Ngày 20/9, 50 nước và vùng lãnh thổ phê chuẩn Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân, quy tụ đủ điều kiện để văn kiện quan trọng này phát huy hiệu lực sau 90 ngày kể từ thời điểm ký kết. Đây là bước đi quan trọng, tiếp nối kết quả thành công của Hội nghị đàm phán về Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân diễn ra tại trụ sở Liên hợp quốc vào tháng 7/2017.
Việc các nước đạt được Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân có ý nghĩa lịch sử to lớn. Hiệp ước đề cập tới việc cấm một cách toàn diện việc phát triển, thử, chế tạo, sản xuất, chiếm hữu, tàng trữ, chuyển giao, kiểm soát, sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân trong “bất kỳ hoàn cảnh nào”.
Ngày 7/7, tại Trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố New York (Mỹ), trong khuôn khổ Hội nghị đàm phán về Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân, 122 nước bỏ phiếu thuận thông qua Hiệp ước. Đây được đánh giá là một kết quả thành công cho dù Hội nghị đã diễn ra mà không có sự tham gia của một số cường quốc và các nước sở hữu vũ khí hạt nhân.
70 năm trước, vũ khí hạt nhân đã lần đầu tiên được sử dụng sau khi Mỹ ném 2 quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản trong Thế chiến thứ II. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, sự hiện diện của loại vũ khí nguy hiểm và có sức mạnh hủy diệt này đã trở nên phổ biến hơn nhiều, ước tính lên tới con số 15.000 đơn vị trên toàn thế giới. Trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang sau các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, ngày 19/9 đã đưa ra một nhận định đáng quan ngại rằng “mối đe dọa tấn công hạt nhân đang ở mức cao nhất kể từ sau thời điểm kết thúc chiến tranh Lạnh”.
Phát biểu trong lễ ký kết, ngày 20/9, ông Guterres nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân, xem văn kiện này là một “bước đi quan trọng” hướng tới một mục tiêu toàn cầu nhằm xây dựng một thế giới không còn vũ khí hạt nhân. Người đứng đầu Liên hợp quốc khẳng định vũ khí hạt nhân không thể được phép hiện diện để đe dọa tới thế giới và thế hệ tương lai.
Tổng thống Costa Rica, ông Luis Guillermo Solis Rivera – người chủ trì các vòng đối thoại về Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân, ngày 20/9 đã lên án các cường quốc hạt nhân vì đã tạo ra mối sợ hãi đối với thế giới. Qua đó, nhà lãnh đạo này kêu gọi các nước sở hữu hạt nhân trên thế giới tham gia vào Hiệp ước.
Hiện một số cường quốc hạt nhân đã tỏ rõ quan điểm phản đối bản Hiệp ước, tuy nhiên, các nước ủng hộ lại cho rằng, đã tới lúc cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn các mục tiêu loại bỏ vũ khí hạt nhân so với những gì mà cộng đồng thế giới đã làm được thông qua Hiệp ước cấm giải trừ vũ khí hạt nhân (NPT) đã phát huy vai trò trong suốt gần 50 năm qua./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!