Tập trung khắc phục hậu quả mưa, bão

Trước diễn biến của mưa, lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, gió mùa Đông Bắc và bão Kompasu vào Biển Đông, nguy cơ xảy ra tình huống thiên tai nguy hiểm (bão chồng bão, lũ chồng lũ), các bộ, ngành, địa phương đang tập trung triển khai các giải pháp, chủ động ứng phó bão, mưa, lũ…

Cán bộ, chiến sĩ Trạm 1 Cảnh sát biển (Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1) đưa thuyền của ngư dân tại huyện đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) bị mắc cạn lên bờ. Ảnh: MẠNH THƯỜNG

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, mưa lớn vẫn tiếp tục diễn ra ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Dự báo, sáng 12/10, bão Kompasu đang hoạt động ở ngoài khơi Philippines có khả năng đi vào phía bắc Biển Đông và trở thành cơn bão số 8. Đây là cơn bão cường độ mạnh hơn bão số 7 và di chuyển nhanh, có khả năng ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong các ngày 13, 14/10 và có thể gây ra một đợt mưa lớn.

Ngày 11/10, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7, khu vực Bắc Bộ có mưa, một số nơi có mưa vừa, mưa to. Trung tâm dự báo Khí tượng -Thủy văn quốc gia cảnh báo, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Quảng Ninh, Cao Bằng, Sơn La, Điện Biên, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lạng Sơn. Nguy cơ ngập úng vùng trũng thấp, các khu đô thị tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Hà Nội, Hà Nam, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ.

Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, sáng 11/10, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai (PCTT) đã yêu cầu các lực lượng chức năng tập trung theo dõi sát diễn biến thời tiết, xây dựng kịch bản ứng phó bão, mưa, lũ; cơ quan khí tượng, thủy văn thông tin sớm về mưa, lũ sau bão số 7 và bão Kompasu; xác định khu vực nguy hiểm trên biển để hướng dẫn tàu, thuyền… Bên cạnh đó, tăng cường thông tin, truyền thông đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động ứng phó bão và dịch Covid-19; duy trì lực lượng cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu, xử lý khi có yêu cầu; tăng cường lực lượng, tổ chức trực ban phòng, chống thiên tai 24/24 giờ.

Chiều cùng ngày, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia PCTT ban hành Công văn số 464/VPTT gửi các tỉnh miền núi phía bắc chủ động ứng phó tình hình mưa, lũ. Trong đó, chú ý đối với những khu vực tổ chức sơ tán dân phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp tình hình cụ thể tại địa phương. Tổng cục PCTT cũng ban hành Công văn số 1087/ PCTT-QLĐĐ gửi sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh về việc triển khai công tác bảo đảm an toàn đê điều ứng phó bão Kompasu chuẩn bị đi vào Biển Đông. Theo đó, tổ chức kiểm tra các tuyến đê biển, đê cửa sông, triển khai phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu; gia cố các vị trí đê, kè có nguy cơ mất an toàn trước khi bão số 8 đổ bộ.

Ban Chỉ đạo quốc gia PCTT cho biết, tính đến chiều 11/10 đã có các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế duy trì việc cấm biển. Các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nam Định, Hà Tĩnh và từ Đà Nẵng đến Phú Yên kiểm soát chặt chẽ tàu, thuyền (chỉ đánh bắt ven bờ và hoạt động ở các khu vực dự kiến ngoài vùng ảnh hưởng của bão).

Để bảo đảm an toàn cho các khu vực dân cư khi xảy ra thiên tai trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các huyện miền núi chủ động rà soát, cập nhật phương án theo hướng tăng cường sơ tán tại chỗ, hạn chế sơ tán tập trung. Tỉnh cũng ban hành tình huống khẩn cấp về thiên tai để triển khai thực hiện đầu tư khu tái định cư tập trung, phục vụ di dời khẩn cấp các hộ dân ở khu vực có nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở đất tại khu Co Hương, bản Ngàm, xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn.

Ngày 11/10, do ảnh gió mùa đông bắc mạnh từ phía bắc tràn xuống, kết hợp với tác động của hoàn lưu vùng áp thấp suy yếu từ bão số 7 đã gây mưa lớn, kéo dài ở Lào Cai, làm sạt lở, ách tắc giao thông nhiều tuyến đường ở địa phương. Ước tính tổng thiệt hại khoảng 2,3 tỷ đồng. Tỉnh đã chỉ đạo huy động lực lượng tại chỗ giúp người dân khắc phục hậu quả mưa, lũ để ổn định cuộc sống và sản xuất.

Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã xảy ra mưa lớn làm sạt lở nhiều tuyến đường. Cụ thể, hàng trăm mét khối đất đá đã sạt xuống các tuyến đường 433, huyện Đà Bắc; đường 435b, huyện Cao Phong… Đặc biệt, tại TP Hòa Bình, đoạn Km69+950 thuộc địa phận phường Trung Minh, một lượng đất đá sạt xuống quốc lộ 6 gây ách tắc các phương tiện tham gia giao thông. Tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng tập trung khắc phục hậu quả thiên tai.

Theo Tổng cục PCTT, lực lượng hộ đê huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đã hoàn tất việc gia cố, tu bổ đoạn đê bị sạt trượt khoảng 20 m dài do mưa lớn gây ra. Theo thống kê ban đầu, mưa lớn kéo dài đã làm hàng nghìn héc-ta lúa bị ngã đổ, nhiều nhất tại huyện Kiến Xương với khoảng hơn 3.000 ha. Còn tại Hải Phòng, mưa kèm gió lớn đã làm gần 4.000 ha lúa vụ mùa sắp tới kỳ thu hoạch bị ngã đổ. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tập trung hỗ trợ nhân dân thu hoạch lúa, hoa màu.

Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Yên Bái cho biết, tại địa phương vừa xảy ra vụ việc hai người ở huyện Trạm Tấu mất tích do bị nước lũ cuốn trôi. Ngay sau khi nhận được thông tin, huyện đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan huy động lực lượng cứu hộ gồm 150 người để tìm kiếm các nạn nhân. Do nước lũ lớn, chảy xiết nên đến chiều 11/10, lực lượng chức năng vẫn chưa tìm thấy các nạn nhân.

Theo Báo Nhân Dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới