Mở đầu bài phát biểu, người đứng đầu WHO nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên, WHA được tổ chức theo hình thức trực tiếp kể từ năm 2019, trong bối cảnh thế giới vừa trải qua 2 năm ứng phó với một cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng nhất trong hàng thập kỷ.
“Vậy, đại dịch COVID-19 đã kết thúc chưa? Không, chắc chắn là chưa kết thúc. Dù tôi biết đó không phải là thông điệp các bạn muốn nghe và chắc chắn đó cũng không phải là thông điệp tôi muốn truyền tải ” - ông Ghebreyesus nói.
Theo người đứng đầu WHO, dù nhiều nước trên thế giới đã gỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế và đưa cuộc sống trở lại bình thường như trước thời điểm xuất hiện đại dịch, thì các số liệu báo cáo vẫn cho thấy sự gia tăng về số ca nhiễm COVID-19 ở khoảng 70 nước thuộc tất cả các khu vực trên thế giới. “Và thực tế này đang diễn ra trong một thế giới đang chứng kiến sự sụt giảm về tỷ lệ xét nghiệm” – ông Ghebreyesus chỉ rõ.
Cụ thể, Tổng giám đốc WHO cảnh báo về tỷ lệ gia tăng số các ca tử vong vì COVID-19 được ghi nhận ở châu Phi - nơi có tỷ lệ bao phủ vaccine thấp nhất.
“Con virus này luôn khiến chúng tôi ngạc nhiên - khi vốn đã được ví như một cơn bão đã tấn công cộng đồng nhiều lần mà chúng tôi vẫn không thể dự đoán được đường đi cũng như cường độ của nó” - ông Ghebreyesus nhấn mạnh.
Khoảng cách toàn cầu trong phản ứng trước đại dịch COVID-19
Bên cạnh việc thừa nhận sự tiến bộ trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh khi 60% dân số thế giới đã được tiêm chủng, ông Ghebreyesus cũng nhân dịp này nhắc lại một thực tế rằng, có đến gần một tỷ người ở các quốc gia có thu nhập thấp vẫn chưa được tiêm chủng.
“Đại dịch chưa kết thúc ở bất cứ nơi đâu cho đến khi nó kết thúc ở khắp mọi nơi… Chỉ có 57 quốc gia đã tiêm chủng ngừa vaccine cho 70% dân số của họ - hầu hết đều là các quốc gia có thu nhập cao” – ông Ghebreyesus nói.
Người đứng đầu WHO cũng cảnh báo rằng tỷ lệ lây nhiễm tăng có nghĩa rằng sẽ có nhiều ca tử vong hơn và nguy cơ xuất hiện một biến thể mới cũng trở nên rõ nét hơn. Trong khi sự sụt giảm hiện nay của các hoạt động xét nghiệm và giải trình tự gen có nghĩa là “chúng ta đang tự khiến mình trở nên mù mờ trước sự tiến hóa của virus”.
Ông cũng đồng thời chỉ ra rằng ở một số quốc gia vẫn chưa có đủ cam kết chính trị để triển khai chiến dịch tiêm vaccine, trong khi vẫn còn tồn tại khoảng cách về năng lực hoạt động và tài chính. Thậm chí ở một số nơi, việc tiêm vaccine vẫn còn chậm trễ do những thông tin sai lệch.
Đại dịch sẽ không biến mất một cách kỳ diệu
Ông Ghebreyesus cho biết, mục tiêu trọng tâm của WHO hiện nay là hỗ trợ các quốc gia thực hiện các chiến dịch tiêm chủng vaccine càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, nhiều nước vẫn đang thiếu nguồn lực để thực hiện các xét nghiệm và phương pháp điều trị, với kinh phí và khả năng tiếp cận hạn hẹp.
“Đại dịch sẽ không biến mất một cách kỳ diệu. Nhưng chúng ta có thể kết thúc nó. Chúng ta có kiến thức. Chúng ta có các công cụ. Khoa học đã mang lại cho chúng ta ưu thế ” – người đứng đầu WHO nói, đồng thời kêu gọi các nước hợp tác để đạt tỷ lệ bao phủ tiêm chủng cho 70% dân số.
Các ưu tiên khác của Đại hội đồng Y tế Thế giới
Ngày 22/5, Kỳ họp Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) lần thứ 75 đã khai mạc trọng thể tại Geneva (Thuỵ Sĩ), tập trung vào các vấn đề lớn, trong đó có ứng phó với đại dịch COVID-19 và sáng kiến sức khoẻ toàn cầu vì hoà bình. Dịch COVID-19 vẫn là một trong những ưu tiên trong kỳ họp lần này, trong bối cảnh hội nghị lần đầu được tổ chức trực tiếp tại Geneva kể từ khi bùng phát đại dịch cách đây hơn 2 năm.
Trong khuôn khổ Hội nghị lần này, đại diện các nước sẽ đưa ra quyết định về các mục tiêu và chiến lược y tế định hướng cho công tác y tế cộng đồng và công việc của Ban thư ký WHO nhằm hướng tới sức khỏe và hạnh phúc tốt hơn cho tất cả mọi người.
Chủ đề của Hội nghị năm nay là “Sức khoẻ vì hoà bình, hoà bình vì sức khoẻ”.
Trong bài phát biểu mở đầu Hội nghị, ông Ghebreyesus lưu ý: “Đại dịch này không phải là cuộc khủng hoảng duy nhất mà thế giới của chúng ta đang phải đối mặt”. Ông cho biết chương trình nghị sự cũng sẽ bao gồm các cuộc khủng hoảng nhân đạo phức tạp tại Afghanistan, Ethiopia, Somalia, Nam Sudan, Syria, Ukraine và Yemen.
Người đứng đầu WHO nhấn mạnh: “Hơn cả các đại dịch, các cuộc xung đột vũ trang làm lung lay các nền tảng tạo nên các xã hội ổn định, cướp đi các dịch vụ y tế của cả cộng đồng, khiến trẻ em không được tiêm phòng các bệnh có thể phòng tránh được được”. Ông Ghebreyesus cho rằng, con người đang phải đối mặt với sự hội tụ chồng chất của dịch bệnh, hạn hán, đói kém và chiến tranh, vốn đang trở nên nghiêm trọng hơn bởi hiện tượng biến đổi khí hậu, bất bình đẳng và cạnh tranh địa chính trị.
Theo số liệu thống kê do WHO công bố, từ đầu năm đến nay xảy ra 373 vụ tấn công nhằm vào các cơ sở y tế hoặc nhân viên y tế ở 14 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến 154 nhân viên y tế và bệnh nhân thiệt mạng, 131 người bị thương. Tổng giám đốc WHO cho rằng: “Việc tấn công vào các nhân viên y tế và cơ sở chăm sóc sức khoẻ là vi phạm luật nhân đạo quốc tế và quyền được chăm sóc sức khoẻ”.
Hội nghị WHA lần thứ 75 kéo dài 1 tuần, với số lượng chủ đề được thảo luận và giải pháp được thông qua nhiều nhất từ trước tới nay. Hội nghị cũng bổ nhiệm Tổng Giám đốc mới của WHO cho nhiệm kỳ 5 năm tới. Tổng giám đốc đương nhiệm của WHO – ông Ghebreyesus hiện là ứng cử viên duy nhất cho vị trí này./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!