Nhân Ngày quốc tế đấu tranh chống lại những hành động tội ác đối với các nhà báo mà không bị trừng trị (2/11), Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã gửi thông điệp kêu gọi phá vỡ chu kỳ không bị trừng trị và bảo đảm quyền của các nhà báo được nói lên sự thật.
Theo Liên hợp quốc, trong thập kỷ qua, hơn 700 nhà báo đã bị giết hại bởi vì họ cung cấp thông tin cho công chúng.
Trong thông điệp được đưa ra, Tổng thư ký Ban Ki-moon cho biết nhiều nhà báo đã chết trong các cuộc xung đột mà họ rất dũng cảm thâm nhập. Có quá nhiều người đã bị sát hại vì lý do duy nhất là mong muốn công bố sự thật và người ta muốn họ im lặng. Chỉ có 7% số trường hợp này đã được làm sáng tỏ và chưa đầy 1 trong số 10 tội phạm này được đưa ra điều tra. “Trong một môi trường không bị trừng trị như vậy, các nhà báo ngày càng lo sợ” – ông Ban Ki-moon lưu ý.
Theo nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc, cần phải tăng cường nỗ lực nhằm đảo ngược xu hướng này và bảo đảm cho các nhà báo được hành nghề một cách tự do. Tổng thư ký Ban Ki-moon cũng hoan nghênh Tổ chức Văn hóa, giáo dục và khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO) đã triển khai Kế hoạch hành động của Liên hợp quốc về an ninh của các nhà báo và vấn đề không bị trừng trị.
Vào năm 2013, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết công bố lấy ngày 2/11 hàng năm để kỷ niệm Ngày quốc tế đấu tranh chống lại những hành động tội ác đối với các nhà báo mà không bị trừng trị. Ngày kỷ niệm này được lựa chọn để tưởng nhớ vụ giết hại 2 nhà báo Pháp ở Mali vào ngày 2/11/2013.
Cũng trong ngày 2/11, Tổng giám đốc UNESCO, bà Irina Bokova, một lần nữa nhắc lại rằng 6 năm vừa qua, bà đã lên án công khai và rõ ràng hơn 540 trường hợp giết hại các nhà báo, chuyên gia truyền thông và các nhà sản xuất phương tiện truyền thông xã hội.
Cùng ngày, bà Irina Bokova đã lên án vụ nhà báo Yahya al-Khatib bị những kẻ cực đoan giết hại ngày 16/8 ở Mosul, nơi ông làm việc cho 2 kênh truyền hình vệ tinh Al-Al Mosuliyah và Nineveh-Ghad.
"Cộng đồng quốc tế ngày càng nhận ra tầm quan trọng của việc cải thiện sự an toàn của các nhà báo và tình trạng không bị trừng trị" – bà Irina Bokova nhấn mạnh. "Ngày càng có nhiều quốc gia thực hiện pháp luật và cơ chế mới để giải quyết dứt điểm tình trạng không bị trừng phạt và cải thiện sự an toàn của các nhà báo. Các lực lượng tư pháp và an ninh đã tăng cường cam kết của họ về vấn đề này"./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!