Mỹ nêu lập trường về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên

Ngày 9/7, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố nước này mong muốn được chứng kiến hoàn tất việc xóa bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên, trong đó việc đóng băng chương trình hạt nhân chỉ là bước khởi đầu của tiến trình này.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus. (Ảnh: AP/Yonhap)


Tuyên bố trên được Mỹ đưa ra trong bối cảnh nước này và Triều Tiên đang xúc tiến việc nối lại tiến trình đàm phán về vấn đề hạt nhân, trong đó, Mỹ cũng đã phát đi tín hiệu sẽ tỏ ra “cởi mở” trong việc chấp thuận một cách tiếp cận theo từng bước một liên quan tới các hoạt động giải trừ hạt nhân của Triều Tiên. Đây được xem là một sự dịch chuyển trong lập trường từ phía Mỹ bởi trong các vòng đàm phán trước đây với Triều Tiên, Mỹ chỉ tập trung vào việc gỡ bỏ toàn bộ các cơ sở tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên trước khi có thể hồi đáp lại bằng  thực hiện việc nới lỏng các lệnh trừng phạt.

 

Phát biểu trong một cuộc họp báo diễn ra cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nhấn mạnh: “Rõ ràng rằng chúng tôi mong muốn được chứng kiến sự xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hủy diệt hàng loạt trên bán đảo Triều Tiên… Như Tổng thống đã từng nhiều lần tuyên bố, ngài ấy hy vọng rằng Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và người dân Triều Tiên sẽ được chứng kiến một tương lai tươi sáng hơn…”.

 

Bà Ortagus khẳng định mục tiêu cuối cùng của Mỹ trong vấn đề Triều Tiên không phải là đóng băng chương trình hạt nhân của Triều Tiên, mà là việc xóa bỏ toàn bộ vũ khí hủy diệt hàng loạt. Theo lý giải của phát ngôn viên trên thì việc đóng băng chương trình hạt nhân của Triều Tiên sẽ "không bao giờ là một giải pháp" hay là sự kết thúc của một tiến trình phi hạt nhân hóa, mà "chúng tôi hy vọng đó sẽ là một sự khởi đầu". Quan chức này cũng nhấn mạnh Washington không xem việc đóng băng hạt nhân là "mục tiêu cuối cùng" mà là "bước đi đầu tiên” của tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

 

Tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ nhất diễn ra tại Singapore vào tháng 6/2018, Tổng thống D.Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã nhất trí hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa toàn bộ bán đảo Triều Tiên để đổi lấy những bảo đảm an ninh từ phía Mỹ. Tuy nhiên, cuộc tái ngộ giữa ông D.Trump và ông Kim Jong-un tại Hà Nội vào tháng 2/2019 đã không mang lại kết quả như mong đợi, hai bên bất đồng về mức độ phi hạt nhân hóa của Triều Tiên và việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt từ phía Mỹ.

 

Trong khuôn khổ cuộc gặp gỡ lần thứ 3 diễn ra tại Khu phi quân sự (DMZ) chia cắt hai miền Triều Tiên vào ngày 30/6, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã đạt thỏa thuận nối lại tiến trình đàm phán giữa hai nước “trong một vài tuần tới”.

 

Ngày 7/7, Đặc phái viên hàng đầu của Mỹ về vấn đề hạt nhân Stephen Biegun đã rời Washington lên đường tới châu Âu để gặp gỡ một số quan chức châu Âu và đối tác Hàn Quốc Lee Do-hoon nhằm thảo luận về các cách thức phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Trong một tuyên bố liên quan, bà Ortagus đã bác bỏ những thông tin đồn đoán về khả năng ông Biegun sẽ gặp gỡ các quan chức Triều Tiên nhân chuyến thăm châu Âu lần này.

 

Phát ngôn viên trên cho biết, chuyến công cán châu Âu của ông Biegun được lên kế hoạch trước khi Tổng thống D.Trump sang thăm Hàn Quốc và có cuộc gặp bất ngờ với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Bên cạnh đó, bà Ortagus cũng nhấn mạnh thêm rằng, cuộc hội ngộ giữa Tổng thống D.Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại DMZ vào cuối tháng 6/2019 chỉ là một “cuộc gặp gỡ”, chứ không phải là một Hội nghị thượng đỉnh hay là một vòng đàm phán.

 

Trong cuộc họp báo cùng ngày, bà Ortagus cũng từ chối cung cấp thông tin về kế hoạch cụ thể của các vòng đàm phán tiếp theo giữa Mỹ và Triều Tiên, ngoài việc tiết lộ rằng, các cuộc tiếp xúc và thảo luận giữa đại diện hai bên vẫn đang được thực hiện./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới