G20 sắp tổ chức Hội nghị đặc biệt về COVID-19

Ả rập Xê út vừa phát đi thông báo cho hay: Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud sẽ chủ trì Hội nghị trực tuyến đặc biệt của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào ngày 26/3 nhằm tìm kiếm phương thức ứng phó với sự lan rộng của đại dịch COVID-19.

Quốc vương Ả rập Xê út Salman bin Abdulaziz Al Saud sẽ chủ trì Hội nghị trực tuyến đặc biệt của Nhóm G20 về COVID-19. (Ảnh: Reuters) 

Tuyên bố do Ả rập Xê út đưa ra ngày 25/3 nêu rõ, ngoài các nhà lãnh đạo của Nhóm G20, Hội nghị trực tuyến dự kiến diễn ra trong ngày mai (26/3) sẽ gồm sự tham gia của các đối tác như: Tây Ban Nha, Jordan, Singapore, Thụy Sĩ cùng các tổ chức quốc tế như: Liên hợp quốc (UN), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), Hội đồng Bình ổn Tài chính (FSB), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Bên cạnh đó, một số nước giữ vị trí Chủ tịch luân phiên của các tổ chức khu vực như Việt Nam (Chủ tịch ASEAN), Nam Phi (Chủ tịch Liên minh châu Phi), Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất – UAE (Chủ tịch Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh) và Rwanda (Chủ tịch Chương trình Đối tác mới vì sự phát triển của châu Phi NEPAD) cũng được mời tham dự Hội nghị.

Tuần trước, Ả rập Xê út - quốc gia giữ cương vị chủ tịch G20 trong năm nay - đã kêu gọi các nhà lãnh đạo tổ chức hội nghị trực tuyến trong bối cảnh G20 đang phải đối mặt với những chỉ trích rằng nhóm này phản ứng chậm trước cuộc khủng hoảng toàn cầu. Hội nghị đặc biệt này của Nhóm G20 diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang lan rộng tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, gây ra nhiều mối đe dọa hiện hữu đối với sức khỏe con người và nền kinh tế thế giới.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lên tiếng kêu gọi các nhà lãnh đạo Nhóm G20 triển khai một gói kích thích trị giá hàng nghìn tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp, công nhân và các hộ gia đình chống đỡ trước cơn bão COVID-19. Trong bức thư gửi tới các nhà lãnh đạo Nhóm G20, ông Guterres cảnh báo, tính đến cuối năm nay, những tổn thất do đại dịch COVID-19 gây ra sẽ lên tới hàng nghìn tỷ USD. Những thách thức chưa từng có tiền lệ do COVID-19 gây ra cũng khiến các công cụ chính sách và các quy tắc kinh tế thông thường không còn được áp dụng. Điều này đòi hỏi các nhà lãnh đạo Nhóm G20 cần hành động quyết đoán và tương xứng, thông qua việc hỗ trợ nền kinh tế, nâng GDP của thế giới lên hai con số tính theo phần trăm điểm.

Người đứng đầu Liên hợp quốc kêu gọi các nhà lãnh đạo Nhóm G20 thông qua một “kế hoạch thời chiến” vào thời điểm loài người đang phải đối mặt với khủng hoảng.

Theo quan điểm của ông Guterres thì Nhóm G20 chiếm đến 85% GDP của thế giới và có lợi ích trực tiếp cũng như vai trò chính trị trong việc giúp đỡ các nước đang phát triển ứng phó với khủng hoảng.

Tiếp tục những con số báo động

Các thành viên của Lực lượng đặc nhiệm chung JTF2, gồm cả Vệ binh quốc gia Mỹ, đến tham gia công tác khử trùng tại New Rochelle, New York hôm 23/3 - Ảnh: Reuters 

Sáng 25/3, hãng thông tấn TASS dẫn số liệu thống kê mới nhất cho thấy, số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 403.868 trường hợp, với 4,51% trong số này (18.221 ca) tử vong. Chỉ vài tháng sau khi khởi phát, COVID-19 đã lan rộng tới hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ là nơi sinh sống của khoảng 75% dân số thế giới.

Ngày 24/3, Chính phủ Anh thông báo, Anh ghi nhận thêm 87 ca tử vong sau khi xét nghiệm dương tính với chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên thành 422 người. Cũng theo thông báo, tính tới ngày 24/3, Anh ghi nhận 8.077 ca mắc COVID-19, tăng hơn 1.400 ca so với mức 6.650 ca trong ngày 23/3.

Theo số liệu thống kê do Cục bảo vệ Dân sự Italy vừa công bố, chỉ một tháng sau khi bùng phát tại miền Bắc quốc gia châu Âu này vào ngày 21/2, cho tới nay, đại dịch COVID-19 đã khiến 6.820 người tử vong, trong khi số ca nhiễm bệnh cũng không ngừng tăng lên theo từng giờ và đã chạm ngưỡng 69.176 người.

Trường đại học Johns Hopkins cũng vừa công bố số liệu thống kê mới nhất cho thấy, số ca nhiễm COVID-19 tại Mỹ - tâm dịch thứ 3 trên thế giới (sau Trung Quốc và Italy) đã lên tới con số 50.206 người, với 606 ca tử vong. Bang New York hiện đang là “điểm nóng” của đại dịch COVID-19, với 25.665 ca nhiễm bệnh, tiếp theo sau là New Jersey và California lần lượt ghi nhận được 2.844 và 2.267 ca nhiễm.

Ngày 24/3, Thị trưởng thành phố Los Angeles Eric Garcetti, thuộc bang, Mỹ đã xác nhận một trường hợp trẻ em đầu tiên tử vong do dịch bệnh Covid-19 tại thành phố này. Bệnh nhân trước đó có tình trạng sức khỏe tốt. Đây là ca tử vong là trẻ em đầu tiên do COVID-19 tại Mỹ và là ca thứ ba trên thế giới ở độ tuổi này. Hiện danh tính và giới tính của bệnh nhân chưa được công bố.

Sáng 25/3, Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) Trung Quốc đã công bố báo cáo mới nhất về tình hình dịch bệnh COVID-19 ở nước này, theo đó ngày 24/3 Trung Quốc không ghi nhận ca nhiễm COVID-19 mới nào trong nước, nhưng có tới 47 ca nhiễm mới từ nước ngoài. Hiện Chính phủ Trung Quốc đã chỉ đạo cơ quan chức năng các địa phương kiểm tra y tế sát sao đối với các trường hợp người từ nước ngoài tới Trung Quốc, để nhanh chóng tiến hành cách ly các ca nghi nhiễm, tránh dịch lây lan sau những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh trong nước./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới