LHQ cảnh báo nạn thông tin sai lệch cuộc chiến chống COVID-19

Ngày 4/5, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lên tiếng cảnh báo về nạn thông tin sai lệnh trong cuộc chiến chống COVID-19, từ đó đề cao vai trò của truyền thông nhằm giúp con người có thể đưa ra các quyết định sáng suốt. Trong thời điểm đại dịch bùng phát thì quyết định đó có thể cứu sống nhiều mạng người.

Các nhân viên khử trùng và làm vệ sinh một khu mua sắm ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: Reuters)

Phát biểu trong cuộc đối thoại cấp cao về tự do báo chí và xử lý các thông tin sai lệnh liên quan tới COVID-19, người đứng đầu Liên hợp quốc đã chỉ ra rằng, cùng với đại dịch, chúng ta đang chứng kiến “một sự bùng nổ nguy hiểm” của các thông tin sai lệch, từ những lời khuyên gây hại cho sức khỏe con người, cho tới những phát ngôn thù địch…

Theo đánh giá của ông Guterres thì những phát ngôn sai lệch đang được lan rộng trên mạng xã hội với một tốc độ khủng khiếp. Một kết quả phân tích gần đây đã chỉ ra rằng, có tới hơn 40% các bài viết về COVID-19 đăng trên nền tảng truyền thông xã hội được thực hiện bởi bots – các ứng dụng phần mềm chạy các tác vụ tự động hóa trên mạng được ngụy trang như con người. Liều thuốc giải cho đại dịch thông tin sai lệch này chính là tin tức và những phân tích dựa trên thực tế.

“Các nhà báo và các nhân viên truyền thông đóng vai trò hỗ trợ quan trọng để chúng tôi có thể đưa ra những quyết định sáng suốt. Trong một đại dịch, thì những quyết định đó có thể cứu sống nhiều mạng người. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần phương tiện truyền thông để ghi lại những gì đang diễn ra, để phân biệt giữa thực tế và hư cấu và gán trách nhiệm cho các nhà lãnh đạo” – ông Guterres nói.

Người đứng đầu Liên hợp quốc cho rằng, việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội đã tăng đáng kể từ thời điểm cuộc khủng hoảng COVID-19 bùng phát, bởi đây chính là công cụ giúp con người kết nối và tiếp cận với thông tin. Việc các nền tảng truyền thông xã hội đang bắt đầu thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của mình là điều đáng khích lệ, trong đó có việc tuyên truyền những nội dung thực tế và chống lại thông tin sau lệch, đặc biệt loại bỏ các tài liệu có hại một cách chủ động. Qua đó, ông Guterres kêu gọi các nền tảng truyền thông xã hội cần xây dựng hành động dựa trên các nỗ lực giúp ngăn chặn sự lan truyền của những tin đồn nguy hiểm và các phương pháp chữa bệnh giả mạo.

Theo ông Guterres thì các tổ chức quốc tế và chính phủ các nước đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự thật và các phương thức tiếp cận khoa học. Tuy nhiên, vai trò của truyền thông trong đại dịch COVID-19, trong đó có việc cung cấp thông tin, đưa ra những phân tích, đẩy lùi những lời đồn và thông tin xuyên tạc là không thể nào thay thế.

“Không ai an toàn cho tới khi tất cả chúng ta đều an toàn”

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến các nhà tài trợ diễn ra cùng ngày tại Brussels (Bỉ), Tổng thư ký Liên hợp quốc chỉ rõ hiện đại dịch COVID-19 đã lan rộng ở khắp mọi nơi trên thế giới, khiến hơn 3,6 triệu người mắc bệnh và cướp đi sinh mạng của hơn 250.000 người, đồng thời nhấn mạnh “nỗ lực y tế cộng đồng lớn nhất trong lịch sử” là cần thiết để đánh bại đại dịch COVID-19.  Qua đó, ông Guterres hoan nghênh các nhà tài trợ cam kết đóng góp, hướng đến mục tiêu ban đầu là 7,5 tỷ Euro (khoảng 8,2 tỷ USD), để thúc đẩy nỗ lực nghiên cứu, sản xuất và phân phối vaccine nhằm chấm dứt mối đe dọa của virus corona chủng mới (SARS-Cov-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Tổng thư ký Liên hợp quốc cảnh báo điều tồi tệ hơn vẫn còn ở phía trước, khi COVID-19 có thể tấn công nhiều quốc gia có hệ thống y tế nghèo nàn. Theo quan điểm của ông Guterres thì “trong một thế giới kết nối, không ai trong chúng ta an toàn cho tới khi tất cả đều an toàn”.

Gần 3 tỷ người trên trái đất thiếu xà phòng và nước sạch tại nhà

Trong một thông điệp phát đi ngày 4/5, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã chỉ ra rằng, mới chỉ có chưa đầy 2/3 các cơ sở chăm sóc sức khỏe trên thế giới được trang bị các khu vệ sinh tay. Trong khi đó, có tới 3 tỷ người đang thiếu xà phòng và nước tại chính ngôi nhà của họ.

“Đây là một vấn đề cũ, song lại cần tới một sự lưu tâm mới và mạnh mẽ hơn” – ông Ghebreyesus nói, đồng thời lưu ý thêm rằng ngày “Vệ sinh bàn tay thế giới” 5/5 chính là một lời nhắc nhở những người lao động và tất cả chúng ta về tầm quan trọng của việc rửa tay. Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 thì rửa tay chính là một công cụ tốt nhất và cơ bản nhất.

“Hành động đơn giản là làm sạch bàn tay có thể mang lại khác biệt giữa sự sống và cái chết. Đây vẫn là một trong những biện pháp y tế công cộng quan trọng hàng đầu để bảo vệ các cá nhân, gia đình và cộng đồng trước COVID-19…Nếu chúng ta muốn ngăn chặn COVID-19 hoặc bất kỳ nguồn lây nhiễm nào khác, cũng như giữ an toàn cho các nhân viên y tế, thì chúng ta phải tăng cường đáng kể việc trang bị xà phòng, tiếp cận nguồn nước, và các thiết bị sát khuẩn tay bằng cồn” – người đứng đầu WHO nhấn mạnh.


Theo số liệu do trang thống kê trực tuyến worldometers.info đưa ra sáng 5/5, thế giới ghi nhận 3.645.342 ca nhiễm COVID-19, với 252.393 ca tử vong vì dịch bệnh và 1.194.969 ca hồi phục. Đại dịch COVID-19 đã lan rộng và phủ bóng đen lên 214 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Hiện Mỹ đang đứng đầu bảng thống kê của wordometers.info, với 1.212.835 ca nhiễm COVID-19, bỏ xa các nước còn lại. Sau nhiều tuần chao đảo, châu Âu tiếp tục là “điểm nóng” COVID-19 với 1.469.911 ca nhiễm và 142.143 ca tử vong.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới