Sơn La triển khai Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất

Thực hiện Quyết định số 2451- QĐ-TTg ngày 27/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020, tỉnh Sơn La đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án, huy động sự vào cuộc của chính quyền các cấp trong việc chuyển đổi, nâng cao chất lượng truyền dẫn, phát sóng các chương trình truyền hình quốc gia và địa phương.

 

 

Ảnh minh họa

 

Theo Đề án, từ nay đến hết năm 2020, Sơn La sẽ thực hiện chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số theo hướng hiện đại, hiệu quả, thống nhất về tiêu chuẩn và công nghệ, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cao hiệu quả sử dụng tần số truyền hình. Cung cấp các dịch vụ truyền hình đa dạng, phong phú, có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xem truyền hình của nhân dân, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, mục đích tuyên truyền, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

 

Ông Nguyễn Quốc Trung, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, cho biết: Thực hiện Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất theo lộ trình của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến hết năm 2020, Sở Thông tin và Truyền thông đã tiến hành rà soát, xác định cụ thể vùng được hỗ trợ, lên danh sách các hộ gia đình chính sách trên địa bàn thuộc vùng hỗ trợ đầu thu truyền hình số trên địa bàn tỉnh, trình UBND tỉnh phê duyệt để tiến hành hỗ trợ bà con chuyển đổi công nghệ đầu thu. Theo đó, tỉnh Sơn La hiện có 9 xã, phường, thuộc vùng hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất và 149 xã, thị trấn thuộc vùng hỗ trợ đầu thu truyền hình số vệ tinh trên tổng số 204 xã phường, thị trấn.

 

Theo kế hoạch của UBND tỉnh, việc triển khai đề án phải được thực hiện đồng bộ, kịp thời, phù hợp với lộ trình số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 của Chính phủ. Đẩy mạnh thực hiện công tác thông tin tuyên truyền sâu rộng về Đề án bằng nhiều hình thức truyền thông trực tiếp và truyền thông gián tiếp, đảm bảo không để bị xáo trộn khi chấm dứt truyền hình tương tự. Hỗ trợ đầu thu kỹ thuật số cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố với Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh trong việc triển khai thực hiện chuyển đổi công nghệ số truyền hình.

 

Ông Nguyễn Quốc Trung cho biết thêm: Trong thời gian tới, để kịp thời chuyển đổi số hóa truyền hình mặt đất, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc triển khai kế hoạch hỗ trợ đầu thu truyền hình số miễn phí trên địa bàn. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc lưu thông các thiết bị thu truyền hình số, đảm bảo các doanh nghiệp cung cấp đầu thu thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước về dán nhãn hàng hóa, dấu hợp quy trên các máy thu hình và đầu thu truyền hình số. Dự kiến trong năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thực hiện hỗ trợ khoảng 619.000 STB (đầu thu giải mã tín hiệu) cho các hộ nghèo, cận nghèo tại địa bàn thuộc vùng phủ sóng của các trạm phát lại truyền hình tương tự mặt đất của các tỉnh nhóm II, III và tại địa bàn thuộc vùng phủ sóng truyền hình tương tự mặt đất của 15 tỉnh nhóm IV. Tổng kinh phí thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ STB đến hết năm 2020 dự kiến khoảng 1.212,4 tỷ đồng/ tổng số 1.710 tỷ đồng.

 

Theo kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông, việc triển khai Đề án số hóa truyền hình mặt đất sẽ hoàn thành cơ bản vào ngày 30/11/2020. Đến ngày 31/2020, Thủ tướng Chính phủ sẽ chính thức công bố việc tắt sóng truyền hình analog trên cả nước. Với những ưu điểm vượt trội so với truyền hình analog, trong những năm qua, truyền hình số mặt đất đã phát triển mạnh mẽ trên thế giới và đang được triển khai thực hiện ở Việt Nam. Việc thay thế hoàn toàn truyền hình mặt đất analog bằng công nghệ truyền hình số trên toàn thế giới sẽ diễn ra trong tương lai không xa. Do đó, việc số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất ở địa phương là một chủ trương đúng đắn, mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân và xã hội. 

 

Đối với những hộ gia đình đang sử dụng tivi đã mua từ những năm trước, chưa tích hợp bộ thu tín hiệu truyền hình số thì chỉ cần đầu tư thêm một đầu thu tín hiệu truyền hình số mặt đất chuẩn DVB-T2 là có thể thu được tất cả các các kênh truyền hình thiết yếu. Các tivi được sản xuất và nhập khẩu sau ngày 1/4/2015 tại Việt Nam phải được tích hợp sẵn bộ thu truyền hình số thể hiện qua việc dán logo biểu trưng số hóa truyền hình trên sản phẩm. Khi thực hiện số hóa, những hộ gia đình sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền như: truyền hình cáp và truyền hình vệ tinh sẽ không bị ảnh hưởng.

 

Việc số hóa truyền hình mặt đất nhằm mang lại nhiều lợi ích cho người xem truyền hình, nhất là những vùng lõm, vùng có điều kiện thu sóng còn nhiều khó khăn, mang lại cơ hội xem truyền hình cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở những vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, đem lại nhiều lợi ích chung cho xã hội với số lượng kênh chương trình truyền hình nhiều hơn, âm thanh và hình ảnh sắc nét, trung thực, có nhiều khả năng cung cấp nhiều dịch vụ truyền hình khác nhau, trên nhiều loại thiết bị di động... phục vụ nhu cầu của người dân mọi lúc mọi nơi, bảo đảm tiết kiệm năng lượng, nguồn tài nguyên tần số quốc gia.

 

Lam Giang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới