Cơn bão số 2 đã gây thiệt hại nặng nề cho nhân dân trên địa bàn huyện Thuận Châu. Giúp bà con nhanh chóng ổn định cuộc sống, huyện đang huy động các lực lượng hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả sau mưa lũ.
Bản Phé và bản Cọ, xã Tông Cọ là khu vực hạ lưu của dòng suối Muội. Sau trận mưa kéo dài đêm ngày 23, sáng ngày 24/7, hai bản có 30 nhà bị ngập hoàn toàn, phải di dời khẩn cấp; 32ha hoa màu bị thiệt hại…
Vẫn không khỏi bàng hoàng sau cơn lũ, bà Lò Thị Diên, bản Cỏ, xã Tông Cọ, chia sẻ: Khoảng 9 giờ ngày 24/7, nước dâng cao. Gia đình tôi có 3 người đã kịp thời sơ tán, nhưng tất cả tài sản và nhà ở đã bị ngập nước hoàn toàn. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chúng tôi được cấp ủy, chính quyền các cấp xuống động viên, hỗ trợ để vượt qua khó khăn này.
Thường trực cùng các lực lượng để chỉ đạo sơ tán người và tài sản của nhân dân ra khỏi vùng ngập nước, ông Lò Văn Huệ, Chủ tịch UBND xã Tông Cọ, cho biết: Đây là trận lũ lịch sử mà nhiều năm chưa từng có trên địa bàn xã. Ngay khi nắm được thông tin, xã chỉ đạo các đoàn thể phối hợp với các bản, huy động lực lượng dân quân tự vệ và các tổ an ninh trật tự cơ sở, ĐVTN ứng phó ban đầu theo phương châm "4 tại chỗ". Đồng thời, phối hợp với lực lượng công an, quân đội đưa người dân bị mắc kẹt tại vùng bị ngập và di chuyển tài sản đến nơi an toàn.
Cơn bão số 2 với mưa rất to khiến mực nước tại các suối lên cao, gây ngập úng, sạt lở nhiều nơi tại thị trấn Thuận Châu và các xã: Tông Cọ, Bản Lầm, Chiềng Bôm, Chiềng Ly, Thôm Mòn, Tông Lạnh… Thật đau lòng khi mưa lũ đã làm 1 người chết, 2 người mất tích, 1 người bị thương; trên 3.000 con gia cầm và 9 con gia súc bị trôi và chết. Cùng với đó, nhiều diện tích lúa, ao cá, cây trồng khác bị ngập; 181 nhà ở bị sạt lở, sập hoàn toàn, bị ngập nước, cô lập, cuốn trôi. Giao thông đi lại khó khăn, một số tuyến đường bị sạt lở; 17 cột điện bị gãy, đổ, sạt lở, ước tính tổng thiệt hại 4,5 tỷ đồng.
Ngay sau khi xảy ra mưa lũ, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện đã có mặt tại hiện trường chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, các xã, thị trấn huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả. Trong đó, mục tiêu quan trọng nhất là bảo đảm tính mạng cho người dân, khẩn trương di dời bà con ở vùng gần suối và các điểm bị sạt lở đến nơi an toàn. Cùng với đó, huy động máy xúc san gạt bùn đất, đá những đoạn đường bị vùi lấp, sạt lở; khơi thông các cầu cống, nạo vét thông cống thoát nước, xử lý ngập úng tại các địa phương để bảo vệ các công trình. Đối với diện tích hoa màu, nhất là lúa vừa mới cấy tại các xã, chỉ đạo người dân khi nước rút sẽ khắc phục cấy lại, đảm bảo đúng khung thời vụ.
Trong đợt mưa lũ lần này, hệ thống giao thông trên địa bàn huyện bị thiệt hại nặng nề. Mưa lớn gây sạt lở, bồi đắp, ảnh hưởng giao thông tại các xã: Liệp Tè, Bản Lầm, Púng Tra và tuyến quốc lộ 6. Các tuyến đường liên xã cũng bị sạt trượt, phương tiện đi lại khó khăn, do mặt đường bị xói lở, bùn đất trơn trượt.
Ông Hà Xuân Thủy, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, thông tin: Phòng cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với các xã, thị trấn đi kiểm tra, thống kê thiệt hại đối với từng tuyến đường để xây dựng phương án khắc phục. Riêng tuyến quốc lộ 6, phối hợp với Ban Quản lý bảo trì đường bộ (Sở Giao thông Vận tải) điều 3 máy xúc san gạt, đảm bảo giao thông đi lại. Đối với 7 điểm sạt lở vào xã Bản Lầm, đến 22 giờ ngày 24/7 đã được khắc phục. Điểm sạt lở đi từ xã Liệp Tè - Nậm Ét, huyện Quỳnh Nhai; tuyến Thôm Mòn - Púng Tra, Nong Lay - Chiềng La, phối hợp với các xã huy động nhân lực san gạt tạm thời để xe máy đi lại. Ngày 25/7, đơn vị tiếp tục huy động máy xúc, máy lật khắc phục các điểm sạt lở, đảm bảo cho các phương tiện lưu thông an toàn.
Tại xã Chiềng Bôm, công tác khắc phục sạt lở đất tại các hộ gia đình đang được thực hiện khẩn trương. Ông Lò Văn Toản, Chủ tịch UBND xã, thông tin: Sau mưa lũ, lãnh đạo xã đến kiểm tra trực tiếp và chỉ đạo các bản nhanh chóng giúp các hộ dân khắc phục sạt lở đất, di chuyển người, đồ đạc, xử lý đất sạt lở. Huy động các lực lượng tham gia tìm kiếm nạn nhân bị lũ cuốn trôi tại suối Huổi Po Ím. Đến chiều 24/7, cơ bản các hộ dân bị sạt lở đã ổn định cuộc sống; các hộ có nguy cơ mất an toàn ở ven suối đã di chuyển đến nơi an toàn. Đối với diện tích lúa, cây màu, xã chỉ đạo cán bộ chuyên môn hướng dẫn người dân khắc phục theo phương châm, nước rút đến đâu, tiến hành khắc phục đến đó.
Ông Lò Văn Thỏa, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Thuận Châu, cho biết: Đến thời điểm hiện tại, Phòng đã tham mưu cho huyện hỗ trợ tạm thời một số hộ dân phải di dời khẩn cấp với mức hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ; hỗ trợ di dời 100% hộ dân bị sạt lở, nguy cơ bị sạt lở, bị ngập; Hội Chữ đỏ huyện hỗ trợ các hộ có người tử vong, các hộ phải di dời nhà ở, bị ngập lụt với số tiền 2 triệu đồng/hộ. Tuy nhiên, trận mưa rạng sáng ngày 25/7 làm lượng nước dâng cao, khiến ngập thêm nhà ở của các hộ dân tại bản Thúm Cáy, xã Tông Cọ. Huyện đang huy động lực lượng để tiếp tục hỗ trợ các hộ dân ở khu vực này di dời đến nơi an toàn.
Thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, Ban Chỉ huy PCLB và TKCN huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi diễn biến thời tiết để có biện pháp ứng phó kịp thời. Tăng cường lực lượng tuần tra, bảo vệ an toàn hồ, suối, các khu vực trọng điểm xung yếu; tập trung khắc phục thiệt hại do lũ lụt, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản của nhân dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!