Báo cáo mới nhất vừa được Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) công bố cho thấy nhiều nước thuộc khu vực Đông Nam Á đang phải cùng lúc đối mặt với các vấn đề về béo phì và suy dinh dưỡng ở trẻ em.
Ảnh minh họa.
Theo đó, vấn đề kép liên quan tới sức khỏe cộng đồng này đang tác động tới các nước có thu nhập trung bình như Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan. Tại Indonesia, 12% trẻ em đang bị thừa cân trong khi 12% trẻ em lại bị suy dinh dưỡng. Tại Thái Lan, hai loại bệnh này cũng đang tăng lên: trong giai đoạn năm 2006 – 2012, tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng đã tăng từ 5 lên 7%, và tỷ lệ trẻ em bị thừa cân cũng tăng từ 8 lên 11%.
Những nguyên nhân dẫn tới thừa cân và thiếu dinh dưỡng đều có liên quan với nhau. Một đứa trẻ còi cọc trong những năm tháng đầu đời có nhiều nguy cơ trở nên béo phì trong giai đoạn sau đó hơn. Nguy cơ thừa cân cũng tăng lên do việc tiếp cận với thực phẩm có chất lượng kém, thiếu hoạt động thể chất và những lối sống ít vận động. Theo báo cáo, đây là một xu hướng ngày càng gia tăng tại nhiều quốc gia của khu vực và điều này cũng góp phần dẫn tới sự xuất hiện phổ biến của nhiều bệnh mãn tính như tiểu đường và bệnh tim.
"Nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đã ghi nhận những lợi ích kinh tế ấn tượng trong thập kỷ qua, khiến hàng triệu trẻ em thoát khỏi đói nghèo" – Cố vấn của UNICEF về dinh dưỡng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Christiane Rudert cho biết. "Tuy nhiên, cùng lúc đó, chúng ta đã thấy sự gia tăng của bệnh béo phì, vốn cho đến nay thường có liên quan tới các nước có thu nhập cao".
Ngoài ra, báo cáo cũng cho thấy rằng thấp còi là tình trạng phổ biến nhất tại Campuchia, Lào và Myanmar, cũng như trong nhiều vùng của Indonesia và Philippines. Suy dinh dưỡng ở trẻ em cũng có một tác động đáng kể đến nền kinh tế của khu vực Đông Nam Á. Nó làm giảm năng suất của các bậc cha mẹ và tạo gánh nặng cho hệ thống y tế.
UNICEF và Liên minh châu Âu mới đây đã hoàn thành một chương trình đối tác 5 năm chiến đấu chống lại các vấn đề dinh dưỡng ở một số nước châu Á, trong đó có Indonesia, Lào và Philippines. "Mục tiêu của chương trình hợp tác này là để giúp các chính phủ phát triển một cách tiếp cận toàn diện với dinh dưỡng, ngoài lĩnh vực y tế" – bà Christiane Rudert nói. “Ví dụ, chúng tôi đã nỗ lực cải thiện chế độ thai sản cho các bà mẹ – một vấn đề có liên quan tới công việc, và việc tiếp cận của các gia đình với những nguồn thực phẩm dinh dưỡng – một vấn đề có liên quan tới nông nghiệp”./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!