Ngày 9/8, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Venezuela trong một động thái tỏ rõ sự phản ứng trước cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến tại quốc gia Nam Mỹ này vào cuối tháng 7/2017.
Bộ Tài chính Mỹ vừa công bố các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Venezuela.
Trong thông báo phát đi cùng ngày, Bộ Tài chính Mỹ cho biết, lệnh trừng phạt mới nhằm vào một số thành viên trong Quốc hội lập hiến có mối liên hệ với Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, trong đó có ông Frias Chavez - một người anh em của cố Tổng thống Hugo Chavez, một quan chức quân sự phụ trách mảng an ninh của Quốc hội lập hiến và một thành viên trong Ủy ban bầu cử quốc gia Venezuela…
Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt trừng phạt lên ông Maduro thông qua các biện pháp phong tỏa tài sản, cấm nhập cảnh và cấm các công dân Mỹ hợp tác với nhà lãnh đạo Venezuela. Ngoài ra, Bộ Tài chính Mỹ cũng liệt 13 quan chức làm việc trong chính phủ tiền nhiệm và chính phủ hiện nay của Venezuela vào bản “danh sách đen” chỉ vài ngày trước khi Quốc hội lập hiến được bầu ra ngày 30/7.
Trong các biện pháp được công bố ngày 9/8, Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục gia tăng sức ép trừng phạt lên ông Maduro vì cho rằng việc nhà lãnh đạo Venezuela thành lập Quốc hội lập hiến là một hành động “phi pháp”, nhằm mục tiêu siết chặt quyền lực. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cáo buộc chính phủ Venezuela đã hành động mà không tôn trọng ý chí của người dân, đồng thời xem đây là điều “không thể chấp nhận được”. Mỹ sẽ luôn sát cánh với người dân Venezuela cho tới khi nào hòa bình và dân chủ thịnh vượng được khôi phục tại quốc gia Nam Mỹ này.
Trong khi đó, ông Maduro vẫn tiếp tục bác bỏ các cáo buộc vào điều mà ông cho là sự can dự thô bạo từ Mỹ, đồng thời khẳng định rằng việc viết lại Hiến pháp là cần thiết nhằm khôi phục hòa bình, ngăn chặn phe đối lập thực hiện âm mưu đảo chính và giải quyết các vấn đề xã hội – kinh tế mà Venezuela đang phải đối mặt.
Phản ứng tức thời trước các biện pháp gây sức ép mới nhất của Bộ Tài chính Mỹ, Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza cho rằng, Washington đang tự hủy hoại hình ảnh trước cộng đồng thế giới. “Mỹ không tôn trọng bất kỳ tiêu chuẩn hay nguyên tắc cơ bản nào của luật pháp quốc tế…Venezuela không thể bị trừng phạt vì bất cứ lý do gì, cũng như vì bất cứ ai” – ông Arreaza nói.
Cho tới thời điểm này, Nhà Trắng vẫn chưa quyết định trừng phạt ngành dầu khí Venezuela – lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của quốc gia có trữ lượng dầu khí lớn nhất thế giới và chiếm tới 96% nguồn thu ngoại tệ cho ngân sách quốc gia. Hiện Mỹ được cho là đang cân nhắc tới các lệnh trừng phạt tài chính nhằm hạn chế lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ của quốc gia thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPCE) này, tuy nhiên, các biện pháp này sẽ không được thực hiện trong thời gian trước mắt. Phát biểu trước báo giới, một quan chức của Nhà Trắng cho rằng, Mỹ sẽ không đồng loạt gây sức ép lên tất cả mọi lĩnh vực và mọi đối tượng vào cùng một thời điểm. Mà thay vào đó, Washington đang muốn “tạo khoảng trống để có thể hành động nhiều hơn” nếu như ông Maduro tiếp tục theo đuổi lối hành xử như hiện nay.
Bắt đầu từ cuối tuần trước, Quốc hội lập hiến của Venezuela, với nhiệm vụ chính nhằm viết lại bản Hiến pháp năm 1999 đã đi vào hoạt động sau cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi ngày 30/7. Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh các cuộc bạo loạn và biểu tình chống chính phủ kéo dài suốt 4 tháng qua tại Venezuela đã khiến ít nhất 125 người thiệt mạng. Tuy nhiên, bất chấp bạo lực và sự tẩy chay của phe đối lập, hơn 8 triệu cử tri Venezuela đã tham gia cuộc bầu cử và lựa chọn ra 545 ứng cử viên trong Quốc hội lập hiến. Hiện một số quốc gia trên thế giới gồm Anh, Mỹ và Argentina đã từ chối thừa nhận cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến tại Venezuela. Trong khi đó, Nga lại tỏ rõ quan điểm ủng hộ và cho rằng, tiến trình dân chủ này đã đặt nền móng cho một giải pháp hòa bình tháo gỡ những thách thức hiện nay trong xã hội Venezuela./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!