Tại phiên họp thứ 148 của ban lãnh đạo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đã nêu bật ba bài học lớn từ đại dịch Covid-19 cho tất cả các nước thành viên.
Tổng Giám đốc WHO Ghebreyesus. (Ảnh: AP)
Tổng Giám đốc Ghebreyesus cho rằng, mọi quốc gia phải khiêm tốn học hỏi, thay đổi, đổi mới và phát triển. Người đứng đầu WHO đã rút ra một số bài học từ đại dịch Covid-19 cho tất cả mọi người.
Đầu tiên, ông nhấn mạnh đến sự chuẩn bị và ứng phó đại dịch. Ngay cả một số quốc gia giàu mạnh nhất thế giới cũng bất ngờ về sự bùng phát của Covid-19. Đại dịch đã đẩy các nước vào thế không sẵn sàng và để lộ sự thất bại chung trong việc đầu tư vào năng lực sẵn sàng ứng phó với tình huống khẩn cấp. Ông thừa nhận, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, WHO nỗ lực thúc đẩy năng lực chuẩn bị, ứng phó và coi đây là một phần của quá trình đổi mới.
Theo Tổng Giám đốc WHO, bài học quan trọng thứ hai mà đại dịch dạy cho chúng ta là sức khỏe của con người, động vật và hành tinh có quan hệ mật thiết. Chúng ta chỉ có thể bảo vệ và nâng cao sức khỏe con người bằng cách tăng cường giám sát và quản lý các rủi ro dựa trên mối quan hệ giữa con người, động vật và các hệ sinh thái. Hơn 70% các bệnh mới xuất hiện trong những năm gần đây có liên quan đến sự lây truyền từ động vật sang người. Do đó, thế giới phải giải quyết hàng loạt vấn đề ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa con người, động vật và hành tinh, trong đó có nạn phá rừng, thâm canh, ô nhiễm, biến đổi khí hậu...
Bài học lớn thứ ba là thế giới cần một Tổ chức Y tế thế giới vững mạnh hơn. Tuy nhiên, người đứng đầu WHO thừa nhận, đây không phải là một nhận thức mới mẻ. Tăng cường sức mạnh của WHO là trọng tâm của hành trình đổi mới mà các nước thành viên WHO phối hợp thực hiện trong 3 năm rưỡi qua. Các quốc gia thành viên WHO xác định một trong những rào cản lớn nhất đối với tổ chức này là năng lực tài chính bền vững và có thể dự báo. Quỹ WHO hướng tới mục tiêu phân phối một tỷ USD trong ba năm tới từ những nguồn mà tổ chức này chưa tiếp cận trước đây. Trong đó, từ 70 đến 80% giá trị của những quỹ này sẽ dành cho WHO, phần còn lại sẽ dành cho các tổ chức y tế công tập trung vào xã hội dân sự.
Một năm trước, một chủng virus mới xuất hiện và gây ra đại dịch. Sau đó, vaccine ngừa căn bệnh mới này lập tức được chú trọng phát triển. Quá trình phát triển và phê chuẩn các loại vaccine an toàn và hiệu quả diễn ra chưa đầy một năm sau khi chủng virus mới xuất hiện là một thành tựu khoa học tuyệt vời và là nguồn hy vọng rất cần thiết. Mới đây, sự xuất hiện và lây lan nhanh chóng của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 khiến cho việc phân phối nhanh và hợp lý các loại vaccine trở nên quan trọng hơn.
Theo Tổng Giám đốc Ghebreyesus, đến nay WHO đã mua được hai triệu liều vaccine ngừa Covid-19 của năm nhà sản xuất và đặt mua thêm hơn một tỷ liều khác. WHO dự kiến bắt đầu phân phối vaccine vào tháng 2-2021.
Sẽ có đủ vaccine cho tất cả mọi người. Nhưng ngay lúc này, chúng ta phải cùng làm việc như một gia đình toàn cầu để ưu tiên cho những người có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong cao nhất tại tất cả các quốc gia.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!