Tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mời gọi đầu tư tài chính xuất hiện nhiều trên mạng xã hội. Các phương thức lừa đảo thông qua "đầu tư tài chính" thường dựa trên mô hình kinh doanh đa cấp nhưng bị biến tướng. Các sàn đều được quảng cáo có nguồn gốc từ nước ngoài, cam kết người chơi sẽ được hưởng mức lãi suất cao, an toàn, có thể rút vốn bất kỳ lúc nào, không cần đầu tư trí tuệ, thời gian khiến nhiều người tham gia dưới hình thức đầu tư. Để tạo uy tín, ban đầu việc trả lãi hay hoa hồng diễn ra đúng hạn.
Thủ đoạn chung của các đối tượng là tạo tài khoản Facebook "ảo" với hồ sơ cá nhân giàu có, công việc ổn định rồi kết bạn, làm quen. Sau đó, đối tượng thường xuyên nhắn tin chia sẻ, hỏi han, quan tâm và lôi kéo nạn nhân tham gia đầu tư tiền ảo trên một số sàn giao dịch (trên điện thoại di động) để kiếm số tiền lợi nhuận lớn. Để tạo lòng tin, các đối tượng lừa đảo còn hỗ trợ nạn nhân tiền để tham gia đầu tư.
Khi nạn nhân đã tin tưởng, các đối tượng lừa đảo dẫn dụ người chơi bỏ ra số tiền đầu tư lớn. Nạn nhân sẽ nhận được lợi nhuận vài lần giao dịch với số tiền đầu tư nhỏ. Tuy nhiên, khi các nạn nhân đầu tư số tiền lớn thì những kẻ lừa đảo lại đưa ra nhiều lý do nhằm chiếm đoạt tiền của nạn nhân.
Vừa qua, anh Trần Minh Đức (quận Đống Đa, Hà Nội) kết bạn với một người tên Yến Vy từ mạng xã hội Facebook. Vy chia sẻ với Minh Đức có anh trai sống bên Hàn Quốc với kinh nghiệm 10 năm đầu tư tài chính và là nhân viên của trang Hana Bank- Nền tảng tài chính quốc tế online.
Ngày 4/5 vừa qua, Vy chủ động tạo cho Minh Đức một tài khoản giao dịch trên ứng dụng và chỉ cần làm theo lời Vy thì có thể kiếm tiền lãi từ 10% đến 20% tùy vào số tiền mỗi lần đầu tư nhiều hay ít. Trong quá trình giao dịch sẽ được anh của Vy gửi mã tốt nhất. Tin tưởng Vy, Minh Đức thử giao dịch số tiền ban đầu là 25 triệu đồng và nhận được số tiền lời 2,5 triệu đồng.
Ngày hôm sau, Minh Đức giao dịch với tiền lớn hơn là 150 triệu đồng và nhận khoản tiền lãi 15 triệu đồng về tài khoản cá nhân. Và mỗi lần chơi chỉ cần khoảng 15 phút là rút được cả gốc lẫn lãi. Chơi được 6 lần và thu về tiền lãi khoảng 50 triệu đồng. Sau khi thấy Minh Đức bắt đầu "cắn câu", Vy chủ động nói với Minh Đức sẽ chơi với số tiền lớn là hơn 1 tỷ đồng. Khi đang tiến hành giao dịch thì bảo hết giờ chơi.
Ngày hôm sau Vy nói là đã nộp thêm cho Minh Đức 50 triệu đồng để gia hạn 3 ngày và để giữ được số tiền đó thì phải bỏ thêm 300 triệu đồng vì đã nâng cấp lên thẻ Vip1 sau đó mới rút được về cả gốc lẫn lãi. Tới lúc này, anh Minh Đức đã biết mình bị lừa nên đành chấp nhận bỏ cuộc.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Phụng (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), một nhân viên văn phòng, lên mạng hẹn hò Tinder kết bạn với một người tên gọi là Sam. Sam tự giới thiệu là người Việt sinh sống tại Singapore; đã có vợ và 2 con, nhưng gia đình anh đều mất trong một vụ tai nạn xe hơi.
Hiện Sam kinh doanh phòng tập gym và đầu tư thêm bên ngoài. Sam và Phụng trò chuyện mỗi ngày. Sam tỏ ra là mẫu người đàn ông trí thức, thấu hiểu và chia sẻ. Sam nói anh đang làm đầu tư và thường khoe với Phụng thành tích đầu tư mỗi ngày. Sam chia sẻ thiện ý muốn giúp Phụng kiếm thêm thu nhập bằng cách đầu tư tài chính. Ban đầu, Phụng tỏ ý không thích loại hình này. Nhưng Sam thuyết phục chỉ cần theo cách anh chỉ thì Phụng sẽ an toàn. Sam đưa cho Phụng đường link để tải ứng dụng giao dịch có tên sàn Free Swap.
