Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk tuyên bố thỏa thuận Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) – hay còn gọi là Brexit là “không thể đàm phán lại”.
Tuyên bố cứng rắn này được ông Donald Tusk đưa ra ngay sau khi vào rạng sáng 30/1 (theo giờ Hà Nội), với tỷ lệ 317 phiếu ủng hộ và 301 phiếu chống, Hạ viện Anh đã thông qua kế hoạch B về Brexit do Thủ tướng Theresa May đề xuất đi kèm theo một số điều khoản sửa đổi. Theo đó, Thủ tướng Theresa May sẽ đàm phán lại về thỏa thuận Brexit với EU và Hạ viện Anh sẽ ủng hộ thỏa thuận này nếu gỡ bỏ điều khoản khiến Anh phải giữ biên giới mở với Cộng hòa Ireland. Như vậy, cùng với sự ủy thác từ phía các nhà làm luật, bà Theresa May đã “được bật đèn xanh” để quay trở lại Brussels và tiến hành đàm phán lại với các nhà lãnh đạo EU về thỏa thuận Brexit.
Tuy nhiên, sứ mệnh của nữ Thủ tướng Anh dường như đã không được giới lãnh đạo EU hưởng ứng khi một phát ngôn viên của ông Donald Tusk, dù đã bày tỏ lập trường hoan nghênh và chia sẻ với mong muốn của Quốc hội Anh trong việc tránh một kịch bản Brexit không thỏa thuận, song lại bác bỏ khả năng đàm phán lại về "thỏa thuận ly hôn" giữa Anh và EU.
Thông điệp của phát ngôn viên trên nêu rõ: “Chúng tôi tiếp tục kêu gọi Chính phủ Anh làm rõ các dự định của mình liên quan tới những bước đi tiếp theo trong thời gian sớm nhất có thể. Thỏa thuận Brexit vẫn là cách tốt nhất và duy nhất để bảo đảm việc Vương quốc Anh rời khỏi EU một cách trật tự”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng ra tuyên bố khẳng định bản thỏa thuận Brexit đã đạt được giữa Anh và EU là “không thể đàm phán lại” vì đây đã là bản thỏa thuận “tốt nhất có thể”. Nhà lãnh đạo Pháp cũng bày tỏ hy vọng rằng chính phủ Anh sẽ đưa ra những bước tiếp theo để tránh kịch bản Brexit không thỏa thuận – vốn là điều mà không ai mong muốn.
Trong một tuyên bố đưa ra cùng ngày từ điện Westminster, Thủ tướng Theresa May khẳng định sẽ nỗ lực để thuyết phục các nhà lãnh đạo EU từ bỏ điều khoản gây tranh cãi liên quan tới việc thiết lập đường biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland. Tuy nhiên, nữ Thủ tướng Anh cũng thừa nhận rằng, sẽ chỉ có “một khả năng giới hạn” để các nhà lãnh đạo EU đưa ra thay đổi và việc đàm phán sẽ diễn ra “không dễ dàng”. Thủ tướng Theresa May cho biết, bà sẽ đệ trình một bản kế hoạch mới lên Quốc hội nếu như không thể tiến tới một thỏa thuận với EU vào ngày 13/2 tới.
Sau khi Hạ viện Anh bỏ phiếu bác bỏ thỏa thuận Brexit vào ngày 15/1, Thủ tướng Theresa May cũng đã từng lên tiếng cảnh báo rằng, nếu các nghị sỹ Anh không thông qua thỏa thuận Brexit sửa đổi trong một vài tuần tới, thì bà sẽ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc đưa Anh rời khỏi EU vào thời hạn chót là ngày 29/3 theo cách “mất trật tự". Trong khi đó, một số chuyên gia cũng đã cảnh báo về kịch bản xảy ra Brexit cứng sẽ dẫn tới hậu quả thiếu thốn lương thực, thuốc men và gây ra tình trạng bất ổn tại Anh. Trước tình huống này, quân đội Anh tuyên bố sẽ duy trì trạng thái sẵn sàng triển khai lực lượng trên các tuyến phố nếu như xảy ra các cuộc bạo loạn do kịch bản Brexit không thỏa thuận gây ra.
Như vậy, sau rất nhiều nỗ lực, sứ mệnh chấm dứt "cuộc hôn nhân" kéo dài hơn 40 năm giữa Anh và EU đối với bà Theresa May cũng không trở nên dễ dàng hơn mà chỉ đưa vị nữ Thủ tướng này từ một tình huống thách thức này sang một nhiệm vụ khó khăn khác. Ngay cả khi đã có được sự chấp thuận từ phía Hạ viện, thì thái độ cương quyết không đàm phán lại từ phía các nhà lãnh đạo EU đã dự báo trước về những khó khăn mà bà Theresa May phải đối mặt trong khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại, trước khi thời hạn chót để Brexit thành hiện thực vào cuối tháng 3/2019. Hiện một số nhà quan sát đang tỏ ra hoài nghi về khả năng Anh và EU sẽ đạt được một thỏa thuận chốt về Brexit vào thời hạn chót. Trong khi đó, Phòng Thương mại Anh thậm chí còn tỏ ra thiếu lạc quan hơn khi bình luận rằng “một ngày nữa lại trôi qua khi mà chuông đồng hồ đang điểm”./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!