Từ ngày 1/7/2016 tới đây, khung hình phạt tối đa hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) có thể bị xử phạt tù tới 20 năm. Đây có thể được coi như một đột phá trong cuộc chiến với vấn nạn thực phẩm “bẩn” đang diễn ra hàng ngày, gây lo lắng, bất an trong cộng đồng thời gian qua.
Bao bì một gói thuốc tạo nạc được bán công khai trên thị trường.
Có lẽ chưa khi nào và chưa bao giờ người tiêu dùng Việt Nam lại “lo sợ” đối với việc ăn uống hàng ngày như thời gian này. Hình ảnh hàng trăm con lợn đã bị tiêm thuốc ngủ, nằm la liệt trong khu chuồng, chờ mang tới lò mổ được phát trên truyền hình ngày 23/3/2016 không khỏi làm giật mình biết bao nhiêu người.
Theo đó, ngày 23/3/2016, Công an Bình Dương cùng Chi cục Thú y kiểm tra cơ sở thu mua lợn thịt ở thị xã Bến Cát, đã bắt quả tang 6 công nhân đang dùng xô có gắn vòi, bơm nước vào miệng lợn và tiêm thuốc an thần vào 10 con khác. Chuồng bên cạnh, hơn 200 con lợn đã được bơm nước và thuốc, ngủ li bì. Bước đầu, chủ cơ sở Trần Quốc Thái (33 tuổi) khai, đã mua lợn từ các hộ nuôi tại tỉnh Bến Tre, rồi đưa về để bơm nước nhằm tăng trọng lượng. Ngoài ra, lợn bị tiêm thuốc an thần (Prozil fort) sẽ dễ bơm nước và yên ổn trong quá trình vận chuyển đến lò giết mổ ở quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh.
Đáng chú ý, theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, thuốc an thần Prozil fort không được dùng cho vật nuôi chuẩn bị giết thịt. Vật nuôi bị tiêm thuốc phải để sau 7 ngày mới được giết mổ. Người tiêu dùng thường xuyên ăn thịt này sẽ có nguy cơ gây mục xương, ung thư tủy, giảm hồng cầu.
Tại Hội thảo “Vì thị trường thực phẩm” diễn ra ngày 26/3/2016 tại TP.Hồ Chí Minh, ông Đỗ Ngọc Chính - Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, tình trạng ung thư trong những năm gần đây liên tục gia tăng. Theo thống kê, năm 2000, tại Việt Nam chỉ có khoảng 69.000 ca mới mắc bệnh ung thư, nhưng cho đến năm 2015 vừa qua, số ca mới mắc ung thư tăng lên hơn gấp đôi, có đến xấp xỉ 150.000 ca. Nếu cứ theo đà này, ước tính đến năm 2020, số ca mắc mới ung thư sẽ lên đến gần 200.000 ca, đồng nghĩa với việc Việt Nam có thể trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ mắc ung thư cao nhất thế giới!
Cũng theo đánh giá của một số chuyên gia trong lĩnh vực ung thư cho thấy, tỷ lệ người mắc ung thư do sử dụng thực phẩm “bẩn” gây ra chiếm tỷ lệ cao nhất khoảng 35%, hút thuốc lá chiếm khoảng 30%, còn lại là yếu tố di truyền khoảng 10% và một số nguyên nhân khác.
Số liệu từ kết quả kiểm tra liên ngành giữa Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường và chính quyền các địa phương trong năm 2014 và 2015 cho thấy, có đến 9.140 kg Salbutamol (chất dùng tạo nạc trong chăn nuôi, nhưng có khả năng gây tác hại với cơ thể người) được nhập khẩu để sản xuất dược phẩm, nhưng có đến 6.268 kg chất này được dùng trong chăn nuôi nhằm tạo lợn siêu nạc.
Có thể thấy, vấn nạn thực phẩm thiếu an toàn, thậm chí gây nguy hại cho sức khỏe người sử dụng đang là mối quan tâm, lo lắng hàng ngày của phần lớn cộng đồng xã hội trong thời gian gần đây. Kỳ họp Quốc hội năm 2015, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát đã kêu gọi: “ Cần phải coi việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là một tội ác, phải đấu tranh với nó như với tội phạm ma túy”.
Ngày 1/7/2016 tới đây, Bộ Luật Hình sự được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2015, sẽ bắt đầu có hiệu lực. Tại Điều 317, quy định các tội; Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, có chế tài xử phạt người vi phạm các quy định về việc sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm, sẽ bị phạt tù từ 1-5 năm. Đặc biệt, đối với một số tình tiết nghiêm trọng,có tình tiết tăng nặng, mức phạt tù có thể lên tới 20 năm tù giam, thay vì chỉ bị phạt hành chính như trước đây.
Anh Cường, một người quản lý trang trại nuôi lợn và cung cấp thực phẩm sạch tại Từ Liêm - Hà Nội nhận xét: Theo tôi, nhẽ ra cần đưa chế tài phạt tù đối với các hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, kinh doanh sớm hơn. Việc sử dụng các chất tăng trọng, tạo nạc trong thức ăn chăn nuôi ngoài việc gây hại cho người sử dụng, còn tạo một môi trường cạnh tranh không lành mạnh. Theo anh Cường giải thích, việc con giống tốt và nguồn thức ăn đảm bảo của những hộ chăn nuôi (đúng quy trình, đảm bảo an toàn) như anh bao giờ cũng cao hơn cả về giá đầu vào con giống, thức ăn cũng như thời gian chăn nuôi. Vậy, nếu người chăn nuôi chạy theo lợi nhuận, sử dụng các chất “hỗ trợ” trong quá trình chăn nuôi sẽ giảm được thời gian nuôi và giá thành đầu vào, nhưng lại trái với quy định của pháp luật và lương tâm của những người làm ăn chân chính. Cần phải làm triệt để, quyết liệt mới tạo được môi trường kinh doanh lành mạnh – Anh Cường khẳng định.
Theo Bộ Luật hình sự 2015 mới, chỉ cần sử dụng chất cấm là đã có thể bị phạt tiền rất nặng, có tình tiết tăng nặng, nghiêm trọng sẽ bị phạt tù; ngoài ra, còn điều chỉnh nhiều hành vi như: Sản xuất, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ và sử dụng...
Đại tá Trần Trọng Bình - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường cho biết: Đối với Bộ Luật hình sự sắp có hiệu lực 1/7/2016 tới đây, việc xử lý căn cứ theo quy định về “cấu thành hình thức”, có thể xử lý ngay khi diễn ra hành vi phạm tội, không cần phải đợi đến khi xảy ra hậu quả của việc phạm tội. “Không lẽ nào với những tội khác chỉ cần có hành vi, đủ yếu tố là có thể cấu thành tội phạm, trong khi đưa chất cấm vào cơ thể người khác lại phải đợi có hậu quả mới xử lý được” – Đại tá Trần Trọng Bình nhấn mạnh
Người tiêu dùng và xã hội kỳ vọng, với chế tài mới trong Bộ luật Hình sự, cùng sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng từ Trung ương tới địa phương, tình trạng vi phạm VSATTP trong thời gian tới sẽ được loại bỏ triệt để./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!