Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, hiện nay, bão số 10 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Tuy nhiên, đối với các hoạt động trên biển, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ để chủ động các biện pháp phòng tránh.

Dự báo hướng đi của áp thấp nhiệt đới.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, đêm 27/12, sau khi đi vào khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa, bão số 10 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Hồi 1 giờ sáng 28/12, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 13,8 độ Vĩ Bắc; 114,8 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 280km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7, giật cấp 9-10.

Dự báo trong 12 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Nam, mỗi giờ đi được 20km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6. Do ảnh hưởng của hoàn lưu ATNĐ, vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa có gió mạnh cấp 6, vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6-7, giật cấp 9-10, sóng biển cao 2-4 mét. Biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Theo báo cáo nhanh ngày 28/12 của Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 6h30 ngày 28/12, Biên phòng các tỉnh ven biển từ Quảng Bình đến Kiên Giang đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 80.919 phương tiện/403.939 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai, đối với các hoạt động trên biển, cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến ATNĐ, kiểm đếm, quản lý tàu thuyền, thông tin kịp thời cho chủ các phương tiện, người lao động, ngư dân đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của ATNĐ.

Bên cạnh đó, đối với các tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng nề của các đợt mưa lũ kéo dài vừa qua, cần khẩn trương triển khai khắc phục hậu quả, thường xuyên cập nhật thông tin dự báo, cảnh báo mưa, lũ, chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó với mưa lũ do ảnh hưởng của ATNĐ, gió mùa Đông Bắc thời gian tới.

Kiểm tra, đảm bảo an toàn hồ chứa, chủ động xả nước đón lũ, đặc biệt là 24 hồ chứa thủy lợi đang có hiện tượng thấm qua thân đập, sạt sụt (Bình Định 23 hồ, Quảng Trị 1 hồ). Đồng thời kiểm tra thiết bị cảnh báo xả lũ đảm bảo an toàn hạ du. Kiểm tra hệ thống đóng mở cửa van, bố trí lực lượng thường trực 24/24h tại các hồ chứa để đảm bảo an toàn, đặc biệt các hồ chứa đang có hiện tượng thấm, đã đầy nước; kịp thời báo cáo về Ban Chỉ đạo và các cơ quan liên quan. Kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền nhất là tại các cửa sông để đảm bảo an toàn về người và tài sản. Bên cạnh đó, có biện pháp đảm bảo an toàn cho diện tích lúa đã gieo sạ vụ Đông Xuân./.

 

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới