Ngày 25/11, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công bố kết quả của một nghiên cứu cho thấy, nhiệt độ trung bình trên bề mặt toàn cầu vào năm 2015 sẽ ở mức cao chưa từng có và sẽ là minh chứng rõ rệt nhất cho thấy trái đất nóng lên 1 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp.
Nghiên cứu được công bố trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về khí hậu (COP21) sẽ khai mạc ngày 30/11 với sự tham dự của Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cùng nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia.
Theo đánh giá sơ bộ dựa trên số liệu thu thập trong giai đoạn từ tháng 1 – 10/2015, nhiệt độ trung bình trên bề mặt trái đất trong 10 tháng đầu năm nay diễn biến bất thường, cao hơn 0,73 độ C so với mức trung bình của giai đoạn 1961 – 1990 (14,0 độ C) và cao hơn khoảng 1 độ C so với giai đoạn 1880 – 1899 của thời kỳ tiền công nghiệp.
Năm 2015 được xét là năm nóng nhất tại châu Á và Nam Mỹ, trong khi đối với châu Phi và châu Âu, năm 2015 sẽ được xếp là năm nóng thứ hai.
Ngoài ra, các năm từ 2011 – 2015 là giai đoạn 5 năm nóng nhất từng được ghi nhận, với nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, đặc biệt là những làn sóng nhiệt, do ảnh hưởng bởi hiện tượng biến đổi khí hậu.
WMO đã tiến hành phân tích trong 5 năm vì nó cho thấy xu hướng diễn biến của khí hậu trong dài hạn hơn so với báo cáo thường niên.
Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, đây là kết quả của những tác động tổng hợp, từ hiện tượng El Nino mạnh cùng với sự nóng lên toàn cầu gây ra bởi các hoạt động của con người.
Hiện tượng El Nino tiếp tục lên tới cường độ mạnh. Theo Tổng thư ký WMO Michel Jarraud, hiện tượng này ảnh hưởng đến mô hình thời tiết ở nhiều nơi trên thế giới và là nguyên nhân dẫn tới làn sóng nhiệt độ đặc biệt nóng mà chúng ta đã trải qua trong tháng 10. El Nino sẽ tiếp tục làm ấm hành tinh của chúng ta cho đến năm 2016./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!