sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt từ Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chính phủ Tây Ban Nha hoàn toàn có thể áp dụng mọi biện pháp cứng rắn với Catalunya.

Trong bối cảnh đó, vấn đề quan trọng hiện nay không phải là kéo dài tình trạng căng thẳng mà phải nhanh chóng tìm ra giải pháp nếu không đất nước Tây Ban Nha sẽ đứng trước tương lai bất định.

Mỹ từ chối xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân

Ngày 13/10/2017, Tổng thống Mỹ D.Trump tuyên bố bác bỏ xác nhận việc Iran đã tuân thủ thỏa thuận hạt nhân lịch sử có tên gọi chính thức là "Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) mà nước này đạt được với Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Anh, Mỹ, Nga, Pháp và Trung Quốc cùng với Đức) vào năm 2015 dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama.

Như vậy, một lần nữa, Tổng thống D.Trump lại "nhường" quyền quyết định có chấm dứt thỏa thuận hạt nhân Iran hay không cho Quốc hội Mỹ hiện do phe Cộng hòa kiểm soát. Trong 60 ngày tới, Quốc hội Mỹ sẽ quyết định có áp đặt trở lại các biện pháp cấm vận vốn đã được dỡ bỏ để đổi lại việc Iran hạn chế hoạt động làm giàu hạt nhân hay không.

Ngay lập tức, các Bộ trưởng Ngoại giao thuộc các nước thành viên Liên minh châu Âu đã hối thúc Quốc hội Mỹ đảm bảo duy trì thỏa thuận hạt nhân JCPOA. Bộ Ngoại giao Đức cho rằng, động thái của Tổng thống D.Trump có thể gây ra một cuộc đối đầu quân sự với Iran. Trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Pháp J. Drian nhấn mạnh quyết định của Tổng thống D.Trump không đáp ứng kỳ vọng của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng như không phù hợp với các tuyên bố của nguyên thủ các nước Đức, Anh, Pháp.

Các nhà phân tích cho rằng, việc Tổng thống Mỹ D.Trump không xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân là điều không bất ngờ, tuy nhiên nó có nguy cơ đẩy thỏa thuận hạt nhân lịch sử này vào tình thế bấp bênh cũng như tạo ra hậu quả khó lường đối với quan hệ quốc tế và vấn đề an ninh khu vực.

Philippines giải phóng thành phố Marawi khỏi sự chiếm đóng của phiến quân Hồi giáo

Ngày 17/10, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố quân đội chính phủ đã giải phóng hoàn toàn thành phố Marawi trên đảo Mindanao, ở miền Nam nước này sau 5 tháng giao tranh với phiến quân Hồi giáo Maute thân IS tại đây. Đây được xem là một bước tiến lớn trong cuộc chiến chống khủng bố của Philippines nói riêng và của Đông Nam Á nói chung.

Thành phố Marawi với 200.000 dân trên đảo Mindanao đã bị những phiến quân được trang bị vũ khí hạng nặng tấn công hồi tháng 5/2017. Kể từ đó, quân đội Philippines đã nỗ lực đẩy mạnh các chiến dịch không kích nhằm vào phiến quân Hồi giáo đang chiếm giữ một số khu vực ở thành phố Marawi. Sau 5 tháng giao tranh, đến nay, quân đội Philippines đã tiêu diệt 822 phiến quân, trong khi tổn thất của quân chính phủ là 162 người cùng 47 dân thường. Hơn 1.700 binh sĩ và cảnh sát đã bị thương trong khi thi hành nhiệm vụ. Khoảng 400.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Mặc dù đã giải phóng được thành phố Marawi song các nhà phân tích cũng nhận định, trong thời gian tới, Philippines sẽ phải đối mặt với vô số thách thức sau trận chiến. Đó là nguy cơ bị các phần tử khủng bố trả thù. Do đó, chính quyền Philippines cần phải củng cố mạng lưới tình báo, tăng cường an ninh và tránh tái lập sai lầm để mất Marawi vào tay lực lượng cực đoan, đồng thời tăng cường ngăn chặn các nhóm khủng bố tuyển thêm tân binh.

Tấn công khủng bố ở Afghanistan khiến hàng chục binh sỹ thiệt mạng

Ngày 19/10, lực lượng Taliban đã tiến hành một vụ tấn công nhằm vào một căn cứ quân sự của Afghanistan ở huyện Maywand thuộc tỉnh Kandahar. Tổng cộng 43 binh sĩ đã thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Trong khi có nguồn tin cho rằng có khoảng 70 binh sĩ đã thiệt mạng trong vụ tấn công trên.

Cuộc tấn công trên xảy ra chỉ 2 ngày sau các vụ tấn công nhằm vào lực lượng an ninh tại một trung tâm huấn luyện cảnh sát ở tỉnh Paktia và tỉnh Ghazni trong ngày 17/10 khiến hơn 70 người thiệt mạng và hơn 170 người khác bị thương. Taliban đã thừa nhận là thủ phạm gây ra các vụ tấn công này.

Có thể thấy, các vụ tấn công khủng bố đang là nỗi ám ảnh lớn ở Afghanistan. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2017 đến 19/10/2017, tại đất nước này đã xảy ra hơn 20 vụ tấn công khủng bố khiến hàng trăm người chết và bị thương.

Thực tế này cho thấy các lực lượng an ninh tại Afghanistan vẫn đang loay hoay và bế tắc trước khoảng trống an ninh mà Mỹ để lại kể từ khi quân đội Mỹ kết thúc sứ mệnh chiến đấu tại Afghanistan vào cuối năm 2014. Các nhà phân tích cho rằng, nguyên nhân của sự yếu kém trong việc bảo đảm an ninh của Afghanistan chính là sự kết hợp của hàng loạt yếu tố, từ bất ổn trong chính phủ, ảnh hưởng từ nhân tố bên ngoài, sự gia tăng của các nhóm khủng bố, cho đến nạn tham nhũng, buôn ma túy…

Bão Lan đổ bộ vào Nhật Bản

Rạng sáng 23/10, một trận bão mạnh đã đổ bộ vào khu vực miền Trung Nhật Bản khiến 2 người thiệt mạng và hơn 10 người khác bị thương, sau khi gây mưa lớn khiến hàng triệu cử tri Nhật Bản gặp khó khăn trong việc tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Hạ viện diễn ra trước đó một ngày.

Nhà chức trách đã khuyến nghị hàng nghìn người sinh sống tại khu vực duyên hải hoặc gần sông đi sơ tán khi bão Lan đổ bộ vào tỉnh Shizuoka, Tây Nam thủ đô Tokyo vào lúc 3 giờ sáng theo giờ địa phương. Bão đã gây mưa lớn trên phần lớn lãnh thổ Nhật Bản trong cuối tuần qua, với sức gió giật lên tới 198km/h.  

Truyền thông Nhật Bản cho hay, các nhà điều hành hệ thống tàu điện ở Tokyo đã quyết định hủy một số dịch vụ tàu nhanh vào buổi sáng, trong khi tàu cao tốc Shinkansen đã ngừng nhận khách ở khu vực miền Trung trong đêm do bão gây mất điện. Gần 300 chuyến bay dự kiến trong ngày 23/10 cũng bị hủy. Hãng Toyota Motor thông báo ngừng hoạt động tại tất cả các nhà xưởng trong ngày 23/10...

Cũng trong rạng sáng 23/10, Thủ tướng Shinzo Abe đã yêu cầu bộ trưởng phụ trách các vấn đề ứng phó thảm họa cần sẵn sàng huy động lực lượng cứu hộ và sơ tán trong tình trạng khẩn cấp, gồm cả quân đội. Nhiều chính quyền địa phương cũng phát khuyến cáo sơ tán, hối thúc người dân sống ven biển, sông và núi cần nhanh chóng đến các khu nhà tạm. Cơ quan thời tiết Nhật Bản đã phát cảnh báo tình trạng sóng lớn, lở đất và lũ lụt tại miền Trung và miền Tây Nhật Bản.

Bão Lan đã gây mưa to và gió lớn trong ngày 22/10 khiến cử tri Nhật Bản gặp khó khăn khi tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Hạ viện cùng ngày. Tiến trình bỏ phiếu đã phải hoãn lại khoảng 20 phút tại Kochi, miền Tây Nhật Bản, do lở đất, trong khi nhiều điểm bỏ phiếu cũng phải đóng cửa sớm hơn kế hoạch. Thậm chí, quá trình kiểm phiếu tại một hòn đảo xa cũng đã phải ngừng sau khi các chuyến phà đến đảo đã bị hủy do sóng lớn./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới