Trong thời đại công nghệ 4.0, mạng xã hội trở nên không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày của nhiều người. Mỗi ngày qua đi, mạng xã hội lại liên tục bổ sung công nghệ mới, tiện ích hơn, trở thành kênh quan trọng, thúc đẩy quá trình giao tiếp, lan tỏa thông tin, kết nối con người với nhau một cách dễ dàng, nhanh chóng. Tuy nhiên, mặt trái của mạng xã hội đang tạo ra nhiều hệ lụy đối với người sử dụng khi nó lan truyền khối lượng thông tin giả khổng lồ.
Mạng xã hội facebook được nhiều người quan tâm sử dụng.
Hiện nay, có rất nhiều trang mạng xã hội được sử dụng phổ biến, như: facebook, zalo, instargram, tiktok... không chỉ để chia sẻ, kết nối thông tin mà còn được nhiều cơ quan, đơn vị và người dân khai thác, ứng dụng trong công việc một cách hiệu quả ở các lĩnh vực, như: quảng bá tiềm năng, thế mạnh về du lịch của địa phương; công tác đảm bảo an ninh trật tự; kết nối trong công tác giáo dục, kết nối công tác từ thiện nhân đạo, an sinh xã hội... Bên cạnh đó, rất nhiều người dân cũng đã sử dụng mạng xã hội để phục vụ công việc của gia đình như chia sẻ thông tin, học tập kinh nghiệm làm ăn, quảng bá hình ảnh, các sản phẩm đặc sản của địa phương. Anh Bùi Văn Thuyết, chủ cơ sở homestay Thuyết Lợi cũng là người thành lập và quản lý tài khoản fanpage “Homestay Thuyết Lợi”, cho hay: Từ khi thành lập trang fanpage, đến nay đã có hơn 1.000 lượt người theo dõi. Thông qua trang fanepage này, chúng tôi có thể đăng tải, chia sẻ những hình ảnh về cơ sở homestay của gia đình, giúp cho khách hàng có thể chia sẻ thông tin và hiểu rõ hơn về những dịch vụ homestay của chúng tôi. Facebook, zalo hay một số loại hình mạng xã hội khác nếu biết cách khai thác, sử dụng một cách chừng mực, thông minh chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều cho mỗi cá nhân.
Chị Hoàng Thị Thắm, chủ cửa hàng rau, củ quả an toàn tại chợ 7/11, chia sẻ: Thông qua mạng xã hội facebook, tôi có thể đăng tải hình ảnh những sản phẩm rau củ, quả tới nhiều người. Đồng thời, cũng có thể hướng dẫn các khách hàng lựa chọn các sản phẩm sạch, an toàn. Nhờ vậy, lượng khách mua hàng cũng đông hơn, giúp tôi bán được nhiều hàng hơn.
Tuy nhiên, đối với một số người dân nhận thức còn hạn chế, thì mạng xã hội lại trở thành công cụ để họ đăng tin không đúng sự thật. Trong thời điểm cả nước đang gắng sức chống lại dịch bệnh Covid-19 thì những thông tin sai lệch, thiếu chính xác do một số đối tượng thiếu ý thức đã tự ý đăng tải lên các trang mạng xã hội, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, gây hoang mang cho người dân. Một số đối tượng sử dụng hình ảnh của một các lực lượng chức năng để chế giễu, bôi nhọ, xúc phạm... làm xấu đi hình ảnh của cán bộ, công chức. Bởi họ cho rằng, mạng xã hội chỉ là ảo, nên không thể tìm ra nguồn gốc người đăng và cũng không phải chịu trách nhiệm về những phát ngôn, hành vi của mình. Cũng có người thực hiện những hành vi đó chỉ để câu view, tìm kiếm thêm lượt tag (thẻ) để sử dụng vào mục đích bán hàng online... Qua xác minh, điều tra từ đầu năm đến nay các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Sơn La đã phối hợp xử lý 42 đối tượng có hành vi đưa thông tin, bài viết, video xuyên tạc, sai sự thật; nói xấu, bôi nhọ lực lượng CAND trên mạng xã hội. Trong đó, xử lý hành chính 24 trường hợp; nhắc nhở, răn đe 18 trường hợp. Yêu cầu gỡ bỏ 38 bài viết xuyên tạc, sai sự thật liên quan đến các vụ việc xảy ra tại xã Đồng Tâm, dịch bệnh Covid-19 và bôi nhọ lực lượng CAND. Với tổng số tiền xử phạt trên 176 triệu đồng.
Thượng Tá, Tô Xuân Hoàng, Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Sơn La, cho biết: Nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong việc sử dụng mạng xã hội, thời gian tới Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh sẽ phối hợp với các cơ quan, phòng, ban cùng các tổ chức đoàn thể trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của Đảng, nhà nước liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội. Trọng tâm là Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng; Đẩy mạnh tuyên truyền về âm mưu, phương thức, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phần tử xấu, các loại tội phạm lợi dụng không gian mạng để xâm phạm An ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; Tăng cường công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về an ninh, an toàn thông tin trên không gian mạng.
Có thể thấy, mạng xã hội chính là một bức tranh phản ánh muôn sắc màu của cuộc sống. Tuy nhiên, chúng ta cần phải có trách nhiệm hơn nữa để tránh với những thông tin, nội dung không chính xác được đăng tải. Đồng thời, luôn tìm hiểu thêm những kênh thông tin chính thống để tiếp nhận thông tin. Qua đó, sẽ góp phần tạo được sự lan tỏa về trách nhiệm sử dụng mạng xã hội, cũng như bổ sung thêm các thông tin hữu ích cho bản thân và mọi người xung quanh. Chúng ta hãy là người tiếp nhận và chia sẻ thông tin một cách có trách nhiệm để tự bảo vệ mình và tuân thủ pháp luật.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!