Ngày 8/2, hãng thông tấn Yonhap dẫn tin từ các quan chức quân sự Hàn Quốc cho biết: Hai nước đồng minh Mỹ và Hàn Quốc sẽ cùng tham gia vào một cuộc tập trận chung vào tháng tới với kịch bản giả định là Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà Mỹ dự kiến triển khai trên bán đảo Triều Tiên trong năm nay đã được vận hành.
Binh sỹ Mỹ và Hàn Quốc tham gia cuộc tập trận chung "Giải pháp then chốt/Đại bàng non" năm 2016.
Phát biểu trước báo giới, một quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, trong khuôn khổ các cuộc tập trận thường niên “Giải pháp then chốt” và “Đại bàng non” diễn ra trong năm nay, lực lượng của hai nước đồng minh có khả năng sẽ thực hiện một cuộc diễn tập dành cho các sĩ quan chỉ huy trước giả định hệ thống THAAD đã được đưa vào sử dụng.
Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis và người đồng cấp Hàn Quốc Han Min-koo đã nhất trí tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung với quy mô lớn nhằm thể hiện sức mạnh răn đe trước các mối đe dọa từ Triều Tiên. Về phía chính quyền Bình Nhưỡng luôn mạnh mẽ bác bỏ và cáo buộc các cuộc tập trận thường niên Mỹ-Hàn không chỉ đơn thuần là sự chuẩn bị cho âm mưu xâm lược miền Bắc mà còn là động thái làm gia tăng căng thẳng.
Cũng trong cuộc đối thoại diễn ra vào tuần trước, ông Mattis và ông Han Min-koo đã nhất trí sẽ triển khai THAAD “trong năm nay”. Tháng 7/2016, Mỹ và Hàn Quốc đã chính thức công bố kế hoạch triển khai một khẩu đội THAAD trên bán đảo Triều Tiên vào cuối năm 2017. Vào tháng 11/2016, Chỉ huy các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc – Tướng Vincent Brooks nhận định hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân này có thể được triển khai trong vòng từ 8-10 tháng tới, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ phía Nga và Trung Quốc.
Ngoài việc lên kế hoạch diễn tập với giả định THAAD đã được vận hành trên bán đảo Triều Tiên trong khuôn khổ các cuộc tập trận chung “Giải pháp then chốt/Đại bàng non” vào tháng tới, chính quyền Washington và Seoul đang trong tiến trình đối thoại về việc triển khai các vũ khí chiến lược của Mỹ tới bán đảo Triều Tiên. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, các loại vũ khí chiến lược trên bao gồm: Tàu sân bay USS Carl Vinson Strike Group lớp Nimitz, máy bay ném bon B-52 và B-1B.
Được biết, hiện Mỹ và Hàn Quốc còn có ý định áp dụng “Kế hoạch tác chiến 4D” vào nội dung cuộc diễn tập quân sự chung thường niên dự kiến diễn ra vào đầu tháng 3 tới. Theo đó, kế hoạch này sẽ đề ra những mục tiêu cụ thể cho các hoạt động diễn tập quân sự của hai nước, bao gồm các bước: phát hiện (Detect); phá vỡ (Disrupt); tiêu diệt (Destroy) và phòng thủ (Defend) trước các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa từ Triều Tiên. Khái niệm “Kế hoạch tác chiến 4D” lần đầu tiên được hai nước áp dụng trong cuộc tập trận thường niên “Giải pháp then chốt” năm 2016.
Kế hoạch áp dụng những chiến thuật mới trong cuộc diễn tập “Giải pháp then chốt/Đại bàng non” được Mỹ và Hàn Quốc đưa ra trong bối cảnh tình hình bán đảo Triều Tiên vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi căng thẳng liên tiếp gia tăng do các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên vào năm ngoái. Ngày 7/2, tờ Rodong Sinmun – cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên đăng một bài xã luận cho biết, nhà lãnh đạo Kim Jong-Un đã quyết định sẽ tiếp tục phát triển các thiết bị tên lửa mới và các vụ phóng sẽ được thực hiện vào một “thời gian và địa điểm” do đảng Lao động Triều Tiên ấn định. Chính vì thế, các nhà phân tích đang lo ngại rằng, các cuộc tập trận chung sắp tới giữa liên quân Mỹ-Hàn, sẽ không nằm trong ngoại lệ và một lần nữa, làm dấy lên “làn sóng ngầm âm ỉ” trong quan hệ giữa hai miền Triều Tiên sau những ngày đầu năm yên ả./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!