Ngày 16/8, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố nước này và Hàn Quốc đang hợp tác nhằm tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho vấn đề Triều Tiên. Đây được xem là một “tín hiệu tích cực”, có thể giúp đẩy lùi nguy cơ bùng phát kịch bản xung đột quân sự trên bán đảo Triều Tiên, đặc biệt trong bối cảnh cả Bình Nhưỡng và Washington đang dịu bớt những lời lẽ khiêu khích nhằm vào đối phương.
Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố đang phối hợp với Hàn Quốc để giải quyết hòa bình vấn đề Triều Tiên.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, hiện vẫn còn quá sớm để nhận định về một “sự đột phá” trong giải quyết vấn đề Triều Tiên và mọi điều sẽ trở nên sáng tỏ hơn sau thời điểm Mỹ và Hàn Quốc dự kiến tiến hành cuộc tập trận chung thường niên vào đầu tuần tới.
Từ những dấu hiệu hạ nhiệt căng thẳng …
Trong tuyên bố đưa ra ngày 16/8, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Katina Adams nêu rõ, Mỹ tiếp tục duy trì vai trò là một đối tác, một người bạn và một đồng minh kiên định của Hàn Quốc. Hai nước đang tiếp tục hợp tác chặt chẽ để tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho vấn đề Triều Tiên.
Bên cạnh đó, bà Adams cũng tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của Washington nhằm bảo vệ Hàn Quốc, người dân Mỹ và các đồng minh khác trước mọi mối đe dọa từ Triều Tiên.
Trước đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng tuyên bố, kịch bản hành động quân sự trên bán đảo Triều Tiên sẽ không thể trở thành sự thật nếu không có sự chấp thuận của Seoul. Ngoài ra, nhà lãnh đạo này cũng tỏ rõ quyết tâm ngăn ngừa chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên và giải quyết vấn đề này thông qua các biện pháp hòa bình.
Tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã trở nên đặc biệt căng thẳng sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết mới, với các biện pháp nhằm gia tăng tính răn đe đối với hoạt động tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Căng thẳng đã bị đẩy lên đỉnh điểm vào tuần trước, sau khi Triều Tiên cảnh báo tấn công tên lửa đạn đạo về phía lãnh thổ Guam của Mỹ trên Thái Bình Dương – một động thái vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của Mỹ. Tuy nhiên, đến ngày 15/8, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong – Un bất ngờ tuyên bố tạm lùi kế hoạch tấn công trên để có thêm thời gian nhìn nhận về “thái độ cư xử” của Washington.
Phản ứng trước diễn biến trên, ngày 16/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump hoan nghênh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un đã đưa ra một sự lựa chọn “sáng suốt” khi kiềm chế thực hiện các mối đe dọa ngay tức thì nhằm vào Washington. Trong một thông điệp trên trang cá nhân, ông D.Trump tuyên bố: “Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un đã đưa ra một quyết định rất khôn ngoan và hợp lý. Việc áp dụng phương án thay thế sẽ rất thảm khốc và không thể chấp nhận được”.
Phát biểu trước các phóng viên từ Chile, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cùng ngày tuyên bố, như những gì mà ông D.Trump đã nhận định, chính quyền Washington đang bắt đầu nhìn thấy những tiến triển trong giải quyết vấn đề Triều Tiên. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ cũng kêu gọi Triều Tiên cần hành động nhiều hơn nữa. Phó Tổng thống Pence nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục gây sức ép về kinh tế và ngoại giao lên chính quyền Bình Nhưỡng cho tới khi nào Triều Tiên từ bỏ các chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân mà nước này đang theo đuổi.
Cho tới sự kỳ vọng của dư luận…
Có thể thấy rằng, phương án giải quyết vấn đề Triều Tiên thông qua con đường ngoại giao không chỉ là sự lựa chọn ưu tiên của các nhà lãnh đạo Mỹ trong bối cảnh hiện nay mà còn là tiếng nói phản ánh ý chí của đa phần người dân Mỹ. Theo kết quả một cuộc thăm dò ý kiến kênh tin tức POLITICO của Mỹ công bố ngày 16/8, thì có tới 78% người dân Mỹ ủng hộ nước này tiếp tục theo đuổi các nỗ lực ngoại giao để kêu gọi Triều Tiên từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, chỉ có 9% số người được hỏi phản đối điều này.
Trong tuyên bố ngày 16/7, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã tỏ rõ sự quan ngại về tình hình căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên. Người đứng đầu Liên hợp quốc cho rằng, những diễn biến căng thẳng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên đã chạm tới ngưỡng “chưa từng có tiền lệ” trong nhiều thập kỷ qua và có thể so sánh với thời điểm bùng nổ cuộc chiến tranh Triều Tiên từ hơn 60 năm về trước.
Ông Guterres cảnh báo rằng, căng thẳng leo thang có thể sẽ kéo theo nguy cơ gia tăng “sự hiểu lầm” xung quanh vấn đề Triều Tiên. Qua đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc hạ nhiệt những lời lẽ gây căng thẳng, khiêu khích và tăng cường các nỗ lực ngoại giao. Cụ thể, ông Guterres cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cả Mỹ và Triều Tiên cần hành động kiềm chế, tìm kiếm giải pháp chính trị để giải quyết bất đồng thông qua đối thoại.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã hoan nghênh việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un và Tổng thống Mỹ D.Trump dịu bớt những lời lẽ đấu khẩu căng thẳng. Đại diện ngoại giao này một lần nữa, khẳng định lập trường của Moscow nhằm giải quyết vấn đề Triều Tiên thông qua đối thoại, đồng thời lưu ý thêm rằng những biện pháp gây sức ép lên Triều Tiên thông qua trừng phạt kinh tế hầu như đã tỏ ra “không còn tác dụng”. Bên cạnh đó, ông Lavrov kêu gọi Mỹ và Hàn Quốc chấp thuận đề xuất do Nga và Trung Quốc đưa ra nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay, theo đó kêu gọi Mỹ và Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận chung kể từ ngày 21/8 tới và đi kèm theo là việc Triều Tiên chấm dứt các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo.
Và một tương lai khó đoán định trong quan hệ Mỹ-Triều Tiên
Ngay cả vào những thời điểm căng thẳng Mỹ và Triều Tiên lên tới đỉnh điểm cùng những lời cảnh báo mạnh mẽ của Tổng thống D.Trump, các nhà ngoại giao Mỹ vẫn thầm lặng và bền bỉ duy trì các cuộc tiếp xúc với các đối tác Triều Tiên. Hãng tin CNN vào cuối tuần trước cho biết, các cuộc tiếp xúc giữa Mỹ và Triều Tiên đã được thực hiện ít nhất là từ tháng 2/2017. Các cuộc gặp gỡ này do Đại diện đặc biệt của Mỹ về chính sách Triều Tiên Joseph Yun dẫn đầu, cùng các đối tác Triều Tiên, đã chủ yếu tập trung vào việc các công dân Mỹ bị bắt cóc tại Triều Tiên, song cũng đề cập tới mối quan hệ gai góc giữa Washington và Bình Nhưỡng. Các cuộc tiếp xúc giữa đại diện Mỹ và Triều Tiên được thực hiện thông qua một cơ chế đã tồn tại từ lâu, được biết đến với tên gọi “Kênh New York”, được thiết lập để trao đổi những thông điệp qua Liên hợp quốc, với hy vọng sẽ dẫn tới một vòng đối thoại ý nghĩa hơn giữa Washington và Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, ông Alexander Zhebin – người đứng đầu một trung tâm nghiên cứu về Triều Tiên thuộc Viện Khoa học Nga, ngày 16/8, cũng cho rằng, việc Triều Tiên quyết định trì hoãn kế hoạch tấn công Guam có thể xem là một “bước đi đầu tiên” của Bình Nhưỡng nhằm tìm kiếm thỏa hiệp với Washington. Tuy nhiên, ông Zhebin cũng lưu ý thêm rằng, Triều Tiên sẽ theo sát những hành động của Mỹ và mọi động thái tiếp theo của Triều Tiên sẽ phụ thuộc vào việc liệu chính quyền của Tổng thống D.Trump có lưu tâm tới ý định tìm kiếm thỏa hiệp của Bình Nhưỡng để vượt qua những hoài nghi đang tồn tại giữa hai nước hay không.
Trong cuộc họp báo ngày 16/8, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc vào tuần tới, bất chấp thực tế rằng tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang tăng nhiệt cũng như sự phản đối mạnh mẽ của Bình Nhưỡng trước kế hoạch này.
Theo quan điểm của bà Nauert thì các cuộc tập trận với kịch bản giả định trên máy tính sẽ được khởi động tại Hàn Quốc vào ngày 21/8 tới, trong phạm vi các cuộc tập trận thông thường do Mỹ tiến hành với các nước đồng minh trên khắp thế giới. Ngoài ra, phát ngôn viên này cũng phản đối đề xuất “đóng băng kép” do Nga và Trung Quốc đưa ra nhằm kêu gọi ngừng các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn để đổi lấy việc Triều Tiên chấm dứt các hành vi khiêu khích.
Trong cuộc họp báo cùng ngày, bà Nauert từ chối bình luận về khả năng thu hẹp phạm vi của các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn, mà chỉ tiết lộ rằng đây là vấn đề phụ thuộc vào quyết định của Lầu Năm góc. Phát ngôn viên này khẳng định Mỹ sẵn lòng tiến hành đối thoại với Triều Tiên, với điều kiện Bình Nhưỡng tỏ rõ thiện chí thông qua việc chấm dứt các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo. “Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa thể hướng tới gần mục tiêu trên bởi Triều Tiên vẫn chưa ngừng các hành vi gây bất ổn” – bà Nauert nói.
Có thể thấy rằng, bên cạnh sự hoài nghi và nghi kỵ lẫn nhau, Mỹ và Triều Tiên vẫn đang phát đi những tín hiệu nhằm tìm kiếm một sự thay đổi và cải thiện mối quan hệ mà sự căng thẳng đã trở thành “thâm căn cố đế”. Tuy nhiên, việc cả Triều Tiên và Mỹ có sẵn sàng mở lòng để nắm bắt cơ hội hay không lại là một vấn đề phụ thuộc vào thiện chí từ hai phía, mà quan trọng hơn cả là yếu tố xây dựng lòng tin. Một niềm tin vững chắc sẽ mang lại chìa khóa để Mỹ và Triều Tiên cùng tháo gỡ nhiều nút thắt, không chỉ là vấn đề hạt nhân nhạy cảm trên bán đảo Triều Tiên, mà còn nhằm phá vỡ vòng tròn luẩn quẩn căng thẳng – hạ nhiệt rồi lại bùng phát căng thẳng đã tiếp diễn hàng chục năm qua trên bán đảo này./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!