Tin tưởng Sam, chị Phụng tạo một tài khoản giao dịch trên ứng dụng và chỉ cần làm theo lời Sam thì có thể kiếm tiền dễ dàng. Trong quá trình giao dịch sẽ có bộ phận chăm sóc khách hàng hướng dẫn trên ứng dụng, hỗ trợ việc mua và bán ngoại tệ, đổi tiền và rút tiền về tài khoản của mình. Ban đầu Phụng thử giao dịch số tiền nhỏ ban đầu là 12,2 triệu đồng (500 USD) và nhận được số tiền lời 2,5 triệu.
Ngày hôm sau, Phụng giao dịch với tiền lớn hơn là 122 triệu đồng (5.000 USD) và nhận khoản tiền lời 15 triệu đồng về tài khoản cá nhân. Sau đó, Sam nói Phụng muốn có khoản lời lớn hơn thì nâng cấp lên thẻ VIP, vì sẽ có nhiều ưu đãi và phúc lợi tiền thưởng qua đêm. Sam bảo sẽ hỗ trợ và nạp thêm tiền nếu chị Phụng không đủ. Tin lời, Phụng đăng ký thẻ VIP1, hạn mức 150.000 USD (tương đương 3,6 tỷ đồng).
Theo đó, Phụng chuyển tiền vào tài khoản của sàn hơn 700 triệu đồng (tương đương 30.000 USD) và được thưởng 3.000 USD thêm vào tài khoản giao dịch của mình. Sam chỉ cho Phụng tiếp tục giao dịch và tiền lời vẫn đổ về tài khoản của Phụng trên sàn... Cùng lúc, Sam nạp thêm 15.000 USD vào tài khoản trên sàn của Phụng. Không mảy may, Phụng nạp thêm tiền vào các ngày sau cho đủ hạn mức VIP1. Tổng số tiền chị chuyển trong 2 ngày là hơn 1 tỷ đồng.
Tuy nhiên, vào ngày hôm sau, Phụng thấy bất an vì Sam cứ hỏi chị xoay tiền nạp thêm và nói nếu nạp không đủ thì sẽ mất hết số tiền đã bỏ vào trước đó. Biết mình bị lừa, Phụng tìm đến cơ quan công an trình báo.
Cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân tuyệt đối không tham gia đầu tư vào các trang web đầu tư tài chính khi chưa tìm hiểu kỹ về phía người chủ quản hoặc công ty chủ quản quản trị trang, cũng như không tham gia vào các trang kêu gọi đầu tư tiền ảo, các sàn giao dịch tiền ảo, bởi toàn bộ các trang và các hoạt động đầu tư này không được Nhà nước Việt Nam thừa nhận, cấp phép.
Cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân tuyệt đối không tham gia đầu tư vào các trang web đầu tư tài chính khi chưa tìm hiểu kỹ về phía người chủ quản hoặc công ty chủ quản quản trị trang, cũng như không tham gia vào các trang kêu gọi đầu tư tiền ảo, các sàn giao dịch tiền ảo, bởi toàn bộ các trang và các hoạt động đầu tư này không được Nhà nước Việt Nam thừa nhận, cấp phép.
Nếu tham gia đầu tư, người đầu tư sẽ đứng trước rủi ro rất lớn, có thể bị chiếm đoạt, mất toàn bộ tiền đầu tư. Người dân có thể tìm hiểu về các app, dịch vụ, sản phẩm đầu tư của các công ty quản lý quỹ được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép tại website của các công ty quản lý quỹ.
Khi nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần đến cơ quan công an trình báo để được giải quyết theo quy định của pháp luật. Chính vì vậy người dân cần phải hết sức cảnh giác và thận trọng trước các lời mời về đầu tư tài chính trên các mạng xã hội, website,... để tránh trở thành "miếng mồi ngon" cho những kẻ lừa đảo.
Trong năm 2022, Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam tại địa chỉ canhbao.khonggianmang.vn, trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông ghi nhận 12.935 trường hợp lừa đảo trực tuyến, với 2 loại hình lừa đảo chính gồm lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân và lừa đảo tài chính. Việc lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân cũng là bước đệm để tiếp nối cho việc lên kịch bản thực hiện lừa đảo tài chính.
(Nguồn: Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!