Châu Âu đối mặt khó khăn kép

Nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU) có nguy cơ rơi vào thế gọng kìm khi lạm phát tăng nóng nhưng tăng trưởng trì trệ. Các nhà hoạch định chính sách của khối đang đứng trước bài toán khó là làm sao xoa dịu cơn bão giá mà không cản trở đà phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Người mua sắm thanh toán bằng đồng euro tại 1 khu chợ ở Nice, Pháp. (Ảnh: REUTERS)

Lạm phát trong tháng 3 vừa qua tại các nước thành viên EU chạm mức kỷ lục mới. Theo số liệu sơ bộ của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), lạm phát tại Khu vực đồng euro (Eurozone) đã tăng lên 7,5%, phá vỡ kỷ lục 5,9% trong tháng 2. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp lạm phát của Eurozone lập những kỷ lục không mong đợi, cũng là mức cao nhất kể từ năm 1997. Tại một số quốc gia thành viên, lạm phát đặc biệt nghiêm trọng, thậm chí lên đến hai con số như Litva với 15,6%, Estonia 14,8% và Hà Lan 11,9%. Lạm phát tại đầu tàu kinh tế Đức cũng ở mức ngất ngưởng 7,6%.

Lạm phát phi mã không còn là câu chuyện mới đối với các nước thành viên “mái nhà chung” EU, nhất là trong bối cảnh giá năng lượng tăng chóng mặt nhiều tháng qua. Giá năng lượng trong tháng 3 vừa qua tăng 44,7% so cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là, mặc dù giá năng lượng nhảy vọt là nguyên nhân chính khiến lạm phát tăng cao, song lạm phát cũng đã phủ bóng nhiều mặt hàng khác. Trong tháng 3, giá thực phẩm, rượu và thuốc lá tại Eurozone đều tăng 5%, trong khi giá quần áo, ô-tô, máy tính và sách tăng 3,4%.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, giá cả tăng nhanh trên diện rộng chứ không chỉ gói gọn trong giá năng lượng. Vì vậy, “cơn bão giá” tại EU có thể sẽ tiếp tục kéo dài, nghiêm trọng hơn dự kiến và khó có thể sớm đổi chiều.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde (C.La-gác-đơ) nhận định, ba yếu tố chính khiến lạm phát tại EU tăng nóng thời gian tới là: Giá năng lượng và lương thực tiếp tục “leo dốc” cùng nút thắt cổ chai trong chuỗi cung ứng toàn cầu chưa được tháo gỡ.

Tuy nhiên, lạm phát phi mã không phải nguy cơ duy nhất nền kinh tế EU đang phải đối mặt, khi tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa được như kỳ vọng cũng là bài toán khó tìm lời giải. Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU Paolo Gentiloni mới đây khẳng định, xung đột Nga-Ukraine sẽ khiến con tàu kinh tế Eurozone ì ạch hơn. Mặc dù khẳng định không có khả năng rơi vào suy thoái kinh tế, song ông Gentiloni cho rằng, mức dự báo tăng trưởng 4% năm 2022, được đưa ra trước khi căng thẳng Nga-Ukraine bùng phát, sẽ phải điều chỉnh giảm.

Cùng quan điểm với ông Gentiloni, Chủ tịch ECB Christine Lagarde nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine đã kìm hãm đà phục hồi hậu Covid-19, phủ gam màu xám lên bức tranh kinh tế EU.

Theo giới phân tích, bối cảnh kinh tế hiện nay có thể khiến người tiêu dùng châu Âu bi quan hơn và cắt giảm chi phí hằng ngày. Chi tiêu sụt giảm từ các hộ gia đình sẽ ảnh hưởng nền kinh tế, bởi các doanh nghiệp bán được ít hàng hóa hơn, dẫn tới thiếu tiền trả lương cho nhân viên và các dự án đầu tư cũng bị trì hoãn.

Theo ECB, nền kinh tế Eurozone tăng trưởng dương nhưng ở mức thấp trong quý I/2022, trong khi mức tăng trưởng quý II dự báo gần như bằng 0. Đức, nền kinh tế lớn nhất EU, là một trong những thành viên ghi nhận nhiều triển vọng u ám. Hội đồng cố vấn kinh tế độc lập của Chính phủ Đức mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 của Đức xuống 1,8%, giảm mạnh so mức 4,6% đưa ra hồi tháng 11 năm 2021. Theo hội đồng nêu trên, sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung năng lượng từ Nga có thể dẫn đến rủi ro đáng kể cho nền kinh tế Đức.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại và lạm phát tăng nhanh có thể đặt EU vào thế gọng kìm, đẩy ECB vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”. Một mặt, nếu ECB thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm đưa lạm phát về mức tiêu chuẩn 2% thì đà phục hồi kinh tế sau đại dịch có thể sẽ bị chặn đứng.

Hơn nữa, nguyên nhân dẫn đến lạm phát cao tại EU hiện nay chủ yếu đến từ các yếu tố bên ngoài, nên các công cụ kiềm chế lạm phát của ECB có thể không phát huy nhiều tác dụng. Ở chiều ngược lại, nếu ECB nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì sẽ khiến lạm phát ngày càng “nóng”. Tuy nhiên, trên thực tế, ECB đang duy trì lãi suất ở mức thấp nhất lịch sử. Do vậy, dư địa cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa cũng không còn nhiều.

Châu Âu đang trong giai đoạn khó khăn kép, vừa phải hạ nhiệt tình trạng lạm phát phi mã, vừa đau đầu tìm lời giải cho bài toán phục hồi kinh tế. Có lẽ lâu rồi các nhà lãnh đạo EU mới lâm vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Dự báo thời tiết toàn tỉnh Sơn La ngày 30/10/2024

    Dự báo thời tiết toàn tỉnh Sơn La ngày 30/10/2024

    Bản tin thời tiết -
    Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Sơn La, trong 24 giờ tới, chịu ảnh hưởng của lưỡi áp cao lạnh lục địa có cường độ ổn định, sau suy yếu chậm. Thời tiết: Mây thay đổi, không mưa, đêm và sáng sớm trời lạnh, vùng núi cao có nơi trời rét, ngày nắng.
  • 'Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La thảo luận một số dự thảo luật

    Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La thảo luận một số dự thảo luật

    Thời sự - Chính trị -
    Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 30/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La tham gia thảo luận tại tổ đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.
  • 'Xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”

    Xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”

    Quốc phòng -
    Triển khai thực hiện hiệu quả công tác xây dựng đơn vị chính quy, rèn luyện kỷ luật, tạo sự chuyển biến vững chắc về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những năm qua, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mộc Châu đã xây dựng nghị quyết lãnh đạo, kế hoạch tổ chức thực hiện sát với tình hình của đơn vị, tạo chuyển biến tích cực trên các mặt công tác, phong trào, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, “mẫu mực tiêu biểu”.
  • 'Lựa chọn hàng hóa thương hiệu Việt

    Lựa chọn hàng hóa thương hiệu Việt

    Kinh tế -
    Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sau gần 15 năm triển khai đã nhận được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, khơi dậy tinh thần tự hào, tự tôn của mỗi người dân thông qua việc lựa chọn, tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt. Ở tỉnh ta, Cuộc vận động được triển khai gắn với các hoạt động quảng bá, kết nối, tiêu thụ nông sản trên địa bàn.
  • 'Đảm bảo trật tự an toàn giao thông những tháng cuối năm

    Đảm bảo trật tự an toàn giao thông những tháng cuối năm

    An toàn giao thông -
    Thành phố Sơn La có mật độ phương tiện tham gia giao thông nhiều, nhất là những tháng cuối năm, thời điểm các hộ kinh doanh tập trung vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết. Công an thành phố Sơn La đã chỉ đạo tăng cường tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ.