Ngoại trưởng Mỹ hy vọng vào cơ hội đối thoại với Triều Tiên

Ngày 22/8, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết ông lấy làm “hài lòng” trước việc Triều Tiên đã tỏ ra kiềm chế và không thực hiện thêm các hành vi khiêu khích, đồng thời hy vọng rằng đây có thể là một dấu hiệu cho thấy thái độ sẵn sàng của Bình Nhưỡng để tiến hành đàm phán trong một tương lai gần.

Ngoại trưởng Rex Tillerson trong cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao Mỹ, ngày 22/8/2017. 

Phát biểu trong cuộc họp báo cùng ngày diễn ra tại Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Tillerson nhận định, Triều Tiên đã tỏ ra kiềm chế kể từ sau thời điểm Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào nước này hồi đầu tháng 8/2017.

“Tôi muốn lưu ý về điều này. Tôi muốn thừa nhận điều này. Tôi vui mừng khi thấy Triều Tiên rõ ràng đã cho thấy một mức độ kiềm chế mà chúng ta chưa từng được nhìn thấy trước đây...Chúng tôi hy vọng rằng, đây chỉ là sự khởi đầu của một tín hiệu mà chúng tôi đang tìm kiếm, rằng họ (Triều Tiên) sẵn sàng kiềm chế mức độ căng thẳng và các hành vi khiêu khích. Và có lẽ chúng ta đang thấy một lối đi dẫn đến việc đối thoại trong một tương lai gần” – Ngoại trưởng Tillerson nói, đồng thời không quên lưu ý thêm rằng, Mỹ sẽ tiếp tục theo sát các động thái của Triều Tiên.

Ngày 15/8, ông Tillerson cũng đã tuyên bố tiếp tục để ngỏ cánh cửa đối thoại với Triều Tiên sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un tuyên bố tạm hoãn kế hoạch tấn công tên lửa nhằm vào khu vực gần vùng lãnh thổ Guam của Mỹ trên Thái Bình Dương để có thể tiếp tục nhìn nhận thêm về “lối hành xử” của Mỹ. Bên cạnh đó, đại diện ngoại giao Mỹ cũng nhấn mạnh thêm rằng, thời điểm tiến hành đàm phán sẽ phụ thuộc vào quyết định của ông Kim Jong-Un. Trước đó, ông Tillerson đã khẳng định rằng Triều Tiên có thể phát đi thông điệp sẵn sàng đối thoại về giải trừ vũ khí hạt nhân thông qua việc ngừng các vụ thử tên lửa.

Tuyên bố mang tính thiện chí trên được ông Tillerson đưa ra chỉ vài giờ sau khi Bộ Tài chính Mỹ công bố áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào 16 thực thể và cá nhân của Nga và Trung Quốc trước cáo buộc có mối liên hệ với chương trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên.

Phó Chủ tịch chương trình nghiên cứu châu Á tại Viện Carnegie Endowment vì Hòa bình Quốc tế - ông Douglas Paal cho rằng, việc áp dụng 2 biện pháp kể trên vào cùng một thời điểm cho thấy chiến lược của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm gia tăng tối đa sức ép về kinh tế và ngoại giao, để sau đó tạo khoảng trống để đối thoại với Triều Tiên. Hơn nữa, Mỹ hiện cũng đang tin tưởng rằng Triều Tiên sẽ không tiến xa hơn trước những lời đe dọa phóng tên lửa đạn đạo về phía vùng lãnh thổ của nước này trên Thái Bình Dương./.

 

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới