Ngày 17/7, Hàn Quốc đề xuất tiến hành đối thoại quân sự với Triều Tiên vào cuối tuần này nhằm giảm căng thẳng tại khu vực biên giới liên Triều. Đây là bước đi tiếp theo trong đề nghị hòa bình mà Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đưa ra trong bài phát biểu tại Berlin (Đức).
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Suh Choo-suk
nêu đề xuất đối thoại quân sự với Triều Tiên, ngày 17/7.
Trong tuyên bố cùng ngày, thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Suh Choo-suk cho biết, Seoul muốn tiến hành cuộc gặp gỡ hiếm hoi với Bình Nhưỡng tại Tongilgak – một tòa nhà của Triều Tiên tại làng đình chiến Panmunjom vào ngày 21/7 tới. Mục tiêu của cuộc gặp gỡ này nhằm chấm dứt “tất cả các hành vi thù địch” gần đường phân định quân sự giữa hai miền Triều Tiên (MDL).
Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng yêu cầu Triều Tiên đưa ra lời hồi đáp trước đề xuất trên thông qua đường dây liên lạc quân sự liên Triều tại khu vực phía Tây, sau khi kênh liên lạc này được khôi phục. Tuy nhiên, trong tuyên bố đưa ra ngày 17/7, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã không nêu rõ chương trình nghị sự cụ thể, cũng như cấp độ của vòng đối thoại mà nước này mong muốn thực hiện với Triều Tiên.
Nếu như đề xuất của Hàn Quốc trở thành hiện thực, thì đây sẽ là lần đầu tiên các đại diện quân sự của hai miền Triều Tiên cùng tham gia thảo luận trong vòng 3 năm qua. Trước đó, đại diện quân sự của Triều Tiên và Hàn Quốc đã tiến hành cuộc gặp cấp sự vụ tại làng Panmunjom vào ngày 15/10/2014 nhằm hạ nhiệt trong quan hệ căng thẳng giữa hai miền song không thể đạt được một thỏa thuận chung.
Ngoài đề xuất tiến hành đối thoại quân sự với Triều Tiên, chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra đề xuất riêng rẽ nhằm nối lại các cuộc đàm phán Chữ Thập đỏ để thảo luận về việc nối lại các hoạt động đoàn tụ gia đình nhân dịp lễ Chuseok vào đầu tháng 10 tới. Hàn Quốc cho biết đang chờ đợi lời hồi đáp của Triều Tiên về vấn đề này, thông qua một văn phòng liên lạc hiện đang bị đình chỉ hoạt động tại làng Panmunjom. Vòng thảo luận gần đây nhất giữa hai miền Triều Tiên về việc tổ chức lễ đoàn tụ cho các gia đình bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 đã được thực hiện từ tháng 10/2015.
Kể từ sau khi ông Moon Jae-in nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc cách đây hơn 2 tháng, nhà lãnh đạo theo đường lối tự do này đã rất nỗ lực trong việc cải thiện quan hệ với người láng giềng phía Bắc, trong bối cảnh căng thẳng leo thang sau các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Trong một bài diễn thuyết tại thủ đô Berlin của Đức vào đầu tháng này, ông Moon Jae-in đã công bố sáng kiến mang lại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiến hành đối thoại nhằm giải quyết tình hình vốn được nhà lãnh đạo Hàn Quốc đánh giá là “nguy hiểm cao độ” như hiện nay. Ông Moon Jae-in khẳng định chính phủ Hàn Quốc sẽ theo đuổi nỗ lực nhằm thiết lập một cơ chế hòa bình thường trực trên bán đảo Triều Tiên, trong đó tiếp tục đặt trọng tâm ưu tiên vào vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo này. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng kêu gọi chấm dứt các hành vi thù địch dọc đường MDL, xem đây là một bước đi đầu tiên và có ý nghĩa trong bối cảnh hai miền Triều Tiên sắp kỷ niệm 64 năm ký Hiệp định đình chiến (27/7/1953 -27/7/2017).
Hiện Triều Tiên vẫn chưa phản ứng trước đề xuất nhằm nối lại các vòng đàm phán Chữ Thập đỏ do Hàn Quốc đưa ra. Bất chấp phản ứng tức thời trên từ phía Triều Tiên, một số nhà quan sát Hàn Quốc vẫn tin tưởng vào khả năng Triều Tiên sẽ chấp nhận lời đề xuất tiến hành đối thoại quân sự do phía Hàn Quốc đưa ra cho dù chính quyền Bình Nhưỡng có thể sẽ thay đổi thời điểm tiến hành sự kiện này. Trước đó, phát biểu tại Đại hội đảng Lao động Triều Tiên lần thứ 7 diễn ra vào tháng 5/2016, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng đã bày tỏ hy vọng có thể đối thoại quân sự với Hàn Quốc, đồng thời lưu ý thêm rằng “điều này sẽ mở ra cơ hội tham vấn toàn diện nhằm xóa bỏ những nguy cơ bùng phát đụng độ vũ trang tại khu vực biên giới và hạ nhiệt căng thẳng trong quan hệ liên Triều”./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!