Trong bài trả lời phỏng vấn này, ông Lokshin khẳng định, các mối quan hệ song phương giữa LB Nga và Việt Nam đã mở ra một ví dụ về các cơ hội đối với các nước thành viên thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
“Từ lâu, Việt Nam đã thoát khỏi vị trí là một nước đối tác phụ thuộc, cần tới sự trợ giúp của chúng tôi. Đến ngày nay, Việt Nam là một nước đang phát triển nhanh chóng, hội nhập thành công vào nền kinh tế khu vực và được biết đến là một đối tác tin cậy đối với nhiều quốc gia trên thế giới… Chúng tôi thường gọi đất nước này (Việt Nam) là cây cầu nối ASEAN… Tuy nhiên, Việt Nam không chỉ là một cây cầu dẫn tới các nước khác trong khu vực, mà cách gọi này còn gợi mở những cơ hội tiềm năng và hứa hẹn trong các mối quan hệ hợp tác song phương giữa chúng tôi… Các chính trị gia cũng như các doanh nhân tại các nước trong khối ASEAN thường theo sát những diễn biến trong quan hệ hợp tác giữa LB Nga và Việt Nam, để từ đó đưa ra quyết định” – ông Lokshin nói.
Ông Lokshin dẫn số liệu thống kê cho thấy, hiện thặng dư thương mại thường niên giữa Việt Nam và LB Nga đã đạt ngưỡng trên 1 tỷ USD. Trong khi đó, đầu tư trực tiếp từ Việt Nam vào nền kinh tế LB Nga đang ở mức hàng tỷ USD và đã vượt xa mức đầu tư từ LB Nga vào Việt Nam trong suốt 30 năm qua. “Quan hệ hợp tác giữa chúng tôi đang phát triển đặc biệt thành công trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt” – ông Lokshin nêu rõ.
Cũng theo nhà nghiên cứu trên, nhân chuyến thăm LB Nga lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo nước chủ nhà sẽ thảo luận về một loạt cách thức giúp tạo đòn bẩy cho một dự án hợp tác trên quy mô lớn nhằm xây dựng một nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam. “Những thỏa thuận cụ thể sẽ được công bố sau chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc” – ông Lokshin nhận định.
“Mối quan hệ giữa chúng tôi và Việt Nam, cũng như với các nước ASEAN khác, đóng vai trò cần thiết đối với LB Nga và được xem là một cơ hội để chúng tôi đa dạng hóa các mối quan hệ về thương mại, kinh tế với phương Đông" – ông Lokshin nói.
Ngày 16/5, hãng thông tấn TASS của LB Nga đã dẫn lời Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nêu rõ, LB Nga quan tâm tới việc mở rộng các nguồn cung, cụ thể là các mặt hàng cá, rau củ từ Việt Nam và sẵn sàng xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang quốc gia Đông Nam Á này.
Phát biểu trong cuộc họp báo sau các cuộc đối thoại với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho biết, Việt Nam và LB Nga đã nhất trí thúc đẩy các hoạt động giao dịch đồng nội tệ cũng như tăng cường hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng của mỗi nước. Ngoài các lĩnh vực hợp tác quan trọng được kể đến gồm: Cơ khí, đóng tàu, khai thác mỏ và nông nghiệp, Thủ tướng Medvedev cho rằng, Việt Nam và LB Nga có nhiều triển vọng trong lĩnh vực hợp tác nông nghiệp và phát triển các dự án đầu tư chung.
Tiếp tục trong chuỗi các bài viết phản ánh về sự kiện quan trọng này, hãng thông tấn TASS dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ông đã chọn Moscow là điểm công du nước ngoài đầu tiên kể từ sau khi nhậm chức, xuất phát từ lý do Việt Nam tin tưởng tuyệt đối vào LB Nga và đặt hy vọng vào việc mở rộng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.
Phát biểu trong cuộc gặp gỡ với người đồng nhiệm nước chủ nhà Dmitry Medvedev, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ hy vọng Việt Nam và LB Nga sẽ đạt được thỏa thuận trong nhiều lĩnh vực hợp tác tiềm năng. “Các nhà lãnh đạo Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc phát triển quan hệ với LB Nga. Chúng tôi sẽ thực hiện mọi cam kết mà lãnh đạo hai nước đã thông qua” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.
Trong khi đó, hãng tin Sputnik của Nga lại tập trung khai thác một khía cạnh khác của sự kiện Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang thăm LB Nga. Hãng tin Sputnik dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu sau cuộc gặp với Thủ tướng LB Nga Dmitry Medvedev, trong đó tin tưởng mạnh mẽ rằng, thỏa thuận thương mại giữa Liên minh Kinh tế Á-Âu (EEU) và Việt Nam sẽ bắt đầu phát huy đầy đủ hiệu lực vào tháng 6 tới, để góp phần tạo động lực tiếp tục thúc đẩy các mối quan hệ giữa hai nước. EEU là một liên minh kinh tế đã chính thức đi vào hoạt động từ năm 2015 với 5 nước thành viên gồm: Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và LB Nga. Tháng 5/2015, Việt Nam và EEU đã thông qua thỏa thuận tự do thương mại. Hiện đang có hơn 40 nước và tổ chức quốc tế, trong đó gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập và Thái Lan… đã bày tỏ mong muốn thông qua các thỏa thuận hợp tác tương tự với EEU./.
Thu Lan
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!