Phòng tránh, tháo gỡ bom mìn là một hành động nhân đạo

Tại những khu vực xảy ra xung đột hay những vùng mà chiến tranh đã lùi xa, nhiều tàn tích vẫn còn để lại, trong đó bom, mìn, vật nổ vẫn còn sót lại và tiếp tục gây ra hậu quả thương tâm. Nâng cao nhận thức phòng tránh bom mìn và hỗ trợ tháo gỡ bom mìn là việc làm thiết yếu nhằm đem lại bình yên cho các “vùng đất chết”.

Tháo gỡ bom mình giúp cứu được nhiều sự sống. 

Ngày 8/12/2005, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã công bố chọn ngày 4/4 hàng năm để kỷ niệm Ngày quốc tế Nâng cao nhận thức phòng tránh bom mìn và hỗ trợ tháo gỡ bom mìn. Ngày quốc tế Nâng cao nhận thức phòng tránh bom mìn và hỗ trợ tháo gỡ bom mìn là dịp thu hút sự chú ý của toàn thể cộng đồng về nhu cầu cần hỗ trợ cho các nạn nhân bom mìn và các vật nổ còn lại sau chiến tranh.

Các chính phủ thành viên, các tổ chức dân sự thuộc Liên hợp quốc đều được huy động để tạo ra những khuôn khổ pháp lý, xã hội và kinh tế giúp các nạn nhân bom mìn được hưởng quyền của họ và giữ vai trò sản xuất trong xã hội. Các chính phủ thành viên cũng được khuyến khích phê chuẩn mọi công cụ có liên quan tới việc giải trừ quân bị, bảo đảm quyền con người và những quyền có liên quan tới bom mìn, vật nổ còn lại của chiến tranh và những người còn sống sót sau khi chịu sự tàn phá của bom mìn.

Phòng tránh bom mìn là một loạt các hoạt động như rà phá bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh; đánh dấu, khoanh vùng, rào chắn những khu vực nguy hiểm. Ngoài ra, hoạt động phòng tránh bom mìn còn bao gồm các hoạt động trợ giúp nạn nhân, hướng dẫn người dân cách thức bảo đảm an toàn trong môi trường có bom mìn, vận động sự tham gia rộng rãi vào các công ước, hiệp ước quốc tế về nạn nhân bom mìn, về xử lý bom mìn, vật nổ còn lại sau chiến tranh.

Cuộc chiến đấu chống bom mìn

Rất lâu sau khi kết thúc các cuộc chiến, ngay cả khi hòa bình đã lập lại thì nhiều loại vũ khí vẫn còn ở ngầm dưới lòng đất qua nhiều năm, thậm chí là nhiều thập kỷ, gây ảnh hưởng tiêu cực cũng như gây thương vong cho những người dân bước đi phía trên mặt đất. Đó có thể là trẻ em và những người dân thường vô tội.

Cuộc chiến đấu chống lại bom mìn không chỉ nhằm mục tiêu duy nhất là loại bỏ bom mìn trên mặt đất mà còn bao gồm nhiều biện pháp khác nhau, từ phòng chống các mối nguy hiểm trong một môi trường có bom mìn cho đến việc thúc đẩy một thế giới hoàn toàn không có bom mìn.

Thêm vào đó, cuộc chiến đấu chống lại bom mìn không chỉ hướng đến đối tượng là các loại mìn mà còn nhằm vào các vật liệu chưa nổ vốn là mối đe dọa lớn hơn ở nhiều quốc gia. Bom, súng cối, lựu đạn, tên lửa hoặc các thiết bị khác có thể phát nổ bất cứ lúc nào… Hiện nay, các chương trình hành động chống bom mìn được tiến hành trên phạm vi quốc tế nhìn chung đều nhằm đối tượng là các loại bom mìn và "vật nổ sót lại của chiến tranh", trong đó bao gồm vật liệu chưa nổ và các loại "vũ khí bị bỏ rơi" hoặc vũ khí còn sót lại trên mặt đất của các lực lượng vũ trang để lại tại một khu vực.

Hành động chống bom mìn của Liên hợp quốc được xây dựng dựa trên 5 “trụ cột” chính như: giải phóng mặt đất; giáo dục về những nguy cơ liên quan đến bom mìn; hỗ trợ nạn nhân; phá hủy các loại bom mìn còn sót lại; thúc đẩy các công cụ pháp lý quốc tế.

Tháo gỡ bom mìn là một hành động nhân đạo

Năm nay, chủ đề của Ngày quốc tế Nâng cao nhận thức phòng tránh bom mìn và hỗ trợ tháo gỡ bom mìn được lựa chọn là: “Tháo gỡ bom mìn là một hành động nhân đạo” vì nó giúp cứu được nhiều mạng sống.

Bom mìn không phải là mối nguy hiểm nổ duy nhất đặt ra một mối đe dọa cho thường dân sống ở những khu vực xung đột hoặc sau xung đột mà các vũ khí chiến tranh, bom mìn chưa nổ và thiết bị nổ cũng đã giết chết nhiều nhân viên cứu trợ, nhân viên gìn giữ hòa bình, các nhà báo và nhiều người khác. Tại Afghanistan là một ví dụ, theo Liên hợp quốc, các vật liệu nổ có sức tàn sát gấp hơn 10 lần so với các loại mìn.

Trong thông điệp đưa ra nhân ngày kỷ niệm này, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho biết: Tháo gỡ bom mìn giữ vai trò rất thiết yếu để xây dựng một hành động nhân đạo có hiệu quả trong các tình huống xung đột và sau xung đột. Đây là một trong những thông điệp chính của Ngày quốc tế Nâng cao nhận thức phòng tránh bom mìn và hỗ trợ tháo gỡ bom mìn. Tuy nhiên, ở nhiều nơi trên thế giới, các cuộc xung đột mới bùng phát hoặc tái diễn vẫn để lại các vật liệu nổ nguy hiểm, bao gồm mìn, đạn dược và nhiều thiết bị nổ. “Tôi đặc biệt quan ngại trước việc sử dụng các loại vũ khí nổ trong khu dân cư” – ông Ban Ki-moon lưu ý.

Theo nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc, phòng tránh, tháo gỡ bom mìn là một khoản đầu tư cho nhân loại. Nó thúc đẩy hòa bình của các xã hội khi cho phép những người có nhu cầu có thể nhận được hỗ trợ, di dời và người tị nạn trở về nhà một cách an toàn, trẻ em được đi học. Tháo gỡ bom mìn cũng giúp tạo ra một môi trường an toàn, nơi có thể thực hiện các hoạt động phát triển và tái thiết, tạo ra cơ sở cho một nền hòa bình lâu dài.

Nhân Ngày quốc tế Nâng cao nhận thức phòng tránh bom mìn và hỗ trợ tháo gỡ bom mìn năm nay (4/4/2016), Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng hành động để đạt được mục tiêu chung của chúng ta về một thế giới hoàn toàn không còn bom mìn và vật nổ còn lại của chiến tranh.

Phục hồi những “vùng đất chết” hay nâng cao nhận thức về phòng tránh bom mìn cho người dân cũng như tăng cường nỗ lực rà phá bom mìn chính là những việc làm ý nghĩa và thiết thực nhằm bảo đảm cuộc sống an toàn cho người dân và cứu được nhiều sự sống trên trái đất./.

 

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới