Báo cáo "Triển vọng Kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương" của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố ngày 3/5 dự báo, kinh tế của khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong hai năm 2016 và 2017 sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp sự sụt giảm của một số nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Nhật Bản.
IMF dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương đat 5,3% trong năm 2016
Theo đó, IMF dự báo khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 5,3% năm 2016 và 2017, giảm nhẹ so với mức dự báo 5,4% đưa ra trước đó. Tốc độ trưởng kinh tế của cả khu vực này vẫn mạnh nhờ nhu cầu nội địa bù đắp cho suy giảm kinh tế do hoạt động thương mại toàn cầu giảm sút gây ra.
Báo cáo của IMF cũng dự báo, Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là động lực quan trọng cho tăng trưởng toàn cầu có thể tăng trưởng ở mức 6,5% năm 2016 và 6,2% năm 2017. Mức dự báo này giảm so với tốc độ tăng trưởng 6,9% của Trung Quốc năm 2015, mức thấp nhất trong vòng 25 năm qua tại nước này.
Đối với nền kinh tế Nhật Bản, IMF hạ sự báo tăng trưởng xuống mức 0,5% năm 2016 và giảm 0,1% năm 2017 do việc tăng thuế tiêu dùng theo kế hoạch gây ra cũng như vấn đề dân số lão hóa và nợ tăng cao.
Theo IMF, Ấn Độ sẽ vẫn là một trong số các nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới ở mức 7,5% năm 2016 và 2017 nhờ giá dầu thấp, đầu tư của chính phủ và tiêu thụ trong nước khởi sắc bù đắp cho hoạt động xuất khẩu yếu kém. Trong khi đó, kinh tế Hàn Quốc dự báo tăng trưởng 2,7% năm 2016 và 2,9% năm 2017 nhờ nhu cầu trong nước tăng mạnh. Tăng trưởng kinh tế của Australia dự báo vẫn ổn định, ở mức 2,5% năm 2016 và tăng hơn thế trong năm 2017.
IMF cho rằng, các biện pháp kích thích kinh tế của các chính phủ, giá hàng hóa hạ hơn và tỉ lệ thất nghiệp thấp sẽ là động lực giúp khu vực châu Á tăng trưởng; đồng thời cảnh báo, khu vực này đứng trước các thách thức bên ngoài như hoạt động suy giảm của các nền kinh tế tiên tiến, hoạt động thương mại toàn cầu giảm sút và các thị trường tài chính toàn cầu ngày càng biến động....
Theo IMF, để tăng cường đối phó với những rủi ro toàn cầu, các nhà hoạch định chính sách khu vực nên thúc đẩy các chương trình cải cách cơ cấu nhằm tăng năng suất, tạo thêm nguồn tài chính trong khi vẫn hỗ trợ các nhu cầu cần thiết..../.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!