Ngày càng có nhiều lời kêu gọi Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20) cần phối hợp hành động để "mở cửa" hơn kinh tế toàn cầu trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra trong hai ngày 15-16/11 tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ.
Vấn đề trên càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại.
Trong báo cáo mới nhất, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế thế giới xuống 2,9% trong năm 2015 và 3,3% trong năm 2016.
OECD cũng chỉ ra sức tăng trưởng thương mại toàn cầu sa sút đáng kể, ước chỉ đạt tốc độ tăng 2% trong năm nay, so với mức tăng 3,4% trong năm 2014.
Trong khi đó, tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevedo nhận định các biện pháp hạn chế thương mại vẫn là một mối quan ngại và G20 cần chứng tỏ vai trò "lãnh đạo" bằng cách loại bỏ các biện pháp này.
Theo chuyên gia nghiên cứu Tristram Sainsbury tại Trung tâm nghiên cứu G20 thuộc Viện Lowy (Australia), G20 cần tăng cường hợp tác sâu rộng hơn để đảm bảo tăng trưởng mạnh, bền vững và cân bằng.
Ông Sainsbury khẳng định trong một hệ thống thương mại bị chi phối bởi chuỗi giá trị toàn cầu với hàng hóa được sản xuất trên khắp mọi nơi, một thỏa thuận toàn diện như một thỏa thuận thỏa thuận thương mại đa phương đem lại nhiều lợi ích kinh tế hơn.
Mặt khác, ông Ussal Sahbaz, nhà phân tích của Tổ chức nghiên cứu chính sách kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ cũng hối thúc việc tăng cường vai trò của WTO.
Ông cho biết thương mại toàn cầu hiện tăng yếu hơn so với tốc độ tăng trưởng kinh tế, với hai nguyên nhân: xu hướng gia tăng những rào cản phi thuế quan đối với thương mại; và sự gia tăng của các thỏa thuận thương mại song phương và khu vực, thay vì hệ thống thương mại đa phương./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!