Ông Barack Obama thừa nhận sai lầm “lớn nhất” sau hai nhiệm kỳ làm Tổng thống Mỹ

Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa thừa nhận rằng một trong những sai lầm "lớn nhất" sau 2 nhiệm kỳ làm Tổng thống của ông là đã “thất bại” trong việc đưa ra một kế hoạch cụ thể cho Libya sau khi Mỹ cầm đầu chiến dịch can thiệp quân sự của Tổ chức quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào quốc gia Bắc Phi này vào năm 2011.

Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Khi trả lời phóng viên Chris Wallace của chương trình “Fox News Sunday” về câu hỏi “đâu là sai lầm lớn nhất của ông Obama sau 2 nhiệm kỳ làm người đứng đầu Nhà Trắng”, Tổng thống Mỹ cho biết “đó chính là việc ông đã không chuẩn bị trước một kế hoạch cụ thể sau khi nhà lãnh đạo Libya Moammar Gaddafi bị lật đổ”.

Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên trong vài tuần trở lại đây ông Obama đề cập tới tình hình bất ổn tại Libya và chiến dịch can thiệp quân sự của NATO vào quốc gia Bắc Phi này hồi năm 2011.

Trong hồ sơ được tờ The Atlantic công bố tháng trước, Tổng thống Obama cho rằng Thủ tướng Anh David Cameron đã bị “phân tâm” bởi hàng loạt vấn đề khác sau khi chiến dịch can thiệp quân sự vào Libya được khởi động. Trong khi đó, cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng hứng chịu “lời chỉ trích” của Tổng thống Mỹ Barack Obama liên quan tới vấn đề Libya. 

Phát biểu tại phiên họp của Đại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hồi tháng 9/2015, ông Obama đã chỉ ra rõ những khiếm khuyết của chiến dịch can thiệp quân sự do Mỹ cầm đầu tại Libya khi đưa ra một nhận định đầy tiếc nuối rằng “đáng lẽ ra, các nước đồng minh của chúng ta có thể và nên hành động nhiều hơn để lấp đầy khoảng trống tại Libya”.

Cùng chia sẻ lập trường trên, trả lời phỏng vấn chương trình “Fox News Sunday” được ghi âm tại trường Đại học Chicago hồi tuần trước, ông Obama đã tiếp tục bảo vệ tính đúng đắn của chiến dịch can thiệp quân sự vào Libya hồi năm 2011, song đã thừa nhận rằng những gì đang diễn ra tại Libya ngày hôm nay không khác nào một “mớ hỗn độn”. 

Đất nước Libya đã bị trượt dài trong khủng hoảng chính trị và nội chiến đẫm máu kể từ sau cuộc Cách mạng mùa xuân Ả rập năm 2011. Sau cột mốc mang tính bước ngoặt đối với vận mệnh của người dân Libya, chính quyền Tổng thống Barack Obama đã ủng hộ chiến dịch can thiệp quân sự của NATO vào Libya “nhằm bảo đảm” kết quả thành công của cuộc cách mạng 2011. 

Tuy nhiên, trái với những gì mà người ta hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn, chiến dịch can thiệp quân sự của Mỹ và NATO đã để lại một “di sản đầy bất ổn” cho người dân Libya. Theo số liệu thống kê do Liên hợp quốc công bố, chiến dịch can thiệp quân sự do Mỹ và NATO phát động từ năm 2011 đã khiến hơn 400.000 người dân Libya phải rời bỏ nhà cửa. Nguy hiểm hơn, gần 5 năm sau chiến dịch can thiệp quân sự này, Libya đã rơi vào một cuộc nội chiến toàn diện cùng với sự hoành hành ngày càng lan rộng từ lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Mối đe dọa này còn trở nên nghiêm trọng hơn khi mà Libya được các tay súng thánh chiến sử dụng là một tuyến đường để thâm nhập vào châu Âu và biến đây trở thành một “trại huấn luyện” ngay tại cửa ngõ châu Âu. Theo số liệu thống kê do Tư lệnh Bộ Chỉ huy Quân đội Mỹ tại châu Phi, Tướng David Rodriguez công bố vào tuần trước, hiện các phần tử thánh chiến IS đã tăng gấp đôi sự hiện diện tại Libya so với năm 2015 và lên tới con số khoảng 6.000 người.

Báo cáo do cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS) công bố hồi đầu tháng 4/2016 nhận định: “Tiến trình chuyển giao chính trị tại Libya đã bị đứt quãng do sự hoành hành của các nhóm vũ trang, cũng như bị đe dọa bởi sự thiếu quyết đoán và thiếu nhuệ khí của các nhà lãnh đạo lâm thời tại Libya sau khi chế độ của ông Gaddafi bị lật đổ”. Cũng theo đánh giá của CRS, “các nhà chức trách trong chính phủ lâm thời tại Libya đã tỏ ra thiếu năng lực trong việc hình thành nên một chính phủ ổn định, có thể giải quyết những vấn đề về an ninh, tái định hình cơ cấu tài chính công hay tạo ra một nền tảng về pháp lý, cũng như tái hòa giải trong thời kỳ hậu xung đột”.

Theo dự báo của giới quan sát, chiến dịch không kích của NATO và tình hình bất ổn hiện nay tại Libya sẽ tiếp tục được nhắc tới trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Chủ đề này lại càng trở nên nóng bỏng hơn khi có liên quan trực tiếp đến hai vấn đề thời sự hiện nay là: sự hoành hành của IS và hiệu quả những cuộc không kích của Mỹ trong việc bẻ gãy sức mạnh của IS. 

Tháng trước, Libya đã hình thành chính phủ đoàn kết dân tộc do Thủ tướng Fayez Serraj dẫn đầu, dưới vai trò bảo trợ của Liên hợp quốc. Bộ máy lãnh đạo mới đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự tại Libya, làm dấy lên những tia hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn cho người dân Libya sau gần nửa thế kỷ phải sống trong bất ổn. Trước hết, tương lai này đang nằm trong tay của người dân và các nhà lãnh đạo Libya. Sau đó, tương lai này phụ thuộc vào những nỗ lực trợ giúp của cộng đồng quốc tế mà đi đầu là những hành động cụ thể từ ông Obama bởi sẽ không bao giờ là quá muộn để làm lại những “sai lầm”./.

 

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới