Từ ngày 25-26/7, mưa chồng mưa tại các tỉnh vùng núi phía Bắc có thể gây sạt lở và lũ khốc liệt

Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp, trong đêm 24/7 ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông; một số nơi có mưa vừa, mưa to. Theo dự báo, do áp thấp quay trở lại nên từ đêm nay (25/7), nhiều tỉnh vùng núi phía Bắc sẽ tiếp tục có mưa lớn trở lại.

                 Mưa chồng mưa sẽ làm gia tăng các hiện tượng lũ quét, sạt lở khốc liệt hơn ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

 
Để tìm hiểu về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Quang Năng - Trưởng phòng dự báo thời tiết (Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia).

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới lần này phức tạp thế nào?

Ông Trần Quang Năng: Áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) lần này xuất hiện trên một dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực Đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Trên dải hội tụ nhiệt đới này liên tục xuất hiện bão, áp thấp nhiệt đới trong những ngày đầu tháng 7 vừa qua.

Cơn bão số 3 vừa rồi đi từ phía Đông và đã đổ bộ vào phía Bắc miền trung nước ta. Ngay sau đó, áp thấp nhiệt đới  xuất hiện. Nó vẫn tồn tại trên dải hội tụ nhiệt đới, sau đó di chuyển rất phức tạp. ATNĐ di chuyển từ phía Tây sang phía Đông, bắt đầu hình thành xoáy thấp trên khu vực Bắc bộ nước ta, sau đó vùng xoáy thấp này dịch chuyển xuống Vịnh Bắc bộ và có quá trình mạnh lên thành ATNĐ. Đến nay, ATNĐ đã đi vào bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) và đang suy yếu dần thành áp thấp.

Chúng tôi nhận định rằng, ở trên cao một hệ thống áp cao cận nhiệt đới gặp gió Đông Nam mạnh sẽ đẩy về phía Tây làm cho cơn ATNĐ này dịch chuyển một vòng và sẽ dọc theo các tỉnh biên giới Việt - Trung nước ta từ cao Bằng cho đến Lai Châu.

PV: Được biết hình áp thấp này giống với đường tròn, vậy nó khác gì so với áp thấp trước mà chúng ta từng gặp thưa ông?

Ông Trần Quang Năng: Đây là một trong những cơn áp thấp có đường đi tương đối phức tạp và chúng ta đã gặp nhiều lần chứ không chỉ lần này.

Thông thường các cơn bão hay ATNĐ sẽ di chuyển từ hướng Đông sang hướng Tây và đổ bộ, sau đó sẽ tan dần. Tuy nhiên cũng có trường hợp như cơn bão Goni năm 2009 có một quá trình quỹ đạo, đi một vòng sau đó xuống vịnh Bắc bộ rồi mạnh trở lại đi một vòng quanh đảo Hải Nam.

Cơn ATNĐ này có quá trình di chuyển tương tự từ đất liền Việt Nam vòng xuống vịnh Bắc bộ và sau đó lại quay trở lại đất liền thuộc tỉnh biên giới phía Bắc. Và như vậy, nguyên nhân của sự di chuyển phức tạp này là do hệ thống xoáy thuận nằm trên dải hội tụ nhiệt đới không quá mạnh nên chịu sự chi phối tác động của hệ thống khí quyển trên cao cũng như các hệ thống gió tín phong Tây Nam và Đông Bắc của dải hội tụ nhiệt đới. Do đó, nó có hướng di chuyển phức tạp và khó lường.

PVÔng có thể cho biết mức độ ảnh hưởng của ATNĐ lần này đến khu vực miền núi phía Bắc, nhất là sau khi chúng ta vừa trải qua trận mưa lũ vừa rồi?

Ông Trần Quang Năng: Chúng tôi nhận định vùng áp thấp suy yếu từ ATNĐ này sẽ có xu hướng di chuyển dọc theo biên giới Việt Nam và Trung Quốc.

Ngay từ thời điểm này có thể thấy vùng mây của nó đã bắt đầu ảnh hưởng tới khu vực Móng Cái (Quảng Ninh) và đang gây mưa. Trong đêm nay (25/7), vùng mưa do hoàn lưu của áp thấp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu Đông Bắc, cụ thể ở đây là hai tỉnh Quảng Ninh và Lạng Sơn hôm nay sẽ có mưa to.

Sau đó, vùng áp thấp di chuyển dọc biên giới sẽ gây mưa rất to. Trọng tâm mưa lần này sẽ rơi vào các tỉnh vùng núi phía Bắc bao gồm: Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái và Lai Châu. Những tỉnh này sẽ có lượng mưa lớn từ 150-180mm trong vòng 24 giờ. Cao điểm của đợt mưa này sẽ rơi vào ngày 25-26/7. Vậy có thể thấy trong thời gian vừa qua tại Bắc bộ và Bắc miền Trung liên tục có mưa lớn. gây nhiều thiệt hại cho bà con các tỉnh. Hiện nay, có thể nói vẫn còn nhiều địa phương chưa thoát lũ. Do  vậy, đợt mưa lớn này sẽ rất nguy hiểm khi “mưa chồng mưa” và có thể gây ra hiện tượng lũ quét sạt lở đất đá. Đặc biệt có thể gia tăng lũ khốc liệt hơn.

Thời tiết khu vực Hà Nội bắt đầu từ đêm qua (24/7) đã có mưa, mưa rào. Từ ngày 27/7 có mưa vừa, mưa to và dông.

PVÔng có khuyến cáo gì đến bà con các địa phương trong đợt mưa, lũ này?

Ông Trần Quang Năng: Chúng tôi mong muốn người dân và các cấp chính quyền địa phương phải có kế hoạch chuẩn bị ứng phó ngay từ bây giờ để tránh thiệt hại trong đợt mưa lớn này.

Đặc biệt, các địa phương được dự bão xảy ra mưa, lũ cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân không được chăn thả gia súc, gia cầm gần khu vực sông suối khi mưa lũ xảy ra, tránh thiệt hại đáng tiếc về người.

PVXin cảm ơn ông!

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới