Ngày 24/6, trang web của Liên hợp quốc đưa tin: 170 nước đã tán thành lời kêu gọi của Liên hợp quốc về nỗ lực “giữ im tiếng súng” và cùng đoàn kết để chống lại mối đe dọa COVID-19 trên phạm vi toàn cầu. Đây được xem là một thông điệp chính trị mạnh mẽ, thể hiện rõ quyết tâm của các nước trong ứng phó với những thách thức chung của thế giới.
Trẻ em tị nạn tại Jordan. (Ảnh: UN) |
Sáng kiến trên do Malaysia đề xuất, đã phản ánh nguyện vọng chung của nhiều nước trên thế giới cùng “kề vai sát cánh bên nhau”, hướng tới mục tiêu thực hiện lệnh ngừng bắn toàn cầu như lời kêu gọi mà Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đưa ra hồi tháng 3/2020 - thời điểm đại dịch COVID-19 đang có dấu hiệu tăng tốc. Các nước tham gia ký kết nằm ở khắp các châu lục trên thế giới.
Trong tuyên bố cùng ngày, các nước đã tỏ rõ “sự quan ngại sâu sắc” về tình hình tại những khu vực đang xảy ra chiến sự, đặc biệt vào thời điểm toàn thế giới đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng về y tế. Nhấn mạnh đến sự tác động của những yếu tố trên đối với những người dễ bị tổn thương trên thế giới, nhất là phụ nữ và trẻ em, tuyên bố kêu gọi các nước cần huy động mọi nỗ lực để cứu lấy sinh mạng con người, đồng thời giảm thiểu ảnh hưởng về kinh tế, xã hội đối với đời sống con người.
Các nước ký kết vào văn kiện trên nhấn mạnh tính cần thiết của các hành động ngoại giao và các nỗ lực tập thể trong cuộc chiến chung chống đại dịch COVID-19, đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của sự đoàn kết, thống nhất trên phạm vi toàn cầu để đối phó với mối đe dọa này.
Đánh giá rằng đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến 3 trụ cột chính của Liên hợp quốc gồm: Hòa bình và an ninh, phát triển và nhân quyền, các nước ký kết văn kiện đã nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương, tính thượng tôn pháp luật, ngoại giao và đàm phán, xem đây là “nền tảng” thúc đẩy và hỗ trợ giải quyết hòa bình các quan hệ tranh chấp.
“Chúng tôi nhận thức rằng, hòa bình là yếu tố không thể thiếu để thúc đẩy tiếp cận nhân đạo trong các tình huống khó khăn và bị tác động bởi xung đột… Những nỗ lực xoa dịu đau khổ của con người và giải quyết xung đột nên được song hành với hành động đi đầu để ứng phó với đại dịch” - tuyên bố chung nêu rõ.
Nhân kỷ niệm 75 năm ký kết Hiến chương Liên hợp quốc, các nước kêu gọi “hành động tối đa” để thực hiện lời kêu gọi ngừng bắn. “Chúng tôi duy trì sự đoàn kết vì nhân văn chung và mang lại một cơ hội cho hòa bình” – tuyên bố viết ./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!